Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tham vọng Trung Quốc ở Biển Đông: trọng tâm của Diễn đàn ARF

Vấn đề khó khăn nhất là thuyết phục Trung Quốc tham gia vào Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Chứng nhân nhà tù ‘Cổng Trời’ Kiều Duy Vĩnh qua đời

tucaitao kieuduyvinh ruatoi

''Nếu tôi mà đeo Thánh giá ở ngực và biết câu kinh thì tôi phải chết đã lâu rồi''...

HÀ NỘI (NV) - Ông Kiều Duy Vĩnh, một trong những tù nhân nhân chứng của nhiều nhà tù nổi tiếng “địa ngục trần gian” trong chế độ Cộng Sản, vừa mới qua đời.

 

Cha Ða Minh Vũ Quang Mỹ, chính xứ Tư Ðình, đang trao nến sáng cho ông Vĩnh. (Hình: Nữ Vương Công Lý)

“Gia đình thân tộc, bạn bè vừa cho biết tin ông Phao lô Kiều Duy Vĩnh đã được Chúa gọi về lúc 4 giờ chiều ngày Thứ Bảy ngày 7 tháng 7 năm 2012.

 Thánh lễ an táng cử hành lúc 10 giờ sáng nay 9 tháng 7, 2012 tại nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm. Thánh lễ an táng do Linh Mục Ða Minh Vũ Quang Mỹ chủ sự.”

Bản tin của Nữ Vương Công Lý hôm Thứ Hai cho hay như vậy.

Ông Kiều Duy Vĩnh, 81 tuổi, cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An, cùng một khóa Võ Bị Ðà Lạt với ông Nguyễn Cao Kỳ.

Khi đất nước chia hai năm 1954, ông là đại úy tiểu đoàn trưởng nhảy dù có nhiều chiến công nhưng đã quyết định ở lại miền Bắc vì vấn đề gia đình.

Cha ông bị đấu tố, tử hình vì bị quy cho tội địa chủ. Còn ông thì bị đi ít nhất hai lần chính thức, tổng cộng 17 năm.

Nếu ông theo đơn vị di cư vào Nam, có thể quân đội VNCH đã có một tướng lãnh tên Kiều Duy Vĩnh.

Các năm tù đày được ông kể lại trong các hồi ký (phần lớn đăng tải trên tạp chí Thế Kỷ 21 nhiều năm trước) viết khá vắn tắt nhưng những ai đọc khó tránh khỏi xúc động.

 Sự độc ác dã man đến cực độ của bọn cai tù Cộng Sản, sự can đảm cực độ của các tù nhân dù là giáo dân cho đến tu sĩ, linh mục Công Giáo mà ông gọi là các “thánh tử đạo” được ông kể lại trong các hồi ký với sự ngưỡng phục.

Ông Vĩnh không phải là tín đồ Công Giáo. Ngày 14 tháng 3 năm 2011, ông đã xin trở thành tín đồ Công Giáo, lấy tên thánh là Phaolô và được Linh Mục Ða Minh Vũ Quang Mỹ của họ đạo Tư Ðình (Hà Nội).

Một số hồi ký của ông có thể đọc trên www.vantuyen.net như “Cuộc tuyệt thực”, “Tết ở trại Cổng Trời”, “Ðức Thánh Tử Vì Ðạo thứ hai mà tôi được gặp”.

 Hồi ký “Cổng trời Cắn Tỷ” có thể tìm thấy trên net khi tra qua mạng tìm kiếm Google.

Suốt những năm tù, đặc biệt là tại nhà tù Cổng Trời (tỉnh Hà Giang), ông có dịp ở tù chung với một số linh mục, tu sĩ Công Giáo như cha Chính Vinh (cha xứ nhà thờ chính tòa Hà Nội), tu sĩ Ðỗ Bá Lung. Ông kể lại những tháng năm kinh hoàng này trong hồi ký “Cổng trời Cẳn Tỷ”.

Ông đã viết về những bạn tù Công Giáo bằng những lời lẽ đầy thán phục: “Tôi đã thật sự gặp các vị thánh tử vì đạo. Các vị thánh tử vì đạo bằng xương bằng thịt sống cạnh tôi nhiều năm... Tôi vốn xa lạ với các tên Phêrô, Phaolồ và Mađalena. Nhưng cái tên Ðỗ Bá Lung thì cho đến hết đời tôi không thể nào quên được”.

Ở một giai đoạn ông bị giam ở Cổng Trời, ông kể rằng ông và ông Nguyễn Hữu Ðang (người tù trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) là hai người duy nhất sống sót trong số 72 tù nhân.

 Lý do sống sót được ông kể lại: “Tôi sở dĩ sống sót là vì tôi không phải là người theo đạo. Nếu tôi mà đeo Thánh giá ở ngực và biết câu kinh thì tôi phải chết đã lâu rồi”.

Ông đã chứng kiến cái chết của tu sĩ Ðỗ Bá Lung, được hai tù nhân bó chiếu khiêng đi chôn nhưng mấy ngày sau thì trở về trình diện quản giáo. (T.N.)

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Đông Nam Á bảo vệ quyền của người lao động

Không chỉ là vấn đề quyền và đạo lý, mà còn là một vấn đề mang tính chiến lược.

 

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-07-2012

Sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc tại Lào

ASEAN chia rẽ trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc

Không ra được một thông cáo chung.

Ngoại trưởng Mỹ lại gặp Tổng thống Miến Điện để khuyến khích cải tổ

 Miến Điện cần cải tổ cơ bản để tăng cường pháp quyền và sự minh bạch.

Giảm lãi suất vay ngân hàng : Doanh nghiệp Việt Nam bớt phần khó khăn

Việt Nam đã hạ lãi suất liên tục và có những kỳ một tháng hạ đến ba lần

Trung Quốc đưa hàng chục tàu cá đến khu vực quần đảo Trường Sa

 Lần này Bắc Kinh triển khai một hạm đội tàu cá lớn nhất

Các nghề thuộc lãnh vực y tế tiếp tục phát triển

Theo Bộ Y Tế Hoa Kỳ, lãnh vực chăm sóc y tế đang tiếp tục gia tăng

Quốc Huy Hoa Kỳ in trên vé ca nhạc ở Cà Mau

Hình phông mờ trên vé là Quốc huy Hoa Kỳ với hình chim ó và quốc kỳ Hoa Kỳ

Điện nguyên tử tại Hungary : không có hiệu quả thuyết phục

Thủ tướng Orbán VBiktor vẫn tiếp tục theo chính sách ưu tiên điện hạt nhân

 

Liên minh tình thế Nga - Trung chống phương Tây

 Chính sự thù ghét phương Tây đã làm cho hai nước tiến gần lại nhau hơn

Obama : Cần phải có luật lệ rõ ràng để làm dịu căng thẳng ở Biển Đông

Cần phải tránh leo thang xung đột tại vùng biển chiến lược, ngăn cản tự do lưu thông hàng hải.

Tổng Thống Obama họp báo về tình trạng kinh tế

'' Hạ Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát là một nguồn gốc khác của sự trì trệ kinh tế.''

WASHINGTON (AP) - Giữa những dấu hiệu kinh tế Hoa Kỳ còn nhiều khó khăn, Tổng Thống Obama trong buổi họp báo hôm Thứ Sáu ở tòa Bạch Ốc một lần nữa kêu gọi Quốc Hội thông qua dự luật về việc làm và các nhà lãnh đạo Âu Châu ổn định nền tài chánh để tránh một cuộc suy thoái toàn cầu mới.

 

Tổng Thống Obama tại phòng họp báo tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu. 8 tháng 6. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

 

Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng lãnh vực tài chánh Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn nhiều phương án khẩn cấp đối phó với khủng hoảng nợ nần ở các nước Âu Châu, nhưng thừa nhận là mối đe dọa tái khủng hoảng ở đây sẽ tác động đến tình trạng hồi phục còn mong manh của Mỹ.

Ông cho rằng thách thức tại Châu Âu là “có thể giải quyết được” với những biện pháp từ củng cố hệ thống ngân hàng tới cải tổ cơ cấu dài hạn khác.

Ở quốc nội, tổng thống cho rằng Hạ Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát là một nguồn gốc khác của sự trì trệ kinh tế.

Ông phê phán Quốc Hội không chịu thông qua toàn bộ dự luật tạo lập việc làm từ tháng 9 năm ngoái, mà đáng lẽ đã cho hàng triệu người bây giờ có công việc, mức thất nghiệp giảm và nền kinh tế vững mạnh hơn.

Ông ca ngợi Quốc Hội đã chấp thuận được một vài phần của đạo luật nhưng nhiều mục quan trọng hãy còn để nằm ì tại chỗ.

Tuy nhiên, khi kêu gọi phía Cộng Hòa thông qua luật gia tăng việc làm, Tổng Thống Obama cho rằng “lãnh vực tư nhân đang rất khá.”

Câu này khiến phía Cộng Hòa chỉ trích rằng Obama xa rời thực tế, không hiểu khó khăn của thương gia. (HC)

Ngân hàng nhà nước Việt Nam thông báo hạ lãi suất

Lãi suất thấp sẽ làm nản lòng một số người muốn ủy thác vào các khoản tiết kiệm

 

Việt Nam tỏ ra uyển chuyển hơn trong chính sách tài chính, nhưng về dài hạn, lãi suất thấp có nguy cơ tạo ra nợ xấu (Reuters)

 

Quyết định trên bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày thứ Hai 11/06/2012. Đây là lần thứ tư trong năm 2012, Việt Nam thông báo hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng.

 Theo giới quan sát, lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khuynh hướng giảm sụt.

Thông tư bổ sung của Ngân hàng nhà nước Việt Nam được công bố ngày 08/06/2012 cho biết kể từ thứ Hai tuần tới (11/06/2012) Việt Nam hạ một loạt các lãi suất ngân hàng.

Lãi suất chiết khấu đang từ 10 % được hạ xuống còn 9 %. Lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại sẽ được hạ xuống còn 11 % thay vì 12 % như trước đây.

 Riêng trần lãi suất huy động tiền đồng được giảm hai điểm, từ 11 % xuống còn 9 %.

Thông tư của Ngân hàng trung ương Việt Nam giải thích : Việt Nam giảm lãi suất vào lúc lạm phát gia tăng một cách chừng mực và tình trạng tài chính cơ bản của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện.

Reuters nhắc lại : kể từ tháng 5/2010, lạm phát tại Việt Nam trong tháng 5/2012 lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 10 %. Cụ thể là tháng 5/2012 chỉ giá của Việt Nam tăng 8,34 % so với thời điểm một năm trước đó.

Bản tin của AFP lưu ý : Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5 vừa qua đã liên tục hạ lãi suất.

 Một nguồn tin xin giấu tên thận trọng cho rằng chính phủ Việt Nam tỏ ra « uyển chuyển hơn trong chính sách tài chính » là điều đáng khích lệ, nhưng về dài hạn, « lãi suất thấp có nguy cơ tạo ra nợ xấu. Đồng thời, lãi suất thấp sẽ làm nản lòng một số người muốn ủy thác vào các khoản tiết kiệm ».

Áp lực kềm chế lạm phát đối với Việt Nam được giảm thiểu trong lúc tăng tưởng kinh tế bị chậm lại.

 Tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam trong quý I/2012 tăng 4 %. Đây là mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Dù vậy ngày 06/06/2012 cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor's đã nâng điểm tín nhiệm Việt Nam từ « tiêu cực » lên thành « ổn định ».

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-06-2012

Từ Nhật sang Pháp, trường hợp thanh thiếu niên sống tách biệt với xã hội

 

 

Nhật Bản hiện có khoảng 264 ngàn trường hợp « hikikomori » (DR)

 

 

 

Suốt ngày chỉ ở trong nhà, không thích đi học hay đi làm. Ngày ngủ, đêm lướt web hay chơi game video điện tử… và hiện tượng này kéo dài trên 6 tháng, đó là những triệu chứng của căn bệnh « Hikikomori », tên gọi bằng tiếng Nhật của căn bệnh « sống tách biệt với xã hội ».

Theo báo Le Monde, triệu chứng tâm lý này, nay không chỉ phổ biến tại Nhật mà đang có mặt ở nhiều nước tiên tiến khác trên thế giới trong đó có Pháp.

Theo Le Monde, một điều tra mới nhất tại Nhật Bản cho biết trên tổng số dân 127 triệu người, có 264 ngàn trường hợp mắc bệnh « hikikomori ».

Các chuyên gia về tâm thần học trẻ em còn đưa ra dự đoán rằng « trong tương lai không xa, số bệnh nhân này có thể tăng lên đến một triệu người. Và hiện tượng này sẽ có một tác động kinh tế - xã hội cho đất nước ».

Hơn nữa, nhiều chuyên gia đã không ngần ngại xem đấy như là một hiện tượng bệnh dịch. Tình trạng này lại càng trở nên tồi tệ hơn do lẽ nếu tính trên cả xứ sở Mặt Trời mọc hơn 100 triệu dân này chỉ có khoảng độ gần 170 bác sĩ thâm thần học trẻ em. Trong khi mà, có nhiều biểu hiện bệnh lý đầu tiên đôi khi có thể được phát hiện sớm ngay ở độ tuổi 12-13 như bỏ học hay sống cô lập.

Mặt khác, cảm giác mặc cảm vì có con mắc phải chứng bệnh này hay như chiều theo ý con không muốn đi khám nghiệm y khoa cũng làm trì hoãn việc điều trị.

Theo các chuyên gia tâm thần học, những người mắc chứng bệnh “hikikomori” thường kèm theo các bệnh lý tâm thần được biểu hiện qua hình thức sống tách biệt hoàn toàn. Nhất là, hiện tượng này không có chút gì liên quan đến triệu chứng gọi là « nghiện » Web hay trò chơi điện tử.

Nhưng cả hai lãnh vực này cũng đóng góp phần làm giảm nhu cầu giao tiếp mặt đối mặt với những người xung quanh, theo như ghi nhận của giáo sư Takahiro Kato, thuộc khoa Thần kinh – tâm thần học trẻ em, trường Đại học Kyushu - Nhật Bản.

Giải thích cho hiện tượng bệnh lý khá phổ biến tại Nhật này, ông Kato cho rằng chính việc việc thay đổi lối sống trong xã hội Nhật Bản là tác nhân gây bệnh.

Theo ông « Trước đây, gia đình truyền thống Nhật Bản thường đông con và nhiều thế hệ sống chung một mái nhà. Ngày nay, lối sống đó đã nhường chỗ cho một tổ chức gia đình nhỏ, ở đó cha mẹ phải làm việc, con cái cũng ít hơn và ít nhận sự hỗ trợ từ người thân cũng như láng giềng ».

Bên cạnh đó, áp lực học đường và việc chịu đựng các trò bắt nạt lẫn nhau giữa các học trò cũng giải thích phần nào nguyên nhân gây bệnh.

Về điểm này, ông Serge Tisseron, nhà tâm thần học và phân tích tâm lý học người Pháp, có đưa ra một giả thuyết cho rằng :

 « Ở độ tuổi vị thành niên, một người mắc chứng bệnh « hikikomori » có thể biểu hiện một thái độ thu mình lại. Một cách vô tình, biểu hiện này cho phép điều chỉnh các cảm xúc, những xung đột, những lo âu liên quan đến tương lai. Thế nhưng, đây cũng chưa phải là triệu chứng của các bệnh tâm thần như suy nhược thần kinh hay sự phát triển của chứng lo sợ ».

Nếu như hiện tượng này vốn được thấy nhiều tại Nhật Bản, thì nay « hikikomori » không đơn thuần chỉ liên quan đến nền văn hóa xứ Hoa Anh Đào nữa. Nhiều ca bệnh đã được phát hiện tại nhiều nước tiên tiến khác như Tây Ban Nha, Ý, Hàn Quốc và thời gian gần đây nhất là tại Pháp.

Trung Quốc  thúc đẩy trở lại nền kinh tế

Liên quan đến tình hình kinh tế thế giới, báo Le Monde cho biết « Bị suy yếu do khủng hoảng đồng euro, Trung Quốc tái thúc đẩy nền kinh tế » - đây cũng chính là tít lớn trên trang nhất tờ báo.

 Lần đầu tiên kể từ sau lần tái thúc đẩy tăng trưởng năm 2008, ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất chỉ đạo. Đồng thời, chính phủ cũng đưa ra chương trình thả lỏng các điều kiện vay tại các ngân hàng trong nước.

Còn trong bài viết « Bắc Kinh muốn làm mọi cách để duy trì sự tăng trưởng » trên trang kinh tế, tờ báo cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc chỉ tăng có 8,1% trong quý I năm nay – mức tăng thấp nhất kể từ gần 3 năm nay.

Sản xuất chế biến bị thu hẹp lại cho tháng thứ 7 liên tiếp. Trong khi đó, mức bán lẻ tăng chỉ có 14,1% trên một năm vào tháng 4, so với mức 15,2% của tháng 3.

Theo dự đoán của Ngân hàng thế giới « xác suất hiện tượng suy giảm sản xuất từ từ là cao ». Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này cần phải duy trì tăng trưởng ở mức 8% hay 9%. Bởi vì, « nếu tuột xuống dưới mức 8% sẽ làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp và bất ổn xã hội », theo như nhận định của chuyên gia kinh tế Sun Junwei, thuộc ngân hàng HSBC.

Tuy nhiên, ngân hàng Thế giới cho rằng, Trung Quốc có đủ khả năng để giải quyết nguy cơ này.

Thứ nhất, là thông qua chính sách tiền tệ.

 Lãi suất chỉ đạo sẽ giảm xuống 0,25% kể từ ngày hôm qua, thứ sáu 08/6/2012. Giải pháp « tiền tệ » này đặc biệt chỉ có thể sử dụng được vào lúc mà Bắc Kinh đã kiểm soát được lạm phát. Giá tiêu thụ chỉ tăng có 3,4% trên một năm vào cuối tháng tư này, so với mức 3,6% vào cuối tháng ba.

Song song đó, chính quyền Trung Quốc cũng cho nối lại kế hoạch tái thúc đẩy tăng trưởng.

Vào năm 2008, không ai có thể dám nghĩ rằng Bắc Kinh đưa ra gói hỗ trợ 4000 tỷ nhân dân tệ, đầu tư chủ yếu trong việc phát triển mạng lưới đường sắt tàu siêu tốc – hệ thống đường sắt lớn nhất thế giới và trong lãnh vực cầu đường với những đường ô tô ngút tầm mắt.

Lần này, số tiền hỗ trợ có lẽ sẽ chưa tới 1/3 của năm 2008. Hơn 868 dự án đã được thông qua, so với con số 363 của cùng kỳ năm rồi.

Mặt khác, để kích thích tiêu dùng, Bắc Kinh đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ như hỗ trợ 400 tệ khi mua một máy điều hòa hay một màn hình phẳng.

Cuối cùng, chính quyền Trung Quốc cũng muốn tận dụng cơ hội lần này để đẩy thúc đẩy tiến trình thả lỏng lãi suất rất được mong đợi nhằm góp phần tái cân bằng lại nền kinh tế theo hướng tiêu thụ nội địa.

 Biện pháp này dường này đã được triển khai từ hồi tháng 3. Ông Chu Tiểu Xuyên, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng đã « gần như hội đủ » các điều kiện cho kế hoạch này.

Pháp tự xóa dần hình ảnh của mình trên thương trường quốc tế ?

Nhìn sang Pháp, Le Monde cho biết tình hình kinh tế cũng không mấy sáng sủa.

 Riêng trong tháng tư, thâm hụt mậu dịch đã đạt đến mức 5,8 tỷ euro.

Trong khi đó, nước Đức lại ghi nhận thặng dư mậu dịch đạt 14,4 tỷ.

 Le Monde đặt câu hỏi « Pháp tự xóa dần hình ảnh của mình trên thương trường quốc tế như thế nào ? »

Từ 10 năm nay, cán cân mậu dịch Pháp luôn trong tình trạng báo động. Mỗi năm mỗi tệ hơn : 231 triệu euro trong năm 2003, nhưng đến 2005 là 24 tỷ và 2011 là 70 tỷ euro. Nếu như lãnh vực hàng không, hàng xa xỉ phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm vẫn còn trụ được, thì tất cả các lãnh vực khác đều xuống cấp trầm trọng.

Le Monde cho rằng, giá năng lượng tăng chưa hẳn là nguyên nhân chính của tình trạng thâm hụt thương mại năm 2011, bởi vì Berlin đã thành công trong việc bù đắp lại điểm thua thiệt này.

Theo tác giả bài viết, vào thời điểm mà Trung Quốc cũng như nhiều nước mới trỗi dậy khác, bắt đầu tham gia vào thị trường thế giới, xuất khẩu chỉ đạt có 1,5%, thì nay con số này đã lên đến 13%.

Hầu hết các nước phương Tây đều phải chịu đựng sự cạnh tranh không lành mạnh này. Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng, Pháp đã không thể, hay không biết đối phó lại. Bởi lẽ, kể từ bây giờ Paris không được phép giảm giá đồng tiền như thời kỳ vàng son.

Đồng euro không ngừng tăng giá cho đến khi đạt đến đỉnh một euro đổi lấy 1,60 đô-la vào tháng 4/2008. Một thảm họa cho các nhà xuất khẩu.

Mặt khác, đồng euro cao giá cũng lộ rõ cho thấy điểm yếu của nền sản xuất Pháp. Theo chuyên gia kinh tế Michel Didier tại Coe-rexecode, chính sách lao động 35 giờ/ tuần và sự trượt giá lao động là những nguyên nhân chính gây thiệt hại cho tính cạnh tranh của nền sản xuất.

Ngược lại, người Đức lại chọn việc điều chỉnh mức lương, qua việc thực hiện các cải cách cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế đất nước bị suy yếu do việc tái thống nhất đất nước. Từ đó, các doanh nghiệp Đức đã có thể hồi phục lại lợi nhuận và đầu tư để hiện đại nền sản xuất. Vì vậy, nền công nghiệp Đức đã khẳng định được vị trí của mình trong thứ hạng « cao cấp ».

Theo ông Patrick Arthus, kinh tế gia trưởng tại Natixis và là giáo sư trường Ecole Polytechnique, trách nhiệm không chỉ ở giá thành sản xuất mà còn ở chính sự bất lực của các tập đoàn trong việc ấn định giá cả và bảo vệ lợi nhuận của mình. Nhất là, các dòng sản phẩm trung bình của Pháp - vốn là những đặc sản của quốc gia, lại quá nhạy cảm với việc tăng giá đồng euro.

Mỗi khi đồng euro tăng 10%, sản lượng bán ra lại giảm đến 9%, trong khi tại Đức lại tăng thêm 2%. Hay như, chất lượng sản phẩm hay dịch vụ hậu mãi của Đức luôn tốt hơn của Pháp.

Hơn nữa, nước Pháp hiện diện rất ít tại các nước mới trỗi dậy, vốn được cho là thiên đường của các nhà xuất khẩu. Trong khi đó, nước Đức lại làm điều ngược lại.

Ông Michel Didier nhận xét rằng Pháp đã mất dần tính cạnh trạnh so với nước láng giềng. Hầu như những thị phần nào Pháp bị đánh mất đều rơi lại vào tay nước Đức, nhất là tại châu Âu.

Thế nhưng, bài viết cũng lưu ý rằng bản tổng kết chỉ nêu lên được bề nổi của vấn đề. Bởi vì, thặng dư xuất khẩu còn bao hàm không chỉ các dòng sản phẩm được sản xuất trong nước mà còn tại các nước đối tác Đông Âu khác.

Ví dụ như trường hợp chiếc xe hiệu Porsch Cayenne. 85% các linh kiện rời được sản xuất tại Slovakia, trước khi được lắp ráp tại Đức để rồi được dán lên đó phù hiệu Porsch.

Giới đầu tư chú ý đến Miến Điện khiến các nhà hoạt động tranh đấu lo ngại

Những cải cách chính trị của Miến Điện dưới thời Tổng thống Thein Sein đã chấm dứt phần lớn tình trạng bị cô lập...

 

Tổng thống Miến Điện Thein Sein

 

Miến Điện đang bị áp lực phải thực hiện những cải cách kinh tế rộng lớn trong lúc quốc gia này vẫn còn đang phải bắt kịp thay đổi chính trị đưa ra mới đây.

Thông tín viên Ron Corben từ Bangkok tường trình về niềm hân hoan và nỗi lo ngại đối với việc hồi sinh của một nền kinh tế từng có thời là một trung tâm thương mại cho khu vực đông nam Á.

Những cải cách chính trị của Miến Điện dưới thời Tổng thống Thein Sein đã chấm dứt phần lớn tình trạng bị cô lập từng khiến nước này trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất tại đông nam Á.

Nhưng trong lúc các nhà đầu tư và giới doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, vẫn còn những trở ngại cho công cuộc cải cách kinh tế, chính trị, luật pháp cần thiết để tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Sean Turnell, một kinh tế gia tại đại học Macquarie ở Australia mới đây vừa đến thăm Miến Điện, cho biết nhiều hạn chế trong kinh doanh, một số có từ thời kỳ Miến Điện còn là thuộc địa Anh, vẫn còn áp dụng.

 Ông nói: "Rất nhiều những hạn chế kinh tế chưa được gỡ bỏ, mà theo tôi, chúng đi ngược lại với xu hướng nhất là tại Á châu, xu hướng đó là kinh tế đi trước, chính trị theo sau đứng hàng thứ nhì."

Các bộ trưởng chính phủ đã đưa ra một chương trình cải tổ đầy cao vọng gồm một luật đầu tư mới, tính minh bạch hơn trong chính phủ, những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, và thành lập những khu công nghiệp.

Cũng có những luật lao động mới, luật thuế khóa mới và cải tổ tiền tệ.

Nhưng chuyên gia Turnell cho hay những thay đổi có thể không được thực hiện đủ nhanh cho tổng thống Thein Sein.

Ông nói: "Theo tôi, đặc biệt là Tổng thống Thein Sein, khá bực bội vì cải tổ chưa đủ nhanh như mức trông đợi. Nói cách khác, về điểm đó, tôi nghĩ có phần chắc chúng ta sẽ thấy sớm có thêm nhiều cải tổ nữa."

Nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã lưu ý các nhà đầu tư hãy thận trọng rằng cần phải có thay đổi đáng kể nữa trong nội tình Miến Điện. Bà nói với giới đầu tư ở thủ đô Bangkok tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng công ăn việc làm là nhu cầu lớn nhất của Miến Điện; bà gọi mức thất nghiệp là một “quả bom nổ chậm.”

Các nhóm hoạt động tranh đấu cũng đưa ra cùng một cảnh báo. Bà Debbie Stothard, phát ngôn viên của tổ chức Alternative ASEAN Network ủng hộ dân chủ và nhân quyền cho Miến Điện, nói: “Có một thôi thúc như vậy cho đầu tư và doanh nghiệp tại Miến Điện, mà theo tôi, những nhận định của bà Aung San Suu Kyi là điều giúp chúng ta xét lại thực trạng và là một lời cảnh tỉnh, cũng như cả thế giới phải nghĩ đến tình hình của Miến Điện và ảnh hưởng của đầu tư đối với dân chúng địa phương.”

Một số những doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại các quốc gia đang phát triển đã bác bỏ lời cảnh báo đó, cho rằng nó mang tính phóng đại.

 Chuyên gia Joseph Stiglitz, một giáo sư kinh tế tại đại học Columbia từng được trao giải Nobel kinh tế năm 2001, cho rằng bà Suu Kyi bi quan quá đáng về triển vọng kinh tế Miến Điện và rằng các nhà đầu tư sẽ vẫn tiến hành công việc của họ.

Sự hăng say từ những nhà đầu tư nước ngoài đã gây nên những quan ngại cho một số các nhà phân tích cho rằng kinh tế phát triển nhanh chóng sẽ gây trở ngại cho công cuộc cải tổ chính trị thêm nữa.

 Cựu thượng nghị sỹ Thái Lan Kraisak Choonhavan đang dẫn đầu công cuộc cổ võ cho nhân quyền Miến Điện. Ông nói: "Sự sống còn của cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ hóa Miến Điện đang tiến dần tới chỗ chết, một cái chết chậm chạp. Toàn bộ nỗ lực hiện nay của các quốc gia Tây phương và các quốc gia khác là nhắm tới các tài nguyên của Miến Điện và những địa điểm đầu tư, như thời Tây tiến đổ xô đi tìm vàng tại Hoa Kỳ thế kỷ thứ 19 vậy."

Nhưng những người khác tại Miến Điện như danh hài Zarganar, từng là tù nhân chính trị trong 11 năm, tin rằng nước ông đã tiến vào một kỷ nguyên mới:

 “Đây là một thời điểm hết sức quan trọng cho quốc gia chúng tôi, buổi bình minh của Miến Điện. Chúng tôi phải đi đến một ngày tươi sáng, không muốn trở lại đêm đen. Giờ đây chúng tôi đang trong ánh bình minh để tiến vào một ngày tươi sáng. Chúng ta không muốn trở lại đêm đen nữa.”

Công cuộc cải tổ chính trị và sự chú ý của giới đầu tư vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Miến Điện, lực lượng lao động trẻ tuổi và vị trí kề cận của Miện Điện với Trung Quốc và Ấn Độ chưa gì đã khiến Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Miến Điện lên tới 6% trong năm 2012.

Trung Quốc dùng vũ khí kinh tế đối với Philippines

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh dùng vũ khí kinh tế đối với những nước có tranh chấp

 

Chuối là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Philippines (ảnh: philippinebanana.com)

 

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông nay đã chuyển sang lĩnh vực kinh tế, với những hậu quả không chỉ giới hạn trong cuộc “chìến tranh” chuối giữa hai nước.

 Cuộc “chiến tranh” này đã bắt đầu từ tháng 3, khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc than phiền là chuối nhập từ Philippines không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cho nên không thể bán trên thị trường Trung Quốc.

Kể từ nay, Bắc Kinh yêu cầu phải thanh tra lại toàn bộ chuối từ Philippines, không còn chỉ dựa vào giấy chứng nhận kiểm tra của phía Manila.

Sau chuối, Trung Quốc cũng đã bắt đầu kiểm tra gắt gao hơn các loại trái cây khác của Philippines, như đu đủ, xoài, dừa và thơm, khiến các nhà xuất khẩu Philippines phải vội tìm các thị trường khác ở Trung Đông và những vùng khác để bán kịp lượng hàng ứ đọng.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, có thể nói là cho tới nay, thị trường Trung Quốc đã cứu nguy cho các nhà xuất khẩu Phillipines, đang gặp nhiều khó khăn tại các thị trường truyền thống.

 Thế nhưng, kể từ khi Bắc Kinh thi hành những hạn chế đối với chuối của Philippines, các doanh nghiệp Philippines cho biết là họ đã bị mất hơn 23 triệu đôla. Nên nhớ rằng chuối hiện chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Tuy vậy, hiện giờ chính phủ Manila chưa dám đổ hết lỗi cho Bắc Kinh trong tranh chấp này, nhìn nhận là bản thân các nhà xuất khuẩu Philippines cũng phải nỗ lực bảo đảm mặt hàng của họ đạt tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm.

Họ cũng nhấn mạnh là Trung Quốc đã thi hành các biện pháp gắt gao về chuối ngay từ trước khi xảy ra đụng độ giữa hai nước ở khu vực bãi cạn Scarborough vào đầu tháng 4.

 Nhà chức trách Philìippines đã tăng cường thanh tra trái cây của nước này trước khi xuất sang Trung Quốc.

Thế nhưng, cuộc “chiến tranh” chuối này làm nổi rõ sự phụ thuộc về kinh tế ngày càng nhiều của Philippines đối với Trung Quốc.

 Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của Philippines, chỉ sau Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Theo dự đoán, đến năm 2013, Trung Quốc sẽ là bạn hàng lớn nhất của Philippines. Nhưng nếu Bắc Kinh tiếp tục kiểm tra gắt gao như vậy, có thể sẽ đến lượt hàng điện tử xuất khẩu của Philipines bị ảnh hưởng, trong khi đây là mặt hàng chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh dùng vũ khí kinh tế đối với những nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc.

Vào năm 2010, Bắc Kinh đã đình chỉ xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, có lẽ là nhằm trả đũa vụ Tokyo bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc ở khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Nếu thật sự Bắc Kinh cũng sử dụng vũ khí kinh tế đối với Manila thì chắc chắn Philippines sẽ là nước bị thua thiệt. Ngoài chuối, Trung Quốc còn nhập nhiều loại trái cây khác cũng như rất nhiều khoáng sản từ Philippines.

Với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng gay gắt, bên cạnh việc huy động các tàu chiến, Bắc Kinh có vẻ sẵn sàng dùng lá bài kinh tế để áp đảo đối phương.

Switch mode views: