The Diplomat : Ông Nguyễn Phú Trọng không phải là Tập Cận Bình
- Thứ Năm, 29 tháng Mười Một năm 2018 01:11
- Tác Giả: Thụy My
Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong dịp tiếp chủ tịch Cuba tại Hà Nội, ngày 09/11/2018.
REUTERS/Kham/Pool
Tháng trước, tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã kiêm thêm chức chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vào cuối tháng Chín.
Lẽ tất nhiên là sự kiện này dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng ông Trọng đang trở thành một khuôn mặt độc tài, theo chân « lãnh đạo tối cao » của Trung Quốc là Tập Cận Bình.
Tuy nhiên theo tác giả David Hutt trên The Diplomat, thì có đôi chút nhầm lẫn trong cách nghĩ này.
Khi kiêm nhiệm cả hai chức vụ, đã hẳn là ông Trọng cũng tương tự như ông Tập.
Một điểm tương đồng nữa là ông Nguyễn Phú Trọng còn là chủ tịch Quân ủy Trung ương như tổng bí thư Trung Quốc.
Nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngay từ đầu thập niên 90 đã quyết định nhập hai vai tổng bí thư và chủ tịch nước làm một.
Còn đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) cùng thời gian đó lại muốn tách biệt, tuy rằng việc gộp hai chức vụ trên đã được bàn đến trong những năm 90.
Kiêm nhiệm chủ tịch nước, nhưng chưa chắc độc tài
Cũng rất có thể đúng, là chưa có nhà lãnh đạo chính trị nào lại có quyền hành to lớn như ông Trọng hiện nay, từ thời ông Lê Duẩn – người giữ chức tổng bí thư từ năm 1958 (chính thức là từ 1960) cho đến lúc qua đời năm 1986.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng nay còn có quyền lực lớn hơn cả Lê Duẩn trước đây, nhưng việc này còn phải bàn cãi.
Ông Lê Duẩn có một đối thủ quan trọng là Trường Chinh, trong khi ông Trọng không có ai đối đầu.
Mặc dù ông Duẩn có thể thay đổi chính sách của đảng nhằm tấn công tổng lực miền Nam Việt Nam, còn ông Trọng vẫn đang phải chiến đấu chống tham nhũng.
Cũng cần phải nhấn mạnh là có sự khác biệt lớn giữa việc nắm giữ và sử dụng quyền lực một cách độc tài.
Nhưng quyền hạn hiện nay của chủ tịch nước khá hạn chế. Chức vụ này có một số trách nhiệm chính thức (chẳng hạn tư cách người đứng đầu Nhà nước và tổng tư lệnh quân đội), nhưng trách vụ hàng ngày không có bao nhiêu, trừ những chuyến viếng thăm cấp nhà nước.
« Tập trung dân chủ »
Mục tiêu tách hai chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư - truyền thống được chấp nhận từ đầu thập niên 90 - một phần nhằm « tách biệt quyền lực », nhưng chủ yếu để định chế hóa những luồng quan điểm khác nhau.
Nguyên tắc « tập trung dân chủ », theo từ ngữ của đảng, nhằm bảo đảm cho ĐCSVN tuy có rất nhiều quan điểm và phe nhóm khác nhau, nhưng một khi quyết định đã được thông qua, thì tất cả các quan chức đảng phải tuân theo dù có đồng tình hay không.
Theo cách đó, các quyết định trong nội bộ đảng ở Việt Nam mang tính tập thể nhiều hơn bất kỳ nước xã hội chủ nghĩa nào khác.
Có vẻ như ông Trọng không muốn thay đổi điều này.
Trong « tứ trụ », thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một kiểu nhân vật cải cách và kỹ trị, còn chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khá thẳng thắn và được cho là đã có va chạm với ông Trọng trong nhiều vấn đề.
Ông Trọng, vốn đi lên từ một nhà lý luận của đảng và đậm tính truyền thống hơn các nhà lãnh đạo gần đây, những năm trước được cho là phản đối việc nhất thể hóa chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước.
Nhưng chiến thắng của ông Trọng tại Đại hội Đảng năm 2016, khi ông ngăn chặn được việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở thành tổng bí thư, được coi là chiến thắng của quyết định đồng thuận.
Vào lúc đó, ông Dũng được cho là một nhân vật tham vọng và độc tài hơn.
Đọc thêm: Tập Cận Bình « làm cho Trung Quốc thống trị thế giới trở lại »
Khác biệt giữa ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình
Tập Cận Bình của Trung Quốc thì rõ ràng đang thống trị ĐCSTQ, trở thành « lãnh tụ tối cao », « lãnh đạo cốt lõi ».
Nhưng ĐCSTQ có lịch sử lâu dài về việc đặt trọn quyền lực vào tay một người duy nhất, và có xu hướng tôn sùng lãnh tụ hơn là ĐCSVN.
Ông Nguyễn Phú Trọng năm nay 74 tuổi, và tại Đại hội Đảng năm 2016 đã được đặc miễn về tuổi tác để tiếp tục làm tổng bí thư.
Hầu như chắc chắn ông sẽ thôi chức vào năm 2021. Còn Tập Cận Bình 65 tuổi, và không tỏ bất cứ dấu hiệu nào cho thấy muốn rút lui, mà ĐCSTQ cũng không có khả năng buộc ông Tập phải rút.
Cũng giống như khác lãnh đạo đảng khác của Việt Nam, ông Trọng không chủ trương sùng bái cá nhân.
Ngược lại, ông Tập hàng ngày luôn xuất hiện trên trang bìa và các trang trong của tất cả các nhật báo Trung Quốc.
Một điểm khác biệt nữa là tham vọng.
Tập Cận Bình muốn thay đổi Trung Quốc, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng dường như hiện chỉ muốn chỉnh đốn ĐCSVN.
Trong ý nghĩa này, mục tiêu chủ yếu của ông Trọng là làm trong sạch hóa đảng thông qua chiến dịch chống tham nhũng, thanh lọc đảng viên với chiến dịch chấn hưng đạo đức.
Ông tập trung quyền lực từ địa phương về Hà Nội, và muốn bảo đảm duy trì tính chính danh của đảng đối với người dân, thông qua phát triển kinh tế và duy trì nguyên trạng ổn định.
Giải pháp đơn giản nhất
Nhưng ông Trọng rõ ràng không có ý tưởng gì mới ngoài các nhiệm vụ của đảng.
Cải cách kinh tế và tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh tiếp tục ở mức tương tự như trước năm 2016, các nhà ly khai bị trấn áp mạnh mẽ hơn, nhưng điều này không có gì mới mẻ tại Việt Nam.
Việc ông Trọng kiêm chức chủ tịch nước, theo The Diplomat, có thể ít mang ý nghĩa nắm trọn quyền, như một số nhà quan sát nhận định.
Quy định của đảng đòi hỏi chủ tịch nước phải là ủy viên Bộ Chính trị ít nhất một nhiệm kỳ.
Chỉ có năm người đáp ứng được điều kiện này, gồm ông Trọng, thủ tướng Phúc, và bà Ngân.
Hai người còn lại có vẻ không muốn tranh đua vì thật ra quyền hành chủ tịch không bằng chức vụ họ đang giữ : ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành phố Hồ Chí Minh và bà Tòng Thị Phóng - phó chủ tịch Quốc Hội vốn không có nhiều uy tín trong đảng.
Đọc thêm: Hội nghị Trung ương 7, một khởi đầu cho Đổi Mới chính trị ở Việt Nam ?
Hơn nữa, nếu những nhân vật khác lên làm chủ tịch nước, thì cần phải có một cuộc cải tổ nhân sự lớn, một vấn đề mà đảng vẫn rất vất vả từ 2016.
Cần phải bổ sung Bộ Chính trị, đã mất đi hai ủy viên trong những năm gần đây (thật ra là ba nếu kể cả ông Đinh Thế Huynh, vốn đã rút khỏi nhiều chức vụ từ đầu năm và hiếm khi có mặt trong các cuộc họp Bộ Chính trị).
Không nắm trọn quyền hành trong tay
Nếu ông Trọng thật sự nắm trọn được quyền hành, thì ông đã có thể đưa người của mình vào những chiếc ghế còn trống trong Bộ Chính trị, và thậm chức cả chức chủ tịch nước có thể vào tay những người thân tín của ông Trọng ; như ông Trần Quốc Vượng, chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, hay bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch.
Sự kiện Trung ương Đảng không bổ nhiệm các đồng minh của ông Trọng, và Bộ Chính trị vẫn trống chỗ, chứng tỏ các phe nhóm vẫn tranh chấp và đảng không muốn gây chia rẽ trong nội bộ.
Đọc thêm: Dư luận sôi sục trước Đại hội Đảng Việt Nam
Thêm vào đó, chủ tịch nước vẫn có thể tại vị sau Đại hội Đảng năm 2021.
Có thể Trung ương Đảng cho rằng hãy còn quá sớm để quyết định, và tốt nhất nên để cho ông Trọng tạm kiêm nhiệm.
Tuy Trung ương Đảng nhất trí để cho ông Trọng làm chủ tịch nước, nhưng sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng ông có được sự ủng hộ của cả 180 ủy viên.
Rất nhiều ủy viên trung ương đã thăng tiến dưới sự bảo trợ của Nguyễn Tấn Dũng, đối thủ của ông Trọng năm 2016 ; số khác không đồng tình với chống tham nhũng – một số bị mất chức vì chiến dịch này.
Cũng đừng quên rằng hồi tháng 5/2013, Trung ương Đảng đã bác bỏ hai đề cử của ông Trọng cho Bộ Chính trị, đưa vào hai nhân vật khác.
Đảng chưa muốn nhất thể hóa
Nhà phân tích Lê Hồng Hiệp, trong một bài viết tháng 3/2015, cho rằng cơ cấu quyền lực ĐCSVN giống như một kim tự tháp đảo ngược, với Trung ương Đảng nhiều quyền lực nhất, tiếp đến là Bộ Chính trị rồi mới tới tổng bí thư.
Nhưng đã có sự thay đổi từ Đại hội 2016. Ông Trọng đã nỗ lực làm cho Bộ Chính trị có nhiều quyền hơn, nhưng ông cũng không thể nhào nắn được Trung ương Đảng như những con rối.
Và nếu mọi chính sách của đảng chỉ nằm trong tay một người, thì tại sao Trung ương Đảng lại dồn hết quyền hành cho ông Trọng nếu ông độc tài ?
Có lẽ Trung ương đồng ý rằng ông Trọng là chọn lựa dễ dàng và nhanh gọn nhất, ít gây ra căng thẳng trong nội bộ đảng.
Ông Trọng có lẽ sẽ thôi chức tổng bí thư năm 2021, nhưng vẫn có thể làm chủ tịch nước, tiếp tục lãnh đạo đường lối – các tổng bí thư về hưu xưa nay vẫn có ảnh hưởng đáng kể.
Cho đến nay, chưa có dấu hiệu gì cho thấy ĐCSVN muốn thay đổi Hiến pháp để nhất thể hóa hai chức vụ, và theo The Diplomat, việc kiêm nhiệm tổng bí thư và chủ tịch nước tại Việt Nam chỉ là tạm thời.
Tin mới
- Bulgari cho Bắc Kinh dẫn độ một viên chức Trung Quốc về nước - 30/11/2018 23:11
- Ukraina : Thượng viện Mỹ ra nghị quyết lên án Nga gây hấn - 30/11/2018 23:03
- Chống tăng giá xăng : Thủ tướng Pháp tiếp đại diện phe biểu tình - 30/11/2018 17:11
- Syria đáp trả mạnh mẽ đợt oanh kích của Israel - 30/11/2018 16:33
- Xã hội chủ nghĩa Trung Quốc : Mô hình lừa đảo - 29/11/2018 21:39
- Hàn Quốc buộc Mitsubishi bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến. - 29/11/2018 21:16
- Việt Nam : Công an bắt giam trùm tài phiệt Trần Bắc Hà - 29/11/2018 21:08
- Điều tra nghi án Nga : Trump lại tấn công công tố viên Mueller - 29/11/2018 20:59
- Brazil sẽ không tổ chức thượng đỉnh khí hậu COP 25 - 29/11/2018 16:24
- Chiến hạm Mỹ lại băng qua eo biển Đài Loan - 29/11/2018 16:13
Các tin khác
- Nhật Bản cải tiến khu trục hạm thành hàng không mẫu hạm - 29/11/2018 00:30
- Nhân quyền : Bình Nhưỡng gây áp lực lên Hội Đồng Bảo An - 28/11/2018 18:24
- « Cha đẻ » của hai em bé đổi gien tuyên bố tạm ngưng thí nghiệm - 28/11/2018 18:13
- TT Mỹ sẽ cố đạt thỏa thuận với Trung Quốc bên lề hội nghị G20 - 28/11/2018 17:19
- Đấu vật Ssireum của hai miền Triều Tiên được công nhận là di sản văn hóa thế giới - 27/11/2018 23:17
- Quan chức cao cấp Thượng Viện Pháp bị nghi làm gián điệp cho Bắc Triều Tiên - 27/11/2018 23:06
- Học giả quốc tế lên án Trung Quốc về các trại cải tạo ở Tân Cương - 27/11/2018 20:17
- Putin cảnh cáo Ukraina về thiết quân luật ở các vùng biên giới - 27/11/2018 17:24
- Ngân sách Ý: Roma đấu dịu với LHCA nhưng không đề ra biện pháp cụ thể - 27/11/2018 15:23
- Phong trào Áo Vàng: TT Pháp vẫn theo đuổi mục tiêu chuyển đổi năng lượng - 27/11/2018 15:15