Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình lớn, Đảng cầm quyền khởi động tranh cử

turkey chongChinhphu


Biểu tình chống chính phủ tại quảng trường Taksim, Istanbul ngày 09/06/2013.
REUTERS/Osman Orsal


 

Hôm qua 08/06/2013, tại các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, hàng chục nghìn người tiếp tục xuống đường để phản đối chính phủ Erdogan.

Cuộc biểu tình tại quảng trường Taksim, thành phố Istanbul, thu hút đông người nhất kể từ khi nổ ra phong trào.

Mặc dù đã xuống giọng, nhưng Thủ tướng Erdogan chính thức khởi động chương trình tranh cử 2014, kêu gọi cử tri tham gia bỏ phiếu đông đảo trong cuộc bầu cử địa phương sắp tới, để cho những người biểu tình « một bài học ».

Tại Istanbul, Ankara, Adana hay Izmir ngày hôm qua, hàng chục nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đã tuần hành để phản đối chính sách độc đoán của chính phủ Erdogan.

Đây là ngày thứ chín kể từ khi phong trào phản kháng bùng nổ, thoạt tiên xuất phát từ việc dân chúng Istanbul – thành phố lớn nhất nước – phản đối một dự án của chính quyền địa phương phá công viên Gezi để xây các công trình.

Cuộc phản kháng sau đó đã lan ra nhiều nơi trên cả nước, lên án thái độ độc đoán của chính quyền và chủ trương « Hồi giáo hóa » xã hội của đảng AKP, cầm quyền kể từ năm 2002.

Quảng trường Taksim, trung tâm Istanbul, hôm qua mang dáng vẻ ngày hội.

Trong hàng ngũ người biểu tình, có cả hàng ngàn cổ động viên bóng đá của ba đội bóng trong thành phố, vốn trước đây vẫn coi nhau như các địch thủ.

Cuộc biểu tình kể trên đã diễn ra bình yên, trong khi đụng độ dữ dội nổ ra giữa cảnh sát và hàng ngàn người biểu tình, khi họ định tiến về nhà Quốc hội.

Tại thủ đô Ankara, cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán 5.000 người biểu tình.

Về phía chính quyền, đã có sự nhân nhượng.

Hôm qua, Thị trưởng Istanbul tuyên bố sẵn sàng xem xét lại dự án phá bỏ công viên Gezi, và bỏ hẳn dự định xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn hay nhà ở, tuy nhiên đưa ra giả thiết sẽ xây dựng tại đây « một bảo tàng của thành phố » hay « một trung tâm triển lãm ».

Bên cạnh đó, chính quyền Istanbul chủ trương sẽ dựng lại một trại lính thời đế chế Thổ, vốn bị phá hủy trong những năm 1940.

Ban tổ chức phong trào phản kháng đã tuyên bố bác bỏ đề nghị đối thoại của chính quyền, trong một cuộc họp báo.

Đại diện của ban tổ chức khẳng định sẽ tiếp tục đưa vụ việc ra tư pháp. Trước đó, ngày 31/05, tòa án hành chính Istanbul đã ra phán quyết đình lại dự án xây dựng lại trại lính tại công viên này.

Những người phản kháng cũng yêu cầu chính quyền đưa ra xét xử các chỉ huy cảnh sát, chịu trách nhiệm về các đàn áp, trả tự do cho những người bị bắt và hủy bỏ hoàn toàn dự án tại công viên Gezi.

Cho đến nay, các đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến ba người chết, trong đó có một cảnh sát, và gần 5.000 người bị thương.

Trong hai ngày này, Thủ tướng Erdogan liên tục có các cuộc gặp với lãnh đạo đảng cầm quyền AKP (Đảng Công lý và Phát triển) và chính thức tuyên bố khởi động chiến dịch tranh cử của đảng tại các cuộc bầu cử địa phương vào năm tới.

 Hôm nay, trước những người ủng hộ, Thủ tướng Erdogan tiếp tục gọi những người phản kháng là « những kẻ khủng bố » hay « kẻ phá hoại », và kêu gọi cử tri tham gia bỏ phiếu đông đảo trong kỳ tranh cử tới.

Về phía Liên Hiệp Châu Âu, ủy viên Châu Âu phụ trách mở rộng khối Stefan Fule khẳng định những người biểu tình có quyền bày tỏ quan điểm và yêu cầu Ankara tiến hành điều tra về trách nhiệm của cảnh sát trong các bạo lực xảy ra.

Phong trào phản kháng mạnh mẽ nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ khi đảng AKP lên cầm quyền, được các nước « phong trào mùa xuân Ả Rập », đặc biệt là Tunisia và Ai Cập, theo dõi sát.

 Các đảng cầm quyền theo Hồi giáo tại các nước kể trên thường coi Thổ Nhĩ Kỳ, với mô hình liên minh giữa nền dân chủ và đạo Hồi, như là một mẫu mực noi theo.


Switch mode views: