Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-11-2013
- Thứ Tư, 23 tháng Mười năm 2013 19:22
- Tác Giả: Lê Phước
Nhật Bản : Abenomics đặt trọng tâm vào phụ nữ
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh chụp ngày 08/10/2013, nhân Thượng đỉnh APEC - Indonesia)
REUTERS
Tại Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã trở lại ghế Thủ tướng vào tháng 12 năm ngoái. Gần một năm qua, chính sách phục hồi kinh tế của ông Abe, còn được gọi là Abenomics, đã thu được nhiều thành tựu, thu hút cả sự chú ý của các nước phương Tây vốn muốn thoát ra vòng khủng hoảng.
Một điểm đáng chú ý là Abenomics dành phần trọng tâm vào chị em phụ nữ, trong một xã hội còn nặng tính truyền thống Nho Giáo quen « nhốt » người phụ nữ trong nhà bếp như Nhật Bản.
Chủ đề này được nhật báo cánh tả Libération phản ánh trong số ra hôm nay qua bài viết : « Tại Nhật Bản, Shinzo Abe nhắm đến thế mạnh của nữ giới ».
Libération cho biết, từ hồi nhậm chức đến nay, trên rất nhiều diễn đàn, từ Liên Hiệp Quốc đến Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã nhắc đi nhắc lại vai trò quan trọng của phụ nữ trong chính sách phục hồi kinh tế của ông.
Ông từng tuyên bố là muốn khai thác tốt hơn nguồn lực phụ nữ bởi vì nguồn lực này lâu nay được sử dụng chưa đúng mức. Ông cũng nói rõ là muốn « tạo ra một xã hội mà ở đó phụ nữ được tỏa sáng », và « thay đổi cấu trúc xã hội Nhật Bản ».
Tờ báo chỉ ra những nỗ lực đưa phụ nữ ra khỏi nhà bếp của Thủ tướng Abe. Ông khuyến khích phụ nữ nhanh chóng trở lại làm việc sau khi sinh con, yêu cầu các doanh nghiệp nâng tỷ lệ phụ nữ trong ban lãnh đạo. Để giúp chị em rảnh tay làm việc, ông Abe còn có kế hoạch xây dựng thêm hàng trăm ngàn nhà trẻ trên toàn quốc.
Chính sách tăng cường vai trò phụ nữ của ông Abe không chỉ mang yếu tố xã hội, mà còn mang tính thực tế cao.
Tờ báo nhắc lại rằng, thị trường lao động Nhật Bản xưa nay do cánh mày râu lũng đoạn. Trong khi đó thì tỷ lệ sinh ngày càng giảm, dân số đang trong tình trạng lão hóa, và việc thiếu lao động là tất yếu.
Để bổ sung cho nguồn lao động thiếu này, một trong những cách hữu hiệu là tuyển lao động nước ngoài. Nhưng việc quá nhiều lao động nước ngoài vào Nhật Bản cũng không phù hợp với tâm lý người Nhật. Do đó, cách tốt nhất là giải phóng chị em phụ nữ ra khỏi nhà bếp và tận dụng nguồn lực bị bỏ rơi bấy lâu nay này.
Tuy nhiên, cái khó khăn lớn nhất đối với chính sách nói trên của ông Abe là phải làm sao thay đổi được cách suy nghĩ của cả một xã hội vốn quen với truyền thống : Đàn ông ra ngoài làm việc kiếm tiền, phụ nữ ở nhà làm nội trợ và chăm sóc con cái.
Ngay cả tại Quốc hội Nhật Bản hiện cũng chỉ có 38 nữ trên tổng số 480 dân biểu. Libération nói thêm, ngay cả khi phụ nữ tìm được việc làm, thì trong công việc cũng có sự phân biệt đối xử rất lớn.
Trung Quốc : Tình trạng trấn áp đối lập tiếp diễn
Liên quan đến Trung Quốc, nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro chú ý đến làn sóng trấn áp đối lập của nhà cầm quyền Trung Quốc qua bài viết về một trường hợp thanh trừng tại Đại học Bắc Kinh.
Bài viết chạy tựa : « Hạ Nghiệp Lương, nhà kinh tế có lập trường tự do vừa bị chính quyền Trung Quốc thanh trừng ».
Bài viết cho biết, ông Hạ Nghiệp Lương là một giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh. Ông không chỉ có tiếng ở trong nước mà còn được biết đến nhiều trên thế giới. Thế nhưng, vừa qua, ông đã bị sa thải khỏi Đại học Bắc Kinh.
Lãnh đạo nhà trường đưa ra lý do giáo sư Hạ là một người không có năng lực thông qua quá trình đánh giá giảng viên ở Đại học Bắc Kinh nhiều năm qua.
Tuy nhiên, Le Figaro nghi ngờ lập luận nói trên. Tờ báo dẫn lời của đương sự Hạ Nghiệp Lương cho rằng, ông Hạ bị thanh trừng bởi đã tham gia tích cực phong trào đòi cải cách dân chủ tại Trung Quốc.
Theo giáo sư Hạ, thì vào năm 2009, ông đã gửi thư đến ông Lưu Vân Sơn, khi ấy là Trưởng ban tuyên giáo đảng Cộng sản Trung Quốc. Bức thư chỉ trích việc đảng cầm quyền xiết chặt kiểm duyệt thông tin. Và giờ đây, Ông Lưu đã vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị nên mới tìm cách « trả thù ».
Để minh chứng thêm cho việc ông Hạ Nghiệp Lương bị thanh trừng, Le Figaro lược lại quá trình đấu tranh dân chủ của ông, trong đó nổi bật là việc ông là bạn thân của Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba. Ông Hạ và ông Lưu là những người đầu tiên ký vào bản Hiến chương 08 hồi năm 2008 đòi cải cách dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự.
Lưu Hiểu Ba đã bị kết án 11 năm tù và đang trong vòng lao lý. Còn ông Hạ thì, bất chấp mọi đe dọa sa thải hay tù tội, vẫn tiếp tục đăng tải trên trang blog cá nhân những bài cổ vũ quyền tự do ngôn luận và Nhà nước pháp quyền.
Le Figaro cũng nói thêm, Hạ Nghiệp Lương là người có lập trường đa nguyên, phản đối sự độc tôn của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tờ báo còn nhắc lại rằng, trái với hy vọng ban đầu của một số người, kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ Tập Cận Bình đã tăng cường xiết chặt kiểm duyệt, bắt bớ nhiều nhà đấu tranh dân chủ.
Lực lượng nổi dậy Syria : Rắn không đầu?
Nhìn sang điểm nóng Syria, nhật báo Le Monde đăng bài xã luận trên trang nhất với dòng tựa : «Tình trạng đơn độc nghiêm trọng của đối lập Syria ».
Nhóm các nước « Những người bạn Syria » ủng hộ đối lập Syria đã nhóm họp tại Luân Đôn. Nga và Mỹ đang ra sức kêu gọi các bên liên quan trở lại bàn đàm phán trong hội nghị Geneve II dự kiến vào tháng 11 tới.
Câu hỏi đặt ra là ai sẽ đủ cân đủ lượng đại diện cho toàn bộ các nhóm nổi dậy đến dự Geneve II để mặt đối mặt với đại diện của chính phủ Damas ?
Câu hỏi này được đặt ra là bởi vì phe nổi dậy tại Syria hiện tại có quá nhiều thành phần, trong đó có rất nhiều chiến binh Hồi giáo cực đoan hoặc là các lực lượng thành viên của Al Qaida.
Các nước phương Tây thường xem Liên minh quốc gia Syria (SNC) là đại diện chính thức của lực lượng nổi dậy tại Syria.
Thế nhưng, trên thực tế, tính chính danh của SNC cũng còn cần phải xem lại. Hồi tháng rồi, hơn 10 nhóm nổi dậy thuộc các lực lượng Thánh chiến tại Syria đã tuyên bố không thừa nhận quyền lãnh đạo của SNC.
Liên quan đến việc góp phần làm nổi lên các lực lượng Hồi giáo cực đoan trong hàng ngũ phe nổi dậy tại Syria, Le Monde chỉ trích vai trò của ba nước Ả Rập Xê Út, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Lúc đầu, người nổi dậy Syria chỉ xuống đường biểu tình hòa bình. Sau khi bị chính phủ dùng vũ lực đàn áp, người nổi dậy mới bắt đầu võ trang để tự vệ. Và đó cũng là cơ hội để các nước muốn can thiệp cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy.
Ba nước nêu trên đã không ngần ngại võ trang cho những lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Syria. Và dẫn đến tình hình hiện tại là hình ảnh phe nổi dậy bị che phủ bởi bóng đen Hồi giáo cực đoan hóa, gây khiếp sợ cho không ít người dân Syria, và làm mất lòng tin các nước phương Tây.
Nhật báo cánh tả Libération chia sẻ quan điểm này khi đăng bài cho rằng, SNC không thể chỉ đạo được tất cả các thành phần của quân nỗi dậy, SNC đang mất dần ảnh hưởng, và mất lòng tin. Tờ báo này còn dẫn lời chuyên gia dự báo : « Giả sử đạt được một thỏa thuận hòa bình (ở Geneve II) thì sau đó vẫn còn tiếp diễn một cuộc nổi dậy mang màu sắc Thánh Chiến (tại Syria)».
Các nước « tân hưng mới » : Thị trường xe hơi béo bở
Trong lĩnh vực kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos có bài đáng chú ý với hàng tựa : « Các đại gia ngành ô tô tấn công vào những nước tân hưng mới ».
Những nước tân hưng đầu tàu thường được biết đến là nằm trong nhóm BRICS bao gồm : Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Thế nhưng, còn có một số nước khác cũng đang trong đà phát triển, và được tờ báo gọi là các nước tân hưng mới.
Trở lại với thị trường ô tô, Les Echos cho biết, nhóm BRICS vẫn chiếm phần lớn thị phần, nhưng đang có dấu hiệu chựng lại.
Từ đầu năm đến nay, thị trường ô tô ở Nga đã giảm hơn 6%, ở Ấn Độ đã giảm 4,7%.
Thị trường Trung Quốc dù còn trụ vững, và được dự báo là tăng trưởng ở mức 9% vào năm 2015, nhưng sẽ giảm xuống mức 4% kể từ năm 2020.
Trong khi đó, tiềm năng của các nước tân hưng mới lại rất lớn. Đại diện của các nước này là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út hay Nigeria…Dân số ước tính ở các nước này chiếm đến 40% dân số thế giới, tầng lớp trung lưu không ngừng tăng lên, đường giao thông ngày càng được cải thiện, trong khi đó thì đa phần người dân vẫn còn xa lạ với ô tô.
Mỹ theo dõi Pháp : Chính giới Pháp nổi giận
Tiếp tục loạt bài về những tiết lộ của cựu nhân viên của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, Edward Snowden, nhật báo Le Monde đăng thông tin nhấn mạnh đến việc mật vụ Mỹ lén theo dõi các cơ quan và nhà ngoại giao Pháp.
Tờ báo cho biết, theo những tài liệu do Snowden tiết lộ mà tờ báo có được, thì các cơ quan ngoại giao của Pháp ở Washington và ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York đã bị mật vụ Mỹ bí mật theo dõi và thu thập rất nhiều thông tin.
Le Monde nêu ra một trong những thành quả của việc theo dõi này, đó là vào năm 2010, đã giúp cho bà Susan Rice, khi ấy là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, biết trước lập trường của Pháp để có thể chủ động trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Bên cạnh đó, Le Monde còn đăng bài cho hay, vụ việc đã làm phẫn nộ cả hai phe tả-hữu của Pháp. Tờ báo dẫn lời của nhiều chính khách, từ những người trong chính phủ thuộc cánh tả đến các chính khách cộm cán trong cánh hữu. Tất cả đều lên án hành động theo dõi đồng minh của Mỹ và yêu cầu phía Mỹ giải thích rõ và chấm dứt hành động theo kiểu như vậy.
Tổng thống Pháp đã điện đàm với Tổng thống Mỹ để bày tỏ sự phản đối. Ngoại trưởng Pháp cũng đã hội kiến và thể hiện sự bất bình với Ngoại trưởng Mỹ. Những từ như « không thế chấp nhận được » hay « bị sốc ghê gớm » được vang lên trong chính giới Pháp.
Để thể hiện sự ưu tiên cho chủ đề này, Le Monde dành vị trí trang trọng trên trang nhất đăng ảnh Ngoại trưởng Pháp và Ngoại trưởng Mỹ bắt tay thân tình nhưng kèm theo dòng tựa : « Các cơ quan đại diện ngoại giao của Pháp bị theo dõi ».
Về phần mình, nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng bài : « Ngành ngoại giao Pháp bị NSA theo dõi ». Nhật báo kinh tế Les Echos có bài xã luận với tựa mỉa mai : « Vụ gián điệp PRISM, biểu tượng của siêu cường Hoa Kỳ ».
Bài xã luận kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu hoãn đàm phán hiệp ước tự do mậu dịch với Mỹ để chờ Washington có những cam kết đáng tin cậy về vụ việc.
Pháp : 25% dân số ở độ tuổi… ông bà
Trong hồ sơ xã hội, nhật báo Les Echos đăng kết quả thống kê của Viện thống kê quốc gia Pháp (INSEE), theo đó 25% dân số Pháp hiện ở độ tuổi ông bà.
INSEE cho biết, năm 1999, số người ở độ tuổi ông bà của Pháp là 12,5 triệu. Hơn một thập kỷ sau, con số này là 15,1 triệu, tức tăng thêm 2,5 triệu.
INSEE cảnh báo, tình trạng lão hóa dân số ở Pháp sẽ tiếp tục trầm trọng trong thời gian tới.
Cũng trong hồ sơ xã hội, Les Echos còn đăng bài cho biết, ở Pháp, có đến 9% các cặp vợ chồng là chấp nối. Trên tổng số 13,7 triệu trẻ em, có đến 2,5 triệu phải sống thiếu cha hoặc mẹ do cha mẹ đã li hôn, 1,5 triệu bé sống trong một gia đình có cha mẹ chấp nối, 940 000 bé sống với cha hoặc mẹ ghẻ, 530 000 bé phải sống cùng một mái nhà với anh em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
Tin mới
- Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân: Quốc tế bất lực ? - 27/10/2013 23:02
- Chính sách xoay trục về Châu Á của Mỹ đang gia tốc - 26/10/2013 19:12
- Vàng mọc ở trên cây ! - 26/10/2013 16:37
- Quyền lái xe cho phụ nữ Ả Rập Xê Út : Các nhà tranh đấu bị áp lực - 26/10/2013 16:26
- Twitter chuẩn bị lên sàn chứng khoán - 25/10/2013 23:21
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-11-2013 - 25/10/2013 20:24
- Phúc thẩm Bạc Hy Lai : Y án chung thân - 25/10/2013 20:15
- Philippines - Trung Quốc cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông - 24/10/2013 16:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-11-2013 - 24/10/2013 16:13
- Thủ tướng Pakistan thăm Mỹ, một chuyến công du trọng yếu - 23/10/2013 19:29
Các tin khác
- Malaysia tăng cường võ trang đề phòng Trung Quốc - 23/10/2013 18:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-11-2013 - 22/10/2013 22:09
- Brunei ban hành luật Hồi giáo - 22/10/2013 17:56
- Greenspan lo ngại về nợ Mỹ - 21/10/2013 21:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-11-2013 - 21/10/2013 20:13
- Kêu án chung thân cho hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ - 21/10/2013 20:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-11-2013 - 20/10/2013 19:40
- Mỹ hiện đại hóa căn cứ quân sự tại Hàn Quốc - 20/10/2013 19:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-11-2013 - 19/10/2013 20:42
- Syria : Tấn công đẫm máu ở ngoại ô Damas - 19/10/2013 19:45