Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-09-2013

 Biến đổi khí hậu : Kịch bản xấu nhất

Rajendra Pachauri



Rajendra Pachauri, Chủ tịch GIEC/IPCC từ năm 2002.
Getty Images/India Today/Parveen Negi


Ngân sách Pháp 2014, với các khoản thuế tăng... là những chủ đề được báo giới Pháp quan tâm hàng đầu vào hôm nay, 27/09/2013.
Bên cạnh đó, bản báo cáo thứ 5 rất đáng ngại của nhóm GIEC/IPCC về khí hậu cũng rất được theo dõi.
Các báo đều lo ngại trước kịch bản xấu nhất cho tương lai hành tinh đã được giới khoa học xác nhận

L’Humanité và Les Echos dành một tựa trang nhất cho sự kiện. Les Echos báo động : « Khí hậu hâm nóng : Kịch bản tồi tệ nhất đã được xác nhận ».

Bản báo cáo mới được công bố mà Les Echos đã có trước bản sao, là một lời báo động đỏ về nhiệt độ trái đất gia tăng từ đây đến năm 2100 : Tăng từ 1 đến 4 độ vào cuối thế kỷ này, đặc biệt là tại các đại dương và vùng Bắc cực, với hệ quả mực nước biển sẽ dâng cao mạnh hơn.

Trong kịch bản đáng ngại nhất, mực nước có thể dâng cao thêm đến hơn 62cm. Tờ báo nêu lên số liệu so sánh từ 1901-2012, nhiệt độ hành tinh đã tăng 0,9 độ, mực nước biển đã tăng 19cm, khí thải CO2 tăng hơn 20% và tất cả sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Hậu quả đối với môi trường thiên nhiên, kinh tế, nông nghiệp, đời sống con người khá ghê gớm. Les Ẹchos cũng như đồng nghiệp L’Humanité, Le Figaro, nêu bật trách nhiệm của lãnh đạo các nơi, phải thảo luận cùng với dân chúng về những thay đổi cần thực hiện để giảm hệ quả.

Tuy nhiên công việc không phải dễ dàng, như riêng trong vấn đề có thể làm được là giảm khí thải CO2. Hiện còn biết bao thế lực ngăn chặn, cản trở, cho nên - như l’Humanité nhấn mạnh - phải đặt giới có quyền quyết định chính trị trước trách nhiệm của họ.

Trong bài xã luận của mình, Les Echos ngạc nhiên lưu ý rằng báo cáo thứ 5 này của nhóm GIEC, có giọng điệu cảnh báo nghiêm khắc. Trước đây các chuyên gia cũng báo động, nhấn mạnh là tình hình khẩn cấp, nhưng bên cạnh đó thì cũng có mặt trấn an là nếu phản ứng nhanh thì cũng còn có thể tránh thảm họa cho hành tinh. Lần này thì khác.

Báo cáo của nhóm GIEC cho thấy là đã muộn rồi. Họ đã cho thấy kịch bản không thể tránh khỏi của một thế giới đã không biét giải quyết kịp thời vấn đề khí thải và giờ đây phải gánh chịu hậu quả : Băng chảy, đá tan, mực biển dâng lên, khí hậu nóng bức... Một cảnh tượng làm lạnh cả xương sống và cho cảm giác là chúng ta đã thua, chỉ còn là thích nghi với hoàn cảnh mà thôi, tức là thay đổi nếp sống, quy hoạch lãnh thổ, đô thị v.v...

Les Echos thúc đẩy mọi người ở mọi cấp phải nhanh chóng hành đông, ra khỏi sự thụ động hiện nay, không nên trong chờ vào phép lạ khoa học để giải quyết hiện tượng do con người gây ra.

Việt Nam : Kinh tế hồi phục từ từ

Nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc, nhật báo Le Monde đã có bài phân tích về tình hình kinh tế Việt Nam dưới tựa đề : Kinh tế Việt Nam vươn lên trở lại, nhưng một cách từ từ ».

Phóng viên tờ báo Pháp đặc biệt ghi nhận sự kiện : « Nhà nước đã khởi sự việc tái cấu trúc các ngân hàng và khoảng 1.200 doanh nghiệp mà họ kiểm soát ».

Trong một biểu đồ nêu lên mức tăng trưởng của Việt Nam từ năm 2009 đến nay, báo Le Monde dựa trên số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI, nêu lên hai yếu tố. Trước hết là tỷ lệ tăng trưởng, sau đỉnh cao 6,4% năm 2010, đã lần lượt đi xuống hai năm sau đó để chạm đáy 5,2% vào năm 2012, để chuẩn bị vươn lên, nhưng rất chậm trong hai năm 2013 và 2014 với mỗi năm thêm được vỏn vẹn 0,1%, theo ước tính của FMI.

Yếu tố đáng ngại khác được nêu lên trong biểu đồ là đà đi xuống đều đặn của mức đầu tư, trong cả hai lãnh vực nhà nước và tư nhân. Cho dùng tăng trưởng có khả năng lên nhẹ kể từ năm nay, 2013, tỷ lệ đầu tư so với GDP vẫn tiếp tục đi xuống.

Nhận định mà Le Monde rút ra từ biểu đồ này rất hóm hỉnh : « Con ‘hổ’ Việt Nam gầm nhỏ hơn ». Hổ là từ ngữ thường được báo chí phương Tây dùng để gọi các nên kinh tế đang trỡi dậy tại châu Á.

Đối với Le Monde, toàn cảnh kinh tế Việt Nam không hoàn toàn u ám, vì ý muốn vươn lên vẫn mạnh mẽ. Tờ báo Pháp nêu lên một loạt ví dụ.

Gần đây nhất là thông báo ngày 25/09 vừa qua về hợp đồng gần một trăm chiếc Airbus A320 – chính xác là 92 chiếc - mà hãng hàng không giá rẻ Việt Nam VietJetAir hứa mua nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Là một công ty hàng không low cost tư nhân, đã bắt đầu cạnh tranh với hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airlines từ năm 2011 trên các đường bay quốc nội, VietJetAir như đang chứng tỏ quyết tâm mở rộng hoạt động ra toàn khu vực Đông Nam Á, với việc mua đứt 62 chiếc Airbus A320, kèm theo ba mươi chiếc khác dưới dạng nhiệm ý, trị giá tổng cộng 6,4 tỷ euro...

Ví dụ thứ hai phản ánh mong muốn mở cửa của Việt Nam là việc cho phép đại ngân hàng Pháp BNP Paribas mở chi nhánh tại Hà Nội, trở thành ngân hàng đầu tiên của khu vực đồng Euro có cơ sở gọi là « bán lẻ » ở thủ đô Việt Nam.

Theo báo Le Monde, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam hết sức « ấn tượng ». Với 90 triệu dân, và một cơ cấu dân số rất trẻ và năng động, Việt Nam là một trong những quốc gia mới nổi thu hút rất nhiều công ty nước ngoài và luồng vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây, từ Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại thương Pháp cho rằng : « Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ là một cực tiêu dùng và sản xuất lớn mạnh trong khu vực », và Paris đã đề ra mục tiêu là trong vòng bốn năm tới đây, sẽ nhân đôi thị phần của Pháp tại Việt Nam hiện rất khiêm tốn.

Trung Quốc và lá bài Thượng Hải

Báo Les Echos hôm nay, nhìn sang Trung Quốc sắp khánh thành vùng tự do mậu dịch Thượng Hải vào Chủ nhật này.

Tờ báo nhìn thấy trong dòng tựa là ‘Trung Quốc đánh lá bài tương lai kinh tế của mình ở Thượng Hải’, và giải thích là đề án này rất quan trọng đối với Thủ tướng Trung Quốc, ông muốn thử nghiệm ở đây việc tự do hóa kinh tế không thể tránh khỏi.

Theo nhận định của Les Echos, Thủ tướng Lý Khắc Cuòng đã ‘đầu tư vào đề án này một phần không nhỏ vốn liếng chính trị của ông. Đề án còn nhiều điêm mơ hồ, nhưng mục tiêu rất rõ : Thiết lập tại thủ phủ kinh tế Trung Quốc một vùng rông 25 cây số vuông, tại đó hoạt động kinh tế sẽ được tự do đến mức tối đa có thể cho phép.

Trong bối cảnh Trung Quốc hiện nay, Les Echos cho là những gì diễn ra ở Thượng Hải thật ra liên quan đến tương lai kinh tế của cả Trung Quốc. Vì theo chủ trương cẩn thận của ông Đặng Tiểu Bình, phải đi từng giai đoạn, thử nghiệm tại chỗ trước khi mở rộng ra.

Mục tiêu là như thế nhưng một chuyên gia mà Les Echos trích dẫn cho là con đường vẫn còn bấp bênh. Cụ thể vùng tự do mậu dịch này có những điểm mấu chốt như thế nào ? Tờ báo nêu 3 điểm trọng yếu : Trước tiên là củng cố cảng Thượng Hải để cạnh tranh trực tiếp với Hồng Kông và Singapore, làm y như hai nơi này với chính sách thuế hời, thủ tục rõ ràng, minh bạch.

Chính sách này cũng sẽ được áp dung trong lãnh vực dịch vụ, các nhà đầu tư nước ngoài dược mời mọc trong bối cảnh pháp lý thuận lợi, bảo đảm cho họ một thế đứng bình đắng với các công ty Trung Quốc. Mục tiêu, theo Les Echos, là cho phép cạnh tranh trên một số tối đa lãnh vực, giảm thiểu những lãnh vực được xem là chiến lược và dành cho các tập đoàn Nhà nước.

Một lãnh vực quan trọng nữa là ngân hàng : Trung Quốc ở đây muốn trắc nghiệm những cải tổ không thể tránh khỏi trong ngành tài chính. Ngừoi ta chỉ mới thấy những hướng lớn : Tự do hóa hoạt động ngân hàng, cho phép cạnh tranh, có nghĩa là cho phép các ngân hàng quy định lãi suất họ muốn để thu hút khách hàng.

Les Echos nhìn thấy một số ngân hàng nước ngoài đang xếp hàng để tham gia ‘cuộc phiêu lưu’. Điều này theo tờ báo một phần hàng rào cho đên giớ vẫn ngăn chặn việc đồng yuan ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc đang được tháo gỡ. Và chính trên lãnh vực này mà Hồng Kông lo ngại cho tương lai kinh tế của mình.

Hoa Kỳ : Obama phải đau đầu

Nhìn về Hoa Kỳ, tờ Le Monde cũng như Les Echos đều chú ý đến nhũng khó khăn mà Tổng thống Obama gặp phải trên những hồ sơ lớn, từ ngân sách cho đến cải tổ y tế. Le Monde ghi nhận là phe Cộng hòa đang muốn cản trở chính sách cải tổ y tế của ông Obama.

Tờ báo nhận định một cách hóm hỉnh : Nếu nghĩ rằng vì đã được Quốc hội bỏ phiếu thông qua, được Tổng thống ký ban hành và được Tòa án Tối cao xác nhận, sau bao sóng gió, mà công cuộc cải tổ y tế - trên nguyên tắc có hiệu lực vào ngày mùng 1 tháng 10 - sẽ được dễ dàng áp dụng, thì đó là không hiểu chuyện ở Mỹ.

Hiện nay, theo Le Monde, hơn 1/3 người Mỹ cho là họ không hiểu cải tổ này của ông Obama. Trong bối cảnh rắc rối đó, báo Les Echos có một bài nhận định dài nêu bật sự tuột dốc (trong vai trò lãnh đạo) không thể tưởng tượng của ông Obama.

Les Echos liệt kê một số điểm minh họa. Theo tờ báo, đó là sự tê liệt của ông Obama trong lúc mà cuộc đọ sức sắp diễn ra ở Quốc hội trên vấn đề ngân sách. Giờ đây, không còn có thể quy tội cho phía Cộng hòa nữa, mà chính người đảng Dân chủ đang gây khó khăn cho ông, sau hàng loạt vụ tai tiếng : từ vụ nghe trộm, theo dõi người Mỹ của cơ quan NSA, đến việc đề cử tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương, hay hồ sơ Syria.

Ông Obama đã không còn uy tín trong chính đảng của ông và càng tuột dốc trong dư luân : Ông đã mất đi đến 10 điểm tín nhiệm từ khi được bầu lại.

Sự tuột dốc, mất uy tín hiên nay của ông Obama đã khiến tác giả bài báo tự hỏi : Phải chăng là một người khác, không phải là ông Obama mà vào đầu năm nay, tạp chí Time đánh giá là người ‘hùng mạnh nhất hành tinh’ ? Sáu tháng sau, ông cho thấy là ông không còn nắm được những hồ sơ lớn trong nước, huống chi là những hồ sơ lớn quốc tế.

Năm đầu tiên của nhiệm kỳ hai của ông Obama đã chứng tỏ là một năm lãng phí : Luật về súng ống không đi đến đâu, luật di trú, nhập cư cũng vậy. Luật ngân sách vẫn là cuộc đọ sức triền miên, ông Obama đã không áp đặt được chính sách thuế công bằng hơn như ông hằng ôm ấp.

Cái mới trong tình hình tê liệt ở Washington hiện nay, theo tác giả bài báo, là ông Obama không còn thể chỉ quy tội cho phe Cộng Hòa, mà trên ít ra 3 hồ sơ cản trở đến từ cánh Dân chủ của ông, chứng tỏ sự lãnh đạo của ông đã bị mai một đến dường nào.

Nam Á trong dòng thời sự

Le Monde có một bài phóng sự dài về thành phố Bombay, Ân Độ, một thành phố 20 triệu dân, nhưng phương tiện chuyên chở cũ kỹ, tồi tệ đến nỗi mà việc di chuyển đã trở thành một vấn đề khổ ải đối với cư dân.

Libération nhin sang nước láng giềng Pakistan, nêu bật nỗi lo sợ của cộng đồng Thiên chúa giáo sau vụ khủng bố ở Peshawar, trong bài phóng sự dài tựa đề : “Nỗi đau khổ dai dẳng của tín đồ đạo Thiên chúa ở Pakistan”.

Đây là một cộng đồng khoảng 4 triệu dân, bị kỳ thị trong quốc gia Hồi giáo này, nhưng chưa bao giờ bị sát hại, khủng bố như hôm Chủ nhật vừa qua.

Giờ đây họ đứng trước một con đường đầy hiểm nguy, phe Taliban cho biết sẽ tiếp tục tấn công vào những người nước ngoài và người không theo đạo Hồi ở Pakistan cho đến khi nào mà các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái kết thúc.


Switch mode views: