Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-09-2018
- Thứ Ba, 11 tháng Chín năm 2018 19:30
- Tác Giả: Minh Anh
Thụy Điển : Một nước châu Âu như bao quốc gia khác
Stefan Löfven, thủ tướng mãn nhiệm tìm kiếm một liên minh cầm quyền sau thắng lợi bầu cử sít sao của đảng Xã hội - Dân chủ ngày 09/09/2018.
Claudio BRESCIANI / TT NEWS AGENCY / AFP
Kết quả bầu cử lập pháp tại Thụy Điển hôm nay 11/09/2018 vẫn được một số báo Pháp quan tâm đến. Le Monde trên trang nhất lo ngại đưa tít lớn « Thụy Điển, mô hình chính trị suy yếu trước sự trỗi dậy của phe cực hữu ».
Kết quả bầu cử lập pháp hôm Chủ Nhật 09/9 không đưa ra được một đa số nào ở Nghị viện để thành lập chính phủ.
Phe cực hữu tuy chỉ được 17,6% lá phiếu cử tri, nhưng cho thấy một sự tiến triển mạnh mẽ so với tỷ lệ 12,9% hồi năm 2014.
Sự trỗi dậy này đang làm chao đảo thế cân bằng truyền thống.
Trong khi đó, khối cánh tả, do phe Xã hội – Dân chủ dẫn đầu, chỉ có được 144 ghế trong tổng số 349, xấp xỉ với con số 143 ghế của phe hữu.
Xã luận của Le Monde nhận định, với kết quả này, các chính đảng lớn đã cứu được « sĩ diện » của mình, nhưng sự việc không che giấu được những gì đang diễn ra tại nhiều nước dân chủ phương Tây : Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy - cực hữu và sự suy yếu của các đảng cầm quyền truyền thống.
Chuyển động này đang làm nổi rõ sự phân chia địa lý đông – tây và năm – bắc, chia rẽ về kinh tế giữa những nước giàu – ít giàu hơn, hay khác biệt về văn hóa đôi khi cũng được đề cập đến chẳng hạn như phân biệt giữa những nước có truyền thống Tin Lành với các nước theo Công Giáo.
Giờ đây, chính trường Thụy Điển có nguy cơ rơi vào bế tắc. Đảng về đầu Xã Hội – Dân Chủ chỉ nhỉnh hơn cánh hữu một ghế.
Với 62 ghế ở Nghị Viện, đảng cực hữu Dân Chủ Thụy Điển ở vị thế trọng tài.
Thế nhưng, không một chính đảng nào muốn thành lập chính phủ với họ.
Người dân Thụy Điển có nguy cơ phải chờ đợi thêm nhiều tuần mới có được một chính phủ.
Vậy chuyện gì đang xảy ra cho Thụy Điển, một đất nước luôn đi đầu về mô hình xã hội dân chủ nổi tiếng là khoan dung ?
Đương nhiên, cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 là yếu tố không thể chối cãi dẫn đến sự trỗi dậy của phe cực hữu.
Nhưng Thụy Điển đâu phải là trường hợp duy nhất. Chẳng phải quốc gia Bắc Âu láng giềng Na Uy, với 15% người nhập cư, họ cũng đã ngăn chặn thành công đà tiến của phe cực hữu đó hay sao ?
Do vậy, theo nhật báo, chủ nghĩa lý tưởng của Thụy Điển đã gặp phải cú sốc toàn cầu hóa, mà khi đối mặt, đảng Xã hội – Dân chủ đã tỏ ra hụt hơi, không có khả năng tìm được lời giải về sự bất an và cuộc khủng hoảng bản sắc đang len lỏi trong lòng cử tri.
Tóm lại, theo như nhận định của cựu thủ tướng Carl Bildt trên mạng xã hội Twitter ngày thứ Hai 10/9, « Thụy Điển đã trở thành một nước châu Âu như bao quốc gia khác ».
Một quan điểm cũng được tờ Le Figaro, trong một bài phân tích, đồng chia sẻ cho rằng « sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Thụy Điển cũng cho thấy là giờ không một nước nào được miễn dịch trước làn sóng chủ nghĩa dân túy ».
Nga - Trung phô trương sự đồng thuận
Nhìn sang nước Nga, nhân việc nước này tổ chức một cuộc tập trận trên quy mô lớn nhất trong lịch sử đương đại, với sự tham gia của 3.200 binh sĩ Trung Quốc, báo La Croix có bài : « Nga - Trung phô trương sự đồng thuận ».
Tờ báo trích nhận định của chuyên gia Mathieu Duchatel, phụ trách khu vực châu Á, thuộc Hội Đồng Nghiên Cứu Chiến Lược Châu Âu : trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, Nga và Trung Quốc hiện nay đang ở trong thời kỳ trăng mật.
Còn theo bà Isabelle Facon, chuyên gia về Nga tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, thì vào lúc quan hệ Nga-Trung được xây dựng, căng thẳng đang gia tăng giữa Nga và phương Tây.
Bắc Kinh và Matxcơva cho rằng các cường quốc phương Tây làm mọi cách để duy trì sự lãnh đạo của họ. Mặt khác, Nga và Trung Quốc cũng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược và ý thức hệ trước cái gọi là sự hung hăng của Hoa Kỳ.
Là hai nhà lãnh đạo toàn trị, Vladimir Putin và Tập Cận Bình duy trì mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau và điều này được thể hiện qua các cuộc bỏ phiếu tại Hội Đồng Bảo An.
Trung Quốc có thái độ gọi là trung lập đồng lõa trong hồ sơ Syria và Ukraina – mặc dù Bắc Kinh chưa thừa nhận việc Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée.
Còn Nga chưa bao giờ lên án lập trường bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mối quan hệ hữu hảo này còn thể hiện ở các cấp đại sứ, quân sự và giữa các trường đại học.
Nga và Trung Quốc cùng thảo luận các vấn đề an ninh, tiến hành tập trận chung trong khuôn khổ Tổ Chức An Ninh Thượng Hải, nhưng không hề có liên minh quân sự song phương.
Theo chuyên gia Duchatel, vấn đề liên minh quân sự đã được thảo luận khi Tập Cận Bình mới lên nắm quyền, nhưng cuối cùng, ý tưởng này đã bị bác bỏ. Trung Quốc có lập trường thực dụng, chỉ muốn phối hợp với Nga trên một số hồ sơ chung.
Kim Jong Un vật vã đối phó với sóng ngầm K-Pop
Bắc Triều Tiên ngày Chủ Nhật 09/09/2018 mừng quốc khánh lần thứ 70.
Nhân sự kiện này, báo Pháp có các bài phóng sự về tình hình kinh tế - xã hội đất nước dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un. Le Monde có bài viết đề tựa « Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa cuộc diễu binh ».
Lễ duyệt binh mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không còn những hình ảnh hiếu chiến như tên lửa liên lục địa.
Mọi tham chiếu về vũ khí hạt nhân cũng biến mất. Theo nhận định của nhà báo Harold Thibault, lễ mừng quốc khánh năm nay, Bắc Triều Tiên đặt ưu tiên phát triển kinh tế.
Báo Le Figaro có bài phóng sự dài của đặc phái viên Sébastien Falletti cho biết « Tại Bình Nhưỡng, cách mạng nhạc ʺpopʺ ngầm phá hoại dấu ấn của Kim ».
Bất chấp lệnh cấm nghiêm ngặt, các cuộc truy lùng gắt gao của cảnh sát và các án phạt nghiêm khắc, các sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc và Trung Quốc như phim truyện tình cảm nhiều tập, các vũ điệu nóng bỏng hay những đĩa nhạc K-Pop vẫn được lén lút đưa vào bán trái phép ở Bắc Triều Tiên.
Những sản phẩm này len lỏi vào đời sống của một bộ phận lớn người dân đô thị, thậm chí cả những cán bộ đảng Lao động.
Đến mức, tác giả bài viết cho rằng một làn sóng nhạc pop ngầm đang sinh sôi nảy nở tại vương quốc Kim Jong Un, và làn sóng này đang âm thầm phá hủy các dấu ấn chuyên chế của triều đại cộng sản duy nhất trên hành tinh này.
Làn sóng « văn hóa ngầm » này đang thách thức thế độc quyền tư tưởng của chế độ xã hội thần quyền, có tham vọng bảo vệ người dân « từ lúc còn nằm nôi cho đến lúc xuống mồ ».
Thế nhưng, cùng với sự phát triển công nghệ và sự xuất hiện khóa USB từ năm 2010, những sản phẩm văn hóa đó đã lẩn tránh được sự kiểm duyệt và tăng tốc xâm nhập xã hội Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc : Đầu tầu ngành năng lượng hạt nhân thế giới
Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro trên trang nhất phụ san kinh tế nhận định « Ngành hạt nhân thụt lùi trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc ».
Theo World Nuclear Industry Status Report ấn bản năm 2018, từ ba năm nay, nếu như mức sản xuất điện hạt nhân tiếp tục tăng trên thế giới (+1% trong năm 2017), đó là nhờ vào Bắc Kinh. Tại Trung Quốc, mức sản xuất nguồn năng lượng này trong năm qua đã tăng thêm 18%.
Với 41 lò phản ứng hạt nhân, Trung Quốc xếp hàng thứ ba, đứng sau Mỹ và Pháp.
Tổng cộng trong năm 2017, thế giới có thêm 4 lò phản ứng hạt nhân, 3 tại Trung Quốc và một tại Pakistan, nhưng do Trung Quốc xây dựng.
Và trong năm 2018, trong số 7 trung tâm khai thác điện hạt nhân được đưa vào hoạt động, có 5 trung tâm tại Trung Quốc và hai ở Nga.
Từ những ghi nhận này, « Trung Quốc tiếp tục thống lĩnh ngành năng lượng hạt nhân nhờ vào các quyết định được đưa ra cách nay nhiều năm », theo như ghi nhận của cơ quan cố vấn có uy tín này của Mỹ.
Trung Quốc là quốc gia duy nhất đầu tư nhiều vào lĩnh vực này từ 15 năm nay.
Trong khi đó, trên thế giới, lĩnh vực năng lượng hạt nhân đang có xu hướng thụt lùi.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA, từ đây đến năm 2030, số lượng lò phản ứng hạt nhân có thể sụt giảm đến 10%, do nhiều nguyên nhân như lò phản ứng quá cũ phải ngưng hoạt động và sự xuất hiện của nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác như khí tự nhiên, điện gió hay năng lượng mặt trời.
Trang nhất các báo Pháp
Tình hình chính trị - xã hội nước Pháp là chủ đề chính trên một số nhật báo Pháp ngày 11/09/2018.
Le Figaro trên trang nhất đề tựa « Elysée, Quốc Hội : Những nhân vật thân cận của Macron trên tuyến đầu ».
Libération nặng nề chỉ trích « Macron chống người về hưu ». Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Cải cách lao động và những thành quả đầu tiên ».
Riêng nhật báo Công giáo La Croix chú ý đến khu vực châu Mỹ Latinh. Tờ báo đau đáu nhìn sang đất nước « Nicaragua với một cuộc trấn áp không hồi kết ».
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-09-2018 - 14/09/2018 04:27
- Bão Florence: Gió 140 dặm/giờ, đe dọa North Carolina, South Carolia, Virginia - 12/09/2018 19:30
- Đức Giáo Hoàng triệu tập các giám mục bàn việc bảo vệ trẻ em - 12/09/2018 19:16
- Chiến tranh thương mại, công ty Trung Quốc tìm đường « di tản » - 12/09/2018 18:20
- Diễn đàn Kinh tế ASEAN : Trung Quốc đả kích bảo hộ mậu dịch - 12/09/2018 18:08
- Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt tôn giáo trên internet - 12/09/2018 18:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-09-2018 - 12/09/2018 17:22
- Quân đội Mỹ di tản các căn cứ trong khu vực bị bão Florence đe dọa - 12/09/2018 02:11
- Tháp chuông tưởng niệm Chuyến bay 93 – khúc nhạc vĩnh cửu của các anh hùng - 11/09/2018 22:53
- Tổng Thống Donald Trump ca ngợi những người hy sinh trên chuyến bay 9/11 ở Pennsylvania - 11/09/2018 22:12
Các tin khác
- Syria, Nga tiếp tục oanh kích Idleb, nguy cơ thảm họa nhân đạo cận kề. - 11/09/2018 16:17
- Kim Jong Un gửi thư đề nghị thượng đỉnh lần 2 với Donald Trump - 11/09/2018 14:15
- Mời láng giềng tập trận Vostok, Nga muốn khẳng định vị thế tại châu Á - 10/09/2018 17:02
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-09-2018 - 10/09/2018 16:18
- Mỹ : Cử tri Cộng Hoà động viên ủng hộ Trump - 09/09/2018 18:11
- Nhật Bản lần đầu tiên vô địch giải quần vợt Mỹ US Open - 09/09/2018 18:03
- Mừng 70 năm Quốc khánh: Bình Nhưỡng không phô trương hỏa tiễn liên lục địa - 09/09/2018 17:55
- Paris tố Matxcơva theo dõi một vệ tinh quân sự của Pháp - 08/09/2018 22:20
- Nga – Ukraina : Khi đối thủ quân sự là đối tác kinh tế - 08/09/2018 20:55
- Trump dọa đánh thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc bán sang Mỹ - 08/09/2018 17:37