Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhật - Trung “cạnh tranh” ở châu Phi : “Chất” đấu “lượng”

Japan china phi chau

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đọc diễn văn bế mạc Hội thảo TICAD 7, ngày 30/08/2019.
AFP Photos/Kazuhiro NOGI



Bế mạc “Hội thảo Quốc tế Tokyo về sự phát triển của châu Phi” lần thứ 7 (28-30/08/2019) tại Yokohama (ngoại ô Tokyo), thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định tăng cường hiện diện ở châu Phi, “thay đổi mối quan hệ giữa Nhật Bản và châu Phi”, “hỗ trợ châu Phi nhưng cũng phải tính đến gánh nặng nợ nần của đất nước nhận giúp đỡ và làm thế nào để gánh nặng đó không trở nên quá đáng”.


Với phát biểu này, thủ tướng Abe ám chỉ đến những “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Nhật Bản và châu Phi thiết lập đối thoại ngay từ năm 1993, thông qua “Hội thảo Quốc tế Tokyo về sự phát triển của châu Phi” (Tokyo International Conference on African Development, TICAD), được Ngân Hàng Thế Giới, Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Phi đồng tổ chức.

Nhật Bản đầu tư vào châu Phi khi lục địa này còn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, châu Phi hiện trở thành miền đất hứa, nơi mà cả châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Trung Quốc tìm cách cạnh tranh và gây ảnh hưởng.

 Đối với Nhật Bản, đây là những đối thủ nặng ký, đặc biệt là Trung Quốc. Vì vậy, từ năm 2013, thay vì 5 năm một lần, hội nghị TICAD được tổ chức 3 năm một lần và luân phiên giữa châu Phi và Nhật Bản.

Trung Quốc ở châu Phi : Tiền nhiều nhưng uy tín không cao

Trung Quốc nối gót Nhật Bản khi tổ chức hội nghị riêng về phát triển của châu Phi.

Tại thượng đỉnh năm 2018, Trung Quốc hứa đầu tư 60 tỉ đô la vào châu Phi, cao gấp đôi số ngân sách đầu tư của Nhật Bản vào châu Phi được công bố năm 2016 (30 tỉ đô la trong vòng 3 năm, tập trung vào cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống y tế…).

Tuy nhiên, các nước châu Phi ngày càng dè chừng tín dụng của Trung Quốc, vì thường trở thành “bẫy nợ”.
Trường hợp mới đây là Tanzania đã từ chối khoản tín dụng 10 tỉ đô la để cải tạo một hải cảng trong khu du lịch Bayamago.

Theo giám đốc nghiên cứu Akiko Suwa-Eisenmann của Viện Nghiên cứu Nông học Quốc gia Pháp (INRA), khi trả lời France 24 : “các dự án được phát triển với các khoản vay có lãi suất ưu đãi trên giấy tờ, có thể sẽ dẫn đến một khoản nợ nặng nề cho một số nước”.

Đây là trường hợp của Djibouti, nơi Trung Quốc có căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên.
Năm 2015, Djibouti ồ ạt vay Trung Quốc để chi trả cho các dự án kiến thiết. Kết quả : nợ công của nước này tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm, hiện chiếm 89% GDP.

Khi được triển khai năm 2013, dự án “Con đường tơ lụa mới” nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi bị lên án ưu ái các doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc gây thiệt hại cho nền kinh tế địa phương, chuốc nợ cho các nước tham gia dự án và không quan tâm đến nhân quyền và môi trường.

Khẩu hiệu hợp tác “đôi bên cùng có lợi” mà Bắc Kinh vẫn quảng bá ở châu Phi không còn tiếng vang như trước đây, vì, theo chuyên gia Akiko Suwa-Eisenmann, “sự xuất hiện của Trung Quốc ở châu Phi đã tham gia vào việc chiếm đoạt của cải gây thiệt hại cho người dân.
Thậm chí, một số người còn nói đến cướp bóc nguồn tài nguyên, trong đó có gỗ ở Cameroun hoặc ở Ghana”.

Nhật Bản tăng cường hiện diện và hợp tác “lành mạnh” tại châu Phi

Dù đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào châu Phi thấp hơn Trung Quốc đến 5 lần, nhưng Tokyo hướng đến hợp tác “lành mạnh”, theo tường trình của thông tín viên RFI Frédéric Charles tại lễ bế mạc Hội thảo TICAD ngày 30/08 ở Yokomaha :

“Để thể hiện khác biệt với một Trung Quốc bị lên án là đẩy châu Phi vào vòng nợ nần, Tokyo nhấn mạnh đến chất lượng đầu tư của Nhật Bản và các sản phẩm.
Điều này được khẳng định qua phát biểu của ông Motoharu Wakabayashi, trợ lý giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Nhật Bản : “Chúng tôi chú trọng vào chất lượng của sản phẩm và của công việc”.

Đối với ông Tetsuo Yamashita, tổng giám đốc tập đoàn Japan Asia Group, chuyên về năng lượng tái tạo, châu Phi là biên giới cuối cùng của sự phát triển : “Dân số châu Phi tăng nhanh. Sắp tới một phần năm dân số thế giới là người châu Phi. Tiêu thụ sẽ tăng, công nghệ cũng thế, châu Phi phát triển rất nhanh”.

Đây cũng là nhận định của ông Yofi Grant, chủ tịch trung tâm xúc tiến đầu tư của Ghana :
 “Từ giờ đến năm 2050, châu Phi sẽ chiếm đến 1/4 dân số địa cầu. Người ta không thể làm ăn trên thế giới mà không qua châu Phi”.

Có thể là vậy nhưng điều mà Guinea tìm kiếm ở Nhật Bản, theo tổng giám đốc công ty xây dựng Sogecopres, đó là kĩ năng hơn là tiền bạc.
Ông Nabe Amara nói : “Chúng tôi cần được hỗ trợ về mặt kỹ thuật và nếu như chúng tôi chia sẻ kỹ thuật cho nhau, cuối cùng chúng tôi sẽ trở thành những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên quy mô quốc tế”.

Nhật Bản được thực sự tín nhiệm ở châu Phi, nơi có khoảng 800 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động.
Những công ty này muốn tăng cường hiện diện tại lục địa nhưng không quá xâm lấn như các đối thủ Trung Quốc”.

Để thể hiện khác biệt với Trung Quốc ở châu Phi, Nhật Bản nhấn mạnh đến việc đặt con người làm trọng tâm chương trình hợp tác, đề cao vai trò của phụ nữ, như khẩu hiệu “Thúc đẩy sự phát triển của châu Phi thông qua con người, công nghệ và sáng tạo” của hội thảo năm 2019.

Đầu tư của Nhật vào châu Phi trước tiên là nhằm cải thiện dịch vụ công : cung cấp điện, phát triển y tế phổ thông, cải thiện hệ thống giao thông công cộng, đào tạo 574 thực tập viên châu Phi về lĩnh vực cung cấp nước...

Từ năm 2017, một chương trình về các thành phố sạch ở châu Phi thông qua quản lý rác thải đã được triển khai với sự hợp tác của Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản (Japan International Cooperation Agency, JICA).

Trong 9 năm, từ 250 doanh nghiệp vào năm 2010, hiện có 796 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại châu Phi, trong đó phải kể tới tập đoàn lương thực Ajinomoto, tập đoàn vận tải Yamaha... nhờ Tokyo khuyến khích đầu tư của các đại tập đoàn tư nhân Nhật Bản nhằm tăng cường hiện diện.

 Tại TICAD 7, các chủ đề như phát triển nhân lực, đào tạo nghề và tăng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được đưa ra thảo luận.

Dường như nhắm đến “bẫy nợ” của Trung Quốc, tổng giám đốc ban châu Phi của JICA cho biết “JICA sẽ tổ chức các chương trình đào tạo cho các cán bộ châu Phi về quản lý nợ công.
Chúng tôi (Nhật Bản) cũng đã cử nhiều cố vấn quản lý nợ và chính sách kinh tế vĩ mô đến một số nước gặp vấn đề về nợ công”.

Ngăn làn sóng Trung Quốc ở châu Phi

Sau hội thảo TICAD 7, Tokyo thông báo đầu tư 3,4 tỉ euro để xây dựng hệ thống phong điện ở Ai Cập và các nhà máy địa nhiệt ở Djibouti ; một nhà máy lắp ráp xe hơi của Toyota sẽ được xây dựng ở Côte d’Ivoire ; một số công ty khác cũng đã thông báo những dự án tương tự ở Ghana… để tạo việc làm cho lao động địa phương.

 

Việc làm là yêu cầu đầu tiên của các nhà lãnh đạo châu Phi đối với các đối tác nước ngoài.
Hàng năm có đến 15 triệu người châu Phi gia nhập thị trường lao động.

Trung Quốc, đối thủ thương mại của Nhật Bản, dĩ nhiên là mục tiêu tấn công đầu tiên của Tokyo khi tăng cường hiện diện và hợp tác với các nước châu Phi đang ngả theo “Con đường tơ lụa mới”.

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Akiko Suwa-Eisenmann của Viện Nghiên cứu Nông học Quốc gia Pháp (INRA), “từ nhiều năm nay, Tokyo tìm hậu thuẫn của các nước châu Phi để có được một ghế ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc”, trong khi các nước châu Phi chiếm đến 1/3 thành viên Liên Hiệp Quốc.

Trong lĩnh vực quốc phòng, tại Djbouti nơi Trung Quốc có một căn cứ quân sự, Nhật Bản cũng có một căn cứ với 180 quân nhân, nằm sát với Camp Lemonnier của Mỹ.

Theo nhận định của ông Sébastien Le Belzic, quản trị của trang Chinafrique, được Le Monde trích lại, “cả Tokyo lẫn Washington đều có một mục tiêu : đó là ngăn làn sóng Trung Quốc ở châu Phi”.

 

Tuy nhiên, ông cho rằng “châu Phi cần thận trọng, không nên rơi vào bẫy phải lựa chọn giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Tâm trạng chiến tranh lạnh sẽ không mang lại điều tốt đẹp gì cho lục địa này”.

(Tổng hợp từ RFI, France 24 và Le Monde)


Switch mode views: