Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-11-2013

 Trung Quốc, những thành phố không tương lai

HUAMING



Những khu nhà mới xây tại thành phố Hoa Minh, Trung Quốc
(DR)


Vào lúc Trung Quốc vẫn kiên trì đi theo hướng đô thị hóa nông thôn, nhiều người tỏ ra lo ngại là sự phát triển các chương trình định cư làm nảy sinh đồng thời cảnh khốn quẫn giống như các dự án mà các nước phương Tây đã trải nghiệm thời kỳ sau chiến tranh.

Một ví dụ điển hình là thành phố mới xây Hoa Minh (Huaming). Từng được chọn là mô hình phát triển đô thị hóa trong đợt triển lãm toàn cầu Thượng Hải năm 2010, giờ đây thành phố này rất có thể sẽ mang tính tượng trưng cho một hiện tượng biến đổi mới : Đó là sự bần cùng hóa tại nhiều thành phố mới của Trung Quốc.

Liên quan đến chủ đề này, nhật báo Le Figaro có trích dịch lại một bài viết trên tờ The New York Times đề tựa « Tại Trung Quốc, những thành phố không có tương lai ».

Tác giả Ian Johnson cho biết vào năm 2005, Hoa Minh đã được chọn làm hình mẫu cho quá trình đô thị hóa nông thôn có kế hoạch.

Trên thực tế, Hoa Minh là một xã nông nghiệp, có số dân chừng 41.000 người, sống tập trung chủ yếu trong 12 ngôi làng nhỏ, nằm rải rác trên một diện 155 km². Khu vực phía bắc Trung Quốc này được cho là khá màu mỡ phì nhiêu do nguồn nước dồi dào.

Hoa Minh còn là xã ngoại ô của thành phố cảng Thiên Tân, một trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Xã này còn nổi tiếng với những mặt hàng thủ công và nhất là rau quả tươi.

Thế nhưng, trong con mắt các nhà hoạch định, sự hình thành tự nhiên các khu làng nhỏ đặt ra một vấn đề lớn : Sự phát triển đồng đều kéo theo hạn chế về mật độ nhà ở, không gian và tổ chức khu công nghiệp. Chưa kể đến vấn đề an toàn vệ sinh do thiếu nguồn nước sạch. Từ đó, nảy sinh ý tưởng hợp nhất các ngôi làng lại thành một thành phố trên một diện tích 2,5km², thay vì là 8km², tổng diện tích của 12 ngôi làng gộp lại.

Chính quyền địa phương trích ra một phần diện tích trong số 152km² còn lại giao cho các nhà đầu tư bất động sản. Như vậy, thành phố lẫn người dân sẽ không tốn một xu nào để chi trả cho chi phí xây dựng.

Phần đất canh tác còn lại sẽ được giao cho một số ít nông dân khai thác với những phương pháp canh nông hiện đại hơn.

Phần đông nông dân bị cưỡng bức rời mảnh đất tổ tiên. Số người từ chối nhìn thấy cảnh trường học, đường xá bị phá hủy và điện nước bị cúp.

Đổi đời đâu không thấy, khi đến định cư rồi người dân sớm thất vọng. Thanh niên không kiếm được việc làm, nên suốt ngày la cà trong các quán cà phê Internet. Người lớn tuổi hơn buộc phải chấp những công việc thời vụ bấp bênh để mà tồn tại. Đó là chưa kể đến cạnh tranh khốc liệt với dân di cư đến từ các vùng khác.

Ngay cả như có kiếm được việc, tiền lương không đủ trang trải các chi phí do giá cả đắt đỏ. Lạm phát đã đội giá gạo lên gấp hai lần. Trong khi trước đó, người nông dân lại tự sản xuất. Nhìn chung, lo sợ, tuyệt vọng là những cảm giác chính của những người nông dân tái định cư ở đây.

Thêm vào đó là cảm giác bị lừa phỉnh. Theo nội dung biên bản họp chính thức liên quan đến cách thức phân phối diện tích nhà ở, nông dân sẽ được trao một diện tích mới tương đương với phần diện tích ở được cộng thêm phần đất xung quanh trang trại của họ.

Thế nhưng, việc giao nhà mới diễn ra phức tạp hơn dự tính. Kết quả là người dân chỉ được cấp cho một diện tích nhỏ hơn như ước tính ban đầu. Đó là chưa kể đến chất lượng yếu kém của công trình : Tường bị nứt nẻ, cửa sổ không có ron và nền thang máy bị sét rỉ.

Từ chỗ tuyệt vọng dẫn đến những hành động tiêu cực : Các vụ « tự tử » liên tiếp xảy ra như nhảy lầu, uống thuốc trừ sâu hay ngủ trên đường ray xe lửa.

Theo giải thích của giáo sư Lynette Ong, chuyên gia về khoa học chính trị thuộc đại học Toronto, có nghiên cứu về những khu vực tái định cư : « Hàng trăm ngàn người đã chuyển đến sinh sống tại đây, nhưng mức sống của họ thật sự đã sa sút.

Chất lượng tòa nhà cũng là một vấn đề nhức nhối : cũng bởi do nạn tham nhũng và tình trạng rút ruột công trình ».

Tân Cương, căng thẳng ngày càng gia tăng

Báo Libération quan tâm đến tình hình tại Tân Cương. Tờ báo nhận thấy là « Tại Trung Quốc, căng thẳng với người Duy Ngỗ Nhĩ gia tăng ».

Con số thống kê tính từ đầu năm đến nay cho thấy tại khu tự trị này đã diễn ra gần 200 vụ tấn công khủng bố, mà gần đây nhất là vụ tấn công vào Thiên An Môn hôm 28/10 vừa qua, làm thiệt mạng 2 du khách và 38 người khác bị thương.

Theo Libération, chính sách đồng hóa cưỡng chế do chính quyền Tân Cương thực hiện, đồng nghĩa với hiện tượng dòng người Hán di cư lên khu tự trị, siết chặt an ninh và giới hạn quyền hành đạo cũng như việc áp đặt tiếng phổ thông trong các trường học là những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ bạo động.

Sinopec cũng có trách nhiệm trong vụ nổ đường ống dẫn dầu tại Thanh Đảo

Báo Les Echos nhắc lại vụ nổ đường ống dẫn dầu tại thành phố Thanh Đảo, xảy ra hôm thứ Sáu tuần vừa qua. Vụ nổ đã làm thiệt mạng 55 người, 136 người khác bị thương và làm hơn 18.000 người phải di tản.

Theo Les Echos, trong tai nạn lần này, Tập đoàn hóa dầu Sinopec có bị liên đới trách nhiệm. Mặc dù, nguyên nhân vụ nổ chưa được làm sáng tỏ, nhưng báo chí trong nước đã điểm ra những điều bất thường trong hồ sơ này. Theo đó, đường ống dẫn dầu đi ngang qua một khu đô thị có mật độ dân số đông đúc trong khi người dân địa phương lại không có thông tin đầy đủ.

Dù rằng, việc xây dựng đường ống đã được thực hiện vào năm 1986, trước khi có quy định bắt buộc phải cách khu dân cư 15m, nhưng Sinopec lẫn nhiều tập đoàn dầu khí khác đã không tiến hành tốt công tác thanh tra hệ thống ống dẫn dầu này.

Senkaku/Điếu Ngư : Bắc Kinh thử độ tin cậy của Washington

Tình hình căng thẳng tại biển Hoa Đông vẫn tiếp tục gây sự chú ý báo chí Pháp. Nhật báo Le Monde nhận thấy « Trung Quốc tự cho mình có quyền kiểm soát không phận quần đảo Senkaku ».

Với tuyên bố trên được đưa ra hôm thứ Bảy 23/11/2013 vừa qua, Bắc Kinh đã đẩy căng thẳng tại vùng biển Hoa Đông nâng lên một mức.

Các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối. Nhất là phía Hoa Kỳ đã có những phản ứng mạnh mẽ đánh giá hành động trên của Trung Quốc là « đơn phương », thậm chí làm « gia tăng các rủi ro xảy ra sự cố ».

« Sự leo thang căng thẳng nguy hiểm giữa Trung Quốc và Nhật Bản » là hàng tựa nhận định trên nhật báo kinh tế Les Echos.

Tờ báo còn đăng một bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Jean-Vincent Brisset, thuộc Viện quan hệ Quốc tế và Chiến lược (Iris) cho rằng « mối nguy chủ yếu chính là rủi ro va chạm trên không ». Chuyên gia này nhắc lại vụ đụng độ trên không năm 2001 giữa không lực Mỹ và Trung Quốc trên không phận quốc tế.

Hai chiếc chiến đấu cơ đã va chạm vào nhau, và buộc phía Mỹ phải cho hạ cánh khẩn cấp xuống Hải Nam, kéo theo một cuộc khủng hoảng ngoại giao.

Cuối cùng, Les Echos nhìn thấy quyết định trên của Bắc Kinh còn là « một phép thử uy tín của Washington ».

Chính trường Thái Lan lại « nổi sóng ba đào »

Một chủ đề khác cũng làm hao tốn giấy mực báo chí Pháp là tình hình biến động chính trị tại Thái Lan.

Hôm qua, người biểu tình ủng hộ phe đối lập đã gia tăng áp lực lên chính phủ bằng cách chiếm các tòa nhà Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao, nhằm buộc bà Yingluck Shinawatra phải từ nhiệm. Báo Libération chạy tựa « Tại Băngkok, phe đối lập chiếm các Bộ ».

Nhật báo cộng sản L’Humanité thấy rằng « Phe đối lập đang biểu dương lực lượng ».

Thái Lan đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị tệ hại nhất kể từ sau vụ biểu tình rầm rộ năm 2010. Đất nước vẫn bị chia rẽ sâu sắc giữa nông thôn và thành thị. L’Humanité cho rằng Thái Lan là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất tại châu Á.

Còn đối với báo Les Echos, « Người biểu tình đang thử thách Thủ tướng Thái ». Bị phe đối lập thách thức, bà Yingluck Shinawatra giờ phải nhanh chóng chứng tỏ uy quyền chính trị.

Thỏa thuận hạt nhân Iran tại Geneve : Niềm hy vọng cho người dân Iran

Tin tức Iran và nhóm 5+1 đạt được một thỏa thuận tạm thời về hồ sơ hạt nhân Iran là chủ đề thời sự quốc tế nóng hổi nhất trên các tờ báo lớn tại Pháp. Le Monde chạy tít lớn trên trang nhất : « Hạt nhân Iran : Câu chuyện bí ẩn của một cuộc thương thảo ».

Sau 10 năm thất bại, cuối cùng một « thỏa thuận sơ bộ » cũng đã được ký kết vào sáng sớm Chủ nhật 24/11/2013. Phía Washington cho biết cũng đã tiến hành các cuộc thương thuyết « song phương » từ nhiều năm nay, ngay trước khi ông Hassan Rohani, một người theo chủ trương ôn hòa trúng cử Tổng thống.

Ngoài việc tường thuật lại cặn kẽ quá trình đàm phán căng thẳng, bài xã luận của Le Monde đánh giá thỏa thuận đạt được là « một bước đầu thành công trong ngoại giao trước khi bước vào những điều nghiêm trọng hơn ».

Qua việc giới hạn làm giàu chất uranium ở mức 5%, nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể khẳng định rằng họ đang sở hữu những gì họ đang có: Ít ra là một sự công nhận ngầm quyền làm giàu chất uranium. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề « nan giải » sắp tới cần phải giải quyết : Đóng cửa các cơ sở ngầm, từ bỏ hoàn toàn quá trình làm nước nặng, gia tăng sự giám sát quốc tế.

Như vậy là Washington đã có lý khi dò xét các ý đồ của vị Tổng thống mới của Iran, ông Hassan Rohani. Và Paris cũng không phải là sai khi tỏ ra cứng rắn. Bởi vì, cuộc đàm phán thật sự cũng chỉ vừa mới bắt đầu.

Nhật báo Le Figaro nhìn sự việc trên khía cạnh nội bộ Iran. Tờ báo đưa tít trên trang nhất « Iran : Thỏa thuận về hạt nhân củng cố phe cải tổ ».

Đối với những người chủ trương cải cách, thỏa thuận này mở đầu cho việc chấm dứt các lệnh trừng phạt và cho phép cải thiện tình hình kinh tế. Đối với một bộ phận dân chúng, Tổng thống Rohani đã « giữ đúng lời hứa ».

Về điểm này, Le Monde cũng nhận thấy là « Teheran hôm nay tràn sức sống ». Ngay khi bản thỏa thuận được công bố, người dân Iran hoan hỉ bày tỏ nỗi vui mừng trên các trang mạng xã hội. Một cảm nhận cũng được nhật báo công giáo La Croix đồng chia sẻ trong bài viết « Thỏa thuận Geneve làm lóe lên hy vọng nơi người dân Iran ».

Bất chấp những cuộc tranh chấp nội bộ ngay trong lòng bộ máy chính quyền, người dân Iran hy vọng rằng thỏa thuận đạt được tại Geneve về hạt nhân sẽ cải thiện cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, cả Le Monde và La Croix cũng lưu ý là thỏa thuận trên cũng bị nhiều người chỉ trích, nhất là những người thuộc phe bảo thủ cứng rắn.

Đối với họ, thỏa thuận trên là một sự « thất bại » và một sự « sỉ nhục », rằng « các quyền (làm giàu chất uranium) đã không được công nhận ». Những người này còn viết thư yêu cầu triệu tập Tổng thống Hassan Rohani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif (người dẫn đầu phái đoàn thương lượng Iran).

May thay số người này chỉ chiếm chưa tới 1/3 tổng số Nghị sĩ (290 đại biểu) tại Nghị viện.

Nằm trong số những người không hài lòng với thỏa thuận trên còn có quốc gia láng giềng Cận Đông.

Le Monde cho biết « Israel lên án một ‘sai lầm lịch sử’ ». Thủ tướng Netanyahou khẳng định rằng sau thỏa thuận này, « thế giới còn trở nên nguy hiểm hơn ».

2/3 phụ nữ trên thế giới vẫn chịu cảnh bạo hành

70% phụ nữ trên thế giới vẫn phải đối mặt với nạn bạo hành về thể xác hay tình dục là nội dung bản báo cáo do Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm qua 25/11/2013, nhân ngày Quốc tế loại trừ nạn bạo hành phụ nữ. Chủ đề này được nhật báo Le Monde hôm nay quan tâm đến.

Liên Hiệp Quốc đánh giá hiện tượng trên như là một « dịch bệnh ». « Nạn bạo hành này diễn ra phần lớn thời gian trong khuôn khổ quan hệ thân mật và rất nhiều phụ nữ cho rằng người bạn đời hay người sống chung là tác giả của tình trạng bạo hành trên ».

Tuy nhiên, số liệu thống kê nên chưa lột tả được nhiều hình thức bạo hành khác nhau : Hành hung người làm, hôn nhân cưỡng bức và trước tuổi, cưỡng hiếp, quấy rối tình dục, buôn người, mãi dâm… Tình trạng này không chừa một quốc gia nào, theo như đánh giá của Liên Hiệp Quốc.

Thế thì tại sao lại có khó khăn trong việc đẩy lùi tình trạng bạo hành ?

Theo con số thống kê chính thức của Hội đồng tối cao bình đẳng nam – nữ, tại Pháp hiện nay đã có đến 83.000 vụ việc được ghi nhận. Thế nhưng, theo bà Danielle Bousquet, Chủ tịch Hội đồng tối cao bình đẳng nam – nữ con số trên có thể sẽ còn cao hơn.

« Chỉ có 9,3% nạn nhân đi khiếu kiện, bởi vì trong 80% trường hợp, nạn nhân hiểu rất rõ tác giả vụ việc ».

Không chỉ trong đời sống lứa đôi, phụ nữ cũng là đối tượng của những vụ bạo hành khi xảy ra xung đột võ trang và bạo động sắc tộc.

Theo quan sát của Trung tâm chăm sóc Primo-Levi tại Paris, số phụ nữ độc thân, đã có con hay đang mang thai sau khi bị cưỡng hiếp trước khi hay trong khi đi chạy nạn đến hưởng các chế độ chăm sóc tại Trung tâm đã gia tăng trong vòng hai ba năm gần đây.



Switch mode views: