Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thượng đỉnh Trump-Kim: Ẩm thực Việt Nam chinh phục nhà báo quốc tế

hanoisummit 265


Phòng ăn buffet phục vụ phóng viên nước ngoài tại thượng đỉnh Trump-Kim, ngày 27-28/02/2019.RFI / Thanh Hà

 

Khoảng 3.000 phóng viên trong và ngoài nước đã đến tác nghiệp ở Hà Nội trong những ngày diễn ra thượng đỉnh Kim-Trump lần thứ hai.

Một khu ẩm thực Hà Nội được lập ngay trong Trung tâm Báo chí quốc tế (Cung Văn hóa Hữu nghị) phục vụ buffet gần 40 món để giúp đội ngũ phóng viên "nạp năng lượng".

Không tìm đến những nhà hàng hạng sang, nhiều « sao », ban tổ chức thượng đỉnh và thành phố Hà Nội đã có ý tưởng rất độc đáo khi mời các đầu bếp được công chúng yêu thích, được đánh giá cao trên các trang web và diễn đàn về du lịch.

Bún chả, bún thang, phở Thìn, xôi chè Phú Thượng, bánh khúc cô Lan, chả cốm Mễ Trì, giò chả Ước Lễ, chè sen Hồ Tây, cà phê trứng Giảng là những món ăn đại diện ẩm thực Hà thành đã « đốn tim » rất nhiều phóng viên nước ngoài.

Bếp Việt chinh phục phóng viên nước ngoài

Cách tổ chức, bài trí và sự đa dạng của các món ăn, phục vụ cho khoảng 3.000 nhà báo, gây bất ngờ cho đặc phái viên Stéphane Lagarde của đài phát thanh quốc tế Pháp RFI :

« Khi đến trung tâm báo chí vào buổi trưa hoặc buổi tối, với tôi thì thường là buổi trưa, chúng tôi rất ngạc nhiên về khu « căng tin » rộng, đẹp và dồi dào món ăn, có cả món lạnh lẫn món nóng, từ ẩm thực Việt Nam đến một vài món phương Tây.

Các món thay đổi hàng ngày, rất tươi, không hề nhiều dầu mỡ như người ta vẫn nghĩ về món ăn châu Á.
 Thú vị ở chỗ là không chỉ có mỗi một loại cơm, một loại mỳ hoặc bún, mà có rất nhiều lựa chọn khác nhau, tiếc là tôi không nhớ được có bao nhiêu loại.

Có rất nhiều hương vị, thậm chí tôi còn ăn một món ăn mặn mà lại có chuối ở trong, ý tôi muốn nói là có sự kết hợp mặn-ngọt rất hài hòa.
Ngoài ra, còn có rất nhiều lựa chọn khác để thưởng thức và khám phá, như bánh mỳ dài của hiệu Paris Baguette để làm bánh mỳ kẹp, khá ngon và rất tươi. Lẽ ra tôi phải mang sổ đi để ghi tên của những món ăn ở đó. Tôi rất ngạc nhiên về sự đa dạng của các món ăn ».

Phóng viên Thanh Hà, của ban Việt ngữ đài RFI, đến đưa tin về thượng đỉnh Trump-Kim, bị thuyết phục về sự chỉn chu từ chất lượng đến cách bài trí của mỗi món ăn mà các nghệ nhân ẩm thực đã bỏ hết tâm huyết vào đó.

« Đến Hà Nội lần này, điều thú vị là tôi thấy cùng một tô phở mà tô phở của Hà Nội rất là thanh, không có mỡ béo váng lên như những tô phở ở Paris hay như những tô phở gà ngày xưa mà tôi được ăn ở Sài Gòn.
Món bún thang cũng vậy, tôi thấy món bún thang rất thanh và được chuẩn bị rất cầu kỳ với nhiều mầu sắc rực rỡ ở trên đĩa bún.

Các đầu bếp của Việt Nam, khi mang những sản phẩm rất là bình dân như vậy vào Trung tâm Báo chí, thì họ cũng mang theo một cái nghệ thuật ẩm thực ở trong đó.
Ở đây tôi muốn nói từ cách trình bày cho đến cách pha mầu, giữa nào là miếng sắn mầu trắng đến miếng su hào hơi có lớp mầu xanh, những miếng cà rốt nhỏ tỉa hoa.
 Tất cả những điều đó cho thấy sự chăm chút của nước chủ nhà, sự ân cần của nước chủ nhà đối với những người khách đến từ phương xa như chúng tôi ».

Mời các « gia tộc » ẩm thực tham gia đãi khách quốc tế

Khi trả lời báo Thanh Niên, bà Bùi Thị Hương Thủy, phó phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết các món ăn được lựa chọn phải có truyền thống lâu đời, « lịch sử, nguồn gốc, quy trình, nguyên liệu đã rất rõ ràng uy tín, đã được kiểm nghiệm qua thời gian rồi. Chứ không phải mới nổi lên ».

Hầu hết các nghệ nhân được mời nấu ăn trong không gian ẩm thực Hà Nội tại Trung tâm Báo chí Quốc tế đều ngạc nhiên, thêm chút « hồi hộp », như giải thích với RFI tiếng Việt của chị Nguyễn Ngọc Thu, cháu của ông Thìn - người sáng lập Phở Thìn Bờ Hồ (61 Đinh Tiên Hoàng) :
« Khi được mời tham dự phục vụ tại Trung tâm Báo chí trong thượng đỉnh tại Hà Nội, Phở Thìn chỉ được biết thông tin trước đó một ngày thôi (ngày 25/02).

 Sau khi nhận thông tin, nhà em cũng khá lo lắng bởi vì cũng khá gấp rút. Tuy nhiên, với kinh nghiệm bán hàng cũng khá lâu rồi, nên bọn em cũng chuẩn bị trong vòng một ngày nguyên liệu thực phẩm, về nhân sự và tất cả mọi thứ để sẵn sàng cho việc phục vụ những ngày hôm sau, 26, 27, 28/02 và mồng 01/03.

Lúc đầu, kỳ vọng của gia đình là muốn quảng bá ẩm thực cho tất cả mọi người trong chương trình đó thôi, nhưng không ngờ thành công đến như thế và tất cả bạn bè quốc tế đều biết đến ».

« Tự hào » và cảm thấy « trách nhiệm » là tâm trạng của anh Vũ Khắc Sơn, người quản lý Café Giảng (39 Nguyễn Hữu Huân), khi mang hương vị cà phê trứng độc đáo phục vụ tại Trung tâm Báo chí Quốc tế :

« Đó là một vinh dự rất lớn đối với những cửa hàng cà phê truyền thống như chúng tôi, nhưng cũng cảm thấy một trách nhiệm bởi vì đây không phải chỉ là một sự kiện của Hà Nội mà là sự kiện của Việt Nam.
 Trở thành người phục vụ trong sự kiện thượng đỉnh cũng là một áp lực cực kỳ lớn đối với chúng tôi.

Sau 73 năm, đây là lần đầu tiên chúng tôi phục vụ cà phê ở ngoài cửa hàng và những thực khách của chúng tôi lại là những nhà báo quốc tế.
 Ban đầu, chúng tôi cũng không hiểu mình phải làm như thế nào, rồi dần dần cũng thích ứng được.

Sau 4 ngày phục vụ, chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, bởi vì mình cũng đóng góp được một phần nhỏ bé vào thành công của sự kiện, cũng như là đã góp phần giới thiệu đến bạn bè quốc tế ẩm thực của Hà Nội, ẩm thực của Việt Nam.

Đặc biệt là món cà phê trứng của chúng tôi là món duy nhất, có thể nói rằng rất đặc trưng, bởi khó tìm được ở nơi nào trên thế giới món cà phê trứng của chúng tôi ».

 

hanoisummit 267
    Một số món ăn phục vụ buffet tại Trung tâm Báo chí Quốc tế, thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội, ngày 27-28/02/2019.
    RFI / Thanh Hà

 
Phở, bún chả, bún thang là ba món ăn được phóng viên quốc tế chọn nhiều nhất trong thời gian tác nghiệp ở Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên.
 Cà phê trứng Giảng là đồ uống gây bất ngờ và ấn tượng.

Trung bình hàng ngày có khoảng 600-1.000 suất xôi chè Phú Thượng, gần 850 cốc cà phê trứng Giảng, khoảng 1.000 bát phở Thìn được phục vụ cho các nhà báo quốc tế.
Đằng sau thành công này là nỗ lực rất lớn của các gia đình và nghệ nhân ẩm thực.

Anh Vũ Khắc Sơn, Café Giảng, cho biết :
 « Tất cả mọi việc phục vụ, pha cà phê hay đun cà phê đều phải phục vụ tại Trung tâm Báo chí bởi vì còn liên quan đến công tác kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.
 Chúng tôi chỉ chuẩn bị nguyên vật liệu từ nhà thôi. Hàng ngày, chúng tôi phải dậy từ 4 giờ 30 để chuẩn bị nguyên vật liệu.

Điểm đặc biệt là cà phê trứng của chúng tôi khác với những loại cà phê thường là chúng tôi phải chuẩn bị kem trứng, cho nên phải chuẩn bị sẵn, sơ chế trước từ nhà, rồi đến đó tinh chế và pha cà phê phục vụ các thực khách ».

Khâu nguyên liệu cũng được Phở Thìn chuẩn bị từ sáng sớm trong ngày để đảm bảo độ tươi, ngon và đáp ứng yêu cầu về sinh thực phẩm, theo giải thích của chị Nguyễn Ngọc Thu :
« Về nguyên liệu, ngay trong những ngày thường bán tại 61 Đinh Tiên Hoàng, thì gia đình đã lấy những nguyên liệu tốt nhất, thịt tốt nhất, ngon nhất. Để nấu được một nồi nước dùng ngon thì thịt phải tươi ngon nhất hàng ngày.

Có nghĩa là buổi sáng sớm hôm đấy, lúc 2 giờ sáng, là mình sẽ nhập luôn nguồn hàng tươi nhất, bánh phở cũng mới nhất, lấy vào lúc 5 giờ sáng.
Nghĩa là hàng ngày em đã lấy đồ mới nhất rồi, còn riêng ở hội nghị, em cũng lấy những đồ tươi ngon nhất như hàng ngày, nhưng với số lượng lớn hơn thôi ».

« Luôn tay luôn chân nhưng mà vui »

Bị cuốn theo lịch trình dầy đặc của lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên, phải đưa tin gấp rút, rất nhiều phóng viên không có dịp thưởng thức những món đặc sản của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng.

 

Với đặc phái viên Stéphane Lagarde của đài RFI, mang ẩm thực Việt vào Trung tâm Báo chí là ý tưởng rất hay, được khám phá nhiều món hơn, so với thói quen ăn một vài món đã biết mỗi khi đi du lịch.

Cà phê trứng Giảng là một trong những khám phá mới độc đáo của rất nhiều nhà báo quốc tế, theo giải thích của anh Vũ Khắc Sơn :
« Đầu tiên là rất nhiều bạn sợ, họ không hiểu cà phê trứng là như thế nào ? Có những người rụt rè, có những người biết, họ uống, còn có những người uống để tìm trải nghiệm mới, vì tại sao lại không phải là những hãng cà phê khác, mà lại là món cà phê trứng phục vụ ở hội nghị thượng đỉnh.

Đầu tiên là họ hơi rụt rè, nhưng sau đó trong một buổi sáng họ quay lại 3 đến 4 lần và họ thường kéo thêm bạn.
Chúng tôi luôn trong tình trạng thiếu vật phẩm, liên tục phải đi tiếp tế từ nhà và vượt quá dự kiến ban đầu.
Tôi thấy có gì đó rất tự hào vì là mình đã có một đồ uống, có thể nói là thuyết phục, hoặc mang một điều gì đó đặc biệt cho những bạn khách quốc tế ».

Trước quầy Phở Thìn, bánh khúc Cô Lan, xôi Phú Thượng… các thực khách quốc tế kiên nhẫn chờ tới lượt. Đối với các nghệ nhân, như chị Nguyễn Ngọc Thu, Phở Thìn Bờ Hồ, « dù luôn tay luôn chân, nhưng lúc nào cũng thấy vui ».

« Em nghĩ rằng dấu hiệu để biết mọi người thích phở là cái hàng rất là dài trước quầy Phở Thìn lúc nào cũng trong tình trạng rất dài, rất đông.
 Khi mọi người muốn thưởng thức một bát phở, em nghĩ là họ chờ khoảng một vài phút để bọn em gấp rút chuẩn bị cho mọi người.
 Có nhiều người ăn xong quay lại xếp hàng tiếp, hoặc nhiều người ăn buổi sáng, rồi quay lại ăn buổi trưa, rồi tiếp tục ăn buổi tối ».

Mỗi một phóng viên, nhà báo có thể là một sứ giả quảng bá cho ẩm thực Việt Nam.
Đặc phái viên RFI Thanh Hà nhấn mạnh : « Dù là một cách để quảng bá hình ảnh, nhưng phải nhấn mạnh rằng Hà Nội đã làm rất tốt » và « Hà Nội « chiều » nhà báo nước ngoài ».

Đây cũng là ý kiến của phóng viên RFI Stéphane Lagarde :
« Những món ăn này giúp chúng tôi rất nhiều vì mọi người đều làm việc chừng 15 giờ mỗi ngày, thường xuyên chạy ngang dọc ngoài đường để đưa tin, đuổi theo các phái đoàn và các nhà lãnh đạo.

 Thế nên, những lúc hiếm hoi được nghỉ ngơi, thưởng thức một món ăn ngon là dịp tiếp sức cho các nhà báo.
Về phần mình, tôi rất hài lòng. Tất cả đều được làm rất tốt, hiếm khi tôi cảm thấy ăn ngon như vậy ở một hội nghị thượng đỉnh ».

Switch mode views: