Giải pháp nào xoa dịu căng thẳng Mỹ-Iran về hạt nhân?
- Thứ Bảy, 29 tháng Sáu năm 2019 18:31
- Tác Giả: Thanh Hà
Tổng thống Iran Hassan Rohani chủ trì một cuộc họp nội các ngày 26/06/2019.
Iranian Presidency / AFP
Báo chí quốc tế liên tục sử dụng cụm từ "căng thẳng leo thang" giữa Mỹ và Iran. Teheran và Washington ngày càng bị đẩy sát đến "vòng xoáy của chiến tranh". Nhưng liệu có lối thoát nào để tránh kịch bản tai hại đó hay không ?
Pháp đang trải qua đợt nóng bất thường, ở vùng Vịnh và khu vực biển Oman, nhiệt độ đã tăng lên rất cao trong những tuần qua, nhưng không vì thời tiết.
Sau một loạt các sự cố tại eo biển Ormuz, Teheran thông báo bắn hạ máy bay không người lái của Hoa Kỳ, tổng thống Trump đổi ý vào phút chót trước khi ra lệnh cho quân đội "trả đũa" Iran.
Thời sự trong vùng Vịnh "nóng" đến nỗi, Iran trở thành một trong những hồ sơ quan trọng nhất tại thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản lần này.
Cách Osaka hàng ngàn cây số, tại Vienna, cũng hôm 28/06/2019, đại diện Iran, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc họp lại để cứu vãn thỏa thuận mà Teheran đã đặt bút ký với cộng đồng quốc tế - khi đó bao gồm cả Mỹ, cũng tại thành phố này ngày 15/07/2015.
Bộ Ngoại Giao Iran coi cuộc họp hôm nay là "cơ hội cuối cùng để hiệp đình này tồn tại".
Nhật báo Pháp Libération trong một bài viết gần đây đã chơi chữ khi nêu lên câu hỏi : cầu thang dẫn đến chiến tranh Mỹ- Iran có bao nhiêu bậc ?
Bởi vì từ ngày 08/05/2018 Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân mà 5 nước trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cùng với Đức đã đạt được với Cộng Hòa Hồi Giáo Iran vào tháng 7/2015, tình hình trong vùng Vịnh nói chung và căng thẳng giữa chính quyền Trump với giới lãnh đạo tại Teheran nói riêng liên tục "nóng lên" và nhất cử nhất động của mỗi bên càng khiến "căng thẳng leo thang", nguy cơ xảy ra một cuộc "đối đầu quân sự" qua đó tăng theo.
Dù vậy, kịch bản tệ hại đó vẫn có thể tránh được. Libération số ra ngày 27/06/2019 mời ba chuyên gia trình bày về những "ngõ thoát hiểm" mà các bên vẫn có thể sử dụng.
Trước hết, luật gia người Iran, Reza Nasri, từng cố vấn cho phái đoàn của tổng thống Hassan Rohani trong giai đoạn Teheran đàm phán với quốc tế về thỏa thuận hạt nhân Iran đánh giá, trong bối cảnh hiện tại, phía "Teheran đã đi đến kết luận rằng chỉ cần một cử chỉ nhún nhường cũng sẽ được Mỹ coi đó là một dấu hiệu Iran đầu hàng và lại càng thúc đẩy chính quyền Trump gia tăng áp lực thay vì chọn giải pháp hòa hoãn.
Mỹ chủ trương gây áp lực tối đa (...) Về mặt chính trị và chiến lược, chính quyền Iran không thể nào tính tới khả năng sưởi ấm quan hệ với Washington".
Tìm trung gian đối thoại
Cựu đại sứ Pháp tại Teheran và cũng là một người nắm rất rõ hồ sơ hạt nhân Iran, François Nicoullaud lạc quan hơn:
"Ngày nào mà máu chưa đổ, đôi bên vẫn có thể đảo ngược tình huống, tức là kịch bản xuống thang vẫn có thể diễn ra".
May mắn thay là đến nay các vụ tàu dầu trong vùng biển Oman bị tấn công, vụ Teheran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, cũng như chiến dịch tấn công trên mạng nhắm vào Iran, đều không gây ra án mạng.
Trong trường hợp đó, cựu đại sứ Pháp cho rằng, khó khăn đầu tiên và cũng là trở ngại lớn nhất, là thiết lập kênh đối thoại giữa Teheran với Washington.
Bruxelles và Paris hoàn toàn có đủ tư cách để đóng vai trò trung gian đó.
Hơn thế nữa, theo François Nicoullaud, "châu Âu và Pháp phải dấn thân, phải chấp nhận một phần rủi ro, vì ban đầu đôi bên đều sẽ "cau có" với nhau.
Trên thực tế, Paris và Luân Đôn đã điều cố vấn ngoại giao đến Teheran.
Nhìn từ Bruxelles, nhà nghiên cứu và cũng từng là cố vấn cho Liên Âu về hạt nhân Iran, Ellie Geranmayeh, thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Châu Âu (ECFR), cho rằng để nói chuyện với Iran, cần tránh là dùng lá bài trừng phạt. Đơn giản là vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã quá rộng bao phủ lên quá nhiều lĩnh vực khác nhau.
Châu Âu có phụ họa theo Hoa Kỳ sẽ gần như không có tác động gì, mà ngược lại, thái độ đó càng khiến Iran hoài nghi về tính trung lập của Liên Âu.
Cây gậy và củ cà rốt
Vẫn chuyên gia Geranmayeh thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Châu Âu cho rằng, Bruxelles cần dùng đòn "cây gậy và củ cà rốt" với Iran.
Nghĩa là thuyết phục nước này ứng xử trong khuôn khổ hiệp định hạt nhân mà Teheran đã đặt bút ký với cộng đồng quốc tế, nhưng đổi lại thì Teheran cũng phải nhận được "một chiếc phao" về kinh tế.
Cơ chế thanh toán Intex cho phép các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là trong ngành dầu hỏa, tiếp tục giao dịch với Iran mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, vẫn chưa đi vào hoạt động. Dù vậy cựu đại sứ Pháp Nicoullaud cho rằng đây là một tín hiệu mạnh Liên Hiệp Châu Âu gửi đến Iran.
Riêng về dầu hỏa, chuyên gia Geranmayeh trông đợi nhiều vào Trung Quốc, bởi theo bà, "Trung Quốc có trọng lượng về kinh tế để cưỡng lại sức ép của Hoa Kỳ.
Vấn đề đặt ra là Bắc Kinh đang đàm phán với Washington về thương mại".
Vẫn theo chuyên gia này, tại thượng đỉnh Osaka lần này, "nếu như các nước châu Âu phối hợp cùng với Trung Quốc và Nga, có khả năng tối thiểu là thuyết phục được các bên có thêm thời gian để suy nghĩ" trước khi quá trễ.
Máy bay đổi lấy máy ly tâm
Một ngõ thoát hiểm quan trọng trong hồ sơ này là làm thế nào để cả tổng thống Trump lẫn giáo chủ Khamenei cùng có thể vỗ ngực khoe khoang rằng họ không "lùi bước trước đối phương".
Cựu đại sứ Pháp tại Teheran, François Nicoullaud giải thích : Trump muốn chứng minh ông đàm phán giỏi hơn Obama.
Còn mục tiêu của Teheran là giải thích rằng Iran không nhượng bộ thêm bất kỳ điều gì.
Vậy đôi bên có thể tìm được đồng thuận tối thiểu trên những lĩnh vực nào để giải tỏa bớt căng thẳng hiện nay ?
Một trong những giải pháp có thể là phương châm "dùng máy bay đổi lấy máy ly tâm".
Phía Iran có thể chấp nhận chỉ giữ lại 1.500 trong số 5.000 máy ly tâm. Phía Hoa Kỳ thì có thể làm một công đôi việc cho phép xuất khẩu trở lại máy bay dân sự cho Iran, vừa giúp hãng hàng không dân sự nước này thay thế đội ngũ máy bay đã quá cũ kỹ, kém an toàn, vừa cho phép tập đoàn Mỹ Boeing gặt hái thêm được một số hợp đồng. Một giải pháp khác là Mỹ cũng có thể nới lỏng lệnh cấm vận dầu hỏa Iran.
Diều hâu và bồ câu Mỹ đánh nhau
Khúc mắc nằm ở chỗ, tại Washington, tổng thống Trump kẹt giữa "chiến tranh và hòa bình".
Có một sự bất thường trên chính trường Mỹ là bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang trong tay phe diều hâu chủ chiến, còn Lầu Năm Góc thì tương đối thận trọng và ôn hòa.
Ngoại trưởng Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia Bolton ủng hộ giải pháp quân sự. Trong khi đó, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, đại tướng Joseph Dunford và quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cho đến những ngày gần đây là Patrick Shanahan lại dè dặt trước một "nước cờ đầy nguy hiểm".
Có điều ông Shanahan vừa nhường chiếc ghế lãnh đạo bộ Quốc Phòng lại cho Mark Esper, một người thân cận và là bạn học cũ của đương kim ngoại trưởng Mike Pompeo. Bên cạnh những tiếng nói ôn hòa trong Bộ Quốc Phòng Mỹ, từ tháng 3/2019, bộ Chỉ Huy Trung Tâm Mỹ đã có lãnh đạo mới, nhân vật số 1 của Centcom, tướng Kenneth McKenzie, không che giấu ông là một người "của hành động".
McKenzie rất ăn ý với cố vấn an ninh quốc gia Bolton, bởi cả hai cùng "ghét cay ghét đắng Iran", như một nhà quan sát bình luận.
Với bản thân Donald Trump, một trong những cam kết của ông khi tranh cử tổng thống 2016 là ngừng can thiệp quân sự tại Trung Đông.
Câu hỏi đặt ra là phe diều hâu hay bên ôn hòa có ảnh hưởng lớn hơn đối với Nhà Trắng ?
Tin mới
- Bolton ra đi, bế tắc Mỹ-Iran sẽ được khai thông ? - 11/09/2019 19:02
- Trao đổi tù nhân : Zelensky chiến thắng hay sập bẫy của Putin ? - 10/09/2019 15:07
- Fox và Trump - 02/09/2019 00:45
- Đối thoại Pháp-Nga : Macron đặt Putin vào thế mạnh ? - 19/08/2019 18:03
- Đối đầu Mỹ-Trung và bài học từ Chiến tranh lạnh - 12/08/2019 23:29
- Bắc Kinh không thể đi quá xa trong việc trấn áp Hồng Kông - 30/07/2019 22:03
- Bắc Kinh cố trấn an về những tham vọng quân sự của Trung Quốc - 26/07/2019 17:12
- Nga, Trung tuần tra chung và thông điệp gửi tới Mỹ - 24/07/2019 20:44
- Bãi Tư Chính: Tại sao Trung Quốc “đánh” Việt Nam vào lúc này? - 23/07/2019 03:07
- Hồng Kông : Phong trào đấu tranh dân chủ rơi vào bẫy bạo lực - 03/07/2019 01:08
Các tin khác
- Gia tăng sức ép Iran, TT Trump có nguy cơ gây xung đột quân sự ngoài ý muốn - 25/06/2019 15:59
- Bắc Kinh bóp nghẹt hệ thống bầu cử Hồng Kông như thế nào ? - 21/06/2019 00:36
- Hồng Kông : Do đâu người dân thắng được trận đấu chống dự luật dẫn độ ? - 18/06/2019 19:21
- Hồng Kông : Cứu vớt những gì còn lại của vùng tự trị - 11/06/2019 20:32
- V. Putin, một lá bài « hữu ích » cho Trung Quốc để đối chọi với Mỹ ? - 10/06/2019 17:56
- Anh Quốc : Thủ tướng cũ hay mới, Brexit vẫn bế tắc - 08/06/2019 03:44
- Thiên An Môn : 30 năm sau, chính quyền Trung Quốc vẫn sợ - 04/06/2019 20:40
- Hoa Vi và cuộc chiến sống còn trước đòn trừng phạt của Mỹ - 30/05/2019 21:09
- Triều sóng xanh tại châu Âu : đảng của giới trẻ và tương lai - 29/05/2019 18:44
- Quả đấm của ông Trump làm rung chuyển Trung quốc - 28/05/2019 00:18