Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Paris khôi phục hầu như toàn bộ sinh hoạt

FRANCE-SHOOTING-8

Ngoài quảng trường République, nơi đốt nến tưởng niệm các nạn nhân, Paris cấm tập hợp ở ngoài trời - REUTERS /C. Hartmann

Sau khi nước Pháp ban hành tình trạng khẩn cấp, huy động 10.000 binh lính để triển khai trên toàn lãnh thổ, câu hỏi được đặt ra là các biện pháp an ninh đã được tăng cường tới cỡ nào và nếp sống sinh hoạt tại Paris có được khôi phục hay chưa ?

Về điểm này, Tòa Đô chính Paris đăng trên mạng danh sách liệt kê các những tụ điểm còn đóng cửa hay đã mở cửa trở lại, và bên cạnh việc tăng cường kiểm soát an ninh, đô trưởng Paris còn yêu cầu tất cả mọi người nên đề phòng cảnh giác, khi phát hiện những dấu hiệu khả nghi thì nên thông báo với giới chức trách.

Biện pháp này thật ra đã nằm trong trong khuôn khổ chương trình VigiPirate, chỉ có điều là một chương trình như vậy chỉ thật sự có hiệu quả khi mọi người dân ý thức được những rủi ro và có tinh thần trách nhiệm.

Ngoại trừ các trường học ở vùng ngoại ô Seine Saint Denis phải đóng cửa vào hôm nay 18/11/2015, do lực lượng an ninh truy lùng, vây bắt các nghi can khủng bố, thì hầu như các trường học khác đều mở cửa.

Theo thông báo của bộ Giáo dục Pháp, mọi trường học kể cả nhà giữ trẻ, trường mẫu giáo cho tới đại học đều đã hoạt động trở lại từ thứ Hai 16/11/2015.

Chỉ có các chuyến tham quan, dã ngoại thực hiện trong khuôn khổ nhà trường mới bị cấm cho tới ngày 22/11/2015. Giới hiệu trưởng cũng được yêu cầu áp dụng thêm một số biện pháp an ninh, cấm xe hơi hay xe gắn máy đậu trước cổng trường học.

Các hồ bơi, sân vận động, cũng như các tụ điểm thể thao đều mở cửa trở lại, với điều kiện là các sinh hoạt huấn luyện tập dợt phải được tổ chức ở khuôn viên bên trong và phải dừng lại sau 22 giờ.
 Điều đó có nghĩa là nếu bạn thích chạy bộ (hay đi xe đạp), bạn có thể chạy trong thành phố chứ không thể chạy nhiều vòng xung quanh một sân vận động hay cung thể thao.

Ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt hầu hết các tụ điểm giải trí hay văn hóa đều hoạt động trở lại như bình thường, kể từ thứ Hai 16/11 sau phút mặc niệm vào lúc 12 giờ trưa.
 Các rạp xinê, nhà hát, gánh xiếc, thư viện hay nhạc viện thành phố đều mở cửa, các xưởng vẽ hay điêu khắc trực thuộc trường Mỹ thuật Paris cũng vậy.

Hầu hết các viện bảo tàng trong và ngoài thành phố đều đã mở cửa, chỉ có các bảo tàng quốc gia mới đóng cửa hôm qua thứ Ba 17/11, do đó là ngày đóng cửa trong tuần theo quy định thường lệ.

Các công viên giải trí lớn như DisneyLand hay Parc Astérix sau ba ngày ngưng hoạt động, đón khách thăm viếng trở lại, sau khi tăng cường thêm các chốt kiểm soát ở cổng vào cũng như giới nhân viên an ninh trong phạm vi công viên giải trí.

Hầu hết các tụ điểm du lịch quan trọng như Nhà thờ Đức Bà Paris, Khải Hoàn Môn, lâu đài Versailles, điện Invalides đều hoạt động.
Chỉ có tháp Eiffel mãi tới hôm nay mới mở cửa trở lại đón du khách.

Ban giám đốc điều hành tháp Eiffel cho biết thời gian đóng cửa kéo dài hơn dự kiến, vì họ đã yêu cầu chính phủ Pháp điều động thêm binh lính để bảo đảm an ninh cho toàn bộ khu vực xung quanh ngọn tháp, như vậy thì mới có thể trấn an du khách nước ngoài cũng như khách tham quan.

Ngoại trừ quảng trường République (biểu tượng cho nền Cộng hoà Pháp), nơi mà người dân trong những ngày vừa qua, rủ nhau đến tặng hoa đốt nến tưởng niệm các nạn nhân, tất cả các cuộc tập hợp khác ở ngoài trời tại Paris, nếu không có sự chấp thuận của Sở cảnh sát đều bị cấm cho tới ngày 19/11/2015, dù đó là tập hợp tự bộc phát hay theo kêu gọi trên các mạng xã hội.

Các hình thức đốt pháo cũng vậy, nhất là trong bối cảnh an ninh như hiện nay, theo báo Le Parisien, nếu như trước kia những kẻ vi phạm lệnh cấm đốt pháo thường chỉ bị phạt vạ, thì giờ đây họ có thể bị phạt tù giam, trong trường hợp hành vi đốt pháo gây ra tai nạn, gây thiệt hại vật chất hay làm rối trật tự an ninh.

Để không ảnh hưởng tới sinh hoạt buôn bán của giới tiểu thương, các phiên chợ trời bán thực phẩm, áo quần hay đồ cũ vẫn được duy trì với sự giúp đỡ của các toà thị chính, nhưng trong trường hợp các phiên chợ trời không hội tụ đầy đủ các điều kiện an ninh, hội đồng thành phố có quyền yêu cầu ngưng việc tổ chức.

Theo toà Đô chính Paris, vào cuối tuần này, khoảng 70% các phiên chợ trời vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
 Còn các cửa hàng lớn, các trung tâm thương mại các văn phòng bưu điện, các quầy ngân hàng đều đồng loạt mở cửa trở lại sau 48 tiếng đồng hồ ngưng hoạt động trong cuối tuần vừa qua.

Về mặt vận chuyển giao thông, toàn bộ hệ thống công cộng trong thành phố (RATP) kể cả métro (xe điện ngầm) tramway (xe điện) hay xe buýt đều hoạt động trở lại một cách bình thường, sau khi đóng cửa 11 trạm métro và 8 tuyến xe buýt trong cuối tuần qua hầu tạo điều kiện thuận lợi cho giới điều tra thu thập các bằng chứng trên hiện trường các vụ khủng bố.

Ngành đường sắt (SNCF) cũng vậy, hệ thống tàu cao tốc hay liên tỉnh thành không hề gián đoạn các tuyến xe lửa, kể cả các tuyến đường ở vùng ngoại ô hay khởi hành từ Paris đi khắp các tỉnh hay đi sang các quốc gia lân cận.

Đối với du khách nước ngoài hay những hành khách Pháp dự định từ tỉnh lên thăm Paris, công ty đường áp dụng những biện pháp ưu đãi với các đối tượng khách hàng, họ có thể hủy bỏ hay dời lại chuyến đi mà vẫn không mất tiền thanh toán, hay phải tính thêm phụ phí.

Ngành du lịch khách sạn là ngành có phản ứng nhanh hơn cả. Phần lớn cũng vì ngành này từng hứng chịu tác hại của vụ khủng bố nhắm vào toà soạn của tờ báo trào phúng Charlie Hebdo hồi tháng Giêng năm 2015.

Theo tạp chí kinh tế l’Expansion, trong tình huống xấu nhất, ngành khách sạn ở Paris sẽ mất khoảng từ 40% đến 50% lượng khách hàng, trong tình huống khả quan hơn thì mất từ 15% tới 25%.
Tính trung bình, chỉ riêng trong tháng Giêng 2015, ngành dịch vụ khách sạn Paris đã mất khoảng 20% doanh thu.

Nhưng nhìn chung, tình hình đã nhanh chóng được hồi phục trong chưa đầy hai tháng sau, và điều đó chủ yếu nhờ vào hai yếu tố : trước hết, ngành khách sạn đã đề ra được những biện pháp thích hợp để ứng phó với tình huống khó khăn, các điều kiện khuyến mại hay ưu đãi nhắm vào khách hàng, chẳng hạn như khách có thể đơn thuần hủy bỏ mà không mất tiền, đặt phòng mà không chi tiền đặt cọc hay dời lại chuyến đi vào một thời điểm khác, mà vẫn được hưởng giá mềm hơn.

Nhưng yếu tố quan trọng hơn cả vẫn là các biện pháp an ninh do chính phủ Pháp đề xuất : một mặt, để trấn an dân tình, mặt khác hầu thu hút du khách nước ngoài trở lại.
Chính cũng vì không hội tụ được các điều kiện an ninh ấy, mà ngành du lịch của Tunisia hay của Ai Cập có nguy cơ mất từ một triệu đến ba triệu lượt du khách trong năm 2015.

Riêng về nước Pháp, hiện vẫn còn bấp bênh để dự báo Pháp có thể đạt chỉ tiêu 84 triệu du khách trong năm 2015, nhất là sau đợt tấn công cuối tuần qua 13/11/2015, ngành khách sạn cũng như các quán ăn tại Paris đã mất khoảng 50% lượng khách hàng.
Mức tác hại có thể kéo dài thêm trong trường hợp nước Pháp không tái lập kịp thời an ninh trật tự.

Trong bối cảnh đó, việc cho mở lại hầu hết các tụ điểm sinh hoạt, văn hóa, giải trí chỉ hai ngày sau đợt khủng bố cũng như quyết định triển khai một lực lượng 10.000 binh lính là những dấu hiệu đáng mừng.

 Một cách để cho toàn thế giới thấy rằng : nước Pháp bị chấn thương nhưng chưa ngã qụy.
 Tháp Eiffel sau khi tắt đèn nay được  thắp sáng trở lại với màu cờ xanh trắng đỏ, một cách để chứng tỏ, sau những giờ phút đen tối, Paris vẫn trụ vững hải đăng, lấp lánh hào quang kinh đô ánh sáng.


Switch mode views: