Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Miến Điện : Thách thức lớn trước bầu cử Quốc hội

Aung San Suu Kyi 7

Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi (giữa) đi vận động bầu cử tại ngoại ô Rangoon ngày 4/07/2015.
REUTERS/Soe Zeya Tun

Còn chưa đầy bốn tháng trước bầu cử Quốc hội, 30 triệu cử tri Miến Điện không được bảo đảm có tên trong danh sách những người được đi bầu.

Đối với một quốc gia còn lạc hậu và ít có kinh nghiệm về dân chủ tổ chức bầu cử « tự do » là một thách thức vô cùng to lớn.

Đối lập Miến Điện ngày càng lo ngại Naypyidaw không có đủ thời gian và phương tiện để tổ chức một cuộc bầu cử khả tín.

Ủy ban bầu cử quốc gia Miến Điện nhìn nhận danh sách các cử tri được quyền đi bầu vào ngày 08/11/2015 hiện vẫn còn « chưa hoàn hảo ».
Đảng đối lập Liên đoàn Đấu tranh vì Dân chủ không ngừng kêu gọi cử tri kiểm tra xem họ có được ghi danh trong các danh sách được đi bầu hay không.

Theo lời ông Thaung Htut, một lãnh đạo trong đảng của bà Aung San Suu Kyi, từ họ tên đến ngày tháng và năm sinh của cử tri thường được đưa vào danh sách với rất nhiều sai sót.

Tại nhiều đơn vị bầu cử, danh sách cử tri còn được đánh máy với nhiều lỗi chính tả.
 Ở một số địa phương, những người đã chết từ nhiều năm nay vẫn có tên trong danh sách cử tri.

Một điều bất thường khác, là trong số những người ghi danh để được quyền đi bầu vào tháng 11 sắp tới, nhiều người sinh ngày 30 tháng 6.
Khi được hỏi, Ủy ban bầu cử Miến Điện nhìn nhận là do cử tri không biết rõ ngày tháng năm sinh, nên nhân viên hành chính tiện tay ghi ngày 30 tháng 6 cho dễ nhớ.

Đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi đi kiểm tra từng nhà trong một số đơn vị bầu cử và điều chỉnh bằng tay mỗi khi có những sai sót.
Bản thân lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ cũng tham gia chiến dịch này và bà ghi nhận, ngay tại một số khu vực bầu cử ở Rangun, tỷ lệ sai sót dao động từ 30 đến 80 %.

Trong hoàn cảnh đó theo bà Aung San Suu Kyi, Miến Điện không thể nào khắc phục được tất cả những thiếu sót đó đúng hạn định.
Nếu như ở Rangun, lá phổi kinh tế của Miến Điện, mà còn tồi tệ như vậy, thì không biết ở những vùng xâu, tình hình sẽ ra sao.

Nhưng nghiêm trọng hơn là chính quyền Miến Điện không còn đủ thời gian để kiểm chứng tất cả trước khi chính quyền cho in danh sách cử tri trước hạn chót là vào tháng 8/2015.

Từ khi chính quyền quân sự Miến Điện rút lui khỏi chính trường năm 2011, các nhà lãnh đạo ở Naypyidaw đã tiến hành nhiều cuộc cải cách, nhưng guồng máy hành chính vẫn còn nhiều bất cập.

 Tại các bộ, các cơ quan những núi hồ sơ vẫn chồng chất. Một công cụ cơ bản như máy tính đặt bàn vẫn còn khá hiếm hoi.
Trên các bàn giấy, nhân viên nhà nước vẫn còn dùng máy chữ.

Để chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội vào tháng 11/2015 chính quyền Miến Điện đã được một số các tổ chức quốc tế hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tổ chức.
Trong số đó có IFES –International Foundation of Electoral System. Tổ chức này do Washington tài trợ.

1.000 máy vi tính của Ủy ban bầu cử Miến Điện do quỹ IFES cung cấp trên tổng số 2.000 máy mà Ủy ban đang có được.
Ngoài ra quỹ còn tài trợ cho chiến dịch vận động trên các phương tiện truyền hình, để kêu gọi cử tri kiểm tra là họ có tên trong danh sách những người được quyền đi bầu.

Một quan chức thuộc Ủy ban bầu cử nhìn nhận, Miến Điện mới chỉ bắt đầu số hóa các dữ liệu thông tin cá nhân từ tháng 12/2014 và không đủ phương tiện để làm kịp trước mùa bầu cử năm nay.

Bản thân quỹ IFES cũng đã phải tuyển dụng thêm nhân viên nhưng số hóa các dữ liệu liên quan đến 30 triệu cử tri là một « thách thức kỹ thuật vô cùng to lớn ».
Mới chỉ gần đây, Miến Điện vừa mở trang mạng Facebook tạo điều kiện cho cử tri kiểm chứng xem họ có tên trong danh sách những người được đi bầu hay không.

 Cho dù ngày nay, nhiều thành viên chính phủ đều có trang mạng cá nhân và thường xuyên xem Facebook như một công cụ thông tin mới, nhưng không biết rằng bao nhiêu cử tri Miến Điện có phương tiện và sử dụng thông thạo Facebook để làm được việc đó.


Switch mode views: