Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hạt « nano » : Bạn hay kẻ thù của con người ?

colloidal nanoparticle
Hạt nano sunfua chì. Ảnh minh họa.Wikimedia Commons

Những năm gần đây người ta nói nhiều về hạt nano và các ứng dụng của chúng trong cuộc sống loài người.
Khen có mà chỉ trích cũng có.

Hạt nano hiện diện khắp nơi ngay cả trong các loại sản phẩm có thể tiếp xúc trực tiếp với cơ thể con người như thực phẩm hay mỹ phẩm.

Nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe con người vẫn chưa được biết đến. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi : « Có nên sợ hay không hạt nano ? ».

Thế giới « nano »

Vậy thật ra « hạt nano » là gì ?
Trả lời các câu hỏi của RFI Tiếng Việt, Jean-François Guillemols, giám đốc trung tâm nghiên cứu năng lượng mặt trời thuộc Tập đoàn Điện lực Pháp EDF và thành viên Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp CNRS có giải thích đơn giản như sau :

« Hạt nano phân tử là những hạt phân tử có kích thước của nanomét, tức bằng 1/100 kích thước một sợi tóc.
Một kích thước cực kỳ nhỏ đến mức người ta e sợ chúng có thể thâm nhập vào tất cả mọi thứ (…) Những năm gần đây, nhất là trong một thập niên nay, người ta đã có thể bắt đầu chế tạo ra được chúng, kiểm soát được chúng, thậm chí là sử dụng cả chúng nữa.
Chính vì thế chúng ta có thể thấy chúng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực ».

Thuật ngữ « nano » bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ XX trong giới công nghiệp.
Có nguồn gốc Hy Lạp cổ, « nano » có nghĩa là « lùn », « nhỏ bé », và thuật ngữ này giờ đã đi vào trong đời sống thường ngày của chúng ta và làm nảy sinh ra một dạng từ vựng : công nghệ nano, ngành khoa học nano, máy móc nano, phòng thí nghiệm nano, mỹ phẩm nano, hạt phân tử nano, vật liệu nano… Nói tóm lại, xin chào mừng quý vị đến với thế giới nano !

« Người ta có thể tìm thấy các hạt nano trong các loại trang thiết bị ; các loại mỹ phẩm trang điểm như kem chống nắng, kem đánh răng ; trong các loại sơn…
 Trong y khoa, hạt nano được sử dụng như là một chất chỉ thị, cho phép quan sát và nghiên cứu chức năng các cơ quan sinh học để đưa các chẩn đoán y khoa.

Hay như người ta cũng có thể tìm thấy hạt nano trong các mạch điện tử… Nói tóm lại, trong cuộc sống thường nhật hạt nano có mặt khắp nơi, ví dụ trong một số mặt hàng may mặc, người ta sử dụng hạt nano bạc để chống khuẩn. »

Lợi và hại của « nano »

Nhờ có nhiều các đặc tính vật lý, hóa học, điện, điện từ, nên công nghệ nano cho phép phát triển các loại nguyên vật liệu mang các đặc tính mới như có tính dẫn điện và nhiệt, có độ dẻo và độ bền cao.
Do vậy, chất lượng các loại đồ vật mang công nghệ nano hoàn toàn khác hẳn so với những món đồ có cùng thành phần được sản xuất theo kỹ thuật truyền thống.
Có thể nói « hạt nano » có muôn vàn ứng dụng tiện ích và được sử dụng rộng rãi đến mức dường như hầu hết các sản phẩm xung quanh ta đều có mặt hạt nano.

 Câu hỏi đặt ra : Phải chăng là chúng ta đang bị « ngụp lặn » trong thế giới nano ?
Liệu cơ thể con người có bị « quá tải » hạt nano hay không, bởi vì ngoài những hạt nano « nhân tạo », cơ thể chúng ta bình thường cũng đã hấp thụ phần nào các loại hạt nano « tự nhiên ».

« Người ta nói nhiều về các hạt nano là bởi vì ngày nay chúng ta biết cách nhận dạng, chế tạo cũng như là biết cách sử dụng chúng.
Tuy nhiên, chúng ta lại không biết rằng có nhiều vật chất có kích thước nanomet đã hiện hữu tự nhiên trong môi trường mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày trong cuộc sống, trong lúc hít thở, ăn uống…

Thế nhưng cơ thể chúng ta cũng đã quen thuộc với các hạt nano « tự nhiên » này rồi. Do đó, mọi tranh luận hiện nay về hạt nano chủ yếu có liên quan đến các loại hạt nano « nhân tạo ».
Bởi vì người ta nghi ngờ về những loại hạt do chúng ta tạo ra mà không hề tồn tại trong môi trường. Họ nghi ngờ về tính không độc hại của chúng cho sức khỏe con người ».

Quả thật, tính độc hại của các hạt nano đối với con người ra sao hiện vẫn chưa được khoa học chứng minh.
Thế nhưng, các đặc tính cũng như cách thức phản ứng của các chất nano đang làm dấy lên nhiều mối quan ngại.

Các loại chất như nhôm, chì, titan dioxit hay như sắt oxit, với kích thước nano, có thể thâm nhập dễ dàng và đi sâu vào trong cơ thể.
Các loại chất này dễ dàng vượt qua các lớp bảo vệ tự nhiên như da hay các màng, và tích tụ trong cơ thể. Vậy chúng ta nên ủng hộ hay nên từ bỏ hoàn toàn việc dùng đến các hạt nano ?

« Quả thật, những gì mà người ta gọi là hạt nano chỉ là một thuật ngữ chỉ chủng loại, dùng để chỉ kích cỡ, kích thước một vật chất cực kỳ nhỏ.
Vậy có nên chống hay ủng hộ việc sử dụng hạt nano chẳng có liên quan gì đến kích thước của vật chất mà phải xem xem đó là loại hạt phân tử gì, bởi vì chúng hiện diện khắp nơi.

 Do đó cần phải xem xét từng trường hợp, nhất là đối với các hạt nano tự do phân tán trong không khí, vốn dĩ có thể thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp.
Nếu như đó là những hạt nano mới, bởi vì có một số loại hạt mà cơ thể chúng ta đã quen thuộc như trong nước hay không khí…, thì những hạt nano mới có thể gây ra các chứng dị ứng.
Hiện tại chúng ta chưa biết được tác động của các loại hạt nano mới lên các loài sinh vật. »

Một dạng chất thải mới cho môi trường ?

Ngoài những nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe con người cho đến giờ vẫn chưa được khoa học kiểm chứng, việc sử dụng ồ ạt các hạt nano trong mọi lĩnh vực đời sống con người đang đặt ra một thách thức mới cho môi trường.
« Đó là những thứ được thải ra môi trường như các loại phân tử, các loại thuốc hay như các loại rác thải khác. Đó là một phần chất thải cực kỳ nhỏ.

 Ở một khía cạnh nào đó, việc dùng công nghệ nano cho phép sử dụng ít hơn các chất liệu, và như vậy cũng hạn chế rác thải ra môi trường.
Ngược lại, công nghệ nano lại làm tăng lượng hạt nano phân tán trong môi trường. Đây là một dạng chất thải mới.
 Người ta sản xuất ít hơn nhưng chúng lại có một tác động mới lên môi trường mà chúng ta vẫn chưa biết rõ.

Một số chất xúc tác, có chứa kim loại nặng, có thể đồng hóa một cách khác đi so với các loại chất thải khác mà chúng ta tạo ra cho dù chúng có cùng một thành phần hóa học ».
điểm này, nhà nghiên cứu về độc tính học, bà Francelyne Marano, thành viên của Hội Đồng Sức Khỏe Công Cộng, có khuyến nghị rằng các nhà sản xuất không nên đưa vào thị trường các dòng sản phẩm nano mà chưa qua thử nghiệm.

Cũng như mọi tiến bộ khoa học khác, lợi và hại của công nghệ nano đều phải được đưa ra tranh luận để có được một thông tin minh bạch, qua việc phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, các nhà sản xuất công nghiệp và người dân.

Chính trong mối lo này, ngày 23/01/2018, Hiệp Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng của Pháp, UFC – Que Choisir đã thông báo kiện 9 tập đoàn công nghiệp lớn của Pháp.
Hiệp hội cáo buộc những hãng này đã đưa ra thị trường các loại thực phẩm và mỹ phẩm, mà không ghi rõ sự hiện diện dày đặc các hạt « nano », theo như quy định của nước Pháp và Liên Hiệp Châu Âu.

Switch mode views: