Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nga và Trung Quốc cùng tập trận: Một liên minh quân sự ảo hơn là thực

russia-wargames-putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại buổi duyệt quân tham gia cuộc tập trận Vostok-2018 ngày 13/09/2018 tại căn cứ Tsugol, vùng Zabailsky (Nga).
Sputnik/Alexei Nikolsky/Kremlin via REUTERS

Cuộc tập trận Vostok 2018 của Nga kết thúc ngày 17/09/2018 đã đặc biệt thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận, không chỉ về quy mô to lớn của sự kiện, mà còn về sự tham gia của quân đội Trung Quốc, dù còn khiêm tốn, với khoảng 3000 quân trên tổng số 300.000 người được huy động.

Nhiều quan sát viên đã cảnh báo về khả năng một liên minh chặt chẽ Nga-Trung, nhắm chống lại đối thủ chung là Mỹ.
Thế nhưng, cũng có nhiều nhà phân tích khác cho rằng trước mắt, lợi ích riêng tư của Bắc Kinh và Matxcơva còn quá khác nhau để hai bên có thể liên kết lâu dài với nhau.

Trong một bài phân tích ngày 15/09/2018 mang tựa đề không thể nhầm lẫn « Nga ve vãn Trung Quốc về mặt quân sự - Russia's military dalliance with China », tạp chí chính trị có uy tín Politico, trụ sở chính tại Mỹ, đã không ngần ngại cho rằng Matxcơva và Bắc Kinh tiến hành tập trận chung, nhưng « ít ai thấy được các dấu hiệu về một liên minh thực sự ».

Không thể có 300.000 quân lính tham gia

Tạp chí Mỹ trước hết ghi nhận rằng các phương tiện truyền thông Nga do nhà nước kiểm soát đã rầm rộ « tung hô » quy mô hùng hậu của một cuộc thao diễn được cho là lớn nhất trong hàng chục năm gần đây, với sự tham gia đặc biệt của quân đội Trung Quốc.
Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ cũng theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận.

Tuy nhiên, theo Politico, những người có kinh nghiệm thực tiễn về quân đội Nga đã cho rằng phải hết sức cẩn thận trước các số liệu do Matxcơva loan báo.
Theo tướng Ben Hodges, nguyên tư lệnh Lục Quân Mỹ tại châu Âu, nay đã về hưu, thì có lẽ Nga đã « phóng đại quy mô » cuộc tập trận.

 Ông nhấn mạnh đến thói quen nói sai sự thật của Nga khi nhắc lại rằng vào năm ngoái, khi cho tiến hành cuộc tập trận Zapad 2017, Nga đã từng làm điều ngược lại, loan báo là họ chỉ huy động 13.000 quân trong khi mà « bất kỳ một người lính chuyên nghiệp và quan sát viên nào cũng đều thấy rằng lực lượng tham gia là khoảng 100.000 quân ».

Còn theo ông Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga tại Trung Tâm Phân Tích Hải Quân Mỹ, một think-tank của chính quyền Hoa Kỳ, thì vì Nga không cho quan sát viên quốc tế đến theo dõi cuộc tập trận Vostok 2018, cho nên không ai kiểm chứng được các số liệu do Matxcơva cung cấp, tức là « quân đội Nga có thể thổi phồng số liệu về cuộc thao diễn ».

Đối với chuyên gia này : « Cách an toàn nhất để tính là chia số liệu chính thức ra làm ba.
Đó vẫn là một cuộc tập trận với quy mô to lớn, nhưng số người tham gia chắc hẳn ít hơn 100.000 ».

Nga không còn xem Trung Quốc là mối đe dọa

Yếu tố thứ hai mà tạp chí Mỹ chú ý là cuộc tập trận Vostok 2018 diễn ra trong bối cảnh quan hệ của Mỹ với cả Trung Quốc lẫn Nga đang xấu đi, 9 tháng sau khi Washington công bố chiến lược quốc phòng mới, chuyển trọng tâm vào mục tiêu « cạnh tranh chiến lược » với Matxcơva và Bắc Kinh.

Politico ghi nhận là một số chuyên gia về Nga đã cho rằng cuộc tập trận lần này đáng ngại hơn cho Mỹ vì có sự hiện diện của quân đội Trung Quốc – nhất là khi trước đấy, các cuộc thao diễn quân sự của Nga trong khu vực đều được cho là đã được thiết kế nhằm chống lại những cuộc tấn công của Trung Quốc.

Theo ông Jeffrey Mankoff cựu cố vấn về quan hệ với Nga tại bộ Ngoại Giao Mỹ, hiện là chuyên gia thuộc Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế CSIS:
 « Điểm khác trong cuộc tập trận năm nay là sự tham gia của Trung Quốc, dù ở quy mô tương đối nhỏ nhưng cũng đã gửi một tín hiệu (đến Mỹ) ».

Chuyên gia Mỹ giải thích : « Nga đang nói với Bắc Kinh rằng Trung Quốc không còn là đối tượng cần ưu tiên trong chính sách của Nga Nga ở vùng Viễn Đông nữa, và báo hiệu cho Hoa Kỳ và NATO biết là nếu quan hệ song phương tiếp tục tồi tệ, thì Nga sẽ có các lựa chọn khác. »

Nhà phân tích Kofman bổ sung : Nga và Trung Quốc « không phải đồng minh, nhưng để đối phó với áp lực từ Hoa Kỳ, họ đang báo hiệu rằng họ không còn xem nhau là mối đe dọa của nhau nữa ».

Washington không tin vào sự lâu bền của liên minh Nga-Trung

Tuy vậy, theo Politico, giới quan chức Mỹ cấp cao có vẻ không mấy lo ngại trước xu hướng xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc, trước mắt được coi là một cuộc “hôn nhân vì lợi ích” và không có khả năng kéo dài do mâu thuẫn quyền lợi sâu sắc giữa Matxcơva và Bắc Kinh.

Vào đầu tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã xác định với báo giới rằng ông « không thấy có gì có thể gắn kết Nga và Trung Quốc trong lâu dài ».
Nhiều chuyên gia khác cũng đồng quan điểm : Ông Mark Simakovsky thuộc trung tâm tham vấn Hội Đồng Đại Tây Dương, từng là quan chức giám sát chính sách đối với Nga tại Lầu Năm Góc thời tổng thống Obama phân tích :
 « Cuộc tập trận đó đã được lên kế hoạch hàng tháng nếu không muốn là hàng năm trước đây, vì vậy không thể nói đây là một cái gì được hình thành trong một sớm một chiều ».

Có điều chuyên gia này cũng thận trọng, cho rằng ông không thấy dấu hiệu gì về một liên minh rộng lớn hơn nhằm chống Mỹ, nhưng rõ ràng hai nước Nga và Trung Quốc sẽ « tiếp tục hợp tác để phá hoại các lợi ích của Mỹ tại châu Á. »

Cựu cố vấn bộ Ngoại Giao Mỹ Mankoff cũng đồng quan điểm :
« Vùng Viễn Đông Nga cách các vùng lãnh thổ của NATO rất xa, và tôi không nghĩ rằng Trung Quốc đang muốn lao vào cuộc đấu với NATO, hoặc là bị ràng buộc trong một liên minh với Nga ».

Trung Quốc được lợi về quân sự khi tập trận với Nga

Về mặt chiến lược liên minh quân sự thực thụ Nga-Trung là một điều rất xa vời, nhưng theo Politico, về mặt thuần túy quân sự, cuộc tập trận Vostok 2018 cũng mang lại cho cả Nga lẫn Trung Quốc những lợi ích nhất định.

Cả hai quân đội Nga và Trung Quốc được hưởng lợi từ quy mô to lớn của cuộc tập trận.
Dù con số thực tế về lực lượng tham gia thấp hơn rất nhiều so với những gì được loan báo, nhưng cuộc tập trận Vostok 2018 cũng rầm rộ hơn tất cả những cuộc tập trận tương tự mà NATO từng thực hiện, mà vào lúc đông nhất cũng chỉ có khoảng 40.000 quân.

Chuyên gia Ian Brzezinski, một cựu quan chức Lầu Năm Góc phụ trách giám sát chính sách của NATO và châu Âu cho chính quyền George W. Bush cho rằng Vostok 2018 « nêu bật trọng tâm mà Nga đặt trên vấn đề triển khai nhanh chóng trên một địa bàn rất lớn và huy động lực lượng hùng hậu ».

Còn chuyên gia Kofman thì nhắc đến việc cuộc tập trận cho phép Nga phổ cập những kinh nghiệm thu thập được trên chiến trường Syria gần đây như « cách thức hợp đồng binh chủng, tận dụng các nguồn thông tin, điều mà họ đã học nhờ theo dõi lâu dài cách làm của Hoa Kỳ và các đồng minh ».
Đối với ông Kofman, dù không nói rõ, nhưng « trong thực tế, Nga và Trung Quốc đã rèn luyện cách chống lại một cuộc tấn công từ phía Mỹ ».

Riêng đối với Trung Quốc, Tướng Bill Hix, người mà trước khi về hưu vào mùa xuân qua còn lo việc giám sát nỗ lực hiện đại hóa của quân đội Mỹ, nhằm đối phó với một cuộc xung đột trong tương lai với một cường quốc quân sự lớn, đồng thời là một người theo dõi sát tình hình quân sự Nga, thì cuộc tập trận là « một cơ hội cho Trung Quốc để học hỏi cách Nga huy động và triển khai lực lượng, một lãnh vực mà Trung Quốc còn non yếu ».

Chuyên gia Brzezinski tuy nhiên lại có nhận xét ngược lại. Đối với ông, trong thực tế thì Nga cần Trung Quốc hơn :
« Tôi không nghĩ là Trung Quốc coi Nga là một đối tác chiến lược quan trọng… Sức mạnh quân sự của Trung Quốc hơn hẳn sức mạnh quân sự của Nga. Điều đang diễn ra chỉ là một sự hợp tác chiến thuật », chứ không phải là chiến lược.

Switch mode views: