Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lốc xoáy Donald Trump tràn qua châu Âu

usa-trump-britain 4


Ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump tại Luân Đôn ngày 13/07/2018.
REUTERS/Jack Taylor/Pool

Thượng đỉnh Nga – Mỹ kết thúc ngày 16/07/2018 tại Helsinki đã khép lại một tuần công du châu Âu của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đây cũng là một tuần « sóng gió » cho các lãnh đạo châu Âu, nhưng lại là một tuần « tốt đẹp » cho Nga.

 Giới chuyên gia cảnh báo, những phát ngôn « nổi lửa » và đầy ngẫu hứng của ông Donald Trump đang làm « mất dần uy tín của Mỹ ».

Nhà cựu ngoại giao, giáo sư Nicholas Burns, được AFP trích dẫn, nhận định, « chuyến công du châu Âu của ông Donald Trump là một chuyến đi lộn xộn và tàn phá nhất do một tổng thống Mỹ thực hiện ».

Hiện vẫn chưa rõ những hậu quả mới nhất về chính sách ngoại giao « thịnh nộ » của Donald Trump.
Không một ai biết được là liệu cách thức hoạt động ngoại giao của tổng thống Mỹ có bóp méo hay phá hủy hoàn toàn mối quan hệ giữa đôi bờ Đại Tây Dương hay không.

Có một điều chắc chắn là phương cách tiếp cận bất kỳ thách thức đối ngoại nào của Donald Trump đều dựa trên « vốn sống hiểu biết » hay quan điểm dân tộc chủ nghĩa của ông.

Nhìn lại chặng đường một tuần đã qua, người ta không khỏi ngạc nhiên trước những tuyên bố « tiền hậu bất nhất » của tổng thống Mỹ, khiến các đối tác đôi lần khó xử để rồi cũng không rõ ông thật sự muốn gì.
Tại Bruxelles, ông đảo lộn lịch trình lễ tân. Ông tự quyết định chương trình nghị sự khi chỉ trích gay gắt các đồng minh không tuân thủ nguyên tắc chi 2% GDP cho quốc phòng.

Ông « nặng lời » phê phán nước Đức của bà Angela Merkel là quá « phụ thuộc » vào nguồn năng lượng khí đốt của Nga, biến nước Đức thành « tù nhân » của Nga.
Để rồi sau đó, ông bất ngờ tuyên bố NATO vững mạnh hơn bao giờ hết, đồng thời ca ngợi mối quan hệ « hữu hảo » giữa Washington và Berlin.

Tương tự, qua đến Luân Đôn, tổng thống Mỹ đã khiến cho thủ tướng Theresa May phải cảm thấy « khó chịu » vì những lời chỉ trích của ông trên báo The Sun, cho rằng thủ tướng Anh đã không nghe theo lời khuyên hãy từ bỏ Liên Hiệp Châu Âu nếu Anh Quốc muốn ký một thỏa thuận tự do mậu dịch với Mỹ, theo như tiết lộ từ chính thủ tướng Anh.

Thái độ vừa phủ nhận vừa thách thức này khiến giới quan sát phân vân : Phải chăng tổng thống Mỹ thật sự muốn làm suy yếu bà May và ủng hộ những người dễ bảo hơn như cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson vừa từ chức chẳng hạn ?

Điều nghịch lý là khi gặp các đồng minh, tổng thống Mỹ tỏ rõ quyết tâm « đánh gục » họ, còn tại Helsinki, ông lại mong muốn tìm kiếm một « tình bạn » với nước Nga của Vladimir Putin, bất chấp những căng thẳng và các bất đồng giữa hai nước.
Nguyên thủ Mỹ đã từng tuyên bố, thượng đỉnh với Nga đầu tiên sẽ là chặng dừng chân dễ dàng nhất đối với ông trong chuyến công du châu Âu này.

Chỉ có điều tại chặng dừng này, ông đã thất bại trong cách tiếp cận ngoại giao « độc nhất vô nhị » của mình.
Trước một Vladimir Putin lạnh lùng, tổng thống Mỹ đã không lên án các can thiệp của Matxcơva, dẫn đến thắng lợi của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Switch mode views: