Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đến lượt ông Trần Đại Quang ‘bí mật’ sang Nhật chữa bệnh?

TranDaiquang

Ông Trần Ðại Quang. (Hình: Luka Gonzales/AFP/Getty Images)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước, một trong “Tứ Trụ Triều Đình” của đảng CSVN, đã phải sang Nhật chữa bệnh và ‘từ tối 25 Tháng Bảy, 2017.’

Tin này được tiết lộ trên trang Facebooker Truong Huy San, tức nhà báo Huy Ðức.
Theo nhà báo này, ‘Sự vắng mặt của ông ở trong nước suốt hơn hai tuần qua đã tạo ra một khoảng trống cho các lời đồn đoán.”

Thông tin về “Nguyên thủ quốc gia & Định chế chủ tịch nước” của Facebooker Truong Huy San tung ra vào sáng 10 Tháng Tám, lập tức được cộng đồng mạng xã hội “like” và “share.”

Facebooker này là tác giả bộ sách “Bên Thắng Cuộc” và là người am hiểu tình hình chính trị tại Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, trang facebook Truong Huy San được sự quan tâm đặc biệt của những người theo dõi tình hình chính trị tại Việt Nam bởi các tin tức về sức khỏe của ông Đinh Thế Huynh (Thường trực Ban Bí Thứ đảng CSVN), vụ Trịnh Xuân Thanh ‘đầu thú’ hay vụ bắt ‘ông trùm ngân hàng’ Trầm Bê đều được loan báo trên trang này trước khi nó thực sự được nhà cầm quyền loan báo hay thực thi.

Trở lại chuyện sức khỏe của ông Trần Đại Quang, Facebooker Truong Huy San viết:
 “Chúng ta không rõ bệnh tình của Đại Tướng Trần Đại Quang thế nào. Nhưng, chủ tịch nước là một định chế được Hiến Pháp 2013 (Điều 88) trao cho khá nhiều quyền bính, đặc biệt có những quyền có thể phải thực thi bất cứ lúc nào như ‘công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; …ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp.’
Theo Điều 93 của Hiến Pháp 2013 thì, ‘Khi chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì phó chủ tịch nước giữ quyền chủ tịch nước.’”

Facebooker này nhắc lại chuyện Chủ Tịch Nước Lê Đức Anh trước đây:
 “Các nhà lãnh đạo vốn vẫn hy vọng vào kết quả điều trị để xuất hiện trở lại trước công chúng một cách hoành tráng.
Cuối 1996, Tướng Lê Đức Anh bị đột quỵ. (Ông bị xuất huyết não khá nặng. Theo Bác Sĩ Vũ Bằng Đình, giám đốc Quân Y Viện 108, người trực tiếp cấp cứu. Thông tin về bệnh tình của Tướng Anh được giữ kín tuyệt đối.
Hơn ba tháng sau, ông bắt đầu hồi phục. Bằng một ý chí sắt đá, Tướng Lê Đức Anh quyết định vẫn xuất hiện trên truyền hình, đài phát thanh, đọc lời chúc mừng năm mới [1997].

Bác Sĩ Vũ Bằng Đình nói: ‘Chúng tôi phải hộ tống ông từ bệnh viện ra phòng thu. Ống kính chỉ quay nửa người nên dân chúng không biết ông vẫn ngồi trên giường bệnh.
Các bác sĩ nấp phía sau sẵn sàng cấp cứu’ [trang 319, Chương 19, Bên Thắng Cuộc II]).

“Chắc chắn là khi Đại Tướng Lê Đức Anh bị đột quỵ vào năm 1996, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã phải bố trí người đảm nhận trách nhiệm của ông; và có thể, khi Đại Tướng Trần Đại Quang đi Nhật, ông cũng đã bàn giao công việc cho người thay thế,” Facebooker Truong Huy San viết.

Tuy nhiên, Facebooker này nhận định:
“Theo tôi, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cần ra một quy chế, bắt buộc phải báo cáo với dân chúng trong trường hợp người giữ một số chức danh vì lý do sức khỏe hay lý do cá nhân không thể có mặt tại nhiệm sở trong một thời gian nhất định (có những nguyên thủ quốc gia chỉ cần vào phòng mổ là phải bàn giao quyền cho cấp phó).
Đặc biệt là với các chức danh có ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh quốc gia như chủ tịch nước, thủ tướng…”

“Dân chúng phải được biết những quy trình ấy; đừng để dân chúng có cảm giác có những vị trí trong bộ máy nhà nước hiện nay chỉ tồn tại trên danh nghĩa ‘Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui.’
Mặt khác, quyền lực của nguyên thủ quốc gia còn có giá trị biểu tượng.
Dân chúng sẽ cảm thấy họ được tôn trọng khi được thông báo người thay thế dù chủ tịch nước chỉ ‘không làm việc’ trong một thời gian không dài.

Tình trạng khẩn cấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi thiên tai địch họa. Và, nhỡ có điều gì đến với quốc gia, dân chúng sẽ rất hoang mang nếu họ thấy người phát đi các mệnh lệnh không phải là nguyên thủ được Quốc Hội bầu lên mà từ một người họ chưa hề được thông báo thủ tục tạm trao quyền theo Hiến Pháp,” Facebooker Truong Huy San khẳng định.

Ông Trần Đại Quang, 61 tuổi, ủy viên Bộ Chính Trị, chủ tịch nước, là người được xếp hàng thứ hai trong “Tứ Trụ Triều Đình,” sau Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, và trước Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Lâu nay, sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính Trị lẫn ủy viên Trung Ương Ðảng CSVN đều được cho là “bí mật.”

Ngày 26 Tháng Bảy, sau gần hai tháng vắng bóng trên các diễn đàn chính trị ở Việt Nam, nhờ Facebooker Truong Huy San mà dân chúng mới biết sức khỏe của ông Ðinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí Thư của đảng CSVN, nhân vật được cho là đứng hàng thứ năm trong danh sách các lãnh đạo chóp bu, phải sang Nhật chữa bệnh và hiện đang “an dưỡng” ở Phú Quốc.

Và cũng từ Facebooker này mà Bộ Chính Trị của đảng CSVN mới chính thức xác nhận ông Đinh Thế Huynh “bị bệnh” và đưa ông Trần Quốc Vượng tạm thay thế.

Hệ thống báo đài tại Việt Nam dẫn lại bản thông báo của Văn Phòng Trung Ương Đảng CSVN là “Tại phiên họp ngày 28.7.2017, sau khi xem xét đề nghị của Ban Tổ Chức Trung Ương về việc phân công ủy viên Bộ Chính Trị tham gia Thường Trực Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị đã quyết định trong thời gian Ủy Viên Bộ Chính Trị, Thường Trực Ban Bí Thư Đinh Thế Huynh điều trị bệnh, ông Trần Quốc Vượng được phân công tham gia thường trực Ban Bí Thư.”

Tuy nhiên bản thông báo này không nói rõ ông Đinh Thế Huynh bị bệnh gì và đang chữa trị ở đâu.
Nhiều đồn đoán cho rằng ông Huynh bị ung thư đã tới hồi nặng nên phải có người thay thế, ít ra trong lúc này.

Đây là lần hiếm hoi người ta thấy đảng CSVN loan báo một nhân vật trong hàng ngũ chóp bu phải nghỉ bệnh mà phần lớn đều bị che giấu cho tới khi người đó chết mới loan tin.
Lần này, đến lượt ông Trần Đại Quang sang Nhật chữa bệnh. Người ta chỉ biết thông tin này trên Facebook Truong Huy San, còn lại trên truyền thông nhà nước hoàn toàn im ắng.

Thông tin Facebooker này cho biết “Đại Tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25 Tháng Bảy,” và cũng từ sau ngày này, truyền thông trong nước hoàn toàn vắng bóng hình ảnh Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang.

Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam có hình ảnh cuối cùng của ông Trần Đại Quang khi tiếp Đại Tướng Patrushev Nikolai Platonovich, thư ký Hội Đồng An Ninh Liên Bang Nga, vào chiều 25 Tháng Bảy.

Kể từ đó cho đến nay, hoạt động của Văn Phòng Chủ Tịch Nước chỉ có hình ảnh của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, phó chủ tịch nước, khi tiếp đoàn đại biểu Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam, trưởng đại diện Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam…

Thông tin về sức khỏe bí mật của ông Trần Đại Quang trên Facebook Truong Huy San lập tức nhận được nhiều bình luận.
Facebooker Lưu Trọng Văn viết: “Người dân có quyền biết bệnh tình của nguyên thủ quốc gia và không chấp nhận chuyện dấm dúi khoảng trống quyền lực.”

Facebooker Hồ Việt Giữ bình luận: “Bí mật là một loại sức mạnh trong thời chiến?
Ta đã có hòa bình nhưng ta vẫn giữ thói quen ‘tâm lý chiến’ cố hữu.
Sau tút này của bác Huy Đức hy vọng thông tin sức khỏe lãnh đạo sẽ minh bạch hơn.”

Facebooker Cơ Nguyệt Đồng Lương thì: “Chả hiểu làm sao phải giấu diếm?
 Càng giấu diếm càng phát sinh đồn đoán vô căn cứ. Ông chủ tịch hay ông gì gì đi nữa cũng phải trải qua sinh – lão – bệnh – tử.
Nếu mãi mãi không ốm đau chắc chỉ có loài yêu quái tu luyện cả nghìn năm, không phải người!”

Facebooker Minh Đặng bình luận: “Cảm ơn anh. Huy Đức đã giúp, và làm tốt hơn, 700 tờ báo đảng. Nhưng vẫn chưa đủ, cần có thêm thông tin tiên lượng về sức khỏe của ông Quang, vì ông là nguyên thủ.
Nếu không, hoặc là có đất cho họ đồn đoán, hoặc là thể hiện vai trò chủ tịch (có người nói là tiệm) nước là vị trí không có việc gì.”

Còn Facebooker Công Nguyễn viết: “Rất nể Osin về tầm ‘hiểu biết’ của các bài viết.
Rất sợ Osin vì anh gọi tên ai người đó băng hà hoặc chí ít cũng đóng ván.
Rất phục Osin vì hôm nay dám gọi tên nhân vật này.
Hơn 700 tờ báo và hàng chục ngàn nhà báo chính thống đi đâu sao để một Facebooker khai thông nhãn giới của độc giả mạng như thế này.” (Q.D.)

Switch mode views: