Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Úc cháy lớn - Sydney vẫn bắn pháo hoa mừng Tết: Viễn cảnh tương lai nhân loại?

australia bushfires koalas


Cấp cứu gấu túi bị nạn, tiểu bang New South Wales, ngày 21/11/2019. PAUL SUDMALS/via REUTERS



Cháy lớn ở Úc. Cùng với thiệt hại nhân mạng, hệ sinh thái tổn thất nặng nề chưa từng có.
Ít nhất 500 triệu động vật hoang dã chết, bị thương hoặc buộc phải rời nơi ở.
Thủ tướng Scott Morrison bị lên án dữ dội.

 

Tại Việt Nam, đám tang tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - một gương mặt tiêu biểu của phong trào tranh đấu dân chủ và bảo vệ chủ quyền quốc gia - khiến giới cực đoan trong chính quyền lúng túng.

 

Dự án điện mặt trời lớn chưa từng có tại Mỹ được bật đèn xanh.
Triển lãm ''Về Tình Yêu'' dưới ánh sáng khoa học ở Paris.

Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Có thể phần nào hình dung tương lai của nhân loại với những gì đang diễn ra tại Úc.
Trong bối cảnh rừng tiếp tục cháy trên quy mô lớn, hàng trăm ngàn người sống trong khu vực nguy hiểm, cuộc bắn pháo hoa hoàng tráng nổi tiếng ngày đầu Năm Mới tại thành phố Sydney vẫn diễn ra, dù bị lên án dữ dội.

Câu cảm thán ''Nhà chúng ta cháy, nhưng chúng ta lại nhìn sang hướng khác'' của cố tổng thống Pháp Jacques Chirac (tại Thượng đỉnh Trái Đất lần thứ 4 tại Nam Phi 2002) có lẽ không tìm thấy minh họa nào trực quan hơn.

Gấp 5 lần diện tích rừng Amazon cháy 2019

Tại nước Úc, ở Nam Bán Cầu, rừng thường cháy vào mùa khô nóng (kéo dài từ tháng 9 cho đến tháng 3). Tuy nhiên, đợt cháy rừng hiện tại là chưa từng có.
 Kể từ đầu mùa đến nay, khoảng 6 triệu hecta rừng, gấp 5 lần diện tích rừng Amazon bị cháy năm vừa qua, gấp gần hai lần diện tích nước Bỉ. Dĩ nhiên, rừng ở Úc không phải là rừng già, rừng nguyên sinh như Amazon, nhưng đây cũng là nơi cư trú của rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Hơn 270 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo thống kê của hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã nổi tiếng Wires, đưa ra hồi giữa tháng 12/2019, chỉ riêng tại bang đông nam New South Wales, ít nhất gần 480 triệu động vật có vú, chim chóc, các giống bò sát đã bị chết cháy, bị thương, hoặc phải chạy khỏi nơi ở.
Các đoạn video quay các các động vật hoảng loạn vì cháy rừng tràn ngập các mạng xã hội.

 

australie koala


Ảnh gấu túi bé nhỏ tuyệt vọng vì bốn bề là lửa không biết chạy đi đâu. Con gấu túi sau đó đã may mắn được một cặp vợ chồng phát hiện, cứu thoát. Copy d'écran https://www.francetvinfo.fr



Động vật hoang dã hoảng loạn

Ước tính gần 30% giống gấu túi (koala), được coi là một trong các biểu tượng của đảo quốc, bị thiệt mạng.


Loài gấu túi theo bản năng để chạy trốn thường leo lên cây (bạch đàn), bất hạnh thay loài cây chứa nhiều dầu này chẳng mấy chốc biến thành bó đuốc.

 Theo người phát ngôn của Wires, kể từ khi ra đời năm 1985 đến nay, hiệp hội chưa bao giờ chứng kiến tình trạng như vậy.
Hiệp hội đã lập ra nhiều trung tâm chăm sóc động vật tại chỗ, với sự cộng tác của khoảng 2.600 nhà thú y.

Các trung tâm ngay lập tức quá tải. Chỉ trong ngày Noel, trạm xá cảng Macquarie, cách Sydney 400 km về phía nam, đã phải tiếp nhận 72 gấu túi.
Nhiều con buộc phải tiêm thuốc trợ tử, do bị bỏng quá nặng.

Để giới hạn mức độ thiệt hại của động vật hoang, đầu tháng 12/2019, Wires khởi sự chiến dịch kêu gọi dân cư cung cấp nước uống và đồ ăn cho động vật gặp nạn. Chính quyền Liên bang quyết định giải ngân khẩn cấp 6 triệu đô la Úc để cứu các động vật có túi.

Trả lời RFI, ông Jack Ergan, cư dân New South Wales, vừa mất nhà vì rừng cháy, khẳng định việc Trái đất bị hâm nóng là thủ phạm khiến mùa khô hạn kéo dài, khốc liệt (nhiệt độ thường xuyên hơn 40°C) và nạn cháy trở nên dữ đội:

''Chính là do Khí hậu bị hâm nóng mà hạn hán trở nên tệ hại hơn mức bình thường. Tại Úc, các trận cháy do tình trạng khô hạn kéo dài hơn nhiều so với trước đây. Mọi người lo ngại là thiên nhiên đang vùi dập chúng ta, chúng tôi hiểu là tình hình hiện nay đã trở nên nguy hiểm như thế nào.

Tình trạng cháy lớn hiện nay do hành tinh chúng ta đang bị hâm nóng, và do lỗi của chính phủ hiện nay, cũng như do các chính phủ tiền nhiệm, từ nhiều thập niên nay.
Các trận hỏa hoạn này là tín hiệu báo trước, tình hình sẽ tồi tệ hơn, thần lửa sẽ đến thường xuyên hơn.
Mức độ cháy rừng cũng sẽ trở nên khốc liệt hơn, diện tích thiệt hại cũng lớn hơn.

Tôi rất mong là giới chức Úc và toàn bộ nước Úc, thông qua tình trạng hiện tại, về nạn hạn hán và những trận cháy rừng hiện tại, thu hút sự chú ý của công luận, và để khẳng định là tất cả chính quyền các nước buộc phải đưa ra các biện pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để cải thiện tương lai và để giảm mức độ của các thảm họa''.

Thủ tướng Úc vẫn ngoan cố phủ nhận

Theo Le Monde, kể từ đầu mùa đến nay, thủ tướng Úc Morrison - vốn cố tránh nói đến vấn đề khí hậu bị hâm nóng - đã buộc phải thừa nhận (hôm 12/12/2019) là ''biến đổi khí hậu'' góp phần dẫn đến tình hình hiện nay.

Thế nhưng, ông Morrison vẫn ngoan cố phủ nhận trách nhiệm của Úc, vốn là một trong các quốc gia góp phần nhiều nhất vào khí thải gây hiệu ứng nhà kính (quốc gia xuất khẩu than đá số một và một trong ba nước phát thải cao nhất thế giới tính theo đầu người, cùng với Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út).

Trong lời chúc mừng Năm Mới, lãnh đạo chính phủ Úc còn thản nhiên khẳng định các thế hệ trước cũng từng phải đối mặt với các thảm họa thiên nhiên, và họ đã đều vượt qua.
Tuy nhiên, thế hệ hiện nay dường như không chia sẻ quan điểm với thủ tướng Morrison.

Theo một thăm dò dư luận của The Guardian, công bố cuối tháng 11, thì 60% người Úc muốn chính phủ có các hành động chống biến đổi khí hậu.
 Liệu có thể là, trong cái rủi có cái may, đợt cháy rừng khủng khiếp này sẽ khiến giới cầm quyền Úc tỉnh ngộ, quyết tâm thay đổi mô hình kinh tế, dựa chủ yếu vào năng lượng hóa thạch hiện nay.

Vấn đề than đá là câu chuyện rất nhạy cảm tại Úc.
Chúng ta biết là năm 2018, thủ tướng tiền nhiệm Malcolm Turbull, từng bị các nghị sĩ đảng cầm quyền phế truất, sau khi quyết định đưa vào luật mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, theo Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015.

vn nguyen trong vinhChân dung tướng Nguyễn Trọng Vĩnh copy d'écran Bauxitvn


Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh qua đời: Dân tiếc thương, chính quyền lúng túng

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh từ trần sáng sớm ngày 26/12/2019.
Tướng Vĩnh nguyên là đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (từ 1974 đến 1987), trong suốt thời gian Bắc Kinh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới phía bắc Việt Nam.

Năm 2014, ông ký tên vào Thư ngỏ gửi Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam kêu gọi lãnh đạo đảng từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, đổi tên đảng, đổi tên nước, thay đổi triệt để vì ''tương lai dân tộc''.

Kể từ năm 2009, tướng Vĩnh cũng được coi là người tranh đấu quyết liệt và khôn khéo chống lại sự thao túng của Trung Quốc với bộ máy chính quyền Việt Nam, đặc biệt vạch trần tính chất nguy hiểm của dự án khai thác Bauxit tại vùng Tây Nguyên.

    Đọc thêm : Nhiều đảng viên kỳ cựu kêu gọi đảng Cộng Sản Việt Nam từ bỏ ''chủ nghĩa xã hội''

Việc tướng Vĩnh - một nhà tranh đấu trong nội bộ đảng - qua đời dường như đã khiến phái cực đoan trong chính quyền rất lúng túng.

Phải đến 5 ngày sau, tức ngày 31/12, chính quyền mới chính thức ra thông báo tổ chức tang lễ theo nghi thức ''Lễ tang cấp cao''.
Buổi lễ tang tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã diễn ra suôn sẻ, đông đảo giới tranh đấu dân chủ, ''những người dân oan'' đến chia tay tướng Vĩnh lần cuối nhìn chung đã không bị lực lượng an ninh gây khó dễ.

Kênh truyền thông độc lập CHTV - vốn thường bị truyền thông Nhà nước phê phán - cũng có cơ hội có mặt để truyền hình trực tiếp buổi lễ.

Ngoài một số trường hợp ''công an Hà Nội'' bị tố cáo là đã ''đánh cắp vòng hoa'', đổi vòng băng viếng… nhiều người đến dự đánh giá buổi tang lễ lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, ngày 02/01/2020, là một sự kiện lịch sử, cho thấy trong việc đối xử với giới bất đồng chính kiến, chính quyền đã có ''những điều chỉnh''.

Mời nghe : Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (anh Ba Sàm) (Hà Nội)

Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (anh Ba Sàm) nhận xét :
''Tôi cho rằng quan niệm của Cụ, cách làm của Cụ, nhiều người trong lòng của chế độ cũng phải suy nghĩ để học hỏi, cũng như những người ở ngoài muốn đấu tranh mạnh mẽ hơn, gay gắt hơn với chính quyền (và nói thẳng là ít nhiều có ác cảm với những người vẫn ở trong hệ thống, những người vẫn còn là đảng viên).

Cũng nên nhìn nhận một điều là, dù có ở trong hàng ngũ Đảng hay không, hay viết đơn từ bỏ Đảng, tuyên bố ra khỏi Đảng, thì người ta đều có những phương pháp đấu tranh khác nhau.

Không phải cứ tuyên bố bỏ đảng mới là một người đấu tranh quyết liệt. Mà chưa chắc. Có những người đứng trong hàng ngũ Đảng, có phương pháp đấu tranh, bằng uy tín của mình sẽ lôi kéo được rất nhiều người đang trong hàng ngũ Đảng, thay đổi suy nghĩ, người ta nhìn những người đó, người ta dễ theo hơn là một người tuyên bố từ bỏ Đảng.

Cái độc đáo của cụ Vĩnh là ở chỗ ấy, cách làm của cụ là rất đặc biệt, gần như không có trong lịch sử của chế độ Việt Nam cộng sản.
Chính phương pháp đó cũng đã đưa đến một lễ tang được tổ chức như thế....

Chính phía chính quyền, dù là khó chịu đi mấy vẫn phải tỏ ra kính trọng... tạm gọi là ''ngậm bồ hòn làm ngọt'', để tổ chức đám tang của Cụ cho đúng nghi thức quy định của Nhà nước.
Họ chỉ có cách là giảm bớt ảnh hưởng của Cụ một chút nào đó, và hạn chế sự xuất hiện của những tổ chức dân sự đến viếng Cụ.

Tôi cũng phải nói thêm là, tạm gọi là hai phía, chính quyền và những người đấu tranh, tầng lớp nhân sĩ, trí thức tiến bộ và nhân dân theo con đường cụ Vĩnh, thì nên nhìn vào đám tang của cụ Vĩnh, lấy đó như một dấu mốc để điều chỉnh cái phương pháp của mình.

 

Nhưng cái này chủ yếu là với chính quyền. Còn với người dân, với những người đấu tranh cho dân chủ, thì bao năm nay người đã tiết chế rất nhiều, kìm nén rất nhiều rồi.
Nhưng cũng nên nhìn vào (lễ tang này) để ghi nhận một chút nào đó về phía chính quyền, họ đã có một sự điều chỉnh, cũng nên giúp họ điều chỉnh ở những sự kiện khác''.

Trump bật đèn xanh cho dự án điện mặt trời khổng lồ

Ngày đầu năm mới 2020, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin chính quyền Liên bang của tổng thống Donald Trump - vốn chống lại Thỏa thuận Khí hậu - vừa bật đèn xanh cho một dự án điện mặt trời khổng lồ tại miền viễn Tây Hoa Kỳ, dự án có công suất được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay.

Một trang trại điện mặt trời mang tên Gemini, với công suất 690 Megawtt (MW), sẽ được xây dựng trên vùng sa mạc, diện tích hơn 700 hecta, tại tiểu bang Nevada.
Cùng với công suất sử dụng trực tiếp, trang trại cũng dự trù khoảng 590 MW ắc quy dự trữ để bảo đảm điện phát đều trong thời gian không đủ nắng.
 Nếu không có gì thay đổi, dự án đầu tư một tỉ đô la này, sẽ khởi công kể từ tháng 4/2020.

 

panneaux solaire



Một dự án điện mặt trời đang xây dựng tại Sénégal. Ảnh minh họa. ©GettyImages/Jacques LOIC



Một lý do chủ yếu khiến chính quyền Trump - vốn có quan điểm hoài nghi hoạt động con người gây ra biến đổi khí hậu - ủng hộ đầu tư vào các năng lượng tái tạo, là do giá cả các năng lượng tái tạo đang hạ xuống nhanh chóng, thấp hơn cả khí đốt.

Theo ngân hàng đầu tư Lazard, điện gió và điện mặt trời là hai nguồn năng lượng rẻ nhất hiện nay tại Mỹ, với giá cả trung bình lần lượt là 28 đô la và 36 đô la/một MW/giờ.

Giá điện khí là từ 44 đến 68 đô la. Công ty NV Energy của tỉ phú Warren Buffett sẽ phải trả trung bình 42,83 đô la cho một MW/giờ điện cho hợp đồng đầu tư 25 năm, tính chung cả hai khu vực, trang trại tấm pin mặt trời và khu vực ắc quy trữ điện.

Giá điện từ năng lượng tái tạo tại tiểu bang Nevada, tiểu bang láng giềng California, và nhiều bang khác, giảm mạnh một phần quan trọng nhờ các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Tỉ phú Warren Buffett - người vốn được coi là một trong những nhà đầu tư khôn ngoan hàng đầu thế giới - có kế hoạch biến tiểu bang Iowa, miền Trung Tây, thành ''một Ả Rập Xê Út điện gió'' của nước Mỹ.

Tập đoàn Berkshire Hathaway Energy của tỉ phú Buffett cũng đang ồ ạt thoái vốn khỏi các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt tại tiểu bang Wyoming, nơi ngành khai thác này là chủ lực của nền kinh tế địa phương (chiếm 85% điện tiểu bang, so với trung bình 25% trên toàn quốc).
Gần 27 tỉ đô la trong số 30 tỉ đô la đầu tư vào năng lượng của tập đoàn của Buffett là vào các năng lượng tái tạo.

Tại sao chính quyền Trump bắt đầu ưu ái năng lượng tái tạo ?

Theo một số nhà quan sát, Nevada và Iowa vốn được coi là các tiểu bang có ý nghĩa chiến lược trong các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, nơi tỉ lệ cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ và Cộng Hòa không nghiêng hẳn về một phía.

Tổng thống Trump rất có thể muốn tranh thủ các cử tri còn lưỡng lự, với việc giương cao hình ảnh bảo vệ môi trường, bảo vệ Khí hậu, cho dù về thực chất, chính sách cơ bản của ông Trump vẫn là chống lại Thỏa thuận Khí hậu toàn cầu.
Xu thế rời bỏ năng lượng hóa thạch ngay tại các tiểu bang, vốn ủng hộ đảng Cộng Hòa trong truyền thống, như Wyoming, cũng là điều khiến đương kim tổng thống phải cân nhắc.

Cung Khoa học Paris: Triển lãm ''Về Tình Yêu''

Tình yêu là động lực kỳ diệu cho hành động con người, nhưng tình yêu cũng đầy bí ẩn.
Cuối năm 2019, Cung Khoa học thủ đô Paris - Palais de la Découverte - khai mạc cuộc triển lãm ''Về Tình Yêu'', mời công chúng khám phá thế giới bí ẩn và kỳ diệu này, thông qua những hiểu biết khoa học đã trở thành kinh điển, và những phát hiện mới nhất của các ngành ''khoa học về tình cảm''.

Theo trang nhà của Palais de la Découverte, trong khi tiếng Pháp chỉ có một từ để nói về tình yêu (Amour), thì người Hy Lạp dùng đến bốn từ khác nhau : eros - ham muốn, tình yêu nhục dục ; storge - tình yêu gia đình ; agape - tình yêu vô tư lợi và philia - tình yêu bạn hữu, tình liên đới xã hội.
Tuy nhiên, đằng sau các định nghĩa đơn giản này, ẩn chứa những cách hiểu rất sâu xa, hoàn toàn không thể đơn giản quy về câu chuyện tình dục, tình đồng chí hay tình bạn thuần túy.

Ban tổ chức triển lãm lưu ý là với ''bốn cánh cửa vào'' ngôi đền bí ẩn của Tình Yêu như vậy, khách thăm có thể khám phá sâu hơn cái thế giới vừa xa lạ mà gần gũi này.
Triển lãm Về Tình Yêu tại Cung Khoa học thủ đô Paris sẽ mở cửa đón khách đến ngày 30/08/2020.

 

Áp phích Triển lãm "Về Tình Yêu", Cung Khoa học Paris, 10/2019 đến 30/08/20110.

amour





Switch mode views: