Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-01-2017

Erasmus : Thành công đặc biệt của Liên Hiệp Châu Âu

erasmus logo.svg

Logo của chương trình Erasmus
Ảnh : Wikipedia

Phụ trương Le Monde hôm nay, 06/01/2017, dành phần lớn để nói về Chương trình giáo dục quốc tế Erasmus, được đánh giá là « Một thành công của châu Âu », nhân dịp sáng kiến tròn 30 năm tuổi.

Theo một thăm dò dư luận của viện TNS Sofres, khi nói về các thành tựu của Liên Hiệp Châu Âu, Erasmus được nhắc đến thứ ba, sau « chính sách nông nghiệp chung » và « đồng tiền chung euro ».

Le Monde điểm lại một số thành công của Erasmus, với 5 triệu người được thụ hưởng, cùng với các hoạt động đa dạng của chương trình này.
Erasmus là tên của nhà tư tưởng người Hà Lan (1467 – 1536) thời Phục Hưng, được coi như một trong những hình tượng tiêu biểu của nền văn hóa châu Âu.

Chương trình Erasmus, được khởi sự vào năm 1987, thoạt tiên với mục tiêu tăng cường hợp tác châu Âu trong lĩnh vực giảng dạy, bằng các tài trợ cho việc du học, nghiên cứu tại một nước khác với nơi xuất thân, trong cộng đồng châu Âu.

Sáng kiến Erasmus được đưa vào năm 1984, khi các lãnh đạo châu Âu họp tại Fontainebleau, thống nhất với nhau phải tìm cách thúc đẩy một « Châu Âu công dân ».

Trong những năm đầu tiên, học bổng Erasmus chủ yếu được các giảng viên sử dụng.
Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, đối tượng chủ yếu của quỹ này sinh viên, với gần 4 triệu người được cấp học bổng, trong đó có hơn 600.000 sinh viên Pháp.

Năm 2014, Erasmus trở thành Erasmus+, và mở rộng cho sinh viên bậc master của toàn thế giới, với các thỏa thuận hợp tác được ký kết với 169 nước, đồng thời cho nhiều nhóm đối tượng khác tại châu Âu, như học sinh đào tạo nghề, người thất nghiệp, hay người nhập cư.
Dự kiến sẽ có thêm 2 triệu người châu Âu được Erasmus tài trợ từ nay đến 2020.

Du học, đào tạo nghề, hoạt động tình nguyện, doanh nghiệp trẻ…

Phụ trương của Le Monde có thêm một số bài giới thiệu kỹ hơn về Erasmus.
Về « Các nước châu Âu ít tốt kém để du học », Le Monde lưu ý : Đức là nước mà người du học phải bỏ ít chi phí nhất, trong khi đó Anh là nước tốn kém nhất.
 Tại Đức, chi phí đăng ký học gần như bằng không, bên cạnh đó, tùy theo hoàn cảnh xã hội, mà sinh viên có thể nhận được học bổng, lên tới tối đa là 8.820 euro/năm.

Học nghề là phần rất ít được biết đến của chương trình Erasmus. Được khởi sự từ năm 1995, chương trình mang tên Leonardo da Vinci, hiện đã nhập làm một với Eramus+.

Riêng trong năm 2015, có khoảng 12.000 học sinh đào tạo nghề được hưởng học bổng này.
 Liên Hiệp Châu Âu đặt nhiều hy vọng vào chương trình này, với mục tiêu vào năm 2020, có 6% thanh niên từ 18-34 tuổi, được đào tạo nghề tại nước ngoài.

Chương trình Tình nguyện châu Âu (SVE) cũng là một hoạt động quan trọng khác của Erasmus.
 Chương trình này mở cho sự tham gia của mọi thanh niên từ 17 đến 34 tuổi, không cần bất cứ điều kiện nào.

Các thanh niên tình nguyện có thể làm việc tại một cơ sở hay hiệp hội phi lợi nhuận của một trong 50 quốc gia châu Âu tham gia chương trình.
 Một trong các đối tượng chính của chương trình là những người ở trong hoàn cảnh khó khăn (cụ thể là tại Pháp, chiếm khoảng 40% số người tham gia chương trình).
Ở Pháp có khoảng 500 cơ sở được phép tiếp nhận hồ sơ của những thanh niên muốn tham gia chương trình Tình nguyện châu Âu của Erasmus.

Kể từ năm 2009, Erasmus đã khởi sự một chương trình đặc biệt để hỗ trợ các doanh nhân trẻ, để khuyến khích tinh thần hợp tác và cách tân.

Năm 2014, trong khuổn khổ của Erasmus+, có thêm chương trình hỗ trợ hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học, xuất thân từ ít nhất ba quốc gia.
Trong số 40 dự án được tài trợ, có Foodlab, một dự án do một cơ sở tại Pháp điều phối, với sự tham gia của 15 đối tác, thuộc 6 nước, với ngân sách một triệu euro trong ba năm.

Dự án của Foodlab là phát triển các thực phẩm proteine có nguồn gốc thực vật. Năm 2017, Foodlab dự kiến sẽ tổ chức một diễn đàn qua Internet, với đối tượng là sinh viên ngành thực phẩm, để cung cấp cho họ những thông tin cần thiết trong lĩnh vực xây dựng, quản lý doanh nghiệp.
Diễn đàn này cũng sẽ là nơi giới thiệu các dự án do sinh viên thiết kế, có thể được các doanh nghiệp quan tâm.

Ngân quỹ cho Eramus tăng vọt

Vẫn theo Le Monde, nhu cầu tham gia Erasmus ngày càng thu hút đông người.
Trong giai đoạn 2014-2020, ngân sách dành cho Eramus được tăng lên ở mức 16,4 tỉ euro, tức gấp khoảng 5 lần so với ngân sách khóa trước 2007-2013 (3,1 tỉ).
Tuy nhiên, trong năm vừa qua, yêu cầu học bổng tăng vọt, nên có đến một nửa đơn đề nghị tại Pháp không được chấp nhận.

« Cha đẻ » của chương trình Erasmus, luật gia người Ý Domenico Lenarduzzi, phàn nàn là kế hoạch sử dụng ngân sách trong niên khóa 6 năm thiếu sự mềm dẻo.  Ông nhấn mạnh là « Tương lai của châu Âu phụ thuộc một phần lớn vào năng lực của các công dân châu Âu, và năng lực ấy cần phải được cập nhật thường xuyên ».

Chủ tịch mạng lưới Pháp Erasmus ESN, Safi Sabuni, ghi nhận tình trạng « thiếu thông tin » trong giới trẻ về Erasmus, đặc biệt là những người trong hoàn cảnh khó khăn.
Trong khi đó, theo một điều tra về giới trẻ châu Âu, từ 17 đến 30 tuổi, có khoảng 60% không muốn đi học, đào tạo hay làm việc tại một nước khác.

Trong suốt năm nay, nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập, Erasmus sẽ được nhắc đến nhiều, đây sẽ là cơ hội để chương trình được người có nhu cầu biến đến hơn.
 Trả lời Le Monde, giám đốc cơ quan quốc gia Pháp Erasmus+ kêu gọi : « Hãy tạo ra một lực đẩy mới cho châu Âu » với Erasmus.

Trump : « Nghệ thuật lãnh đạo bằng Twitter » ?

Về thời sự quốc tế, chính sách tương lai của tổng thống tân cử Mỹ, hai tuần trước khi ông Trump nhậm chức, tiếp tục là chủ đề được chính giới các nước đặc biệt quan tâm.
Một trong những điều gây ngạc nhiên nhiều nhất về ứng xử của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ là phong cách « Twitter ».
 Le Figaro có bài nhận định « Trump hay nghệ thuật lãnh đạo bằng Twitter ».

Theo Le Figaro, kể từ khi đắc cử, ông Trump đã gửi hơn 400 thông điệp trên Twitter, về đủ loại chủ đề, từ những chuyện đời thường, cho đến những việc nghiêm trọng nhất.
Trong quá trình tranh cử, Twitter cũng là phương tiện mà ứng cử viên Trump triệt để sử dụng để tấn công đối thủ, với tổng số hơn 1.000 lượt, chỉ tính từ cuộc họp báo ngày 27/07/2016.

Các thông điệp Twitter của Donald Trump, với phong cách tự nhiên, ngôn từ đầy màu sắc, nhìn chung thường mang giọng điệu kích bác, tuy nhiên cũng rất mập mờ, để mặc đối tượng hiểu sao thì hiểu (theo nhà bình luận David Brooks của New York Times).

Thông điệp Twitter về chiến lược tăng cường sức mạnh hạt nhân của Hoa Kỳ bị tổng thống Nga coi như không có, trong khi lời bình luận về vai trò của Trung Quốc trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, khiến Bắc Kinh vừa lo, vừa tức, và lên án là « một trò trẻ con ».

Ghi nhận tính chất hiệu quả của cách truyền thông bằng Twitter, với 46 triệu khách theo, cho phép Donald Trump giao tiếp trực tiếp với công chúng, không cần thông qua các phương tiện truyền thông, thường có quan điểm chống Trump, tuy nhiên Le Figaro cũng đặt câu hỏi :
 Liệu phong cách Twitter đầy kích bác của Donald Trump có phá hỏng chính uy tín của ông, một khi nhà tỉ phú ngồi vào ghế tổng thống ?

Riêng về phía Hàn Quốc, « ngoại giao Twitter » của tổng thống Mỹ tương lai là điều Seoul thực sự quan tâm.

Theo Les Echos, chính phủ Hàn Quốc đã giao phó nhiệm vụ theo sát tài khoản Twitter của ông Trump cho một nhà ngoại giao vốn làm việc trong bộ phận Bắc Mỹ của bộ Ngoại Giao nước này.
Seoul lo ngại các thay đổi lớn trong quan hệ Mỹ-Hàn dưới thời ông Trump.

Tương lai WTO phụ thuộc vào Donald Trump

Cũng liên quan đến chính sách của tổng thống tân cử Mỹ, báo Les Echos có bài « Tương lai của Tổ chức Thương Mại Thế Giới phụ thuộc vào quyết định của ông Trump ».
 Theo tờ báo kinh tế, việc Hoa Kỳ rời khỏi WTO, điều đó cũng nghĩa là hồi chuông báo tử đối với tổ chức thương mại quốc tế này.

Khúc quanh mới của toàn cầu hóa : Lạm phát gia tăng trở lại

Cũng trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos quan tâm đến sự trở lại của lạm phát như một dấu hiệu cho thấy « quá trình toàn cầu hóa đang bước vào một khúc quanh mới ».

Theo Les Echos, đà lạm phát tăng vọt hiện nay là ngược hẳn lại so với dự đoán cách nay một năm.
Dự đoán giá cả trong năm nay sẽ tăng hơn 2% tại Mỹ, 1,7% tại khu vực đồng euro và tại Pháp, hơn 3% tại Anh Quốc.

Theo Les Echos, lạm phát tăng với tỉ lệ 2% là điều bình thường, và điều này đã được nhiều ngân hàng trung ương dự đoán, và thậm chí cho rằng đây là điều đáng mong, vì đi liền với triển vọng tăng trưởng.
 Thế nhưng sự trở lại của lạm phát hiện nay lại gắn liền với một tình trạng tăng trưởng chững lại, sức mua trong xã hội suy yếu.

Việc ông Trump – một người có quan điểm bảo hộ kinh tế - trở thành tổng thống Mỹ mở ra một tương lai đầy bất trắc.
Chính sách đưa sản xuất công nghiệp trở lại Mỹ có thể khiến giá cả hàng hóa tại chính Hoa Kỳ trở nên đắt đỏ.
 Và điều này để lại hai hệ quả lớn là lãi suất tín dụng gia tăng và sức mua giảm sút mạnh.

Cuộc chiến « cuối cùng » chống thiên đường thuế

Về tài chính, chủ đề chính của phụ trương kinh tế báo Le Figaro hôm nay là « Cuộc tấn công mới chống lại các thiên đường thuế ».
 Bài « Cuộc chiến cuối cùng chống lại nạn lậu thuế đã khởi sự », tựa bài phân tích của Le Figaro, điểm lại các nỗ lực quốc tế trong thời gian qua nhắm vào các thiên đường thuế.

Minh bạch thông tin chống lại nguyên tắc bí mật, bảo vệ tiền bẩn. Hơn 100 quốc gia đã tham gia vào chương trình « trao đổi thông tin tự động », trong đó có Thụy Sĩ.
Khoảng 50 nước sẽ tiến hành « trao đổi thông tin tự động », ngay từ năm nay 2017. Việc tham gia đông đảo của các quốc gia sẽ tạo nên một mạng lưới kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn.

Chương trình minh bạch thông tin ngân hàng được Hoa Kỳ và OCDE, Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Châu Âu, thúc đẩy.

Bầu cử Pháp : Khoảng cách sít sao giữa 3 ứng cử viên hàng đầu

Trở lại nước Pháp, thăm dò dư luận về tỉ lệ được lòng dân của các ứng cử viên tổng thống Pháp là một chủ đề hàng đầu của báo chí hôm nay, theo một kết quả điều tra được Les Echos công bố hôm nay.

Khoảng cách giữa ứng cử viên số một cựu thủ tướng François Fillon với lãnh đạo đảng cựu hữu Mặt Trận Quốc Gia/FN Marine Le Pen đã thu hẹp, từ khoảng 2% đến 4%, tùy theo kịch bản. Người nổi lên vị trí số ba là ứng cử viên trẻ, Emmanuel Macron, nguyên bộ trưởng Kinh tế, ra tranh cử độc lập, có khả năng được từ 16 đến 24%.
Nghĩa là có thể lọt vào vòng hai.

Nguyên thủ tướng Valls, một trong các ứng cử viên hàng đầu của đảng Xã Hội, bị rớt xuống hạng thứ 5, và bị coi là hoàn toàn không có cơ hội lọt vào vòng hai.
Một động thái khác cũng được truyền thông quan tâm là phát biểu của cựu thủ tướng François Fillon trên truyền hình tuần này : « Tôi là người Thiên Chúa Giáo ».

Theo Le Parisien, đây là một tuyên bố lạ thường của một ứng cử viên tổng thống. Pháp là một quốc gia vốn theo thể chế thế tục về chính trị, và niềm tin tôn giáo thường được coi là chuyện riêng tư.

Trong khi đó, báo Le Figaro chú ý đến ứng cử viên sơ bộ của đảng Xã Hội Benoit Hamon, với dự báo nhân vật « ngoài luồng » này của đảng Xã Hội, có khả năng trở thành một bất ngờ trong cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng viên chính thức trong cuộc tranh cử tổng thống, giống như ông François Fillon đối với đảng cánh hữu.

Switch mode views: