Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cạn cùng của tuyệt vọng.


chomoi daihiep quangnamChợ mới Đại Hiệp, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam.

Lần đầu tiên một vụ tự thiêu có liên quan đến tranh chấp giữa người dân và chính quyền được loan tải công khai trên mặt báo.

Tin tức của nhiều tờ báo cùng lúc đăng sự việc này nhưng nếu chịu khó phân tích sẽ thấy chỉ do một nguồn cung cấp, tuy vậy cũng có vài tờ báo cố lách một chút để người đọc thấy tờ mờ sự việc phía sau vụ tự thiêu hiếm hoi này. Người tự thiêu vào buổi sáng 31 tháng 1 là chị Nguyễn Minh Tân, tự đổ dầu lửa lên thân mình và châm lửa tại khuôn viên chợ Đại Hiệp huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam.

Theo báo Đời sống Pháp luật trích lời Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: "Có một số thông tin không chính thống cho rằng vụ việc bà T tự thiêu có liên quan đến vấn đề di dời chợ mới Đại Hiệp. Tuy nhiên, việc này không đúng vì đại bộ phận bà con tiểu thương đều đã thống nhất với chủ trương và đã di dời vào chợ mới từ ngày 29/1".

Ông Dũng cho biết thêm: "Đăng ký ban đầu dự kiến có 150 tiểu thương vào chợ mới, nhưng hiện đã có 186 tiểu thương vào chợ mới ổn định việc buôn bán. Mặc khác, bà T không phải là tiểu thương tại chợ Đại Hiệp nên không có chuyện bà này tự thiêu để phản đối chủ trương di dời vào chợ mới”.

Trang tin điện tử Baomoi.com cho biết thêm chi tiết vể tranh chấp này: Khoảng cuối năm 2014, chợ mới Đại Hiệp xây dựng xong với kinh phí đầu tư hơn 55 tỉ đồng nhưng các tiểu thương chưa chuyển vào bán và bày tỏ bức xúc. Nguyên nhân là do trước đó các nhà quản lý yêu cầu mỗi tiểu thương phải nộp 10 triệu đồng tiền giữ chỗ và tăng thu phí chợ lên 500 nghìn đồng/tháng, trong khi buôn bán ở chợ cũ họ chỉ phải đóng tiền thuế mỗi tháng 35 - 40 nghìn đồng”.

Còn báo Người Lao Động thì chi tiết hơn khi viết: “Theo nhiều tiểu thương, cách làm của chủ đấu tư cũng như địa phương mang tính áp đặt, không trên cơ sở tự nguyện của tiểu thương và người dân địa phương. Chợ có thiết kế không hợp lý. Đặc biệt, họ không đồng ý chủ trương thu hồi diện tích đất tại địa điểm chợ cũ để giao cho tư nhân xây dựng trung tâm thương mại và phân lô bán.”

Đọc những bài báo vừa liệt kê người không biết gì có thể hiểu lờ mờ rằng chị Tân tự thiêu vì dời chợ làm cho đời sống của gia đình thêm khó khăn. Nhưng tại sao bao nhiêu người khó khăn hơn chị lại không tự thiêu mà chỉ có mình chị? Chị nghèo cỡ nào để có thể không tiếc sinh mạng khi bị đập bể nồi cơm hay còn một lý do nào đó mà báo chí hoặc không biết, hoặc biết mà không dám nói?

Và không khó lắm đâu nếu một người bình thường biết sử dụng computer và hệ thống Internet sẽ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân phía sau vụ tự thiêu này. Chỉ cần đánh “tự thiêu ở Đại Hiệp” là sẽ có kết quả.

Thật vậy kết quả hiện ra gồm 208 ngàn bản tin trong đó bản tin của RFA dẫn đầu vì đã loan tải đầu tiên về sự việc này. Với cái tựa “Một phụ nữ tự thiêu ở Quảng Nam” bản tin ngắn đã đưa ra đầy đủ chi tiết về vụ tự thiêu của chị Tân qua lời nhân chứng là anh Lê Đức Triết, anh kể với RFA như sau:

-Chị đó là chị Tân chỉ đại diện cho bà con tiểu thương chợ Đại Hiệp, được sự ủy quyền của bà con đi khiếu kiện tại Hà Nội về cái việc dời chợ, chợ cũ vào chợ mới. Chỉ bỏ công việc ở nhà, bỏ gia đình ra Hà Nội khoảng 3 tháng. Bằng nhiều cách đã đưa được những thông tin trên báo đài của nhà nước như VTV1, VTV6 hay VTC14 và đồng thời có một công văn của Ban Tiếp dân Quốc hội chỉ đạo cho UBND tỉnh Quảng Nam ngưng cưỡng chế và tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của dân rồi sau đó báo cáo lại Trung ương mới tiếp tục.

Chỉ mang công văn đó về thì không ngờ khi về đến chợ thì có một số bà con chỉ một vài người không đồng ý còn phần lớn bà con thì đã âm thầm ký kết với chính quyền đồng ý dời chợ. Những ngày vừa qua theo em được biết thì công an đang truy lùng chỉ vì có những tố cáo là chỉ xúi dục khiếu kiện cho nên truy bắt. Trong hai hôm trốn tại Đà Nẵng chỉ có gặp em, em mới nói là chuyện đâu còn có đó có gì để xem thế nào đã, bây giờ chị có được cái gì đâu? Thật ra chị Tân là người buôn bán rất nhỏ ở chợ thôi chứ không có quầy sạp gì hết. Chỉ do bà con tin tưởng tín nhiệm mà làm thôi.

Em có nói người ta đã đồng ý người ta dời vào thì chị có làm gì cũng vậy à, không được gì mà còn mất công nữa, em khuyên chỉ như thế nhưng không hiểu sao sáng nay chỉ lại châm lửa ngay giữa chợ tự thiêu. Theo tình hình thương tích em nhận được thì chỉ rất là nặng có thể không qua khỏi.

Với hơn 1.400 lần share, bản tin như tiếng sét đánh vào lòng người lương thiện. Bản tin nhanh và cụ thể này cho thấy sức mạnh của truyền thông lề trái (nhà nước luôn gọi BBC, VOA, RFI, và RFA là lề trái, là phản động, và hàng tá thứ “là” khác) đối với báo chí chính thống như thế nào.

Hãy tạm không nói về truyển thông mà thử xem xét những yếu tố khác chung quanh việc tự thiêu này, có lẽ sẽ phát hiện thêm nhiều mảng tối khác.

Lý do dẫn đến sự tự thiêu của chị Tân rõ ràng là từ sự tuyệt vọng khi cảm thấy bị phản bội. Là người nghèo nhất vì không có nổi một gian hàng trong chợ, chị không có lý do gì để mà bất mãn đến độ tự giết mình. Bảy tháng trời đeo đuổi khiếu kiện tại Hà Nội để giúp cho 150 hộ của chợ cũ Đại Hiệp, với danh nghĩa là người đại diện tiểu thương, chị bôn ba từ cơ quan này sang cơ quan khác để cuối cùng khi cầm tờ giấy tạm hoãn thi hành việc di dời chợ của Ban Tiếp dân Quốc hội thì mới vỡ lẽ đồng nghiệp, đồng chí, đồng bào của chị đã âm thầm đi đêm với nhà nước, đâm một nhát chí mạng vào lưng người đàn bà cả tin này.

Chị tuyệt vọng nhưng có thể chưa chắc muốn chết. Động cơ của công an dồn chị vào đường cùng mới là nguyên nhân gây ra thảm kịch.

Lời của nhân chứng không có lý do gì để thêm hay bớt. Nhân chứng kể lại và ý thức việc mình kể nguy hiểm đến mức nào nếu không đúng sự thật. Chị Tân ghé thăm và nói chuyện nên nhân chứng mới biết từng chi tiết cụ thể đến vậy. Đọc bản tin thật khó cầm lòng khi thấy một phụ nữ hiền lành chất phác vùng quê Quảng Nam lại có thể bị chính đồng hương và chính quyền của chị phản bội.

Bài học này liệu có giúp gì được cho những người đang theo đuổi lý tưởng tranh đấu cho dân oan, cho người mất đất khắp nơi trên cái phần đất nước rách bươm này?

Liệu người dân có đủ sáng suốt để nhìn người lương thiện nếu chính quyền đem một bó tiền để đốt cháy sự chính trực trong mỗi con người Việt Nam kia?

Bó đuốc Nguyễn Minh Tân có thể sẽ soi cho người khác thấy những rắn rít trên con đường mình đi, qua sự phản bội điển hình của bạn bè kế cận, nhưng hầm hố ngụy trang như thời chiến tranh chống Pháp của chính quyền thì làm sao thấy đây, hỡi những chị đàn bà nhẹ dạ?

Switch mode views: