Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lật được Bouteflika, Algeri đứng trước thách thức chuyển tiếp

bouteflika 2016


Tổng thống Algeri Abdelaziz Bouteflika năm 2016.
Alexander Shcherbak\TASS via Getty Images

 

Một trang sử Algeri vừa được lật qua. Abdelaziz Bouteflika, 82 tuổi, đã từ chức tổng thống ngày 02/04/2019, gần một tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ tư.

Về mặt chính thức, tổng thống đã « thông báo với Hội Đồng Bảo Hiến chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống Cộng Hòa ».

 

Theo thủ tục, Hội Đồng Bảo Hiến phát động tiến trình chuyển tiếp ngay trong ngày 03/04 theo điều 102 Hiến Pháp.
Công luận muốn sang trang chế độ phải chờ thêm ít nhất 90 ngày.

Sự kiện Bouteflika từ chức không làm tình thế thay đổi gì cả.
Trước khi xuống, tổng thống Algeri đã lập chính phủ mới để kéo dài "chế độ Bouteflika không Bouteflika".
Nhận định trên đây với Reuters của luật sư Moustapha Bouchachi và cũng là một trong những lãnh đạo phong trào phản kháng cho phép dự báo tình hình Algeri trong những tuần lễ tới là một phương trình phức tạp.

Phong trào xã hội muốn thay đổi triệt để, thành lập Đệ nhị Cộng Hòa với những người mới hoàn toàn, không dính líu gì đến các chính quyền hiện nay, nhưng thực tế có thể rắc rối đa đoan hơn.

Trước hết, Hội Đồng Bảo Hiến phải đề xuất với Quốc Hội tuyên bố « tình trạng tổng thống mất khả năng » để rồi chủ tịch Thượng Viện tạm lên thay trong 45 ngày, triển hạn tối đa thêm 45 ngày, để tổ chức bầu lại tổng thống.

Thế nhưng, sức khỏe của chủ tịch Thượng Viện Abdelkader Bensala, 77 tuổi, khá suy sụp vì bệnh nặng, có thể gây ra nhiều vấn đề, có thể bị sử dụng như quân cờ, bị lèo lái theo tương quan lực lượng trên chính trường, trong 90 ngày tới.

Xã hội công dân và quân đội

Theo chuyên gia Hasni Abidi, Trung tâm Nghiên cứu Thế giới Ả Rập và Địa Trung hải tại Geneve, do trống vắng một lực lượng đối lập đúng nghĩa, quân đội Algeri trở thành tác nhân số một trên chính trường, phải cố tránh tính toán sai lầm trước một tác nhân mới là « đường phố phản kháng ».
Bouteflika ra đi là chiến thắng đầu tiên của quân đội và phong trào dân sự phản kháng.

Do bị kềm kẹp suốt hơn 20 năm qua, không một đảng đối lập nào tạo được uy tín, hoặc lưu vong hoặc bị chế độ cài người làm nội gián.
Đây cũng là ý kiến của Amira Bourapui, chủ tịch phong trào Công dân-Dân chủ, trên báo La Croix hồi giữa tháng 03/2019.

Theo nhà hoạt động này, lực lượng đối lập chính hiện nay không phải là những tổ chức truyền thống tả hữu mà là phong trào công dân, trưởng thành chính trị từ môi trường học đường hay những nhà hoạt động chống đối chế độ.

Đàn áp phong trào này, quân đội Algeri sẽ tiêu tan uy tín, là phản bội nhiệm vụ bảo vệ quốc gia và quốc dân.
Phong trào công dân, sau chiến thắng đầu tiên, cũng cần có một thế lực « tháp tùng » tiến trình chuyển tiếp với người lãnh đạo mới.

Nhân vật này phải thích hợp với nguyện vọng của đường phố, bởi vì hàng chục triệu người xuống đường không phải chỉ vì muốn lật đổ một mình tổng thống Bouteflika. Họ muốn thành lập một chế độ cộng hòa mới.

Luật sư Moustapha Bouchachi trích dẫn bên trên, vừa là người của đường phố, vừa hoan nghênh thái độ sáng suốt của quân đội, có thể là một ứng cử viên xứng đáng cùng với những nhà chính trị từng tranh cử chống tổng thống Bouteflika như cựu thủ tướng Ali Benflis, theo phân tích của AFP.
Ẩn số ở đây là liệu quân đội Algeri với tướng Salah sẽ chấp nhận phương trình tối ưu này hay tiếp tục « duy trì chính phủ do tổng thống Bouteflika thành lập » ?

Dù muốn dù không, để duy trì không khí ôn hòa, một chính phủ mới, dù lâm thời, phải nỗ lực đàm phán hầu tránh xảy ra những cuộc trả thù hay thanh toán nội bộ.
Một giai đoạn chuyển tiếp là cần thiết nhưng phong trào công dân Algeri đã cảnh báo họ sẽ tiếp tục tranh đấu và hẹn nhau vào thứ Sáu 05/04/2019.

Switch mode views: