Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-09-2013

Obama-Putin : một cuộc chiến tranh lạnh mới

USA-SECURITY-OBAMA-PUTIN 1

Barack Obama và Vladimir PutinLos Cabos tại thượng đỉnh G20 lần trước ở Mêhicô, 18/06/2012
REUTERS/Jason Reed/Files


Với tấm ảnh Obama và Putin hờ hững bắt tay nhau tại thượng đỉnh G20 ở Los Cabos (Mêhicô) vào tháng Sáu năm 2012, Le Courrier International tiên đoán là cuộc gặp gỡ hai lãnh đạo Mỹ - Nga cũng sẽ không mấy hữu hảo trong hội nghị G20 lần này tại Saint-Petersburg.

Theo nhận định chung của nhiều tờ báo từ Á sang Âu, được Courrier International số ra tuần này trích đăng lại, tổng thống Mỹ Barack Obama và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, không còn tôn trọng lẫn nhau, không còn thích nhau nữa và cũng không thèm nói chuyện với nhau.

Bằng chứng : Vào đầu tháng Tám vừa qua, tổng thống Mỹ đã hủy buổi gặp người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin dự kiến vào đầu tháng Chín.
 Giữa hai bên có quá nhiều điểm bất đồng, trong số đó : Vụ Snowden, luật cấm gia đình Mỹ nhận con nuôi người Nga và dĩ nhiên là cuộc nội chiến Syria, mà Nga là đồng minh không thể tách rời của Bachar al-Assad.

Courrier International điểm qua một loạt các nhận định từ một số báo nước ngoài.

 Đối với nhật báo Mỹ USA Today, vụ việc quá rõ ràng : Putin, kẻ chuyên chế không thể nào lui tới được trong bài viết mang tựa đề « Sự thô bạo của Kremlin ». Theo quan điểm của The Spectator tại Luân Đôn : « Đông và Tây bất hòa ».

Trên nhiều chủ đề, để thu hút sự chú ý, Putin ngày càng bày tỏ thái độ thù nghịch với Hoa Kỳ. Đổi lại, đối với Washington, Matxcơva không còn quan trọng nữa trên lãnh vực kinh tế lẫn quân sự.

Tờ The Wall Street Journal nhìn cách xử lý cuộc khủng hoảng Syria như một thái độ “vô trách nhiệm” của ông Obama. Bởi vì tổng thống Mỹ có thể quy lỗi cho một ai tại Quốc hội đã ngăn chặn dự án của ông, nhưng đổi lại, hành động này lại hủy đi tính chính đáng của tổng thống và uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

Đối với đồng minh Israel của Mỹ, sự chần chừ của Hoa Kỳ là một điều “không thể chấp nhận được” và nó chỉ có thể tăng cường sức mạnh cho những kẻ độc tài. Hay như quan điểm nhìn từ Beyrouth qua tờ L’Orient-Le Jour cho rằng thái độ thay đổi đột ngột của Hoa Kỳ là một « gáo nước lạnh ».

Kể từ giờ, Hoa Kỳ và các đồng minh Anh, Pháp sẽ không còn làm ai sợ nữa.

Họ chẳng có gì để nói với nhau

Đáng chú ý nhất là bài nhận định của tờ Expert tại Matxcơva được Courrier International trích dịch lại qua bài viết đề tựa « Họ chẳng có gì để mà nói với nhau cả ». Các chuyên gia Nga đánh giá việc thiếu vắng đối thoại giữa Washington và Matxcơva lộ rõ tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới đang đà suy yếu.

Theo Expert, việc từ chối gặp gỡ chẳng phải là chuyện mới mẻ gì. Obama từng không đến dự thượng đỉnh Apec ở Vladivostok 2012 ; Putin cũng không tham dự G8 tại Camp David. Vậy mà, lần từ chối mới đây của ông Obama lại mang một âm hưởng khá đặc biệt, khiến người ta không khỏi nghĩ rằng căng thẳng đôi bên ngày càng lớn.

Một số người thì nhìn quyết định trên của Obama như là muốn trừng phạt Nga vì « cách cư xử không đúng đắn ».

Kẻ khác lại nhìn thấy đó là một thắng lợi của phe chống Nga tại Washington, vốn dĩ trông mong ở ông Obama một động thái cứng rắn hơn với Matxcơva.

Thế nhưng, Expert cho rằng không ai trong số này đều đúng cả. Chuyện ở đây quá rõ là ông Obama mong muốn tạm dừng đối thoại với Nga, vì nhiều lý do khác nhau.

Thứ nhất là những vấn đề chồng chất ngay trong bộ máy chính quyền và cuộc khủng hoảng chính trị đang lan rộng trong cả nước. Và nhất là tổng thống Mỹ không biết phải tranh luận với Nga về vấn đề gì trong bối cảnh viễn ảnh địa chính trị ngày càng gia tăng.

Không có cuộc gặp chính thức giữa hai nhà lãnh đạo là cũng bởi vì ông Obama không thể nào lẩn tránh được một số hồ sơ nhạy cảm : Snowden, đồng tính và khủng hoảng Syria.

Tờ báo đặt giả thuyết nếu như tổng thống Mỹ đến gặp Putin tại Matxcơva mà không có đến một quan điểm rõ ràng, mang tính đạo đức và quyết đoán trên những hồ sơ này thì chắc chắn là ông sẽ hứng chịu điều tiếng phản đối trên báo chí. Chính vì điều này, nên chính quyền ông Obama buộc phải im lặng.

Đối với họ, tốt hơn hết nên âm thầm xử sự cứng rắn hơn với người Nga. Tuy nhiên, thái độ cứng rắn đó lại là biểu hiện của sự yếu đuối, chứ không phải là sức mạnh. Việc này làm lộ rõ sự lệ thuộc quá lớn vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hơn là đối nội.

Nói cách khác nó chỉ củng cố thêm niềm tin của chính quyền Nga là không thể nào thông cảm nghiêm túc và dài hạn với Hoa Kỳ trên những hồ sơ nhạy cảm.

Cái giá của sự chần chừ

Hồ sơ Syria vẫn tiếp tục là tâm điểm thời sự quốc tế trên các tuần san Pháp. Cả hai tờ Le Nouvel Observateur và L’Express dành nhiều trang báo để đánh giá, phân tích và trình bày quan điểm của nhiều chuyên gia về việc Hoa Kỳ tạm hoãn tấn công Syria.

Le Nouvel Observateur dành 11 trang để bàn về chủ đề này. Từ việc quyết định bất ngờ của tổng thống Mỹ đã làm suy yếu phần nào tổng thống Pháp, Washington và Paris cố gắng trưng bày các chứng cớ tội ác sử dụng vũ khí hóa học của Damas, ván cờ nguy hiểm của tổng thống Obama khi đưa sự việc ra Quốc hội, cho đến hành động thoái lui của Anh quốc khiến Hoa Kỳ còn thêm đơn độc trên hồ sơ này.

Tuy nhiên, Le Nouvel Observateur tiết lộ một chi tiết đáng chú ý là vụ tấn công bằng chất hóa học hôm 21/8 vừa qua tại Damas có lẽ bắt nguồn từ một mưu toan ám sát hụt nhắm vào tổng thống Bachar al-Assad sáng 08/8.

Vào hôm đó, đoàn xe của ông bất ngờ bị pháo kích khi đang trên đường đến một nhà thờ Hồi giáo trong thủ đô. Le Nouvel Observateur viết là « Dường như khoảng 17 trái pháo được bắn vào đoàn xe tổng thống ». Tờ báo nhấn mạnh « Cho đến ngày giờ này chưa ai dám lấy mạng sống ông ta ». Vụ tấn công trên « rất có thể là nguyên nhân dẫn đến các vụ dội bom bằng khí sarin được thực hiện 13 ngày sau đó tại các khu vực do phe nổi dậy tại Damas chiếm đóng ».

Riêng L’Express có bài phân tích đề tựa « Cái giá của sự do dự ». Bài viết cho rằng Hoa Kỳ trì hoãn can thiệp quân sự vào Syria, có nguy cơ đánh mất tầm ảnh hưởng và gây bối rối cho các đồng minh hiếm hoi của mình, đứng đầu là Pháp.

Tác giả bài viết cho rằng sự do dự kéo dài quá lâu. Hành động tấn công bằng vũ khí hóa học thực ra cũng chỉ giết chết có 2% dân số.

Trong khi đó, cuộc nội chiến kéo dài hơn hai năm rưỡi qua, hàng trăm ngàn người đã mất mạng bởi những vũ khí thông thường, mà trong đó Phương tây cũng có một phần trách nhiệm bởi sự trơ ì từ ngần ấy thời gian.

Chẳng có ích lợi gì khi phải cố tìm cách chứng minh tính hợp pháp của một cuộc can thiệp quân sự, dù đó là « hạn chế », bởi vì cần phải có được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một điều không thể nào có được bởi lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc.

Hệ quả là càng chần chừ, càng làm tăng thêm số người tham gia vào phe Hồi giáo cực đoan Djihad. Nếu ông Obama cứ tiếp tục chần chừ, những lời cảnh báo của Hoa Kỳ chống lại chương trình hạt nhân của Iran hay Bắc Triều Tiên sẽ không còn giá trị gì nữa cả.

Bên cạnh đó, Bachar al-Assad cảm thấy tăng cường sức mạnh trước một siêu cường mà vị tổng thống lại là một kẻ hèn nhát trước con mắt của những tay chân thân tín của nhà độc tài Syria.

Thời gian càng kéo dài, sự ủng hộ của thế giới cũng suy giảm theo, nhất là từ phía Liên đoàn Ả Rập.

Cuối cùng, bài phân tích còn nhấn mạnh là sự chần chừ chỉ củng cố thêm tầm ảnh hưởng và uy tín của Vladimir Putin trên trường quốc tế.

Những người bị Bình Nhưỡng bắt cóc

Về thời sự châu Á, tuần san Le Nouvel Observateur đến với quốc gia cộng sản khép kín nhất hành tinh, Bắc Triều Tiên. Trong những năm 1970, để cải thiện đội ngũ gián điệp của mình, Kim Jong-Il lúc bấy giờ còn phụ trách ngành tình báo đã thực hiện một chiến dịch mang tên « địa phương hóa ». Theo đó, Bình Nhưỡng tìm cách bắt có hàng chục thanh niên Nhật Bản cũng như Hàn Quốc mang về đào tạo lại làm gián điệp hay trở thành các nhà huấn luyện đội quân tình báo.

Sự việc mãi đến năm 2002 mới được công nhận. Le Nouvel Observateur trích đăng lại một phóng sự điều tra do phóng viên truyền hình Nhật Bản Kenji Ishidaka thực hiện qua hàng tựa « Những người bị Bình Nhưỡng bắt cóc ».

Năm 1996, Ishidaka, lúc bấy giờ là phóng viên cho đài truyền hình Asahi, điều tra về những vụ mất tích bí ẩn xảy ra ở các vùng duyên hải Nhật Bản vào những năm 1970. Anh nghi ngờ có sự nhúng tay của chính quyền Bình Nhưỡng. Để xác minh mối ngờ vực này, Ishidaka đã đến Seoul và được phía cơ quan tình báo Hàn Quốc xác nhận đó là những hành động của Kim Jong-il.

Vào thời gian đó, Kim Jong-il là lãnh đạo ngành phản gián. Và ông ta đã cho tái cơ cấu bộ phận này từ gốc đến ngọn.

Để cải thiện hệ thống tình báo quốc gia, Kim Jong-il đề ra ý tưởng « địa phương hoá », hay là « hội nhập tại chỗ », nghĩa là du nhập người nước ngoài từ trong khu vực.

Thế là Kim Jong-il cho tiến hành rải ngưòi khắp các vùng phía Nam để bắt cóc ngư dân, những người đi dạo, sinh viên hay y tá.

Một khi được đưa về Bình Nhưỡng, những người « địa phương » này sẽ được đào tạo rồi được đưa trở về nguyên quán để hoạt động gián điệp hay là trở thành các nhà huấn luyện cho đội ngũ gián điệp Bắc Triều Tiên, bằng cách dạy họ làm thế nào trở thành những người Hàn Quốc hay Nhật Bản còn hơn cả dân bản xứ thật thụ.

« Một công đôi chuyện », chính quyền còn có thể sử dụng nhân thân của những kẻ bị bắt cóc làm vỏ bọc trong các hoạt động bí mật. Và trên thực tế, chiến dịch « địa phương hoá » đã đạt đến tuyệt đỉnh vào cuối thập niên 70.

Về phía gia đình của các nạn nhân, Ishidaka cho biết vấp phải thái độ vô liêm sỉ của giới chính khách, sự lạnh nhạt của công luận và sự phủ nhận quyết liệt của Bình Nhưỡng.

Chính Ishidaka làm sợi dây kết nối các gia đình nạn nhân, khuyến khích họ thành Hội những bậc cha mẹ của người bị bắt cóc để đánh động dư luận.

Cùng với thời gian, truyền thông thu thập nhiều dấu hiệu trùng khớp, người dân Nhật Bản cũng bắt đầu lên tiếng. Và cuối cùng số phận những người mất tích cũng được Tokyo quan tâm đến.

Nhưng phải đợi đến năm 2002, khi một người thuộc phe bảo thủ lên cầm quyền, Thủ tướng Junichiro Koizumi mọi việc mới có chuyển động đôi chút.

Chính vào năm đó, ông Koizumi, nguyên thủ Nhật Bản đầu tiên đã đến thăm Bình Nhưỡng, trong mục đích khởi động tiến trình bình thường hoá quan hệ đôi bên. Điều tra của Ishidaka cho biết vào ngày 17/9/2002, Kim Jong-il khơi màu một cú chuyển biến bất ngờ tuyệt hảo : trước sự sững sờ của Koizumi, Kim Jong-Il công khai thừa nhận Bắc Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật, hứa trừng trị thủ phạm, cam kết rằng sẽ không để xảy ra tình trạng này nữa và thậm chí còn đi đến việc xin lỗi công khai.

Lẽ dĩ nhiên cho đến giờ không ai biết được Kim Jong-il nghĩ gì khi công khai nhìn nhận sự việc.

Tuy nhiên, theo quan sát của các chuyên gia Bình Nhưỡng đột ngột thay đổi giọng điệu là vì sau vụ 11-9, George Bush đã xếp Bắc Triều Tiên vào « trục xấu ». Và đương nhiên chế độ họ Kim cũng nghĩ ngay là Hoa Kỳ có thể tấn công bất cứ lúc nào.

Thêm vào đó, kể từ khi mất đi chỗ dựa Xô Viết, nền kinh tế đất nước tan thành mảnh vụn. Đất nước vất vả vượt qua nạn đói khủng khiếp khiến hàng triệu người thiệt mạng. Chính vì điều này, Kim Jong-il rất cần đến sự hào phóng của Nhật Bản, đồng thời trông đợi rất nhiều vào khoản bồi thường chiến tranh trị giá ước tính lên đến 10 tỷ đô-la.

Trung Quốc : Kế thừa Mao, không đủ chỗ cho hai người

Nhìn sang Trung Quốc, chủ đề Bạc Hy Lai tiếp tục thu hút sự quan tâm của Courrier International.

Tờ báo trích dịch lại một bài nhận định đăng trên tờ Đông Hương của Hồng Kông cho rằng sở dĩ Bạc Hy Lai dính vào tội tham nhũng là vì muốn tranh giành ảnh hưởng với Tập Cận Bình trên địa bàn chính trị phái tả.

Tờ báo chạy tựa « Không có chỗ cho hai kẻ thừa kế Mao ».

Theo quan sát của tác giả bài viết, từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, Tập Cận Bình cũng lấy lại ngọn cờ « hoài Mao » của Bạc Hy Lai.

Những khẩu hiệu mà ông đưa ra là những gì mà Bạc Hy Lai đã hô hào trước đó. Trên thực tế, Tập Cận Bình sao chép hoàn toàn các mỹ từ của ông Bạc. Tuy rằng miệng hô hào « cải cách » nhưng trong thực tế, ông ta tiếp tục nối tiếp con đường cũ của một Trung Hoa đỏ rực vĩnh hằng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao ông Bạc và ông Tập, cả hai đều cùng xuất thân phe « hoàng tử đỏ », những người rất thân cận lại đi đến chỗ hãm hại lẫn nhau ?

Tác giả cho rằng, Bạc Hy Lai không những đã được nâng vào hàng ngũ lãnh đạo cao cấp như Ủy viên Bộ chính trị và Bí thư Trùng Khánh, mà còn nhận được nhiều sự ủng hộ của rất nhiều người trong đảng. Tuy nhiên, chính việc ông Bạc quá tham vọng, muốn tập hợp toàn bộ phe tả trong đảng, những kẻ hoài Mao và mong muốn giang rộng quyền lực lên khắp cả nước, một việc làm đi quá đà nên đã chuốc lấy sự trừng phạt của Tập Cận Bình.

Thật ra chuyện tham nhũng, bồ bịch và lạm dụng quyền lực của Bạc Hy Lai không hẳn gây ra vấn đề trong vòng quyền lực đó. Bởi vì, ai có thể chứng tỏ là mình trong sạch trong biển tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc ?

Còn chuyện chinh phục phái đẹp, ai có thể sánh bằng Mao Trạch Đông ? Hay như chuyện lạm dụng quyền lực, ai có thể dám nói là Đặng Tiểu Bình cũng đã lạm dụng quyền lực tối cao để huy động quân đội trấn áp thường dân trong vụ Thiên An Môn ?

Chẳng phải là hai vị lãnh tụ đó vẫn luôn được xem là những nhà « lãnh đạo tài ba » đó chăng ?

Nguyên do sâu thẳm để mà Bạc Hy Lai bị trở thành tù nhân của Tập Cận Bình là vì ông Bạc dám tước đi cái tính chính đáng là kẻ duy nhất kế thừa vương triều Mao Trạch Đông. Cũng bởi vì Bạc Hy Lai dám đe dọa tính chính đáng của Tập Cận Bình. Vì điều này, ông Tập buộc phải liên kết với Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo để lật đổ Bạc Hy Lai nhân vụ án Vương Lập Quân.

Tập Cận Bình cảm thấy bắt buộc phải hành động trước mối đe dọa về uy quyền và tính hợp pháp của ông.

Chẳng phải vì vậy mà ông Tập không ngần ngại lao vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn và sẵn sàng giết chết con hổ gây quá nhiều phiền hà nhân chiến dịch chống tham nhũng. Đó chính là những gì đã quyết định nên số phận của Bạc Hy Lai trong thâm cung bí sử thời hiện đại này.

Switch mode views: