Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giáo chủ Iran phê phán Tổng thống Rohani về chuyến công du New York

AliKhamenei-Hassan Rohani


Tổng thống Iran Hassan Rohani (P) ngồi cạnh Giáo chủ Hồi giáo Iran Ali Khamenei. Ảnh chụp ngày 16/06/2013 tại Teheran.héran.
REUTERS/Leader.ir/Handout via Reuters


Chuyến công du New York vừa qua của Tổng thống Iran Hassan Rohani - với cú điện thoại bất ngờ ngày 27/09/2013 mang lại một đột phá trong quan hệ giữa Teheran và Washington - đã gây ra rất nhiều bình luận trái ngược tại Iran.

 

Hôm qua 05/10, tại Teheran, lãnh đạo tinh thần tối cao Aytollah Ali Khamenei chính thức phê phán cách ứng xử ngoại giao của tân tổng thống với nước Mỹ và trực diện lên án Washington.

Đây là phản ứng đầu tiên của lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Aytollah Ali Khamenei, sau chuyến công du của Tổng thống Hassan Rohani tại New York. Aytollah Ali Khamenei là người có thẩm quyền quyết định trong các công việc lớn của đất nước, đặc biệt là hai lĩnh vực hạt nhân và ngoại giao.

Lãnh đạo tinh thần tối cao Iran tuyên bố về nguyên tắc « ủng hộ sáng kiến ngoại giao và chính phủ, tuy nhiên một phần trong những gì diễn ra (trong chuyến công du của tổng thống Iran) là không phù hợp ».

Theo các nhà phân tích, phê phán của Aytollah Ali Khamenei chủ yếu nhắm vào cuộc điện thoại bất ngờ giữa Tổng thống Rohani và Tổng thống Obama. Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai tổng thống Iran và Hoa Kỳ đã chấm dứt 34 năm đứt đoạn trong quan hệ song phương Teheran-Washington, sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979.

Trong chuyến công du tới Mỹ cuối tháng 9 để tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Iran Hassan Rohani đã tìm cách chứng tỏ sự khác biệt so với người tiềm nhiệm theo xu hướng bảo thủ Mahmoud Ahmadinejad, với việc nhấn mạnh rằng Teheran không phải là một mối đe dọa.

Nhậm chức vào tháng 8, sau cuộc bầu cử tháng 6, tân Tổng thống Iran hứa hẹn sẽ có một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn với các cường quốc Phương Tây trong vấn đề hạt nhân, nhằm giảm nhẹ các trừng phạt mà Teheran đang phải chịu trong các lĩnh vực dầu khí và ngân hàng.

Điều ghi dấu ấn nhất đối với công luận trong chuyến đi nhằm cải thiện hình ảnh của Iran là cuộc điện đàm 15 phút của Tân tổng thống Iran và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Cuộc điện đàm kể trên góp phần nối lại quan hệ giữa hai nước được những người ủng hộ ông Rohani ca ngợi. Tuy nhiên, « sự cởi mở ngoại giao » của tân tổng thống Iran cũng vấp phải rất nhiều phản đối trong nước.

Nhiều lãnh đạo của đội Vệ binh Cách mạng Iran, lực lượng tinh nhuệ của chế độ Teheran, đã chỉ trích cuộc tiếp xúc này và nhận xét đó là « sai lầm chiến thuật ». Mehdi Fazayeli, một người bình luận theo xu hướng bảo thủ, nhận định là chính phủ đã phạm sai lầm khi đốt cháy giai đoạn.

Trên thực tế, chính giáo chủ Iran Khamenei đã bật đèn xanh cho Tổng thống Rohani trong việc tỏ ra « mềm mại » trong các thương thuyết nhân chuyến công du này, để khiến Phương Tây hy vọng là Iran sẵn sàng cho một thỏa thuận về chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, trước sức ép của giới quân sự và lực lượng bảo thủ, lãnh đạo tinh thần tối cao quyết định tung ra lời chỉ trích quyết liệt nhắm vào Hoa Kỳ, vì quan hệ liên minh với Israel, kẻ thù số một của Iran.

Nhân vật số một của Iran nhận định : « Chúng tôi rất bi quan trong quan hệ với Hoa Kỳ và chúng tôi không tin tưởng vào họ. Chính phủ Mỹ không đáng tin tưởng, họ khinh khỉnh, hồ đồ và không giữ lời hứa ». Ông giải thích thêm rằng, chính quyền Mỹ bị « mạng lưới của những kẻ theo chủ nghĩa sionism » (tức chủ nghĩa dân tộc Do Thái) điều khiển.

Đây là lời nhắc gợi đến các tuyên bố của tổng thống Barack Obama mới đây. Trong cuộc tiếp đón Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ khẳng định rằng biện pháp quân sự luôn luôn sẵn sàng để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. Thứ ba tuần này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã dọa tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Đây là hành động mà giáo chủ Iran hứa hẹn sẽ trả đũa mạnh.

Dù giáo chủ Iran có động thái căng thẳng mới, nhưng quan hệ Teheran-Washington vẫn đang trên đà cải thiện. Sau cuộc gặp lịch sử lần đầu tiên giữa hai Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và John Kerry, lãnh đạo ngoại giao Mỹ-Iran sẽ có cuộc gặp tiếp theo dự kiến vào ngày 15/10 tại Genève để nối lại các đàm phán về hạt nhân.


Switch mode views: