Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-02-2018
- Thứ Sáu, 09 tháng Hai năm 2018 03:45
- Tác Giả: Anh Vũ
Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un và bản lĩnh trong 6 năm cầm quyền
"Kim Jong Un, một nhà lãnh đạo bản lĩnh hơn cha" : Nhận xét của phóng viên báo Le Monde, P. Pons.
KCNA/via REUTERS
Báo chí Paris đã tốn không ít giấy mực để nói về chế độ độc tài Cộng Sản Bắc Triều Tiên với lãnh đạo hiện tại Kim Jong Un.
Nhật báo Le Monde trở lại chủ đề này với bài viết của nhà báo Philippe Pons, một chuyên gia về châu Á.
Bài viết có tựa đề « Những nhà độc tài cha truyền con nối ». Đúng là chế độ độc tài Cộng Sản đã ngự trị ở Bắc Triều Tiên trong suốt 70 năm chỉ với ba người lãnh đạo, trong cùng một gia đình từ đời ông đến đời cháu.
Giờ đây, cháu nội của Kim Nhật Thành, cha đẻ của chế độ Cộng Sản Bình Nhưỡng, là Kim Jong Un, dù rất trẻ tuổi, nhưng đã thành công không chỉ trong việc củng cố vị thế quyền lực mà còn tỏ ra là một nhà chiến lược khôn khéo, ngoài dự đoán của dư luận bên ngoài.
Le Monde nhắc lại, Kim Jong Un được đẩy lên lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi chưa đầy 30 tuổi sau khi người cha Kim Jong Il qua đời hồi tháng 12/2011.
Khi đó hầu hết các nhà phân tích nước ngoài đều nhìn thấy việc nối ngôi chỉ mang tính tượng trưng chứng tỏ sự tiếp tục đường lối nhà họ Kim.
Mọi người đều nghĩ rằng Kim Jong Un rồi sẽ bị giới lão thành trong bộ máy thao túng, điều khiển. Một số chuyên gia còn đoán là chế độ Bình Nhưỡng « không thể tránh khỏi » sụp đổ.
Thế nhưng tác giả bài viết khẳng định : « Sáu năm sau, không những vẫn tại vị mà lãnh tụ trẻ Bắc Triều Tiên còn củng cố vững chắc thêm vị thế. Sau khi đã loại bỏ bằng sức mạnh mọi đối kháng tiềm tàng, Kim Jong Un đã lột xác thành một thủ lĩnh chiến tranh, không ngại thách thức Hoa Kỳ ».
Thực sự Kim Jong Un là người thế nào ?
Nếu tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng những ngôn từ miệt thị coi thường lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì tổng thống Nga Vladimir Putin lại nhìn nhận Kim Jong Un như là « một nghệ sĩ khôn khéo» trên sân khấu chính trị quốc tế, một lãnh tụ có khả năng theo đuổi chiến lược đã được ông cha khởi sự từ hơn hai chục năm trước, đó là tạo cho Bắc Triều Tiên có được sức mạnh răn đe tin cậy.
Bài viết trích dẫn chuyên gia Andrei Lankov, nhà sử học thuộc Đại học Kookmin tại Seoul khẳng định Kim Jong Un « hoàn toàn có lý trong cái logique của chế độ từ hàng thập kỷ qua ».
Cũng về góc độ này, chuyên gia John Delury thuộc Đại học Yonsei, Seoul nhận định rằng tham vọng trang bị vũ khí hạt nhân là hoàn toàn có lý đối với « một đất nước phải đối mặt thường trực với một siêu cường thù nghịch » như Hoa Kỳ, cường quốc từng không ngần ngại xâm lược, lật đổ chính phủ nhiều quốc gia.
Theo tác giả Philippe Pons : « Kim Jong Un tỏ ra dữ dội hơn cha mình, qua việc đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo : Trong 6 năm, Kim Jong Un đã ra lệnh 4 lần thử hạt nhân và riêng trong năm 2017, cho bắn tới 3 quả tên lửa tầm xa ».
Mặc dù vậy, người ta vẫn biết rất ít về con người Kim Jong Un. Đã có lãnh đạo phương Tây nào gặp ông ta đâu.
Còn các cơ quan tình báo cũng khó có thể phác họa được tính cách của nhân vật này và cũng không thể giải mã được guồng máy của chế độ.
Chính sự thiếu hiểu biết đó đã nuôi dưỡng các thông tin đồn đoán huyễn hoặc nhất về Kim Jong Un. Ngay cả tuổi của ông cũng không ai dám chắc chắn.
Làm được nhiều điều hơn ông cha
Về khía cạnh quyền lực, bài viết nhắc lại là khi lên kế thừa quyền lãnh đạo của cha năm 2012, Kim Jong Un quả thực là một người hầu như chưa có một chút kinh nghiệm gì để lãnh đạo một đất nước.
Ông hoàn toàn vẫn còn xa lạ trong dân chúng cũng như trong bộ máy đảng. Nhưng cỗ máy tuyên truyền của chế độ đã tạo dựng cho Kim Jong Un hình ảnh như là hiện thân của Kim Nhật Thành.
Chiến dịch tuyên truyền đã tạo thành cái gọi là « hội chứng Kim Jong Un » giúp ông ta lãnh đạo trong sự trung thành tuyệt đối.
Từ đó, Kim Jong Un có thể gia cố quyền lực, loại trừ các đối thủ tiềm tàng trong bộ máy, kích thích dân chúng bằng niềm tự hào dân tộc về những tiến bộ hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Là người kế thừa di sản của ông và cha, Kim Jong Un không thụ động điều hành chiến lược riêng của mình.
Chuyên gia Andrei Lankov nhận định :
« Sau sáu năm, rõ ràng thân phụ của ông ta đã lựa chọn đúng người. Kim Jong Un tỏ cho thấy rất khôn khéo, thô bạo khi cần thiết và đôi lúc hơn cả cần thiết.
Đó là một người tính toán thực dụng hơn là nhà tư tưởng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, và đúng ra ông ta là một nhà chiến thuật giỏi với các con bài có trong tay ».
Pháp muốn củng cố sức mạnh răn đe hạt nhân
Liên quan đến nước Pháp, sự kiện của nhật báo Libération là dự luật chi tiêu quân sự hôm nay được trình lên chính phủ, trong đó đặc biệt có nội dung nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Pháp.
Trang nhất của Libération chạy tựa: « Vũ khí hạt nhân, cuộc tranh luận cấm kỵ ».
Đúng là vấn đề trang bị vũ khí hạt nhân đang làm dấy lên tranh luận xung quanh khả năng răn đe hạt nhân của Pháp, một chủ đề dường như đang bị rơi vào quên lãng nay lại nổi lên.
Người ủng hộ thì cho rằng tăng cường kho vũ khí hạt nhân là « sự bảo đảm cuối cùng cho vị thế của đất nước trên trường thế giới ».
Tờ báo trích dẫn các chuyên gia ủng hộ khả năng răn đe hạt nhân của Pháp, như chuyên gia Tiphaine de Champschesnel, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Quân Sự Pháp cho rằng :
« Răn đe hạt nhân luôn có căn cứ. Việc chấm dứt chiến tranh lạnh đã không thiết lập được một thế giới ổn định, mà trái lại, thế giới đang trở nên ngày càng khó lường ».
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Pháp cần phải độc lập với Mỹ và nước Nga, cũng muốn đẩy mạnh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.
Những ý kiến chống thì lập luận vũ khí nguyên tử có thể bị dùng sai mục đích hay trở nên cực kỳ nguy hiểm khi rơi vào tay những kẻ khủng bố.
Điều quan trọng là một khi tính chất răn đe của vũ khí hạt nhân không còn ý nghĩa, thì đó là thứ vũ khí hủy diệt thực sự.
Xã luận của Libération viết : Giấc mơ của tất cả chúng ta là được sống trong một thế giới sạch bóng vũ khí hạt nhân cũng như vũ khí quy ước.
Nhưng chúng ta vẫn còn ở rất xa mục tiêu đó.
Hành tinh này đã bước vào thời kỳ bất ổn, không loại trừ một vùng nào, cùng với việc phổ biến điên cuồng vũ khí và sẵn sàng sử dụng hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trước hiện trạng đó, có hai lựa chọn : Từ chối lao vào vòng xoáy nguy hiểm hoặc trái lại thì cho rằng vũ khí hạt nhân là không thể thiếu nếu muốn tồn tại trên trường quốc tế và để sẵn sàng răn đe mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ mình.
Giờ đây, theo Libération, vũ khí hạt nhân vẫn được cho là không bao giờ được sử dụng.
Thế nhưng gần đây người ta cảm nhận thấy, nhất là phía Mỹ, có ý đồ đưa vũ khí hạt nhân vào chiến trường. Như vậy thì khái niệm răn đe đâu còn nữa.
Châu Á : Tụ điểm căng thẳng hạt nhân của thế giới
Nhân chủ đề vũ khí hạt nhân, Libération có bài viết ngắn cho thấy châu Á không phải là nơi cất giữ nhiều bom nguyên tử nhất của cả hành tinh nhưng lại là vùng đất có nhiều cường quốc hạt nhân nhất thế giới (4 trong số 9 nước).
Tất cả các cường quốc này đều đang phát động một chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân. Nhất là các nước châu Á đó khẳng định : Khả năng răn đe dựa trên sức mạnh hạt nhân hơn bao giờ hết đang là vấn đề mang tính thời sự.
Tờ báo nhận định, môi trường an ninh châu Á đang rất căng thẳng. Trung Quốc ngày càng tỏ quyết tâm bành trướng trên biển cũng như trên không ; Bắc Triều Tiên vẫn luôn là mối đe dọa và hai nước láng giềng Pakistan và Ấn Độ thì thường trực mối hiềm khích.
Bốn quốc gia gọi là cường quốc hạt nhân châu Á này hiện giữ 560 đầu đạn hạt nhân, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Hòa bình Sipri.
« Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên ảnh hưởng đến an ninh của toàn khu vực, đẩy các nước vào cuộc chạy đua. Nhật Bản, Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân nhưng trên thực tế lại có chiếc ô hạt nhân của Mỹ bảo vệ ».
Tên lửa cực mạnh Falcon Heavy chỉ mang tính biểu tượng
Phần cuối mục điểm báo dành cho thông tin liên quan đến vụ phóng thành công tên lửa đầu tiên cực mạnh Falcon Heavy của dự án chinh phục sao hỏa SpaceX do ông chủ của Tesla khởi xướng và điều hành.
Le Figaro ghi nhận thành công của tên lửa Falcon Heavy chỉ mang tính biểu tượng hơn là giá trị thương mại.
Bởi hiện không có vệ tinh nào nặng đến mức phải cần đến loại tên lửa cực mạnh này, trong khi giá thành lên tới 90 triệu đô la. Để so sánh, loại tên lửa Falcon 9 chi phí chỉ bằng 30% cũng có thể là đủ.
Sức mạnh của loại tên lửa Falcon Heavy tuy nhiên khai mở ra khả năng cho các chuyến thám hiểm hệ mặt trời xa xôi tới đây mà các nhà thiên văn học vẫn ao ước tìm hiểu.
Tuy nhiên việc này nếu có cũng chỉ diễn ra vài lần mỗi thập kỷ mà thôi.
Tin mới
- Hải quân Anh sẽ tuần tra Biển Đông, bất chấp Trung Quốc - 13/02/2018 15:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-02-2018 - 13/02/2018 01:20
- Khi Trung Quốc thống trị thế giới - 12/02/2018 17:42
- Quan hệ liên Triều sưởi ấm ngoạn mục nhưng mong manh - 12/02/2018 15:09
- Thủ tướng Israel cảnh báo thế giới và Iran - 12/02/2018 00:02
- Em gái Kim Jong Un rời Hàn Quốc sau chuyến thăm được xem là thành công - 11/02/2018 23:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-02-2018 - 10/02/2018 18:47
- Quan hệ liên Triều: Kim Jong Un mời Moon Jae In họp thượng đỉnh - 10/02/2018 15:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-02-2018 - 10/02/2018 00:47
- Hàn Quốc: Thế Vận Hội Mùa Đông khai mạc tại Pyeongchang - 09/02/2018 19:06
Các tin khác
- Nga : Chỗ đứng nào cho thế hệ đối lập trẻ ? - 08/02/2018 23:34
- Bình Nhưỡng phô trương quân sự trước TVH Pyeongchang - 08/02/2018 22:33
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-02-2018 - 07/02/2018 18:50
- Tai nạn trên biển Hoa Đông : Nhật lo nhiều bãi biển đẹp bị xăng trắng tàn phá - 07/02/2018 18:29
- Đài Loan : Động đất làm ít nhất 6 người chết, 200 người bị thương - 07/02/2018 17:39
- Kim Jong Un gửi em gái sang Hàn Quốc dự Thế Vận Hội - 07/02/2018 17:18
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-02-2018 - 06/02/2018 22:45
- Tường rào biên giới : Dấu hiệu sợ hãi khủng bố và làn sóng di dân. - 06/02/2018 21:58
- Pháp : Tăng trưởng phục hồi nhưng vẫn "bó tay" với thất nghiệp - 06/02/2018 17:44
- Biển Đông : Manila cấm nước ngoài thăm dò một khu vực bị tranh chấp chủ quyền - 06/02/2018 16:57