Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp : Strasbourg, ổ khủng bố ?

Strasbour

Đường Rue des Orfèvres trong khu phố cổ Strasbourg, Pháp, sau vụ khủng bố đêm 11/12/2018.
REUTERS/Christian Hartmann

Pháp huy động hơn 700 cảnh sát trong cuộc truy lùng thủ phạm vụ khủng bố tại thành phố Strasbourg Chérif Chekatt.

Thủ phủ vùng Alsace, sát với biên giới Đức, chưa thể an tâm cho tới khi nào vô hiệu hóa được nghi phạm này.

Khu chợ Giáng Sinh nổi tiếng của thành phố phải đóng cửa thêm một ngày nữa.

Trước hết, về danh tính nghi phạm : cho đến giờ phút này, có những thông tin chính xác nào liên quan tới Chérif Chekatt ?
Theo các nguồn tin chính thức của cảnh sát Pháp, bốn thành viên trong gia đình Chekatt đang bị tạm giữ.

Chérif Chekatt, 29 tuổi, sinh trưởng tại thành phố Strasbourg, đã 27 lần bị kết án tại Pháp, Đức, Thụy Sĩ và đã nhiều lần vào tù vì tội trộm cắp.
Tại Pháp, Chekatt đã hai lần ngồi tù, mỗi lần là hai năm. Năm 2016, đương sự bị kết án 27 tháng tù tại Đức vì tội ăn trộm và sau hơn một năm thi hành bản án Chérif Chekatt bị trục xuất về Pháp.

Buổi sáng ngày 11/12/2018, vài giờ trước vụ xả súng, cảnh sát Strasbourg khám xét nhà Chérif Chekatt vì nghi ngờ có liên quan tới một vụ trộm cắp.
Giới điều tra phát hiện vũ khí trong nhà của Chekatt, nhưng nghi can này bặt vô âm tín.

Từ tháng 5/2016, Chérif Chekatt bị đưa vào danh sách S của những người bị theo dõi vì lý do có thể "đe dọa an ninh quốc gia".
Trước đó, vào tháng Giêng 2016 Chérif Chekatt còn có tên trong danh sách FSPRT.
Những người có tên trong danh sách này là "những đối tượng cần theo dõi vì có nguy cơ rơi vào các hoạt động khủng bố".

Tuy nhiên theo lời nhân vật số 2 trong bộ Nội Vụ Pháp, Laurent Nunez, nghi phạm vụ khủng bố ở Strasbourg vừa qua, chưa bao giờ phải trả lời tư pháp vì lý do tham gia các tổ chức Hồi giáo cực đoan hay các nhóm có âm mưu khủng bố.

Khác biệt giữa danh sách S và FSPRT ?

Danh sách S là một công cụ của cơ quan an ninh DGSI, đặc trách về an ninh quốc nội và các hoạt động phản gián của Pháp và S chỉ là 1 trong số 21 hạng mục mà DGSI theo dõi.

Danh sách này cho phép bộ Nội Vụ theo dõi những thành phần cực tả, cựu hữu và những người tham gia vào các tổ chức tội phạm.
 Những đối tượng bị theo dõi không biết là họ thuộc diện "đe dọa đến an ninh quốc gia".

Trên nguyên tắc thống kê về những người trong danh sách S được giữ bí mật nhưng nhiều nguồn tin báo chí trích dẫn thông tin từ bộ Nội Vụ cho biết tới cuối 2017, trên toàn quốc có 25.000 người thuộc diện S ; gần 10.000 trong số đó bị theo dõi vì bị nghi ngờ tham gia các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Còn danh sách FSPRT, theo thông báo của phủ thủ tướng Pháp, hiện có 19.745 người có tên trong danh sách này, 77 % là nam giới, 22,7 % là phụ nữ và 5 % là trẻ vị thành niên.

FSPRT nhắm vào những đối tượng bị phát hiện có khuynh hướng đi theo con đường cực đoan, có thể dẫn tới các hành vi khủng bố.
Danh sách này được lập ra vào tháng 3/2015 sau loạt khủng bố tại Paris hồi tháng Giêng 2015, nhắm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo và siêu thị của người Do Thái ở Porte de Vincennes.

S hay FSPRT là hai danh sách khác nhau, nhưng có những trường hợp tội phạm khủng bố trên đất Pháp có tên trong cả hai danh sách này.
Đây là tường hợp của Khamzat Azimov, thủ phạm vụ tấn công bằng dao gần nhà hát Opéra Paris hồi tháng 05/2018 hay của thủ phạm vụ tấn công tại Carcassonne, miền nam nước Pháp hồi tháng 03/2018.

Ngược lại thủ phạm vụ sát hại một cảnh sát ngay trên đại lộ Champs Elysées hôm 20/04/2017 có tên trong danh sách FSPRT nhưng không thuộc diện S như tiết lộ của báo Le Monde.

"Đường dây khủng bố Strasbourg" ?

Thành phố Strasbourg là thủ phủ vùng Alsace, trong khu vực hạ lưu sông Rhin. Con sông này là đường biên giới giữa Pháp và Đức.
Theo thị trưởng thành phố, Roland Ries, đây là nơi "10 % những người có tên trong danh sách FSPRT" cư ngụ.

Strasbourg và các vùng lân cận là nơi trú thân của khoảng 1.000 "phần tử Hồi giáo cực đoan".
Không ít nghi can trong các đợt tấn công diễn ra trên đất Pháp đều xuất xứ từ Strasbourg. Trong số này có Azimov.

Một trong số những kẻ khủng bố ra tay tại rạp hát Bataclan Paris, hồi tháng 11/2015 sinh ra và lớn lên trong vùng Alsace.
Thân nhân của kẻ này bị xét xử vì lý do tham gia đường dây Strasbourg đưa người sang Syria và Irak chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo - Daech.
Một năm sau đó, cũng tại Strasbourg, nhiều người đã bị câu lưu vì lý do chuẩn bị một cuộc tấn công được dự trù vào ngày 01/12/2016 tại thủ đô Paris.

Phải ngược thời gian, trở về với thời điểm những năm 1990-2001 mới hiểu được nguyên cớ nào khiến Strasbourg trở thành "ổ khủng bố, thành sào huyệt của các đường dây thánh chiến".

Vào thời điểm đó, một số thành viên của tổ chức Hồi giáo vũ trang Algeri đã được một số "anh em" trong vùng Alsace này hỗ trợ.
Mọi việc đã được phơi bày ra ánh khi chính quyền phá vỡ âm mưu khủng bố nhắm vào khu chợ Giáng Sinh Strasbourg năm 2000.

Kế tới là một người gốc Tchetchenia đã mất tích gần thành phố Strasbourg trong nhiều năm.
Chỉ sau loạt khủng bố tại Paris hồi 2015, mọi người mới vỡ lẽ là đương sự đã tham gia tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Thủ phạm vụ tấn công gần Carcasonne vào cuối tháng 3/2018 gốc người Maroc cũng đã lớn lên tại Strasbourg và từng giao du với một băng đảng người Tchetchenia bị cho là "còn nguy hiểm hơn".
Việc bất đắc dĩ trở thành tụ điểm của các đường dây đưa người sang Trung Đông đặt ra nhiều vấn đề cho thành phố Strasbourg.

Một trong những khó khăn đó là thành phố phải quản lý những người từng tham thánh chiến ở Syria và Irak trở về và thứ hai là phải theo dõi các đường dây ngầm của các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Tại sao Strasbourg thường xuyên là mục tiêu tấn công của các nhóm thánh chiến ?

Năm 2000, bốn phần tử cực đoan âm mưu tấn công chợ Giáng Sinh Strasbourg, cả bốn người này thuộc một nhóm Hồi giáo Algeri, thân cận với Al Qaeda.
Âm mưu bị phá vỡ nhờ cảnh sát Anh, Pháp và Đức phối hợp chặt chẽ, bốn nghi can bị bắt tại Frankfurt.

Lần này, thủ phủ vùng Alsace kém may mắn.
Theo tin cho tới sáng nay, vụ tấn công hôm 11/12/2018 làm 12 người bị thương ; hai người thiệt mạng, người thứ ba trong tình trạng chết lâm sàng.

Chưa biết rõ động cơ nào khiến thủ phạm ra tay, nhưng nhắm vào Strasbourg, là nhắm vào một biểu tượng của Pháp và châu Âu.
Đây là nơi đặt trụ sở Nghị Viện Châu Âu, là biểu tượng của sự hòa giải Pháp -Đức sau hai cuộc Đại Chiến trong thế kỷ XX.

Strasbourg là một thành phố cổ kính với Nhà Thờ Đức Bà đã được xây dựng từ năm 1570, một thành phố đa văn hóa, một địa điểm du lịch được ưa chuộng suốt cả bốn mùa.
 Vào dịp Giáng Sinh, Strasbourg nói riêng, cả vùng Alsace nói chung, là nơi có những khu chợ Noel rất độc đáo, thu hút 2 triệu lượt khách tham quan một năm.

Từ năm 2000, trước đe dọa khủng bố, thành phố đã tăng cường đáng kể các biện pháp an ninh.
Ngân sách bảo đảm an ninh cho khoảng 300 gian hàng bằng gỗ được dựng lên trong khu phố cổ của Strasbourg năm ngoái lên tới 1 triệu euro !

Switch mode views: