Thư hiệp thông với các Linh mục, Giáo dân và Ngư dân đấu tranh vì môi trường
- Thứ Tư, 26 tháng Mười năm 2016 20:38
- Tác Giả: Terri Dinh
Sau khi xảy ra thảm họa môi trường biển từ đầu tháng 4-2016 do tập đoàn Formosa và các công ty liên hệ gây nên, toàn dân đã mong chờ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thi hành trọn chức năng, hoàn tất đủ nghĩa vụ, thực hiện đúng pháp luật đối với các thủ phạm và đồng phạm, cũng như đối với các nạn nhân: những khu vực sinh thái khác nhau và những giới dân làm kinh tế biển.
Thế nhưng quốc dân và quốc tế đều thất vọng. Nhận món tiền bồi thường kiểu bố thí của Formosa xong (rồi hoàn thuế cho nó cũng từng ấy), đảng và nhà cầm quyền CS đã bảo vệ thủ phạm và duy trì sự hiện diện của nó bằng cách bất động cải tạo môi trường biển, thông tin sai lạc đầu độc dư luận, trừng phạt những tiếng nói công bố sự thật, đàn áp những ai xuống đường bảo vệ sinh thái, bồi thường cho các nạn nhân cách bất cập, buông lỏng chủ quyền đất nước trên Biển đông…
Thái độ đó đã khiến người dân phản ứng bằng cách tiến hành trận chiến pháp lý và trận chiến biểu tình.
Nổi bật trong việc này là một số linh mục và giáo dân Giáo phận Vinh cũng như nhiều ngư dân thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình:
- Ngày 22-09-2016, gần 1.100 hộ gia đình thuộc giáo xứ Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh –dưới sự hướng dẫn của linh mục quản xứ Trần Đình Lai– đã gửi lên Quốc hội và Chính phủ đơn yêu cầu bồi thường cho họ hơn 2.000 tỷ, với đòi hỏi phúc đáp sau 15 hôm.
- Ngày 26-09-2016, hơn 600 ngư dân thuộc giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An –dưới sự hướng dẫn của linh mục quản xứ Đặng Hữu Nam– đã đến tòa án thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trong trật tự để nộp 506 hồ sơ khiếu kiện Formosa, đòi hỏi bồi thường 56 tỷ.
- Ngày 03-10-2016, 619 hộ ngư dân tại Quỳnh Lưu, đa phần thuộc giáo xứ Song Ngọc –dưới sự hướng dẫn của linh mục quản xứ Nguyễn Đình Thục– cũng đã gửi lên Quốc hội và Chính phủ đơn yêu cầu bồi thường cho họ 446 tỷ, cũng với đòi hỏi phúc đáp sau 15 hôm.
- Ngày 02-10-2016, dưới sự hướng dẫn của linh mục Trần Đình Lai, giáo dân giáo hạt Kỳ Anh và ngư dân địa phương trên 15.000 người đã đến trước nhà máy thép Formosa Vũng Áng biểu tình cách bất bạo động, đòi tập đoàn này rời khỏi Việt Nam. Đấy là chưa kể nhiều cuộc biểu tình cũng khá đông đảo của nhiều giáo xứ thuộc Giáo phận Vinh trước đó như Nghi Lộc, Song Ngọc, Vĩnh Hòa, Cồn Sẻ….
- Ngày 18-10-2016, dưới sự hướng dẫn của linh mục Đặng Hữu Nam, 1000 ngư dân Quỳnh Lưu dự tính đến tòa án Kỳ Anh để nộp đơn khiếu nại và nộp thêm 100 hồ sơ khiếu kiện.
Trước đó một hôm, linh mục Nam đã cùng bà con giáo xứ Phú Yên và vùng phụ cận gửi đến 13 đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An đơn kiến nghị về Formosa.
Thế nhưng nhà cầm quyền cộng sản đã tỏ ra hết sức thiếu thiện chí, nếu không muốn nói là thù nghịch:
- Đã quá hạn 15 ngày rồi mà Chính phủ và Quốc hội –trong một sự im lặng đầy khinh bỉ đối với nhân dân– chẳng hề phúc đáp đơn yêu cầu bồi thường của hai giáo xứ Đông Yên và Song Ngọc.
- Ngày 8 tháng 10, tòa án nhân thị xã Kỳ Anh đã trả lại toàn bộ 506 đơn khởi kiện Công ty Formosa với lý do trái luật là “không đưa ra được tài liệu chứng minh về những thiệt hại thực tế” và “chính phủ đã ra Quyết định bồi thường hôm 29-09 rồi”.
- Cũng ngày 8 tháng 10, cọc sắt đã được gắn trên tường thành bao bọc nhà máy Formosa và nhiều hàng rào thép gai đã được dựng lên trước cổng khu công nghiệp. Hàng ngàn công an, bộ đội, trang bị súng ống và chó săn, đã được điều đến đây để chống lại những cuộc biểu tình mà nhà cầm quyền e sợ tái diễn.
- Ngày 18 tháng 10, nhà cầm quyền Nghệ An đe dọa các nhà xe được linh mục Đặng Hữu Nam thuê chở ngư dân Quỳnh Lưu vào Hà Tĩnh.
Bộ công an, ban tuyên giáo trung ương cũng làm áp lực để giảm số người đi khiếu kiện từ 1000 xuống 100.
Nhưng rồi với 40 người, đoàn khiếu kiện cũng bị hàng ngàn công an sắc phục, an ninh thường phục, côn đồ đầu gấu thô bạo ngăn cản bằng rải đinh, chặn xe, đánh đập, hăm dọa đoạt mạng, khiến dự tính nộp đơn khiếu nại và nộp thêm đơn khiếu kiện bất thành.
Toa rập với nhau, ngày 21 tháng 10, UBND thị xã Kỳ Anh đã ngang ngược ra một công văn đề nghị UBND huyện Quỳnh Lưu cấm cư dân huyện này đi khiếu nại vì ngày 18 tháng 10 là “hết thời hạn gửi đơn” rồi.
- Cũng ngày 18 tháng 10, linh mục Nguyễn Đình Thục, người từng đại diện giáo xứ Song Ngọc (Nghệ An) gởi đơn yêu cầu bồi thường lên Quốc hội, đã bị công an và côn đồ ngang nhiên gây khó rồi cấm đi vào Hương Khê, Hà Tĩnh để cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt.
Ngày 22 tháng 10, giáo xứ Đông Yên (khu định cư mới) đã bị cộng sản trả thù bằng cách đến phá trụ đài Đức Mẹ vừa được dựng lên rồi đả thương nhiều giáo dân đến phản đối hành vi phá đạo.
Song song đó, nhà cầm quyền tấn công Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, chủ chăn Giáo phận Vinh, các linh mục và các giáo dân nói trên qua mạng lưới truyền thông, bằng những bài viết vu khống, lăng nhục cách vô liêm sỉ và bằng những cuộc điện thoại, tin nhắn chửi bới và hăm dọa cách trắng trợn của đám tay chân côn đồ vô học.
Từ những sự việc trên, chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự ký tên dưới đây tuyên bố:
1- Việc hàng ngàn gia đình lương giáo, dưới sự hướng dẫn của các linh mục nói trên, dù gặp vô vàn khó khăn, vẫn kiên trì thực hiện cuộc chiến pháp lý, liên tiếp nộp đơn kiện công ty Formosa, đòi bồi thường, yêu cầu nó làm sạch biển và chấm dứt hoạt động của nó tại Việt Nam, là một hành động cần thiết và đáng cổ vũ của sinh hoạt dân sự, của cuộc đấu tranh vì sự thật và công lý, an bình và hạnh phúc cho toàn dân.
Việc làm chính đáng, dũng cảm, quyết tâm đi đến cùng và mang tính cách đại diện của họ cho thấy không một thế lực hay tổ chức nào có hành động đen tối và chủ trương tàn phá trên đất nước này có thể ngang nhiên tồn tại.
2- Cuộc biểu tình đông đảo, trật tự, bất bạo động, giữ sạch hiện trường ngày 2-10-2016, nhằm đòi hỏi Formosa phải bồi thường thích đáng cho nạn nhân, làm cho biển miền Trung sạch lại, chấm dứt hoạt động sau nhiều lần bị phát hiện đổ các loại chất thải trên đất và biển, là một thông điệp rõ ràng gởi đến nhà cầm quyền CSVN và kẻ đang được họ bao che. Đó đồng thời là lời hiệu triệu cũng như là gương mẫu cho các cuộc biểu tình trong tương lai, vốn rất cần thiết để cải thiện tình hình đất nước ngày càng tồi tệ do cộng sản gây ra trên mọi phương diện.
3- Chủ trương của nhà cầm quyền “chìm xuồng vụ cá chết”, bênh vực Formosa cho đến cùng, chống lại trận chiến khởi kiện và trận chiến biểu tình của người dân, bằng những biện pháp hành chánh ngang ngược và trái luật, bằng những hành động đàn áp tàn ác và thâm độc, bằng những kiểu cách trả thù hèn hạ và đê tiện, cho thấy bộ mặt phản dân hại nước của tập đoàn lãnh đạo chính trị Hà Nội.
Điều đó chẳng những không giúp giải quyết các vấn nạn đủ mọi mặt đất nước đang gặp phải, mà còn làm cho cơn phẫn nộ của Đồng bào ngày càng dâng cao, nhất là tạo cơ hội thuận lợi cho kẻ thù xâm lăng truyền kiếp của Dân tộc.
4- Việc Giáo phận Vinh nói riêng và Giáo hội Công giáo nói chung đang gánh vác chuyện đòi công lý, cũng là lời mời gọi mọi cộng đồng tôn giáo khác như Tin Lành, Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và toàn thể Đồng bào tham gia vào việc tiêu trừ nguy cơ chung đang bao trùm đất nước: nguy cơ của một môi trường tự nhiên nhiễm độc, của một môi trường chính trị nghẹt thở, của một tiền đồ bi đát cho Dân tộc, của một tương lai đen tối cho giống nòi.
Trận chiến pháp lý, trận chiến biểu tình, trận chiến bất tuân dân sự cần được mở rộng khắp cả nước và phải đi đến thành tựu.
Làm tại Việt Nam ngày 26 tháng 10 năm 2016
Các tổ chức xã hội dân sự độc lập đồng ký tên
01- Ban Đại diện Khối Nhơn sanh đạo Cao Đài. Đại diện: Các Cts Hứa Phi, Nguyễn Thị Bạch Phụng, Nguyễn Kim Lân.
02- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. Đại diện: Ông Lê Quang Hiển, Ông Lê Văn Sóc.
03- Hội Anh em Dân chủ. Đại diện: Mục sư Nguyễn Trung Tôn.
04- Hội Bảo vệ Quyền Tự do Tôn giáo. Đại diện: Cô Hà Thị Vân
05- Hội Cựu Tù nhân LT Thanh niên Công giáo. Đại diện: Anh Nguyễn Văn Oai.
06- Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam. Đại diện: Bs Nguyễn Đan Quế, Lm Phan Văn Lợi.
07- Hội Giáo chức Chu Văn An. Đại diện: Thầy Vũ Mạnh Hùng
07- Hội thánh Tin lành Liên hữu Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ. Đại diện: Ms Nguyễn Hoàng Hoa.
09- Khối Tự do Dân chủ 8406. Đại diện: Lm Nguyễn Văn Lý, Ks Đỗ Nam Hải.
10- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền: Đại diện: Lm Nguyễn Hữu Giải, Lm Nguyễn Công Bình.
11- Nhóm từ Đảng. Đại diện: Ông Vi Đức Hồi.
12- Nhóm Vì Tương Lai. Đại diện: Anh Trần Minh Nhật.
13- Phong Trào Lao Động Việt. Đại diện : Cô Đỗ Thị Minh Hạnh
14- Phong trào Liên đới Dân oan. Đại diện: Bà Trần Ngọc Anh.
15- Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đại diện: Ht Thích Không Tánh.
16- Tuổi Trẻ - Lòng Nhân Ái. Đại diện: Anh Thái Văn Dung.
Các tổ chức chính trị ký tên
Đảng Việt Tân. Đại diện: Ông Hoàng Tứ Duy
Tin mới
- Di dân lậu ào ạt vào Mỹ trước ngày bầu cử tổng thống - 27/10/2016 23:55
- Syria: Một trường học bị oanh kích, 22 học sinh thiệt mạng - 27/10/2016 23:38
- Bầu cử tổng thống Mỹ : D. Trump khánh thành khách sạn 5 sao ở Washington - 27/10/2016 23:30
- Biển Đông : Úc muốn Indonesia thúc đẩy hoàn tất COC - 27/10/2016 23:22
- Hungary thắt chặt nhập cư, người Việt sống ra sao? - 27/10/2016 22:44
- Dưới áp lực của NATO, Tây Ban Nha từ chối tầu chiến Nga cập cảng tiếp liệu - 27/10/2016 15:57
- Trung Quốc: Dường như Duterte không thay đổi lập trường về Biển Đông - 27/10/2016 15:16
- Bãi cạn Scarborough : Philippines bác bỏ bản dự thảo của Trung Quốc - 27/10/2016 15:10
- Trung Quốc bất ngờ tập trận tại Biển Đông - 27/10/2016 15:02
- Nga : Vị khách không mời mà đến trong cuộc bầu cử Mỹ - 26/10/2016 23:37
Các tin khác
- Rạp chiếu bóng Nga không dám chiếu phim tài liệu về Bắc Triều Tiên - 26/10/2016 19:04
- Mỹ -Trung tăng cường hợp tác truy bắt tội phạm tham nhũng - 26/10/2016 18:57
- Tình báo Mỹ bi quan về việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên - 26/10/2016 18:46
- Trung Quốc : Hội Nghị Trung Ương 6 có gì mới ? - 26/10/2016 17:45
- Mỹ và Việt Nam tái xác định cam kết bảo vệ luật pháp ở Biển Đông - 26/10/2016 17:03
- Tổng thống Duterte muốn Mỹ rút quân khỏi Philippines trong 2 năm - 26/10/2016 16:39
- Mỹ sắp triển khai hơn 300 quân tại Na Uy, Nga bất bình - 25/10/2016 14:38
- Mỹ muốn duy trì cố vấn quân sự tại miền nam Philippines - 25/10/2016 14:31
- Lãnh đạo Philippines quen ứng xử khiếm nhã: Nhật Bản đau đầu - 25/10/2016 14:25
- LHQ đòi điều tra về các vụ đàn áp người Hồi Giáo tại Miến Điện - 25/10/2016 14:13