Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ có 40 triệu người nghèo, cao nhất trong các quốc gia phát triển

Feed-the-Poor-Hoaky

Một chương trình cung cấp thực phẩm cho người nghèo ở Massachusetts. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)

GENEVA, Thụy Sĩ (NV) —  Kết quả một cuộc nghiên cứu của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, công bố hôm Thứ Năm ngày 22 Tháng Sáu, nói rằng có 40 triệu người Mỹ đang sống trong hoàn cảnh nghèo khó và có hơn một nửa trong số này ở vào tình trạng “cực kỳ” hoặc “hoàn toàn” nghèo khổ.

Theo hãng thông tấn UPI, bản báo cáo dài 20 trang của ông Phiip Alston, báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về tình trạng cực kỳ nghèo khổ và nhân quyền, nói rằng các chính sách của Mỹ làm lợi cho người giàu và khiến người nghèo phải khổ hơn.

“Nước Mỹ có mức chênh lệch giàu nghèo lớn nhất trong thế giới Tây Phương, và điều này sẽ còn bị làm trầm trọng hơn với các cắt giảm thuế lớn lao, đa số làm lợi cho người giàu,” ông Alston đưa ra nhận định đi kèm với bản báo cáo.
Bản báo cáo cho biết nhiều người trung lưu ở Mỹ đang “bên bờ vực,” và có 40% người lớn nói nếu có chi phí bất ngờ vào khoảng $400, họ cũng không có tiền chi trả.

Ông Alston chỉ trích chính phủ Donald Trump tạo tiếng xấu cho người nghèo khi phê bình rằng những người nhận trợ giúp từ chính phủ là thành phần lười biếng và phải làm việc.
Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc lại thấy rằng chỉ có 7% người nhận trợ giúp là không đi làm.

“Các số liệu thống kê dễ dàng có được cho thấy đại đa số người nhận trợ giúp, thí dụ như trong chương trình Medicaid, là đang đi làm, chiếm khoảng 50%, hay đang đi học, hay đang phải dùng toàn thời gian chăm sóc cho người khác,” theo ông Alston.

Bản báo cáo cũng chỉ trích chương trình cắt giảm thuế trị giá $1.5 ngàn tỷ của Tổng Thống Trump.
Ông Alston nói rằng việc giảm thuế này chỉ có lợi cho người giàu và làm cho hoàn cảnh người nghèo tệ hại hơn.

“Việc sửa đổi thuế sẽ làm tình hình hiện nay trầm trọng hơn và khiến xã hội Mỹ tiếp tục là xã hội có chênh lệch cao nhất trong các quốc gia phát triển của thế giới.”
Chính phủ Mỹ hôm Thứ Ba tuần này loan báo việc rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, để phản đối điều gọi là tinh thần bài bác Israel trong hội đồng.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, gọi bản báo cáo vừa công bố là có tính cách chính trị và có thiên kiến.
Bà cũng khuyên là hội đồng này nên điều tra tình trạng nghèo ở các nước như Burundi và Congo ở Phi Châu, cũng theo bản tin của UPI. (V.Giang)

Switch mode views: