Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thứ Sáu đẫm máu : Hơn 80 người Ai Cập chết trong ngày cầu nguyện


EGYPT-PROTESTS 6

Phe ủng hộ Morsi tọa kháng tại quảng trường Ramsès 16/08/2013 - REUTERS


Sáng sớm nay, 17/08/2013, quân đội Ai Cập lọt vào giáo đường al-Fath để giải tán cả nghìn người ủng hộ cựu tổng thống Morsi.
Can thiệp này của chính quyền đã diễn ra một cách bình an, sau một ngày thứ Sáu 16/08 đẫm máu, với ít nhất hơn 80 người thiệt mạng, trong đó có 24 cảnh sát, theo con số chính thức.

Bộ Nội vụ Ai Cập tuyên bố hơn 1.000 người bị câu lưu trên toàn quốc. Trong khi đó, Huynh đệ Hồi giáo kêu gọi biểu tình liên tục mỗi ngày, kể từ hôm nay.

Ngày hôm qua, các đụng độ bùng lên, như dự đoán, ngay sau khi kết thúc buổi cầu nguyện.
Bạo lực không chỉ nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình, mà còn cả giữa phe ủng hộ và phe Huynh đệ Hồi giáo.

Đụng độ gây thương vong tại một loạt các thành phố như Alexandria, Beni Suef, Fayoum hay thành phố du lịch Hurghada. Tại quảng trường Ramasès, trung tâm Cairo, các đụng độ dữ dội kéo dài trong đêm bất chấp lệnh thiết quân luật.

Tổng cộng trong ba ngày bạo lực, kể từ ngày thứ Tư 14/08, khi cảnh sát dùng vũ lực giải tán biểu tình, đến nay có ít nhất hơn 700 người thiệt mạng.

Ngày hôm qua, thủ tướng Ai Cập nhắc lại rằng, chính phủ, quân đội, cảnh sát và dân chúng, tất cả đồng lòng chống lại « âm mưu khủng bố ».

Trong khi đó, những người ủng hộ phe Huynh đệ Hồi giáo nhất quyết không chịu chấm dứt biểu tình. Theo họ, đường phố là nơi duy nhất mà họ có thể khiến tiếng nói của mình được lắng nghe.

Từ Cairo, thông tín viên RFI Alexandre Buccianti cho biết cụ thể :

« Sau ‘‘ngày thứ Sáu giận dữ’’, phe Huynh đệ Hồi giáo và phía chính quyền lâm thời, cả hai có vẻ như đều bị thua.
 Phía Huynh đệ Hồi giáo không còn huy động được hàng triệu người tham gia biểu tình, như đã tuyên bố. Vả lại, hình ảnh những người mang súng trường Kalachnikov trong hàng ngũ những người biểu tình và hàng loạt lá cờ đen Al-Qaida phấp phới qua truyền hình Nhà nước Ai Cập rõ ràng không phải là điều khiến công chúng có thiện cảm với Huynh đệ Hồi giáo.  

Chính phủ lâm thời cũng thua, vì dường như họ không còn làm chủ được tình hình và không có khả năng chấm dứt bạo lực, bất chấp tình trạng khẩn cấp và lệnh thiết quân luật được ban hành.

Ngay trong hàng ngũ những người ủng hộ nhiệt thành đối với chính phủ, đã có nhiều chỉ trích.  

Về phần đa số im lặng, dân chúng không còn biết đi theo phía nào.
 Đa số đã từng đứng dưới ngọn cờ của Huynh đệ Hồi giáo với hy vọng là được bảo đảm an toàn và nền kinh tế hứa hẹn sẽ phục hồi. Khi lực lượng Huynh đệ Hồi giáo thất bại, họ đã đứng về phía quân đội, để được yên ổn an toàn, và hy vọng kinh tế hồi phục.
Hiện tại những thay đổi này đều không mang lại kết quả ».  

Về các bạo lực tại Ai Cập, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International, có trụ sở tại Luân Đôn, kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ và không thiên vị về các đụng độ khiến hàng trăm người thiệt mạng, khi chính quyền sử dụng vũ lực « hoàn toàn không tương xứng ».

Cũng liên quan đến Ai Cập, phiên tòa xử cựu tổng thống Moubarak, 85 tuổi, bị phong trào Mùa Xuân Ả Rập lật đổ đầu năm 2011, được hoãn sang ngày 25/08.

 Cựu tổng thống Ai Cập bị cáo buộc tội đồng phạm giết người trong các đàn áp đẫm máu của chính quyền chống lại người biểu tình.
 Ngày 25/08, cũng sẽ mở ra phiên tòa xét xử các lãnh đạo cao cấp của phong trào Huynh đệ Hồi giáo, vì kích động giết người trong các cuộc biểu tình trong thời gian vừa qua.

Hiện tại thủ lĩnh tối cao của Huynh đệ Hồi giáo Mohamed Badie đang bỏ trốn.


Switch mode views: