Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-04-2013

Phe chống đối hôn nhân đồng tính vẫn biểu tình tại Paris
Paris  Gilbert Collard



Ông Gilbert Collard, dân biểu cực hữu thuộc Mặt trận Quốc gia và bà Christine Boutin, chủ tịch Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo dẫn đầu cuộc biểu tình chống hôn nhân đồng giới (AFP)


 

Hầu hết các báo Pháp hôm nay đều đăng bài về cuộc biểu tình diễn ra hôm qua tại thủ đô Paris nhằm phản đối dự luật hôn nhân đồng tính.

Báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa lớn : « Biểu tình trong hòa bình » và dành hai trang lớn phân tích đề tài này.

Trong khi đó, báo cánh tả Libération chạy tựa « Ác cảm hàng ngày với giới đồng tính ».

Báo Công giáo La Croix đăng tít : « Phe chống đối hôn nhân đồng tính đã dẫn ra một ngã rẽ chính trị ».

Báo Le Figaro chú trọng mô tả không khí biểu tình của người dân. 45 000 người đổ xuống đường biểu tình theo đánh giá của cảnh sát Paris còn theo ước tính của những người biểu tình thì con số lên đến 270 000 người.

Điểm đặc biệt đáng chú ý lần này là thái độ người dân vô cùng ôn hòa, không hề xảy ra bạo động, nhưng không vì thế mà kém phần cương định.

Hai ngày trước khi thông qua dự luật, họ vẫn quyết tâm đấu tranh đến cùng. 600 người tình nguyện của cuộc biểu tình đã cộng tác với cảnh sát nhằm ngãn chặn các thành phần quá khích.

Tờ báo nhận định, trong lần biểu tình hôm qua, dường như cảnh sát còn căng thẳng hơn cả người biểu tình.

Một nhân vật thân cận của tổng thống Hollande đã lên án phe đối lập UMP lợi dụng tình thế, kích động dân chúng đấu tranh để trả đũa cho lần thất bại tranh cử hồi tháng 5 năm ngoái.

Một dân biểu thuộc Đảng UMP nhận xét : « Nếu tổng thống không muốn lắng nghe thì người dân sẽ ngày càng xuống đường đông hơn và la to hơn ». Thách thức của tổng thống là làm sao thoát ra được khủng hoảng, bởi hiện nay, ông trở thành hình ảnh của sự chia rẽ trong dân chúng .

Báo Libération miêu tả từ thái độ phản đối dự luật dẫn tới người dân đâm ra sợ cả người đồng tính và kỳ thị thành phần này.

Tờ báo cho hay, mặc dù chủ tịch đảng UMP đã kêu gọi các thành viên xuống đường biểu tình đông đảo, thế nhưng hôm qua, ông Jean-François Copé đã vắng mặt, thậm chí các gương mặt nổi tiếng cũng không đến.

Báo Công giáo La Croix cho biết ngày hôm qua, có hai cuộc biểu tình diễn ra trong căng thẳng.

Một cuộc biểu tình chống hôn nhân đồng tính, còn cuộc biểu tình khác ủng hộ người đồng tính diễn ra tại quảng trường Bastille.

Theo tờ báo thì việc phản đối hôn nhân đồng tính của người dân giờ đây trở thành một công cụ để phe đối lập UMP dùng để đả phá chế độ Hollande.

Bán đảo Triều Tiên : 20 năm thất bại ngoại giao

Trở lại tình hình chính trị tại châu Á, mục Địa-Chính trị trên tờ Le Monde có bài phân tích khá sâu sắc thất bại trong việc thương thuyết nhằm mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên..

Từ khi mở ra các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và các cường quốc, các cuộc thương lượng vẫn không ngăn được Bắc Triều Tiên tự trang bị vũ khí hạt nhân. Hồi tháng Hai vừa qua, căng thẳng lại một lần nữa dâng cao. Chính quyền Bình Nhưỡng sẽ còn đi đến đâu ?

Điều đầu tiên làm du khách ngạc nhiên khi đặt chân đến Bình Nhưỡng là cảnh tượng một đất nước luôn trong tình trạng chiến tranh.

60 năm sau khi chấm dứt nội chiến (1950-1953), Bắc Triều Tiên vẫn chưa ký kết Hiệp đình hòa bình và đất nước vẫn luôn trong trạng thái chiến tranh lạnh và chống lại các cường quốc mà kẻ thù số một là Hoa Kỳ.

Từ 20 năm nay, nhiều nỗ lực đàm phán nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân, nhưng chẳng mang lại kết quả gì.

Mặc dù các cuộc đàm phán đã đựoc mở ra giữa sáu nước dưới sự chủ trì của Trung Quốc vào năm 2003, cuối cùng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn tự trang bị vũ khí hạt nhân.

Hơn nữa, năm 2012, lãnh đạo trẻ Kim Jong-un còn tuyên bố từ nay Bắc Triều Tiên trở thành cường quốc quân sự hạt nhân.

Theo nhận định của một giáo sư thuộc đại học Seoul thì các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng xảo quyệt nhất thế giới.

Chiến thuật khiêu khích của Bắc Triều Tiên vốn cũng chỉ để lôi Washington vào bàn đàm phán. Chính quyền được xây dựng nhằm mục đích đấu tranh, bất chấp mọi hệ lụy đến dân chúng.

Trong cuốn sách được xuất bản năm 2011 mang tựa : « Không lối thoát. Bắc Triều Tiên, Vũ khí hạt nhân và an ninh quốc tế ».

Ông Jonathan D.Pollack phân tích động cơ đeo đuổi hạt nhân của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành là để chống chọi lại hai đại cường láng giềng là Nga và Trung Quốc, đồng thời phòng bị với sự đe dọa tìềm ẩn của Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Sau cuộc nội chiến Tiều Tiên, Hoa Kỳ phát triển hạt nhân tại Hàn Quốc. Đối với cố lãnh đạo Kim Nhật Thành thì vết thương của cuộc nội chiến vẫn còn đó. Quốc gia chỉ sống sót được nhờ sự viện trợ quân sự của Trung Quốc từ năm 1951.

Tham vọng hạt nhân của cố lãnh đạo đất nước chính là xây dựng một bản ngã chiến lược riêng : Một triều đại cha truyền con nối được các trung thần phù trợ.

Năm 1994, Bắc Triều Tiên đã xém bị Mỹ tấn công. Từ đó, các cuộc thương thuyết đã không thể tiến xa hơn do thiếu lòng tin giữa hai bên.

Về hồ sơ này, phía Hoa Kỳ chia ra hai cánh. Một bên thì cho rằng cần tăng cường hỗ trợ và giúp đỡ Bắc Triều Tiên phát triển kinh tế và thoát ra khỏi ngõ cụt. Trong khi đó, một số khác thì lại nói đến một chính sách cứng rắn, áp đặt các trừng phạt và áp lực để buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Ngày 18/04 vừa qua, Binh Nhưỡng đã đặt điều kiện cho Liên Hiệp Quốc là phải rút lại các phán quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên trong vụ thử hạt nhân vừa qua nếu muốn ngồi vào bàn đàm phán.

Hoa Kỳ đã từng hi vọng có thể sử dụng con bài Trung Quốc nhằm lay chuyển Bắc Triều Tiên thế nhưng vô ích.

Trong hồ sơ này, Bắc Triều Tiên muốn đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ. Theo các chuyên gia phương Tây thì trước mắt, cần mở ra cuộc đàm phán 6 bên vì trong trạng thái căng thẳng hiện nay, đàm phán hai bên giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên xem ra rất khó thành.

Xe hơi Trung Quốc tìm cách chinh phục thị trường thế giới

Liên quan đến tình hình kinh tế Trung Quốc, nhân cuộc triễn lãm ô-tô vào thứ 7 vừa qua, báo Le Monde có bài viết cho biết các nhãn hiệu ô-tô Trung Quốc vẫn còn ít được biết đến trên thị trường nội địa, giờ đây muốn khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường châu Âu và Mỹ.

Từ năm 2009, Trung Quốc trở thành thị trường số một thu hút các hãng sản xuất ô-tô trên thế giới.

Có gần 130 nhãn hiệu xe đặt tại nước này. Giờ đây, các hãng xe Trung Quốc muốn hướng ra xuất khẩu.

Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử, 37 nhãn hiệu xe Trung Quốc đã bán ra thị trường thế giới hơn 1 triệu xe và theo tính toán của các chuyên gia, con số bán ra còn lên đến 1.3 triệu vào nãm 2015.

Theo phân tích của giới chuyên gia thì chiến thuật xuất khẩu đầu tiên nhắm vào các nước đang phát triển vì các tiêu chí như khí thải CO2 hay một số tiêu chí an toàn không quá hà khắc tại các nước này. Đây chính là bước một trước khi xâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.

Thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng, vậy tại sao Trung Quốc lại muốn xuất khẩu ?

Mục tiêu là để tạo được danh tiếng thì ô-tô Trung Quốc phải có mặt trên thị trường thế giới.

Theo tờ báo, trên thị trường nội địa, nhãn hiệu Trung Quốc vẫn còn rất tệ dưới con mắt người tiêu dùng. Mặc dù chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ, thế nhưng người dân vẫn chuộng các thương hiệu quốc tế mặc dù giá đắt hơn vì cho rằng sản phẩm này tốt hơn.

Giới chuyên gia lo ngại chiến thuật xuất khẩu này có thể vấp phải một số trở ngại như nhà sản xuất Huyndai của Hàn Quốc.

Nhãn hiệu này đã quá vội vã xuất khẩu ra nước ngoài các mẫu mã rẻ tiền trong những năm 1980 để rồi phải 20 năm sau mới cải thiện được hình ảnh ở nước ngoài.

Ngành sản xuất xe hơi đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn. Trong khi đó, người Trung Quốc quá vội vàng, muốn đạt được cái mà người Nhật đã xây dựng trong 40 năm và người Hàn Quốc đã làm trong 20 năm.

Các nhà sản xuất ô-tô Trung Quốc đã thấy được thấy được cái lợi khi dựa trên các trang thiết bị quốc tế hay tìm cách mua lại các xưởng sản xuất của các hãng phương Tây.

Bên cạnh đó, họ chiêu mộ các nhà thiết kế của các hãng cạnh tranh nước ngoài. Theo đánh giá của giới chuyên gia thì phải mất 10 năm nữa, ô-tô Trung Quốc mới có thể cạnh tranh thực sự trên trường quốc tế.

Serbia và Kosovo bình thường hóa quan hệ dưới áp lực của Châu Âu

Trở lại với tình hình tại châu Âu, báo Le Monde đưa tin Serbia và Kosovo lần đầu tiên ký Hiệp ước vào ngày thứ sáu vừa qua 19/04/2013 sau 14 năm chiến tranh.

Hành động này mang tính lịch sử bởi đây là lần đầu tiên hai nước ký kết Hiệp định bình thường hóa quan hệ. Hơn nũa, nó mở ra cánh cửa cho hai nước gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Đây là một thành công chưa từng thấy trong giới ngoại giao châu Âu.

Hai nước đã cam kết không ngăn cản nước kia trong tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Thủ tướng Kosovo hy vọng rằng Serbia không gây mọi trở ngại trong việc công nhận độc lập chủ quyền Kosovo của các tổ chức quốc tế thế giới như Liên Hiệp Quốc.

Từ mùa hè năm 2012, để ký kết được Hiệp định thì hai thủ tướng đã phải gặp nhau 10 lần.

Chướng ngại vật chính trong tiến trình bình thường hóa quan hệ của hai nước là quyết định phần lãnh thổ phía Bắc của Kosovo sẽ thuộc về nước nào.

Hiện nay, vùng này đang chịu sự kiểm soát của Kosovo, nhưng lại có đến 40 000 dân Serbia sinh sống.

Kosovo hy vọng trong vài tuần tới sẽ có thêm nhiều nước công nhận nền độc lập của nước này (hiện nay đã có 96 quốc gia công nhận).

Điện thoại Galaxy S4, biểu tượng của sức mạnh Samsung

Tin vui cho các fan hâm mộ hãng điện tử Samsung, báo Le Figaro trong mục kinh tế đăng tin hồi thứ 4 vừa qua, nhà sản xuất Hàn Quốc đã cho ra đời chiếc điện thoại thông minh Galaxy S4.

Theo tính toán của chuyên gia thì dòng sản phẩm mới này sẽ chiếm 10% thị trường và sẽ có khoảng 100 triệu chiếc được bán ra trên thế giới, hứa hẹn một tương lai sáng lạng.

Tập đoàn Samsung giờ đây trở thành niềm kiêu hãnh của quốc gia. Doanh thu của tập đoàn lên đến 340 tỷ đô-la, bao gồm 81 chi nhánh. Hiện tập đoàn tuyển dụng 425 000 nhân viên và chiếm 20% tổng thu nhập quốc nội PIB của Hàn Quốc.

Để quảng bá cho dòng sản phẩm mới ra, Samsung đã đưa ra các chiến lược tiếp thị và thông tin có thể lên đến hàng tỷ đô-la theo ước tính của giới chuyên gia.

Năm ngoái, tập đoàn này đã chi 4.3 tỷ đô-la cho chiến dịch quảng bá nhãn hiệu tức gấp 4 lần so với đối thủ Apple.

Mô hình kinh tế và công nghiệp của hai tập đoàn hoàn toàn trái ngược nhau.

Trong khi hãng Apple tập trung trên chế độ phân phối sản phẩm qua 400 của hàng khắp thế giới. Còn đối với Samsung thì số cửa hàng hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Về lĩnh vực công nghiệp thì khác, Samsung dành 63% cho chi phí nguyên vật liệu để sản xuất chiếc Galaxy S4.

Samsung đã phát triển các phần mềm sử dụng riêng cho hãng của mình. Chiếc S4 được xem như một bước tiến kỹ thuật trên các đối thủ cạnh tranh.


Switch mode views: