Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào bóng đá quốc tế

intermilan 01

Chủ tịch tập đoàn Tô Trữ (Suning) Trương Cận Đông (Zhang Jindong - bên phải) chạm cốc với chủ tịch CLB Inter Milan Erick Thohir, 06/06/2016.
REUTERS/Aly Song

Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều vào các câu lạc bộ bóng đá lớn của thế giới và cho dù sự đầu tư ồ ạt này có thể tạo ra một « bong bóng đầu cơ », nhưng bong bóng sẽ không sớm bị vỡ, theo đánh giá của các chuyên gia.

Ngày 06/06/2016, tập đoàn phân phối hàng điện tử và điện gia dụng Tô Trữ (Suning) của Trung Quốc vừa mua lại gần 70% cổ phần của Inter Milan trị giá 270 triệu euro và trở thành sở hữu chủ mới của một trong những câu lạc bộ nổi tiếng của Ý CLB.

Người đầu tiên khởi động phong trào đầu tư vào các câu lạc bộ quốc tế chính là nhà tỉ phú Vương Kiến Lâm ( Wang Jianlin ), khi vào tháng 01/2015, mua 20% cổ phần của CLB Tây Ban Nha Aletico Madrid.

Về phần CLB Espanyol Barcelone, từ tháng Giêng năm nay cũng đã có cổ đông chính là tập đoàn Trung Quốc Rastar, chuyên sản xuất đồ chơi.
Các CLB của Anh cũng nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư Trung Quốc. CLB Aston Villa vừa được một nhà tài phiệt Trung Quốc mua lại vào tháng trước.
Một tổ hợp các quỹ đầu tư Trung Quốc hiện cũng nắm 13% cổ phần của đội Manchester City.

Phong trào đầu tư vào các câu lạc bộ bóng đá quốc tế diễn ra trong bối cảnh chủ tịch Tập Cận Bình, vốn rất mê bóng đá, đang muốn đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc của quả bóng tròn, tương xứng với vai trò của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.

Hiện giờ đội tuyển quốc gia Trung Quốc chỉ đứng thứ 81 trong bản xếp hạng thế giới, nhưng ông Tập Cận Bình đã từng bày tỏ hy vọng là một ngày nào đó đội tuyển nước ông sẽ đoạt chức vô địch bóng đá thế giới.

Nhưng đầu tư ồ ạt vào bóng đá quốc tế có sẽ thật sự giúp phát triển bộ môn bóng tròn ở Trung Quốc hay không ?
Chưa chắc, theo như nhận định của Rowan Simons, tác giả một cuốn sách về bóng đá Trung Quốc.

Theo tác giả, nếu muốn thực hiện giấc mơ của vị chủ tịch mê bóng đá, Trung Quốc phải chú trọng đào tạo lớp cầu thủ trẻ.
Mặt khác, Rowan Simons đặt câu hỏi là xu hướng đầu tư ồ ạt vào bóng đá quốc tế có sẽ tiếp diễn sau khi ông Tập Cận Bình rời khỏi chức vụ hay không.

Thật ra, xu hướng này cũng phù hợp với chiến lược hiện nay của các tập đoàn Trung Quốc, đó là vừa được quốc tế biết đến nhiều hơn, vừa đa dạng hóa hoạt động, vào lúc nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại.

Với việc đầu tư trực tiếp vào các CLB, các tập đoàn Trung Quốc hy vọng sẽ có thể bành trướng mạnh hơn hoạt động ra nước ngoài.
Chẳng hạn như đối với tập đoàn Tô Trữ (Suning), mua lại CLB Inter Milan là « một sự chọn lựa mang tính chiến lược », và thương hiệu của họ hy vọng cũng trở thành một thương hiệu quan trọng ở châu Âu, không thua gì Darty.

Theo lời ông David Hornby, giám đốc thể thao của Mailman, một công ty quản lý thương hiệu có trụ sở tại Thượng Hải, làn sóng đầu tư ồ ạt vào bóng đá quốc tế sẽ còn tiếp diễn ít nhất là hai năm.

Đầu tư vừa nhanh, vừa nhiều như vậy chắc chắn sẽ tạo ra một « bong bóng đầu cơ », nhưng ông Hornby cho rằng bong bóng này sẽ không sớm vỡ tan.

Switch mode views: