Vì sao Nga muốn lãng quên cuộc cách mạng 1917 ?
- Thứ Năm, 09 tháng Ba năm 2017 22:58
- Tác Giả: Minh Anh
Những người Cộng Sản Nga diễu hành nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga, ngày 7/11/2016.Vasily MAXIMOV / AFP
Cách nay 100 năm, ngày 23/02/1917, công nhân nhà máy lớn nhất ở Petrograd, lúc đó là thủ đô của Đế Chế Nga, đã đình công với yêu sách « bánh mỳ và việc làm ».
Các cuộc biểu tình đã liên tiếp nổ ra và chuyển thành một cuộc đấu tranh chính trị. Hoàng Đế Nga đã ra lệnh trấn áp, gây ra một biển máu. Binh sĩ Nga nổi dậy và ngày 02/03/1917, hoàng đế Nicolas II thoái vị.
Đó là cuộc cách mạng tháng 02/1917. Một chính phủ lâm thời được thành lập. Sau đó, phe « Bolshevik – Hồng Quân », dưới sự lãnh đạo của Lê-nin, đã lật đổ chính phủ này vào ngày 25/10/1917 và sự kiện này được gọi là cuộc Cách Mạng Tháng Mười.
Lê-nin : Nhà sáng lập chế độ cộng sản, nhà cách mạng nguy hiểm
Một thế kỷ sau, chính quyền của tổng thống Vladimir Putin tỏ ra lúng túng trong việc kỷ niệm sự kiện trên.
Tuy tự hào về tiếng vang của cuộc cách mạng Nga trên toàn thế giới, nhưng Matxcơva lại chống lại mọi ý tưởng « làm cách mạng » lật đổ chính quyền.
Các hoạt động kỷ niệm hiếm hoi phải là dịp tái khẳng định tầm quan trọng của sự thống nhất, đoàn kết quốc gia, chống lại cuộc đấu tranh giai cấp.
Sử gia Andrei Zoubov, nguyên là giáo sư thuộc Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Nga (MGIMO), giải thích với thông tín viên RFI Muriel Pomponne, tại Matxcơva, rằng một 100 năm sau cuộc cách mạng Nga, điện Kremlin không muốn kỷ niệm rầm rộ tưởng nhớ công lao của Lê-nin cũng như « Hồng Quân – Bolshevik » :
«Từ 30 năm nay, chủ nghĩa cộng sản không còn chính thức tồn tại ở nước Nga nữa, thế nhưng, Lê-nin, nhà tư tưởng chính của chủ nghĩa cộng sản, vẫn hiện diện khắp nơi, vẫn có lăng Lê-nin, tượng đài Lê-nin, nhiều đường phố mang tên Lê-nin, thậm chí vẫn còn có vùng Leningrad, cho dù rất may là không còn thành phố Leningrad nữa.
Tuy nhiên, tên tuổi Lê-nin không còn được nhắc đến trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo, như một tấm gương cần noi theo nữa.
Cho dù chính quyền hiện nay là hậu duệ trực tiếp của chế độ cộng sản mà người sáng lập là Lê-nin, nhưng vẫn có một sự sợ hãi khủng khiếp về cuộc cách mạng.
Lê-nin đã tiến hành cách mạng, ông đã phá vỡ đế chế Nga và do vậy, Nhà nước Nga hiện nay rất lo sợ là có một ai đó phát động một cuộc cách mạng và phá vỡ đế chế của họ.
Hơn nữa, cũng không nên quên rằng tất cả những người này đều được đào tạo từ trường đại học cộng sản và nghĩ là có thể có một cuộc cách mạng.
Do vậy, đối với họ, Lê-nin là người tạo dựng cuộc sống và quyền lực cho họ, bởi vì đó là các nhân viên KGB có cội nguồn từ trong quá khứ sô-viết cộng sản.
Nhưng mặt khác, đó là một nhà cách mạng nguy hiểm tuyệt nhiên không nên đề cao.
Trong lúc Staline là một người bảo thủ, đã biến cuộc cách mạng thành một đế chế.
Do vậy, đó là một nhân vật tích cực. Các Sa Hoàng Nga cũng là những nhân vật tích cực, kể cả hoàng đế bất hạnh Nicolas đệ nhị, người đã cố gắng đến cùng duy trì đế chế, nhưng các nhà cách mạng đã ngăn cản ông làm việc này».
Kiên quyết bác bỏ mọi thay đổi cách mạng
Bà Korine Amacher, giáo sư thỉnh giảng tại đại học Geneve, chuyên gia về lịch sử Nga và Liên Xô, trong bài « Kỷ niệm một cuộc cách mạng nhưng tránh gây ảo tưởng » trên báo Le Monde Diplomatique số ra tháng 3/2017 cho biết, hồi tháng 11 năm 2016, vào thời điểm kỷ niệm 99 năm cuộc cách mạng tháng 10, một nhà báo của đài phát thanh Radio Svoboda đã hỏi người dân Matxcơva trên đường phố :
Giả sử như chúng ta đang ở năm 1917 thì quý vị ủng hộ lực lượng « Bạch Vệ - Menshevik » hay « Hồng Quân – Bolshevik » ?
Các câu trả lời của cuộc phỏng vấn « sơ sài » này hơi nghiêng một chút về phía « Hồng Quân », và cho thấy là tại Nga, việc bác bỏ các cuộc cách mạng, thay đổi triệt để không đồng nghĩa với việc bác bỏ « Hồng Quân ».
Cũng vào dịp đó, khoảng 2000 người, vốn nuối tiếc chủ nghĩa cộng sản, dẫn đầu là Guennadi Ziouganov, lãnh đạo đảng Cộng Sản Liên Bang Nga, đã đi tuần hành ở thủ đô Matxcơva, giương cao chân dung Lenine và Staline.
Trước đó, lãnh đạo đảng tự do Iabloko, ông Serguei Mitrokhine, đã tới trước trụ sở bộ Quốc Phòng Nga, để đặt vòng hoa và một tấm biển ca ngợi công lao của « những người bảo vệ nền dân chủ và Quốc Hội lập hiến », vì những vị anh hùng này đã chiến đấu chống lại những tên « kẻ cướp chính trị », tức phe « Hồng quân – Bolshevik » :
Vào tháng Giêng 1918, phe Bolshevik do không có được đa số, đã giải tán Quốc Hội lập hiến được bầu ra ngày 25/11/1917.
Theo giáo sư Korine Amacher, chính quyền Nga thường xuyên ngăn cản các sự kiện do đảng Iabloko tổ chức và cho phép đảng Cộng Sản diễu hành với chân dung của Lenine và Staline.
Hai ví dụ này cho thấy cuộc cách mạng 1917 vẫn là một sự kiện gây tranh cãi trong xã hội Nga và việc đề cập, kỷ niệm sự kiện này vẫn là một công việc tế nhị đối với chính quyền.
Cách Mạng 1917 : Sự kiện cho sự « hòa giải » quốc gia ?
Nếu như nước Nga dưới thời tổng thống Boris Elsine có quan điểm chống Staline quyết liệt và quan điểm này đã thay đổi dưới thời tổng thống Putin, với cái nhìn tích cực hơn về công và tội của Staline, hai lập trường này đều có chung một điểm : đó là sự kiên quyết bác bỏ mọi thay đổi cách mạng.
Năm 1996, ngày 07 tháng 11 trở thành Ngày Đoàn Kết và Hòa Giải. Việc hủy bỏ các hoạt động kỷ niệm Cách Mạng Tháng 10 là nhằm xóa bỏ sự kiện này và thay thế bằng một sự kiện khác thúc đẩy việc hòa giải trong xã hội.
Từ nhiều năm nay, vào ngày 07/11, chính quyền Nga tổ chức duyệt binh trên Quảng Trường Đỏ, không phải là để kỷ niệm Cách Mạng Tháng 10 mà để tưởng nhớ cuộc duyệt binh hào hùng ngày 07/11/1941 vào lúc quân phát xít Đức đã ở gần cửa ngõ Matxcơva.
Một phần lớn trong số 28 ngàn binh sĩ tham dự cuộc duyệt binh ngày đó, đã lên đường ra chiến trường.
Như vậy, chính quyền Nga hiện nay không muốn xóa bỏ cũng không muốn tưởng niệm rầm rộ cuộc cách mạng.
Điện Kremlin tìm cách « hòa trộn » nhiều sự kiện lịch sử để tạo dựng và củng cố sự thống nhất hòa giải quốc gia.
Các hoạt động kỷ niệm này nhằm mục đích : thống nhất và tập trung quyền lực của Nhà nước Nga.
Ngược lại, một cuộc cách mạng thì gợi nhớ đến việc xóa bỏ Nhà nước, nước Nga kiệt quệ và máu chảy thành sông do cuộc nội chiến khủng khiếp, giữa « Hồng Quân » và « Bạch Vệ », với sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài.
Theo thông tín viên RFI tại Matxcơva Muriel Pomponne, trong một cuộc họp gần đây, Vladimir Putin đã công khai chỉ trích chính sách của Lê-nin :
«Chúng ta biết vai trò của « Hồng Quân » trong việc làm sụp đổ mặt trận Nga trong Chiến Tranh Thế Giới lần thứ I.
Việc chúng ta thua một quốc gia đang trên đà thất bại trong cuộc chiến này – bởi vì sau đó ít lâu, nước Đức đã đầu hàng – đó là một tình huống duy nhất trong lịch sử. Tại sao lại có việc đó ?
Vậy phải suy nghĩ gì về việc này khi biết rằng đất nước chúng ta đã phải hứng chịu những tổn thất khủng khiếp.
Nhưng lý do chính mà tôi cho rằng cần phải có một cái nhìn mới về những ý tưởng mà Lê-nin đưa ra. Lê-nin đã nói rằng Liên Xô cần phải được hình thành trên cơ sở một sự bình đẳng hoàn toàn cùng với việc các quốc gia khác có thể ly khai ra khỏi Liên Xô.
Tự chủ về văn hóa là một chuyện, tự chủ với việc có nhiều quyền lực Nhà nước quan trọng, như quyền được ly khai, đó là một chuyện khác. Điều này, đi kèm với tình trạng kinh tế và chính sách xã hội không hiệu quả đã dẫn đến sự sụp đổ của Nhà nước. Đó là một quả bom nổ chậm».
Xóa bỏ sự ổn định, đoạn tuyệt với các truyền thống và phủ nhận quyền lực của Nhà nước, chính quyền Nga rất « dị ứng » với những « thành quả » của cuộc Cách Mạng Tháng 10.
Trong tầm ngắm của Matxcơva, đó là các cuộc « cách mạng mầu », đặc biệt là ở Gruzia năm 2003 và tại Ukraina năm 2004, được coi kết quả của các âm mưu can thiệp của phương Tây vào khu vực vốn thuộc vùng ảnh hưởng của Nga thời hậu Xô Viết. Các cuộc biểu tình tại Nga hồi năm 2011-2012 phản đối kết quả bầu cử đã làm tăng nghi ngờ về sự can thiệp của nước ngoài.
Trong diễn văn đọc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 28/09/2015, tổng thống Nga Putin đã chỉ trích việc « xuất khẩu cái mà người ta gọi là các cuộc cách mạng dân chủ ».
Ông nói : « Chúng ta không được quên quá khứ. Ví dụ, về phần mình, chúng tôi vẫn nhớ tới lịch sử Liên Xô.
Việc xuất khẩu các kinh nghiệm xã hội, những ý đồ nhằm gây ra các thay đổi trong một nước khác trên cơ sở những phương hướng tư tưởng của họ, thường gây ra những hậu quả tang thương, đồng nghĩa với việc phản tiến bộ và thụt lùi. »
« Đại Cách Mạng Nga »
Theo chuyên gia Korine Amacher, ngay từ năm 2007, Matxcơva đã tìm cách đưa ra một diễn giải mới về cuộc cách mạng.
Các cuộc cách mạng tháng 02, tháng 10 năm 1917 cũng như cuộc nội chiến được gộp vào nhau dưới tiêu đề « Đại Cách Mạng Nga », với hy vọng đưa cuộc cách mạng này lên ngang tầm cuộc « Đại Cách Mạng Pháp ».
Khía cạnh thảm họa và hậu quả tàn khốc của cuộc nội chiến được nhấn mạnh : nước Nga đã thoát ra khỏi cuộc thảm họa này và vững mạnh hơn trước, dưới hình thức Liên Bang Xô Viết.
Trong sơ đồ này, không có chuyện tố cáo phe nào là thủ phạm hoặc nhấn mạnh đến quan điểm chính trị.
Cả « Bạch Vệ » cũng như « Hồng Quân » đều sẵn sàng xả thân vì nước Nga – « Bạch Vệ » vì một Đế Chế Nga và « Hồng Quân » vì một nước Nga Xô Viết. Cả hai đều cần phải được ghi công và tôn trọng.
Năm 2015, nhân cuộc hội thảo « Một trăm năm Đại Cách Mạng Nga : thấu hiểu để củng cố », bộ trưởng Văn Hóa Nga Vladimir Medinski nhấn mạnh « Đại Cách Mạng Nga 1917 sẽ mãi mãi là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thế kỷ XX ».
Việc nghiên cứu « khách quan » giai đoạn này sẽ giúp « nâng cao nhận thức về sự cần thiết đối với nước Nga phải có quyền lực Nhà nước mạnh mẽ, có được sự ủng hộ của tất cả các tầng lớp người dân » theo như phát biểu của bộ trưởng Văn Hóa Nga Vladimir Medinski.
Trong dịp kỷ niệm 100 năm sự kiện này, cần đề cao « sự tiếp tục phát triển lịch sử của nước Nga, từ Đế Chế Nga đến Liên Xô rồi Liên Bang Nga ».
Tính chất thảm khốc của sự chia rẽ xã hội sau cuộc cách mạng 1917, của cuộc nội chiến cần được nhắc tới, việc tưởng nhớ, tôn trọng các anh hùng ở cả hai phe, « Bạch Vệ » và « Hồng Quân » có ý nghĩa quan trọng.
Cần lên án cuộc cách mạng gây ra nỗi sợ hãi kinh hoàng.
Đặc biệt là cần phải nhấn mạnh : dựa vào trợ giúp của đồng minh nước ngoài trong cuộc đấu tranh chính trị nội bộ là một « sai lầm », một hàm ý cảnh báo trong tình hình nước Nga hiện nay.
Nguyên chủ tịch Hạ Viện Nga, Sergueï Narychkine, lãnh đạo Quỹ Nghiên Cứu Lịch Sử Nga cho rằng không nên tổ chức các hoạt động kỷ niệm long trọng mà là dịp để suy nghĩ về các sự kiện đã diễn ra cách nay 100 năm và rút ra những bài học và những bài học cơ bản là « thống nhất và đoàn kết công dân, khả năng của xã hội tìm ra được những thỏa hiệp vào những lúc khó khăn nhất trong lịch sử, nhằm tránh được sự rạn nứt nghiêm trọng dưới dạng nội chiến ».
Theo chuyên gia Andrei Kolesnikov, thuộc trung tâm nghiên cứu Carnegie, thì chính quyền Nga sẽ không kỷ niệm một trăm năm cuộc cách mạng Nga như là một sự kiện lớn.
Cuộc cách mạng tháng 2/1917 sẽ bị quên đi, cuộc cách mạng tháng 10/1917 sẽ được tổ chức kỷ niệm một cách kín đáo.
«Điều quan trọng đối với Putin và đây là lập trường chính thức, đó là sự hòa giải giữa « Hồng Quân – Bolshevik » và « Bạch Vệ - Menshevik » trên cơ sở những giá trị chung. Điều này có thể làm được bởi vì có một sự giữ khoảng cách nhất định với thời kỳ lịch này, và cuộc tranh cãi về ký ức quá khứ không liên quan đến cuộc cách mạng năm 1917, mà tập trung vào thời kỳ Staline, sự trấn áp và những năm 90.
Năm 1917 là một thời kỳ xa xôi và trừu tượng. Họ sẽ kỷ niệm cuộc cách mạng nhưng vẫn không biết nên làm như thế nào. Bởi vì do không có lập trường tư tưởng rõ ràng, người ta thực sự không biết nên tổ chức kỷ niệm cái gì.
Những người cộng sản thì sẽ kỷ niệm. Tôi nghĩ là chính quyền sẽ giới hạn ở những phát biểu chung chung về sự cần thiết phải hòa giải.
Thế nhưng, trong suốt năm nay, các kênh truyền hình chính thức sẽ chiếu đủ loại tài liệu trong đó, « Hồng Quân – Bolshevik » được nhìn nhận như một lực lượng tiêu cực và tàn phá».
Tuy nhiên, nhiều sử gia Nga không chấp nhận cách diễn giải của chính quyền và nhắc lại rằng việc Đế Chế Sa Hoàng bị xóa bỏ hồi tháng 02/1917, rồi phe « Bolshevik – Hồng Quân » lên nắm quyền hồi tháng 10/1917, có thể xẩy ra là do tuyệt đại đa số người dân dưới Đế Chế Nga đã mong muốn thay đổi và không còn chấp nhận một chế độ xã hội và chính trị bất bình đẳng nghiêm trọng.
Related news items:
Tin mới
- Hà Lan trục xuất bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ - 12/03/2017 17:51
- Đức Phanxicô trả lời cuộc phỏng vấn mới về nhiều vấn đề - 11/03/2017 17:09
- ĐGH có thể cứu xét việc cho đàn ông đã lập gia đình được chịu chức Linh Mục - 11/03/2017 16:50
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-03-2017 - 11/03/2017 15:15
- Nhật Bản tưởng niệm nạn nhân thảm họa động đất sóng thần - 11/03/2017 14:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-03-2017 - 10/03/2017 18:07
- Chủ bài mới của Mỹ tại Biển Đông: Hạm Đội 3 - 10/03/2017 17:10
- Hàn Quốc : Tòa Bảo Hiến chấp thuận phế truất tổng thống Park Geun Hye - 10/03/2017 17:02
- Vụ WikiLeaks – CIA : Người trong cuộc nói gì? - 10/03/2017 00:05
- Mỹ: Tiết lộ của WikiLeaks về CIA làm chính quyền Trump lúng túng - 09/03/2017 23:06
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-03-2017 - 09/03/2017 22:27
- Hồ sơ Bắc Triều Tiên : Mỹ bác bỏ đề nghị thỏa hiệp của Trung Quốc - 09/03/2017 22:04
- Cao Ủy Nhân Quyền LHQ kêu gọi Việt Nam trả tự do blogger Mẹ Nấm - 09/03/2017 15:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-03-2017 - 08/03/2017 22:11
- Năm viễn cảnh tương lai của Liên Hiệp Châu Âu - 08/03/2017 21:41
- Công nghệ high tech, công cụ sản xuất mới của nông gia Pháp - 08/03/2017 19:19
- Vì sao Trung Quốc sợ THAAD của Mỹ đến thế ? - 08/03/2017 18:58
- Trung Quốc, cường quốc không bạn bè - 08/03/2017 17:45
- Bắc Triều Tiên : Con trai của Kim Jong Nam lên tiếng - 08/03/2017 17:11
- Một lớp di dân mới bằng ‘rất nhiều tiền’ - 07/03/2017 20:32