Thượng đỉnh khí hậu Paris để « hâm nóng » COP21
- Thứ Ba, 12 tháng Mười Hai năm 2017 17:21
- Tác Giả: Tú Anh, Thanh Hà
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một diễn đàn bên lề Thượng đỉnh One Planet Summit, ngày 11/12/2017 tại Paris.
REUTERS/Philippe Wojazer
« One Planet Summit » hay « Thượng đỉnh vì Một hành tinh » do Pháp, Liên Hiệp Quốc và Ngân Hàng Thế Giới đồng tổ chức tại Paris.
Mục tiêu là để duy trì ngọn lửa đấu tranh chống biến đổi khí hậu và tìm nguồn tài chính thực hiện hiệp định COP 21, tránh cho một phần trái đất bị diệt vong, nếu không ngăn được nhiệt độ tăng hơn 2°C từ nay đến cuối thế kỷ.
Hai năm sau ngày ký hiệp định khí hậu COP 21, một lần nữa, nước Pháp lên tuyến đầu.
Thượng đỉnh vì Một hành tinh ngày 12/12/2017 là một trong những « chặng đường » với bản tuyên bố chung, duyệt qua 12 điều cam kết mà các bên tham dự hứa hẹn để bảo vệ địa cầu.
Hội nghị quy tụ nguyên thủ và thủ tướng đại diện 60 nước trên thế giới cùng với các nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ, ngân hàng…
Theo tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cần phải « hành động khẩn cấp để làm thay đổi tình huống vì tương lai thế hệ mai sau thừa kế trái đất này nhưng có thể đã trễ ».
Khẩn cấp bởi vì trong hai năm qua, tinh thần phấn khởi phát sinh từ hiệp định COP 21, được long trọng ký kết vào năm 2015, đã giảm dần.
Một trong những nguyên nhân chính là nước Mỹ của ông Donald Trump đã tuyên bố rút lui.
Nhưng theo nhiều chuyên gia, cho dù tất cả các nước ký kết có tôn trọng lộ trình ghi trong COP 21, thì nhiệt độ khí quyển vào cuối thế kỷ vẫn tăng thêm 3°C chứ khó dừng lại ở 2°C như dự kiến lạc quan nhất.
Lý do là thiếu tài chính thực hiện cam kết.
Do vậy, Thượng đỉnh vì Một hành tinh lần này kỳ vọng vào xã hội công dân, vào giới tài chính, tập đoàn công nghiệp tư nhân đóng góp.
Một viên chức của Ngân Hàng Thế Giới tuần trước cho biết là « phải huy động những nguồn tiền lớn, điều phối vào các kế hoạch có hiệu quả thấy được ».
Cụ thể có hai hình thức đầu tư.
Thứ nhất là chính phủ phải khuyến khích các công ty tập trung vào năng lượng sạch, thay thế nhiên liệu gây ô nhiễm hiện dùng.
Thứ hai là các nước giàu phải giúp các nước nghèo tiến hành các chương trình cải cách sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, thích nghi với biển đổi khí hậu, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ bờ biển chống xâm thực.
Hai năm sau COP 21, các mục tiêu này vẫn còn xa xôi.
Nhóm G20, tức 20 nước phát triển nhất địa cầu, vẫn còn sử dụng xăng, dầu, than đá đến 78 tỷ đô la hàng năm, trong khi phần nhiên liệu sạch chỉ có 18 tỷ.
Nhiều nước đang phát triển, nhất là ở châu Phi, rất thất vọng sau hội nghị khí hậu COP 22 ở Maroc, năm 2016 và COP 23 ở Đức, tháng 11 vừa rồi.
Lời hứa đoàn kết của các nước giàu với 100 tỷ đô la viện trợ không được thực hiện cụ thể. Nick Nuttall, phát ngôn viên ban thư ký của Công ước Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu trấn an là « có triển vọng từ nay đến 2020 ».
Trong số các tác nhân kinh tế tư nhân của Pháp năng nỗ chịu lên tuyến đầu có nhiều ngân hàng và tập đoàn bảo hiểm.
BNP-Parisbas và Crédit Agricole cam kết đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng.
Các ngân hàng Pháp này nằm trong nhóm hành động mang tên « Climat-Action 100+ » gồm 200 nhà đầu tư công nghiệp.
Với trọng lượng 26.000 tỷ đôla, « Climat-Action 100+ » cam kết gây sức ép lên trên 100 công ty thải khí gây hiệu ứng nhà kính, như tập đoàn than đá Ấn Độ Coal India, Exxon Mobil của Mỹ và tập đoàn dầu khí quốc doanh của Trung Quốc để buộc các « ống khói » gây ô nhiễm này cải tiến.
Ngành tài chính nhập cuộc
Ngày 11/12/2017, trước thềm thượng đỉnh One Planet Summit, giới ngân hàng và các quỹ đầu tư thông báo dành ưu tiên cho các ngành công nghệ sạch.
Cách nay hai năm, nhân thượng đỉnh COP 21 tại Pháp, tổ chức bảo vệ môi trường mang tên New Climate Economy thẩm định từ nay tới năm 2030, nhu cầu tài trợ cho các dự án phát triển bền vững trên thế giới lên tới 90.000 tỷ đô la.
Nếu quản lý một cách hiệu quả, thì con số này chỉ cao hơn so với tiến trình phát triển bình thường có 5 %.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào thuyết phục các tâp đoàn tài chính chuyển hướng đầu tư vào các dự án « xanh » ít thải khí carbon ?
Ngân Hàng Thế Giới đề ra mục tiêu, đến ngưỡng 2020, ít nhất, 28 % các khoản đầu tư của định chế tài chính đa quốc gia này phải dành cho các dự án sạch, thay vì 22 % như hiện tại
Năm ngoái Câu Lạc Bộ Tài Chính Quốc Tế vì Phát Triển, tập hợp 23 ngân hàng phát triển trên thế giới, dành 173 tỷ đô la để đầu tư vào các « công trình xanh » Khối tiền này tăng 20 % so với hồi 2015.
Trong mắt giám đốc đặc trách khí hậu của Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế, OCDE, Simon Buckle, ngành tài chính đang « bước lên tuyến đầu » để đối phó với hiện tượng trái đất bị hâm nóng.
Đơn giản là vì các ngân hàng mong kiếm lãi cao, trong lúc, như ghi nhận của thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Anh Mark Carney cách nay hai năm, « ổn định của ngành tài chính tùy thuộc một phần vào yếu tố khí hậu ».
Nếu như một mỏ than hay khu dự trữ dầu hỏa bị thiên tai, ngân hàng sẽ khó thu về nhiều lãi.
Các quỹ bảo hiểm và quản lý tiền hưu của người lao động Mỹ cũng đang từng bước thuyết phục các cổ đông tránh để tất cả trứng cùng một giỏ, mà nên hướng tới các dự án «bền vững»
Tuy nhiên theo một thăm dò thực hiện cho ngân hàng Anh, HSBC, nếu như tại Châu Âu có tới 97 % nhà đầu tư muốn dùng đồng tiền để góp phần giữ cho trái đất được mãi xanh, thì tỷ lệ đó rơi xuống còn 85 % ở Bắc Mỹ, 64 % tại Á Châu và 19 % trong vùng Trung Đông !
Điều đó cho thấy, khí hậu, môi trường chưa hẳn là quan tâm hàng đầu của tất cả các nhà triệu phú, tỷ phú trên thế giới.
Tin mới
- Trung Quốc lại đe dọa Đài Loan không nên dựa vào Mỹ - 13/12/2017 20:21
- Trung Quốc tưởng niệm 80 năm vụ thảm sát Nam Kinh - 13/12/2017 20:03
- Hoa Kỳ « sẵn sàng » nói chuyện với Bắc Triều Tiên vô điều kiện - 13/12/2017 19:27
- Hoa Kỳ: Đảng Dân chủ thắng tại Alabama, tổng thống Trump thua lớn - 13/12/2017 19:03
- Bắc Cực ấm lên nhanh chóng: Một “điều bình thường mới” - 13/12/2017 18:41
- Hàn Quốc cố hàn gắn quan hệ với Trung Quốc - 13/12/2017 17:45
- Khí hậu: Chống ô nhiễm để bảo vệ sức khỏe - 12/12/2017 23:11
- Thượng nghị sĩ Úc có liên hệ với doanh nhân Trung Quốc từ chức - 12/12/2017 22:13
- Di dân Libya : Ân Xá Quốc Tế cáo buộc nhiều nước châu Âu « đồng lõa » - 12/12/2017 21:51
- Trung Quốc tập dượt « bao vây hải đảo » gần Đài Loan - 12/12/2017 21:44
Các tin khác
- Khủng bố New York : Trump muốn thắt chặt thêm nhập cư - 12/12/2017 17:09
- Hoa Kỳ lại chỉ trích Tổ chức Thương Mại Thế Giới - 12/12/2017 16:58
- Nghị định thư Kyoto, 20 năm bảo vệ khí hậu toàn cầu - 12/12/2017 15:39
- Viên tướng chỉ huy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh lộ diện - 12/12/2017 02:35
- Louisiana, thám tử tư nhận tội dùng số An Sinh Xã Hội của TT Trump - 12/12/2017 00:37
- Khắp Âu Châu, tuyết phủ, trường đóng cửa, giao thông tắc nghẽn - 12/12/2017 00:21
- Philippines : Duterte muốn triển hạn thiết quân luật thêm 1 năm - 11/12/2017 18:27
- Thủ tướng Israel vẫn bảo vệ quyết định của Mỹ về Jerusalem - 11/12/2017 18:04
- Ngoại giao Mỹ : Thư kêu gọi ngoại trưởng Tillerson từ chức - 11/12/2017 17:49
- Chống biến đổi khí hậu: Doanh nghiệp Pháp bước lên tuyến đầu - 11/12/2017 17:04