Việt Nam tăng cường giảm "nghèo đa chiều"
- Thứ Hai, 14 tháng Năm năm 2018 23:42
- Tác Giả: Thu Hằng
Phụ nữ dân tộc thiểu số trong một phiên chợ ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Ảnh mình họapxhere.com
Trong báo cáo của Ngân hàng Thế Giới ngày 05/04/2018, khoảng 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới.
Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo.
Bên cạnh đó, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, trong số các hộ gia đình vẫn ở ngưỡng nghèo, các dân tộc thiểu số chiếm đến 72%.
Trong chuẩn nghèo tiếp cận "đa chiều" 2016-2020 của chính phủ Việt Nam, phương pháp tiếp cận nghèo đói được đổi mới từ "đơn chiều" sang "đa chiều".
Tiến sĩ Kinh tế phát triển Nguyễn Việt Cường, viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) tại Hà Nội, đã giải thích rõ hơn với RFI tiếng Việt về công tác giảm nghèo bền vững tại Việt Nam, tiếp cận đa chiều theo xu hướng chung của các nước trên thế giới.
T.S. Nguyễn Việt Cường_Giải pháp giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam 13/05/2018
RFI : Thưa tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, trong một bản báo cáo được Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 04/2018, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, các dân tộc thiểu số vẫn chiếm đến 72% người nghèo ở Việt Nam. Vậy hiện trạng này có thể được giải thích như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường :
Ở Việt Nam, thành tựu giảm nghèo đến từ tăng trưởng kinh tế cũng như từ một số chính sách do Nhà nước hỗ trợ về người nghèo.
Tất cả các nhóm đều đạt được giảm nghèo, tuy nhiên, dân tộc thiểu số, với những đặc thù của họ thì tốc độ giảm nghèo vẫn chậm hơn tốc độ giảm nghèo của người Kinh.
Do vậy, mặc dù tỉ lệ nghèo đều giảm được nhưng vì tốc độ của họ chậm hơn nên trong số những người nghèo, tỉ lệ người dân tộc thiểu số ngày càng chiếm tỉ lệ cao hơn, mặc dù, người dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 15% dân số.
RFI : Anh nói đến đặc thù của người dân tộc thiểu số. Họ có những đặc thù gì?
T.S. Nguyễn Việt Cường :
Bởi vì là để giảm nghèo, hoặc cho người nghèo tiếp cận được những lợi ích về tăng trưởng, thông thường cần có những điều kiện nhất định, như tiếp cận được cơ sở hạ tầng, tiếp cận được những dịch vụ công xã hội, tham gia vào quá trình sản xuất nhiều hơn.
Tuy nhiên, dân tộc thiểu số Việt Nam khác với dân tộc thiểu số một số nước là họ thường ở vùng sâu vùng xa, do vậy tiếp cận đến cơ sở hạ tầng, hoặc các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế... thì cũng khó khăn hơn.
Bản thân Nhà nước thì không thể đầu tư một hệ thống đường giao thông chẳng hạn rất dày đặc ở những nơi dân cư thưa thớt như vậy.
Do vậy, người dân tộc thiểu số sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn như vậy, chủ yếu bởi vì họ sống ở vùng sâu vùng xa, miền núi hoặc Tây Nguyên.
Ngoài ra, còn có một số nhóm bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tuy nhiên, theo tôi, chủ yếu là do họ sống ở vùng sâu vùng xa, cách xa khu đô thị.
RFI : Trước thực trang trên, đâu là những giải pháp hiện đang được áp dụng để giúp các dân tộc thiểu số thoát nghèo?
T.S. Nguyễn Việt Cường :
Việt Nam có rất nhiều chính sách áp dụng cho các dân tộc thiểu số, được áp dụng từ rất lâu.
Từ khi mới bắt đầu cải cách đã có những chính sách giảm nghèo được thực hiện, như tín dụng, các chương trình hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ về nông nghiệp, khuyến nông, khuyến ngư. Mặc dầu cũng đạt được những thành tựu nhất định nhưng tốc độ của họ còn chậm.
Đây là một bài toán rất khó. Vì như tôi nói, những người dân tộc thiểu số càng nghèo thì lại càng sống ở vùng sâu vùng xa.
Một số địa phương phát triển về du lịch như một số nơi ở miền Trung, hoặc một số vùng du lịch miền Bắc như Sapa, phát triển du lịch mang lại được giảm nghèo tương đối bền vững.
Tuy nhiên, về cơ bản, một số nhóm dân tộc khác vẫn chưa tiếp cận được.
Những giải pháp hiện có, tôi nghĩ là cũng tốt. Nhưng mà để về lâu về dài giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số thì phải làm thế nào cho họ có thể tiếp cận, tham gia nhiều hơn vào việc tăng trưởng hoạt động kinh tế, ví dụ như du lịch chẳng hạn.
Đó cũng là cách để cho người nghèo cũng tham gia được hoạt động kinh tế. Tôi nghĩ đây cũng là một vấn đề khó khăn nói chung, rất là nan giải.
Hoặc một giải pháp khác mà tôi nghĩ cũng có thể làm được là các hoạt động du lịch sinh thái, hoặc du lịch văn hóa, hoặc các ngành nghề thủ công nghiệp hoặc các hoạt động nông nghiệp nhưng mang tính chất bền vững.
Đó có thể là những giải pháp trong dài hạn, bên cạnh những chương trình hỗ trợ kiểu ngắn hạn của Nhà nước.
RFI : Từ năm 2016 đến 2020, Việt Nam hướng tới giảm nghèo bền vững, tiếp cận đa chiều theo xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Vậy “nghèo đa chiều” được định nghĩa như thế nào? Xác định chuẩn nghèo đa chiều được dựa trên những tiêu chí gì?
T.S. Nguyễn Việt Cường :
Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn xác định nghèo theo tiêu chí thu nhập, hoặc Ngân Hàng Thế Giới và một số tổ chức quốc tế thì họ xác định theo tiêu chí chi tiêu.
Bên cạnh tiêu chí về thu nhập, gần đây mọi người mới nhận ra là việc xác định hộ nghèo dựa hoàn toàn vào thu nhập thì vẫn có thể bỏ sót, ví dụ những hộ gia đình, tuy họ không nghèo về thu nhập, nhưng trẻ em vẫn không được đi học.
Chính vì thế, từ năm 2016, Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Tức là các hộ gia đình, bên cạnh chuẩn về chi tiêu, tức là những hộ gia đình có mức chi tiêu rất thấp, dưới mức chuẩn nghèo, thì họ được xếp vào hộ nghèo.
Và bên cạnh đó, một số hộ gia đình có thu nhập trên chuẩn nghèo, nhưng thấp hơn chuẩn gọi là cận nghèo, thì có tính đến các chiều của họ.
Các chiều này dựa trên năm chiều chính là giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh và tiếp cận với thông tin.
Dựa trên năm chiều như vậy và 10 tiêu chí thì các hộ dân nào mà thiếu hụt ba tiêu chí trở lên thì được xếp vào hộ nghèo.
Việc xác định hộ nghèo đa chiều cho phép tiếp cận trên các góc độ như quyền của con người và cho phép bao phủ được thêm nhóm hộ gia đình mà bây giờ họ đang thiếu hụt những chiều cơ bản như vậy.
RFI : Giảm nghèo đa chiều khác gì so với “xóa đói giảm nghèo” như vẫn được áp dụng trước đây?
T.S. Nguyễn Việt Cường :
Giảm nghèo đa chiều về cơ bản sẽ nhấn mạnh thêm vào các chiều như giáo dục, y tế, nhà ở.
Thực ra, các chiều như vậy, trước đây, chính phủ Việt Nam đều có chương trình hỗ trợ cho người nghèo, ví dụ, hỗ trợ về giáo dục, đồng bào dân tộc thiểu số được miễn học phí, được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, được hỗ trợ một số chương trình nhà ở, vệ sinh, nước sạch.
Về cơ bản, tôi nghĩ là nó vẫn như vậy thôi.
Ngoại trừ là xác định hộ nghèo để tránh bỏ sót đối tượng mà họ bị thiếu hụt rất nhiều chiều nên người ta mới đưa ra tiêu chuẩn như vậy để có thể bao phủ được.
Bởi vì nếu không, sẽ có một vấn đề là có những hộ về mặt chi tiêu, đôi khi họ chi tiêu rất nhiều, có thể là người lớn chi tiêu cho nhà ở hoặc thu nhập của họ rất cao nhưng trên thực tế họ lại không chi tiêu cho những thiết yếu của gia đình.
Có thể là ông bố, bà mẹ kiếm rất nhiều tiền nhưng lại chi tiêu vào những thứ khác, như may mặc... mà chẳng để ý đến con cái, thành ra chi tiêu cho y tế, giáo dục cho trẻ con thì lại ít.
Chính vì thế, việc xác định nghèo đa chiều bây giờ chủ yếu là nhằm mục đích bao phủ thêm các đối tượng mà có thu nhập và chi tiêu cao nhưng trên thực tế họ lại thiếu hụt một chiều.
RFI : Anh đã tham gia vào nhiều chương trình nghiên cứu của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế, vậy giới chuyên gia khuyến nghị những biện pháp gì để giúp Việt Nam trong việc giảm nghèo bền vững?
T.S. Nguyễn Việt Cường :
Nghèo đói phụ thuộc vào hai yếu tố: một là tăng trưởng kinh tế, và người nghèo được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế là bao nhiêu ; thứ hai là người nghèo sẽ được hỗ trợ như thế nào, có nghĩa là chính sách phân phối lại của quốc gia, của nhà nước thông qua các chương trình giảm nghèo.
Tôi nghĩ là để giảm nghèo bền vững, mấu chốt vẫn là tăng trưởng kinh tế.
Và đạt được tăng trưởng kinh tế cao, chính phủ sẽ thu được thuế và có điều kiện để phát triển các chương trình hỗ trợ.
Còn đối với người nghèo, thì cần có những biện pháp để họ tham gia được nhiều hơn vào quá trình tăng trưởng kinh tế.
Theo tôi, hoạt động kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của hộ gia đình.
Có nghĩa là có đến 1/3 GDP là từ các hộ gia đình.
Trong khi đó, theo xu thế thì khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân ở các nước thì ngày càng lớn mạnh, tuy nhiên, khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không phát triển nhiều, mà chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp FDI không thu hút được nhiều lao động nghèo, đa phần họ thu hút lao động có tay nghề nhất định.
Thế nên, tôi nghĩ để giảm nghèo bền vững, chính phủ phải có những biện pháp làm sao mà hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Khối doanh nghiệp này lại chiếm số lượng rất lớn, thường đó chỉ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ và những doanh nghiệp này lại rất nhiều, ở khắp mọi nơi chứ không như doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp nhà nước, chỉ tập trung ở một số thành phố lớn.
Về lâu dài, những doanh nghiệp nhỏ này vừa phải là động lực tăng trưởng, vừa tạo cơ hội việc làm cho người nghèo và giúp cho họ phát triển bền vững.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng chính sách cho người nghèo vẫn là những chính sách mà Nhà nước đã thực hiện, tất nhiên là phải tính đến bối cảnh là người nghèo bây giờ cũng khác người nghèo trước đây.
Nhưng mà động lực về lâu về dài vẫn là phát triển kinh tế, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân. Đó là những kiến nghị của tôi.
Related news items:
Tin mới
- Nhận định về thư công bố Năm Thánh tôn vinh các thánh tử đạo VN của HĐGMVN - 16/05/2018 03:30
- Triều Tiên hủy gặp Hàn Quốc, Mỹ vẫn chuẩn bị thượng đỉnh - 15/05/2018 22:18
- Máy bay Trung Quốc bể kiếng buồng lái, phi công bị hút nửa người ra ngoài - 15/05/2018 20:30
- Việt Nam tăng cường quan hệ quốc phòng với Israel - 15/05/2018 18:51
- Hạt nhân: Châu Âu giữa áp lực của Washington và Teheran - 15/05/2018 16:16
- Bạo động ở Gaza: Quốc tế kêu gọi Israel tự kềm chế - 15/05/2018 14:25
- Pháp thu hút các hãng nước ngoài đến quay phim - 15/05/2018 14:18
- Địa điểm thử nguyên tử Bắc Triều Tiên được tháo dỡ gần xong - 15/05/2018 13:59
- Nhật Bản : Chính sách đại dương tập trung trên an ninh biển - 15/05/2018 13:53
- Việt Nam bán quặng và khoáng sản cho Trung Quốc với giá rẻ mạt - 15/05/2018 00:26
Các tin khác
- Trung Quốc dùng bẫy nợ khống chế 16 nước Châu Á Thái Bình Dương - 14/05/2018 22:11
- Chuyển sứ quán đến Jerusalem: Mỹ và Israel thắt chặt tình hữu nghị - 14/05/2018 18:17
- Indonesia: Trụ sở cảnh sát bị khủng bố, thủ phạm cũng là một gia đình - 14/05/2018 18:07
- Tập đoàn Trung Quốc ZTE bị Mỹ trừng phạt: Donald Trump đổi thái độ - 14/05/2018 17:44
- Quốc phòng: Phi công Pháp tập dợt với hàng không mẫu hạm Mỹ - 14/05/2018 17:36
- Hiệp định hạt nhân: Iran muốn được bảo đảm - 14/05/2018 16:49
- Washington sẵn sàng bảo đảm "có điều kiện" cho chế độ Bình Nhưỡng - 14/05/2018 16:19
- Cảnh sát Malaysia phủ nhận khám xét một căn hộ thuộc gia đình cựu thủ tướng Najib - 14/05/2018 01:52
- Irak : Lo sợ an ninh, người dân « thờ ơ » với bầu cử - 14/05/2018 01:23
- Các tài liệu giải mật về chế độ độc tài làm người dân Brazil bàng hoàng hoảng sợ - 14/05/2018 00:59