Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-12-2014
- Thứ Sáu, 05 tháng Mười Hai năm 2014 00:52
- Tác Giả: Mai Vân
Pháp bị Trung Quốc nghe trộm ngay gần Paris
Ảnh minh họa.
Trong dòng thời sự quốc tế ngày 04/12/2014, bên cạnh hồ sơ Trung Đông với việc Iran cho máy bay oanh kích quân thánh chiến ở Irak, Thủ tướng Israel giải tán Quốc hội, tình hình châu Á thì khá được chú ý với Trung Quốc.
Đáng lưu ý nhất có lẽ là vụ mà L’Obs - nguyệt san đầu tiên của tuần báo Le Nouvel Observateur - nêu bật ngay trang bìa :
« Trung Quốc theo dõi chúng ta (Pháp) như thế nào », dòng tựa bên cạnh một bức ảnh lớn của ông Tập Cận Bình tai chụp ống nghe.
Sự kiện được L’Obs nêu bật là việc trung tâm nghe trộm của Trung Quốc được đặt cách Paris vỏn vẹn 9 cây số ! Ở trang trong, dưới tựa đề :
« ‘Tai lớn’ của Bắc Kinh tại Pháp », L’Obs cho là đã khám phá ở Chavilly – Larue, vùng ngoại ô Paris, một trung tâm bí mật nghe trộm qua vệ tinh của Trung Quốc.
Trung tâm này nằm trong một cơ sở thuộc Đại sứ quán Trung Quốc và theo dõi các trao đổi liên lạc giữa Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông.
L’Obs mô tả kỹ lưỡng nơi này : Diện tích hơn một hécta, có một sân quần vợt, một bãi đậu xe, 2 tòa nhà 3 tầng, trên nóc một tòa nhà có 3 ăng ten parabol, trong đó một ăng ten cao 5 mét, mới toanh. Ở cửa vào có caméra theo dõi, nhưng không có bảng ghi gì cả. Bấm chuông thì chuông hư. Gọi điện thoại đến số ghi trong danh bạ, thì không ai trả lời cả.
Phóng viên của L’Obs, đến hỏi Tòa thị chính, thì được nhân vật số hai tại đây, Cyrille Bernardin, trả lời một cách thành thật : « Tôi thật sự không biết họ làm gì ». Một cư dân thì giải thích : Đó là « những láng giềng rất kỳ bí, nhưng với thời gian chúng tôi cũng đã quen rồi, không để ý nữa. »
Quả là đã rất lâu rồi. Theo L’Obs, cơ sở này đã nằm ở số 148 đường Lieutenant Petit-Leroy, Chavilly – Larue, từ hơn 40 năm nay. Trong những năm 1970-80, văn phòng cố vấn thương mại Trung Quốc được đặt tại đây. Đây cũng là nơi ở của nhân viên sứ quán Trung Quốc. Hiện nay thì hàng chục nhân viên ngoại giao Trung Quốc vẫn còn ở đấy.
Tác giả bài báo mỉa mai : Rõ ràng là cơ sở mà cơ quan tình báo Pháp DGSI theo dõi sát, không phải chỉ là một nơi để nhân viên ngủ mà thôi, và các ăng ten to lớn lắp đặt cách đây 3 – 4 năm không phải chỉ để nhận tín hiệu truyền hình China-TV !
Tùy viên báo chí Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris, giải thích vắn tắt : Đấy là ‘cơ sở hậu cần’ của Đại sứ quán, còn ăng ten là để ‘sử dụng cho việc liên lạc’.
Bà không nói gì thêm, và điều này, theo tạp chí, cũng dễ hiểu : Theo các cơ quan tình báo Pháp, tại nơi này, gần đây đã có một trung tâm nghe trộm qua vệ tinh được thiết lập.
L’Obs trích một nguồn tin ‘đáng tin cậy’, cho biết là trung tâm nghe trôm này trực thuộc cơ quan APL-3 của Bộ Tham mưu Quân đội Trung Quốc mà trụ sở nằm ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung tâm này có lẽ gắn với đơn vị 61046 đặc trách Châu Âu.
L’Obs tham khảo ý kiến một chuỵên gia về kỹ thuật nghe trộm, được giải thích là 2 ăng ten dùng để nghe, chiếc thứ 3 là để chuyển ‘sản phẩm’ (tiếng lóng sử dụng trong ngành) thu lượm được về Trung Quốc.
Hai ăng ten để nghe được hướng về Châu Phi và Trung Đông. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên, vì hai vùng này là 2 vùng ưu tiên trong cuộc chiến kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Pháp.
Dựa theo độ nghiêng của một ăng ten ‘nghe’ thì nó thu sóng từ một vệ tinh nằm bên trên vùng Sừng Châu Phi, có lẽ là vệ tinh Thuraya 2. Qua đó, Trung Quốc có thể theo dõi trao đổi của các doanh nhân qua lại các vùng Châu Phi và Trung Đông, sử dụng hệ thống điện thoại qua vệ tinh, đặc biệt là nhũng thông tin trong lãnh vực hầm mỏ, dầu hỏa.
Ăng ten nghe thứ hai, hướng về phía Tây, theo dõi vùng Tây Phi và một phần lớn Châu Mỹ La tinh, một vùng chiến lược khác đối với kinh tế Trung Quốc.
Câu hỏi L’Obs nêu lên, là tại sao Pháp lại chấp nhận tình trạng như thế ? Phải chăng là Pháp quá hời hợt, dễ dãi trong cuộc chiến chống gián điệp Trung Quốc ? Tạp chí trích lời một chuyên gia giải thích là vì « hy vọng giành được những hợp đồng to lớn, cho nên thường khi người ta nhắm mắt làm ngơ. »
Mặt khác, theo L’Obs, cơ quan DGSI cũng công nhận là giới phản gián Pháp, trong một thời gian dài, đã đánh giá thấp tình báo Trung Quốc và « cho đến những năm gần đây, họ không phải là một ‘ưu tiên’ ».
Trung Quốc săn chồn « tham nhũng »
Cũng liên quan đến quan hệ Pháp Trung, Le Monde dành nguyên một trang mục Điều tra nói đến « Bài toán hóc búa của Trung Quốc », bên trên hình vẽ một con rồng đỏ phun ra không phải chỉ là lửa mà là một con chồn tóe lửa.
Tờ báo giải thích là Bắc Kinh đang tung ra một chiến dịch toàn cầu để truy nã các viên chức tham ô của mình. Các quốc gia đón họ được kêu gọi phải hợp tác trong chiến dịch ‘săn chồn’ này, và ở hàng đầu là nước Pháp.
Bài báo trước tiên mô tả nơi làm việc của các ‘thợ săn’ tại Bắc Kinh : một số ngồi gõ trên bàn phím máy tinh, một số khác dò xem trên một bảng rất to đầy tên và một tấm bản đồ thế giới. Ở trên tường có bức phù hiệu của cảnh sát và dòng chữ lớn : « cuộc săn chồn 2014 ».
Bài báo giải thích rõ nhiệm vụ của họ : Truy lùng những kẻ tham ô Trung Quốc đã chạy ra thế giới. Chiến dịch được Bộ Công an tung ra vào hạ tuần tháng 7 vừa qua, đã thành công đáng kể : chỉ trong vòng 100 ngày là đã nhận dạng được 180 trường hợp, thực hiện 104 vụ bắt giữ, 76 ca tự nguyên trở về.
Theo bài báo hơn ¾ các vụ câu lưu là tại Đông Nam Á. Cho đến đầu tháng 12 này, chiến dịch truy lùng nhắm vào 335 ca khả nghi, trong đó 46% được thuyết phục tình nguyện trở về nước.Trong chiến dịch này, có nhiều phụ nữ tham gia vì họ rất hữu hiệu với khả năng quan sát nhạy bén, tinh tế, nhất là trên mặt tâm lý, cho nên họ đã giải quyết được những trường hợp bất ngờ.
Theo bài báo các nhóm truy bắt này được cử đi khắp thế giới : một khi có lệnh thì họ tập hợp thành một ê kíp, mua vé máy bay đi ngay. Họ chỉ mất 12 tiếng đồng hồ để hoàn tất nhiệm vụ ở Hàn Quốc chẳng hạn, 24 tiếng đồng hồ ở Việt Nam.
Đương nhiên là các ‘con chồn’ không chỉ chạy sang các nước láng giềng Châu Á : Hoa Kỳ, Canada, Úc là những nước đón tiếp rất nhiều người mà Bắc Kinh muốn bắt giữ, nhưng không dễ dàng câu lưu như ở Đông Nam Á. Pháp cũng nằm trong những quốc gia mà phía Trung Quốc than phiền là không tích cực hợp tác.
Bắc Kinh bắt nghệ sĩ đi « thực tế »
Le Figaro hôm nay cũng quan tâm đến Trung Quốc, nhưng trở lại chủ trương của ông Tập Cận Bình mà tờ báo nêu bật trong hàng tựa trang quốc tế : « Bắc Kinh gởi nghệ sĩ của mình về nông thôn ». Tờ báo mỉa mai là cũng như Mao, Tập Cận Bình hy vọng làm cho họ có được ‘một quan điểm đúng đắn’ về nghệ thuật.
Bài báo tỏ ra gay gắt với chủ trương của đương kim chủ tịch Trung Quốc muốn đưa văn nghệ sĩ về nông thôn - tìm nguồn cảm hứng và được sự giáo dục của quần chúng. Tờ báo cho là ông Tập Cận Bình đã lấy cảm hứng – không giới hạn - từ ‘tác phẩm’ của Mao Trạch Đông, chủ trương mới của ông như thể xuất ra từ cuộc Cách mạng Văn hóa.
Trong mắt của lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới, văn nghệ sĩ Trung Quốc dễ chạy theo sự cám dỗ của ý hướng ly khai hay tính chất phương tây. Ông cũng kêu gọi họ không nên trở thành ‘những kẻ nô lệ của thị trường’, ‘Nghệ thuật phải phục vụ quần chúng...’ .
Le Figaro nhận thấy là nghe ông Tập Cận Binh không khác gì nghe Mao tại Diên An năm 1942. Bài báo nhắc lại là Mao đã gởi 17 triệu thanh niên về nông thôn, trong đó có thanh niên Tập Cận Bình. Và theo tuyên truyền chính thức, thì ông Tập Cận Bình đã được tôi luyện để phục vụ nhân dân từ đó.
Le Figaro nhìn lại bây giờ, thấy là không ai hứng thú gì trước cách rèn luyện này. Trong các phản ứng gay gắt về chủ trương của ông Tập Cận Bình, tờ báo trong phần cuối bài trích lời nam ca sĩ trẻ Sun Dou’er, cho là chính ‘các viên chức cao cấp chính quyền cần được gởi đi nông thôn hơn là nghệ sĩ.’
Hồng Kông : Phong trào dân chủ hụt hơi
Le Monde hôm nay một mặt nhìn Hồng Kông, một lần nữa ghi nhận « phong trào đấu tranh mất hơi sức ».
Tác giả bài báo tỏ vẻ không vui khi nhận thấy tinh thần xuống ở mức thấp nhất trong hàng ngũ thưa thớt của những người kiên quyết không muốn thối lui, và trích lời một nữ sinh 15 tuổi đã tham gia các cuộc biểu tình cho thấy một tình hình không lối thoát, các lãnh đạo phong trào không còn biết xoay xở ra sao, đưa nó đi vào hướng nào.
Le Monde nhận thấy trong tình hình này - phong trào bi chia rẽ, không được hậu thuẫn dân chúng thì lãnh đạo Hồng Kông, Lương Chấn Anh có lẽ muốn dùng biện pháp mạnh để dẹp hẳn.
Tin mới
- Chu Vĩnh Khang, rơi từ đỉnh cao quyền lực - 06/12/2014 23:58
- Vatican bỏ quên cả trăm triệu euro trong ngân khoản - 06/12/2014 17:51
- Vatican chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho cha Trương Bửu Diệp - 06/12/2014 06:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-12-2014 - 05/12/2014 23:23
- Tổng thống Mỹ bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng - 05/12/2014 19:07
- Indonesia bắt và đánh chìm ba tàu cá Việt Nam - 05/12/2014 17:47
- Nhà thờ chánh tòa Giáo Phận Orange được tặng $20 triệu - 05/12/2014 03:07
- Giáo hoàng cách chức tư lệnh vệ binh Thụy Sỹ - 05/12/2014 02:31
- Đàm phán về chương trình hạt nhân Iran đạt tiến bộ - 05/12/2014 01:31
- Mỹ: Hội chứng vụ Ferguson lan tới New York - 05/12/2014 01:10
Các tin khác
- Đài Loan tiếp nhận lô trực thăng Black Hawk do Mỹ cung cấp - 05/12/2014 00:28
- Hạ viện Mỹ : Phải tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - 04/12/2014 20:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-12-2014 - 03/12/2014 21:37
- Iran không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Irak mà không thông qua Mỹ - 03/12/2014 21:07
- FBI cảnh báo ISIS đe dọa ngay trên nước Mỹ - 03/12/2014 01:01
- Đại diện các tôn giáo cam kết chống tệ nạn nô lệ mới - 03/12/2014 00:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-12-2014 - 02/12/2014 20:44
- Dựng lại cây thông Noel khổng lồ ở vùng giới tuyến Triều Tiên - 02/12/2014 20:31
- Tổng thống Đài Loan từ chức Chủ tịch Quốc dân đảng - 02/12/2014 20:12
- Hồng Kông : Lãnh đạo Occupy Central kêu gọi giải tán biểu tình - 02/12/2014 19:46