Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Một quyết định nhân đạo của Tổng thống Pháp gây làn sóng bất bình

FRANCE-MIGRATION



Tổng thống Pháp François Hollande phát biểu về vụ Leonarda, 19/10/2013
REUTERS


Mười ngày sau vụ Leonarda, một nữ sinh người du mục Rom cùng gia đình không giấy cư trú bị Pháp trục xuất về Kosovo gây bất bình một phần công luận, nhất là cánh tả và giới trẻ, Tổng thống François Hollande đích thân đề nghị cho cô gái 15 tuổi trở lại Pháp để theo học. Tuy nhiên, giải pháp này không làm hài lòng một ai, kể cả Leonarda.

Sau 10 ngày im lặng, hôm qua 19/10/2013, đích thân Tổng thống Pháp từ Điện Elysée lên tuyến đầu để trấn an công luận, nhất là giới học sinh, sau vụ trục xuất Leonarda Dibrani.

Sự kiện cô gái học trò 15 tuổi bị chận bắt trong giờ học dã ngoại và bị trục xuất khẩn cấp cùng với gia đình thuộc diện nhập cư bất hợp pháp, đã gây một làn sóng phản đối.

Hàng ngàn học sinh thủ đô xuống đường đòi chính phủ phải « trả lại » Leonarda và một học sinh người Armenia đang học lớp 12 cũng bị trục xuất trước đó vài hôm.

Trường hợp Leonarda đã làm công luận bất bình nhiều nhất, vì cảnh sát can thiệp trong giờ học, trong khuôn khổ học đường.

Thế nhưng, thay vì chỉ đưa ra một thông cáo chính thức, Tổng thống Hollande đã phát biểu một cách long trọng :
 "Nếu Leonarda xin trở lại Pháp thì cô sẽ được đón tiếp và một mình cô thôi", không có gia đình.

Động thái của Tổng thống Pháp tưởng đâu sẽ trấn an được mọi phía. Nào ngờ, ngay lập tức, từ Kosovo, Leonarda bác bỏ đề nghị của lãnh đạo Pháp « không trở lại Pháp một mình, không đi học một mình vì còn 5 đứa em cũng đi học ».

Cha của Leonarda cũng tỏ thái độ tức giận. Qua truyền hình Pháp đến tận nơi làm phóng sự, ông đe dọa « bằng mọi cách kể cả bạo lực » sẽ đưa toàn gia đình trở lại Pháp.

Điều trớ trêu khác cho Tổng thống Hollande là đề nghị chỉ cho phép « một mình Leonarda trở lại Pháp » cũng bị giới chính trị và công luận từ cực tả đến cực hữu và ngay bên trong nội bộ đảng Xã Hội, chỉ trích.

Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls nhận định, « cử chỉ của Tổng thống là cử chỉ rộng lượng cho Leonarda, nhưng gia đình của cô gái sẽ không (được) trở lại Pháp ».

Tuy Bộ Nội vụ khẩn cấp ra thông tư chỉ thị cảnh sát tôn trọng học đường, kể cả sinh hoạt « ngoài giờ học » nhưng có đến 74% dân Pháp ủng hộ lập trường cứng rắn của Bộ trưởng Nội vụ trong vấn đề trục xuất này.

Tổng thống Hollande muốn chứng tỏ chính sách chống di dân nhập cư trái phép vừa cứng rắn, nhưng cũng vừa nhân đạo.
Thế nhưng, lập trường của ông bị lên án vừa thiếu cứng rắn vừa bất nhân.

Chủ tịch đảng cánh hữu UMP, François Copé cho rằng « Tổng thống đã đánh một đòn chí tử vào quyền lực của Nhà nước » và sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho phe cực hữu thêm điểm trong công luận.

Mặt Trận Quốc Gia, tức phe cực hữu, chụp ngay cơ hội này để chỉ trích Tổng thống Hollande « làm tổn hại luật pháp quốc gia ».

Phía cánh tả, những lời công kích cũng không kém nặng nề.
Đảng Công sản Pháp than phiền là ông Hollande « thiếu lòng nhân đạo », trong khi đảng cực tả do chính trị gia hùng biện Jean-Luc Mélenchon lãnh đạo cho rằng một nước nhân quyền như Pháp mà lại buộc một « bé gái 15 tuổi phải lựa chọn giữa gia đình và quyền đi học ở Pháp ».

Tổng thống Hollande cũng không được đảng Xã Hội ủng hộ. Thư ký thứ nhất Harlem Desir kêu gọi « phải cho toàn gia đình Leonarda trở lại Pháp ».

Câu hỏi đặt ra là tại sao Tổng thống Hollande lại không tiên liệu được hệ quả tai hại của động thái trung dung này ?

Theo giới phân tích, trong bối cảnh điểm tín nhiệm của cá nhân bị xuống thấp, chỉ còn 23%, ưu tư số một của chủ nhân Điện Elysée là làm sao đừng để cho giới trẻ xuống đường, làm thế nào tránh tiếng mất tin cậy vào vị Bộ trưởng Nội vụ mà uy tín che mờ người lãnh đạo quốc gia và thứ ba là thu hút cảm tình của cử tri cánh tả để chuẩn bị cho hai cuộc bầu cử gay go trong năm 2014 là bầu chính quyền thành phố và Nghị viện Châu Âu.

Tổng thống Pháp có lẽ đã thất bại trong nỗ lực dung hòa những thành tố mâu thuẫn này : Ông không làm hài lòng một ai và trở thành mục tiêu của mọi công kích có dụng ý chính trị.


Switch mode views: