Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hoa Kỳ và Trung Quốc kiểm soát 2 tỷ người kết nối internet

china-cyber

Chủ tịch tập đoàn Đằng Tấn (Tencent), ông Mã Hóa Đằng (Pony Ma) phát biểu tại Hội nghị Internet Thế giới, Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 07/11/2018.
REUTERS/Jason Lee

Nếu như Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc lớn nhất trên thế giới, thì quan niệm của hai nước về con người cũng như tầm nhìn kinh tế và chiến lược lại hoàn toàn khác nhau.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, số ra ngày 06/12/2018, kinh tế gia Christian Saint-Etienne, giảng dậy tại Trường Kỹ Nghệ Quốc Gia Pháp, cho rằng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa hai nước có thể đạt tới đỉnh điểm trong chưa đầy 5 năm tới.

Hưu chiến thương mại được ký kết giữa Donald Trump và Tập Cận Bình trong dịp thượng đỉnh G20 vừa qua liệu có xóa bỏ được sự ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc hay không ?

Xung đột thương mại giữa hai cường quốc chỉ là một trong số các yếu tố cạnh tranh chiến lược giữa hai nước.
Hoa Kỳ hiểu ra sai lầm mắc phải khi chấp nhận vào năm 2001 để cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO.

 Trung Quốc đã không áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc mở của thị trường và tiến hành đánh cắp công nghệ của phương Tây.
 Đồng thời, Trung Quốc trang bị một lực lượng hải quân hùng mạnh, phát triển nhanh nhằm kiểm soát tốt hơn biển Trung Hoa, đặc biệt là vùng Biển Đông, nơi tập trung những tuyến hàng hải vận chuyển tới 20% thương mại toàn cầu và có những mỏ dự trữ dầu lớn.

Trong cuộc truy đuổi này, Donald Trump đã không ngần ngại áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch và đòi xem xét lại các hiệp định (về tự do trao đổi mậu dịch, khí hậu, quân sự với NATO), cho dù gây bất lợi cho cả các đồng minh truyền thống như châu Âu.

Ông cho rằng Donald Trump và Tập Cận Bình có tính chính đáng làm lãnh đạo vì được bầu lên, nhưng họ lại thực hiện một chính sách tự sát chống lại chính người dân nước họ …

Nhân danh cuộc chiến chống tham nhũng, Tập Cận Bình thiết lập một thể chế độc tài, phá hủy sự cân bằng tinh tế về quyền lực mà Đặng Tiểu Bình, một trong những người tiền nhiệm, đã tạo dựng.
Tập Cận Bình phải cẩn thận nếu như tăng trưởng kinh tế của một đất nước có tới 1,4 tỷ dân, sẽ bị chậm lại.

Còn về phần Donald Trump, chính sách giảm thuế để thúc đẩy kinh tế và chủ trương bảo hộ mậu dịch, tuy có hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng trong trung hạn lại bấp bênh hơn..
Đợt giảm thuế thứ hai rất cần thiết mà ông ta mong muốn, sẽ vấp phải vấn đề thâm hụt ngân sách – điều này đã thấy rõ – và chắc chắn sẽ bị phe đa số Dân Chủ tại Hạ Viện bỏ phiếu chống.

Các loại thuế mới đánh vào thép và nhôm nhập khẩu sẽ tác động đến giá cả, nhất là giá xe hơi, bất lợi cho các tầng lớp bình dân.
Vấn đề là liệu các hệ quả này sẽ lộ rõ trước hay sau kỳ bầu cử tổng thống năm 2020 hay không ?

Ganh đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thể hiện qua việc làm chủ công nghệ số …

Trung Quốc đang khắc phục sự chậm trễ so với đối thủ Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Lĩnh vực này mang tính chiến lược rất cao vì tầm vóc chính trị (nhận dạng khuôn mặt được ứng dụng trong hệ thống tính điểm tín dụng xã hội, bóp nghẹt các quyền tự do công dân), kinh tế (phát triển người máy trong công nghiệp, giao dịch tài chính qua điện thoại di động), khoa học (y tế, công nghệ sinh học và công nghệ nano), quân sự (vệ tinh, tình báo).

Bản thân kinh tế số (iconomie) là một thách thức quan trọng. Trung Quốc và Hoa Kỳ, mỗi nước đang kiểm soát một tỷ người kết nối mạng, đang muốn thông qua công nghệ 5G để kiểm soát thêm một tỷ người nữa thuộc tầng lớp trung lưu.

Trung Quốc tiến hành khéo léo việc mua lại các doanh nghiệp kỹ thuật số trên thế giới.
 Trong lúc nhóm GAFAM của Mỹ (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft) xuất khẩu thương hiệu của mình, thì nhóm Bathx của Trung Quốc (Baidu – Bách Độ, Alibaba, Tencent – Đằng Tấn, Huawei – Hoa Vi và Xiaomi – Tiểu Mễ) lại kín đáo phát triển ra bên ngoài Trung Quốc.

Vậy châu Âu ra sao trong vòng xoáy cuồng nộ này ?

Liên Hiệp Châu Âu bị suy yếu và chia rẽ, ngày càng bị chậm trễ trong nhiều lĩnh vực : kinh tế, lĩnh vực số, khoa học, quân sự, không gian…
 Hiệp định Roma trù tính đến việc xây dựng châu Âu dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, điều này là đúng đắn trên thị trường hàng hóa và dịch vụ, nhưng lại bất lợi về thuế khóa và xã hội.

Như chúng ta thấy qua các twitt khá bất nhã của Donald Trump đối với tổng thống Macron, đã đến lúc châu Âu phải tỉnh ngộ.
 Để làm việc này, tôi cho rằng cần tạo lập, ngay từ những tháng tới, một nhóm nòng cốt các nước (Pháp, Đức, Áo, Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), quan tâm đến ý nguyện của người dân muốn bảo tồn bản sắc và chủ quyền quốc gia.

Những nước này sẽ có một ngân sách có thể nhanh chóng đạt mức từ 2 đến 3% tổng sản phẩm quốc nội (9000 tỷ euro), để khắc phục sự chậm trễ trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở và các công nghệ mang tính quyết định, như 5G, cho một tương lai gần.

 Nhóm nòng cốt này có thể thiết lập liên minh quân sự chặt chẽ với nước Anh hậu Brexit.
Trong viễn cảnh này, liệu cặp Pháp-Đức có hoạt động được không ?

Ngoài yếu tố mong manh về chính trị, Emmanuel Macron và Angela Merkel không có cùng quan điểm. Tháng Bẩy vừa qua, Peter Almaier, bộ trưởng Kinh Tế Đức, đã đề xuất nhanh chóng thành lập một tác nhân chiến lược Pháp-Đức trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và xe hơi tự hành.
Thế nhưng, Pháp không trả lời !

Đề nghị này vấp phải mong muốn lập một ngân sách chung cho vùng euro mà Emmanuel Macron đưa ra cách nay vài tháng.

Mục đích không phải là giúp châu Âu khắc phục sự chậm trễ trong cuộc cách mạng công nghiệp mới, mà chỉ là hỗ trợ các nước không cân đối được các khoản chi tiêu công.
Đức cũng như các nước Bắc Âu không chấp nhận đề xuất của Macron.

Thất bại này cũng thể hiện tại Pháp. Là người ủng hộ gây dựng một quốc gia khởi nghiệp, Emmanuel Macron sẽ chi ra 50 tỷ euro, tính tổng cộng trong cả nhiệm kỳ 5 năm, cho việc hủy bỏ thuế ở, chưa tính đến việc từ bỏ tăng thuế môi sinh hiện nay.

 Số tiền này lẽ ra nên đầu tư vào việc tái công nghiệp hóa và các vùng lãnh thổ để giảm bớt sự rạn nứt phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Và như vậy thì chính phủ có thể đã tránh được bạo lực của phong trào Áo Vàng.

(Christian Saint-Etienne, kinh tế gia theo chủ trương tự do, giảng viên Trường Kỹ Nghệ Quốc Gia Pháp, tác giả cuốn Trump và Tập Cận Bình, những kẻ học nghề non nớt - Observatoire, 11/2018).

Switch mode views: