Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sản xuất máy bay đường dài, Trung-Nga thách thức Boeing và Airbus

TQ- may bay

Kiểu máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất.
Getty Images

Trung Quốc và Nga hôm nay 22/05/2017 tung ra một dự án đầy tham vọng, nhằm hợp tác chế tạo một kiểu máy bay đường dài để cạnh tranh với Boeing và Airbus, chỉ hai tuần sau khi chiếc máy bay chở hành khách đầu tiên của Trung Quốc cất cánh thành công.

Tập đoàn quốc doanh COMAC (Trung Quốc Thương Dụng Phi Cơ) của Trung Quốc cùng với tập đoàn quốc doanh Nga UAC (United Aircraft Corporation) loan báo đã chính thức thành lập một công ty liên doanh ở Thượng Hải.

 Dự án này trị giá từ 13 đến 20 tỉ đô la, mỗi bên góp một nửa vốn.

Trung Quốc mới đây đã vượt được một giai đoạn chủ chốt trong tham vọng cạnh tranh với các tập đoàn hàng không phương Tây, qua việc bay thử nghiệm thành công phi cơ tầm trung C919 do COMAC tự sản xuất.
Máy bay này có 168 chỗ, có thể sử dụng cho các chuyến bay trong khu vực, là kết quả nửa thế kỷ nỗ lực nhằm giảm lệ thuộc vào Airbus và Boeing.

Các chuyên gia cảnh báo, thách thức này vô cùng lớn khi đối đầu với Boeing và Airbus vốn có rất nhiều kinh nghiệm.
Nhưng với chiếc « 929 » liên doanh với Nga, Bắc Kinh được hưởng lợi vì UAC sản xuất ra Sukhoi và nhiều loại máy bay khác.

Kiểu máy bay liên doanh Nga-Trung có thể chở được 280 hành khách và có tầm hoạt động đến 12.000 km, cạnh tranh trực tiếp với Boeing 787 và Airbus 350.
Theo ước tính của Airbus, Trung Quốc cần 6.000 máy bay mới có tổng giá trị 945 tỉ đô la cho hai thập niên tới, còn Boeing lạc quan hơn, dự kiến nhu cầu lên đến 1.000 tỉ đô la.

Năm ngoái COMAC cho rằng chiếc máy bay chở khách « Made in China » đầu tiên có thể hoạt động trong bảy năm tới, và việc giao hàng bắt đầu ba năm sau đó.
Nhưng AFP ghi nhận nhiều dự án hàng không trước đây của Trung Quốc đã bị trễ rất nhiều so với thời hạn dự kiến.


Switch mode views: