Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp: Báo động về chăm sóc người rối loạn tâm lý, tâm thần

schizophrénie


Theo nhiều nghiên cứu trong năm 2018, 20% dân Pháp mắc chứng rối loạn tâm lý, trầm uất, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, tự kỷ, tâm thần phân lập ...Getty images/Peter Sherrard

 

Một vụ cháy lớn xảy ra tại một khu nhà ở phố Erlanger, quận 16, Paris, trong đêm 04 rạng sáng 05/02/2019 đã khiến 10 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Vụ việc được truyền thông Pháp nói đến rất nhiều, không chỉ bởi đây là vụ hỏa hoạn gây nhiều thiệt hại về người nhất tại thủ đô nước Pháp suốt từ 14 năm qua, mà còn bởi nguyên nhân gây ra thảm cảnh.

Nghi phạm là một người phụ nữ 40 tuổi sống trong tòa nhà.
Điều đặc biệt là người phụ nữ này có tiền sử rối loạn tâm thần.

 

Từ năm 2009 đến năm 2019, bà đã từng 13 lần phải nhập viện Sainte-Anne để chữa trị bệnh tâm thần.
Lần gần đây nhất, sau hơn chục ngày điều trị, từ ngày 18 đến ngày 30/01/2019, bà được bác sĩ cho xuất viện.

 Chưa đầy 1 tuần sau đó, người phụ nữ này phóng hỏa đốt chung cư. Vụ việc lại làm dấy lên nhiều tranh luận về cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần tại Pháp.

Hội chứng « cửa xoay »

Bà Marie-Jeanne Richard, chủ tịch Hiệp hội gia đình của những người mắc bệnh tâm thần, nhấn mạnh trên đài Arte ngày 08/02/2019:

« Thực ra không thể nói là tất cả những người có rối loạn về tâm lý đều sẽ gây ra hành vi bạo lực. Rõ ràng là như vậy.
Thực sự chúng ta cần nói rõ và nhắc đi nhắc lại điều đó. Không phải vì có vấn đề tâm lý là người ta sẽ phạm tội hay gây tội ác. Phải nói rõ như vậy.
Ngoài ra, có một điều mà chúng ta thấy rõ, đó là hội chứng mà người ta gọi là « cửa xoay » là một vấn đề quan trọng.

Việc theo dõi, chữa trị thường bị ngắt quãng. Vấn đề trong vụ hỏa hoạn nằm ở chỗ, như chúng ta đã nghe, người phụ nữ đã qua 13 lần nằm viện điều trị, cứ ra viện rồi lại nhập viện.
Điều này cũng có nghĩa là bà ấy bị bỏ rơi khi đang được chăm sóc, với những đợt trị liệu bị huỷ bỏ. »

Theo nhiều chuyên gia, hội chứng « cửa xoay », hiện tượng nhiều người rối loạn tâm lý, tâm thần nhiều lần nhập viện, xuất viện lặp đi lặp lại - như trường hợp nghi phạm vụ phóng hỏa nói trên ở Paris - phản ánh tình trạng người bệnh không được điều trị đủ lâu, thường phải ra viện quá sớm khi thần kinh chưa thực sự ổn định.

Điều này cũng cho thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần tại Pháp đang ngày càng xuống cấp.
Tại các thành phố lớn, cảnh những người đi lang thang, nói cười một mình, gào thét, khóc lóc trên phố hay tại các bến tàu điện ngầm là cảnh thường thấy. Liệu có phải số người như vậy đang ngày càng nhiều ?

 

 Rất khó để biết rõ vì hiện không có số liệu cụ thể, nhưng khi phát biểu với báo Le Parisien, bác sĩ Antoine Pelissolo, trưởng khoa tâm thần của bệnh viện Henri-Mondor, thành phố Créteil, cùng Val-de-Marne, ngoại ô Paris, nhận xét :
 « Quá nhiều người bị như vậy không phải là điều bình thường ».

Còn giáo sư tâm thần học Michel Lejoyeux thuộc bệnh viện Bichat cho rằng :
« Đó thực sự là một vấn đề. Không thể chấp nhận được chuyện không có một nghiên cứu đánh giá nào về một vấn đề nghiêm trọng như vậy ».

Bác sĩ tâm lý Marion Leboyer, thuộc bệnh viện Henri-Mondor, đồng tác giả cuộc điều tra gây sốc « Tâm thần học :
Tình trạng khẩn cấp » thì phẫn nộ : « Một phần lớn người dân không được chăm sóc đúng mức ».

Trong khi dân số tăng và số người phải đi khám tâm lý cũng ngày càng nhiều, thì số giường bệnh tại các khoa, bệnh viện tâm thần lại giảm mạnh 60-70% trong vòng 30 năm qua.

Báo Le Parisien ngày 16/01/2019 cho biết theo nhiều nghiên cứu trong năm 2018, 20% dân Pháp mắc chứng rối loạn tâm lý, trầm uất, rối loạn lưỡng cực hay còn được biết đến với tên gọi bệnh phấn khích - trầm cảm, tự kỷ, tâm thần phân lập …

Mỗi năm, tại Pháp có 10.000 vụ tự tử do rối loạn tâm thần và số vụ người có vấn đề tâm lý tìm cách tự vẫn là 220.000 vụ.
Còn theo báo Le Monde ngày 18/08/2018, trong năm 2016, có tổng 2,1 triệu bệnh nhân được thăm khám và theo dõi tại 3.900 trung tâm khám tâm lý hoặc các bệnh viện tâm thần.
Riêng số bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện tâm thần là 417.000 người.

Bệnh viện tâm thần quá tải

Các bệnh viện tâm thần là nơi điều kiện chăm sóc bệnh nhân ngày càng tồi tệ.
Trong một phóng sự trên kênh truyền hình Arte ngày 08/02/2019, bác sĩ tâm lý Bellashen trích dẫn hai trong số các ý kiến than phiền của bệnh nhân:
 « Khi chúng tôi gặp vấn đề, chúng tôi không thể trao đổi với các y tá. Khoa tâm lý, tâm thần không còn như trước đây nữa.
Chúng tôi vẫn là chúng tôi với các vấn đề của chính mình. Cần thảo luận để làm dịu bớt mọi chuyện.
Điều này có liên quan đến việc giảm quân số. Càng có ít người thì càng có ít thời gian ».

Một người khác thì nói : « Chúng tôi cần có thời gian chứ không cần nghe y tá nói là ‘Ông bà hãy quay lại khi khác nhé’.
Các nhân viên y tế ở đây lẽ ra là để chăm sóc chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi ».

Nhiều bệnh nhân kể lại với bác sĩ Bellashen là họ ngày càng có ít đối thoại trao đổi với y bác sĩ trong các cơ sở chăm sóc tâm lý, tâm thần, ngày càng uống nhiều thuốc và đặc biệt ngày càng có ít mối liên hệ với xã hội, thế giới bên ngoài.

Trong năm 2018, nhiều y bác sĩ đã đấu tranh đòi cải thiện điều kiện khám xét, chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện tâm thần ở nhiều thành phố trên cả nước Pháp, từ Bourges, Rennes, đến Amiens, Saint-Etienne …

Một nhân viên chăm sóc tâm lý tham gia tuần hành trên đường phố lấy làm tiếc :
« Trước đây, chúng tôi có đông người và chúng tôi có thể làm nhiều việc cùng với bệnh nhân. Khi họ cần chúng tôi để giảm nhẹ nỗi lo sợ, chúng tôi đồng hành hỗ trợ họ.
Bây giờ thì chúng tôi không thể làm như vậy nữa. Điều mà người ta đòi hỏi chúng tôi bây giờ chỉ là lợi nhuận và lợi nhuận. »

Bác sĩ tâm thần Bellashen chia sẻ thẳng thắn trên đài Arte : « Chuyện hàng ngày tại một khoa tâm lý, tâm thần, nếu quý vị muốn biết, thì hiện giờ phải nói một cách rõ ràng là sự phản kháng của các nhân viên chăm sóc trong các bệnh viện tâm thần không phải là do vấn đề về tiền lương mà là làm thế nào để bệnh nhân được tiếp đón xứng đáng với nhân phẩm của họ.
Và ngay cả chúng tôi, về đạo đức nghề nghiệp, chúng tôi cũng tự cảm thấy rất xấu hổ, chúng tôi cảm thấy những điều chúng tôi làm là không xứng đáng với nhân phẩm ».

Điển hình nhất trong phong trào đấu tranh của đội ngũ y bác sĩ tâm thần của các bệnh viện là phong trào của « Áo Blu Đen » - tập thể các nhân viên của Bệnh viện tâm thần Rouvray, tại thành phố Scotteville-Iès-Rouen.

Truyền thông Pháp trích dẫn nhiều bác sĩ, y tá, hộ lý và cả các bệnh nhân theo đó điều kiện tại bệnh viện này là đáng báo động, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, các phòng bệnh quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường, trẻ em nằm chung phòng với người lớn, thậm chí nhiều giường bệnh được kê cả trong phòng làm việc của nhân viên, có bệnh nhân phải ngủ ngồi trên ghế vì không có giường nằm.

Bệnh viện quá tải khiến nhiều bệnh nhân chưa thực sự ổn định trở lại đã được cho ra viện để có chỗ cho bệnh nhân khác nhập viện.
 Không chỉ thiếu giường bệnh mà bệnh viện còn thiếu cả y tá, hộ lý, khiến đội ngũ y bác sĩ phải làm việc quá sức, không khí làm việc căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Ông Nicolas Fourneyron, một đại diện của Áo Blu Đen, giải thích trên đài France 3 ngày 20/03/2018 :
 « Các nhân viên chăm sóc trong bệnh viện này rõ ràng là đã kiệt sức.
 Nhân viên tại các bệnh viện khác cũng vậy, tôi nghĩ thế. Và sau giờ làm, chúng tôi thường trở về nhà mà không dứt khỏi được các vấn đề ở bệnh viện.
 Công việc là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi.

Và như tôi đã nói, chúng tôi làm công việc này vì chúng tôi muốn chăm sóc mọi người.
 Nhưng giờ ngay đến việc chăm lo cho chính chúng tôi, chúng tôi cũng thấy rất khó khăn.
Mỗi người phải tự lo cho mình. Chúng tôi thật không may. Tôi nghĩ rằng mọi chuyện đều trở nên khó khăn hơn cho tất cả mọi người.
Cần phải làm một điều gì đó, nếu không mọi chuyện sẽ thực sự nổ tung mất ».

Đối với các nghiệp đoàn ở bệnh viện tâm thần Rouvray, giải pháp duy nhất là thành lập thêm các khu điều trị dài ngày.

 Y tá Cyril Boutin, thuộc nghiệp đoàn CGT phát biểu trên đài France 3 : « Nói khái quát thì bệnh viện cần có thêm ít nhất 35 giường bổ sung hay cho trường hợp khẩn cấp, tương đương với gần hai khu điều trị lúc nào cũng kín bệnh nhân.
 Vì thế, chúng tôi yêu cầu các cơ quan quản lý và bộ Y Tế cung cấp phương tiện để đưa các khu điều trị này vào hoạt động và nhằm đón tiếp bệnh nhân xứng đáng với nhân phẩm của họ ».

Sau nhiều tháng đình công, thậm chí có nhiều y bác sĩ tuyệt thực trong suốt hai tuần liền để gây áp lực cho bộ Y Tế, cuối cùng thì vào tháng 06/2018, đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện tâm thần Rouvray được tăng cường bổ sung thêm 30 người.
Tương tự, bệnh viện tâm thần ở thành phố Le Havre cũng được nhận bổ sung 34 y bác sĩ.
Tuy nhiên, một số bệnh viện tâm thần lại lâm vào tình cảnh dù được phép tuyển dụng thêm người nhưng vẫn có nhiều vị trí bị bỏ trống.

 

Theo Le Monde, nghiệp đoàn thầy thuốc chuyên khoa tâm thần tại các bệnh viện ước tính có khoảng 900-1.000 vị trí hiện vẫn bị bỏ trống.
Dường như không nhiều người « mặn mà » với công việc ở các bệnh viện tâm thần vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Trung tâm khám tâm lý cho thanh thiếu niên cũng quá tải

Không chỉ các bệnh viện tâm thần bị quá tải, mà các phòng khám, nhất là các trung tâm khám tâm lý cho trẻ em, thanh thiếu niên (CMP) cũng lâm vào tình trạng này. Để đặt hẹn khám tâm lý cho con, nhiều phụ huynh thậm chí phải đợi cả năm trời, việc chẩn bệnh vì thế bị muộn, các em nhỏ có vấn đề tâm lý nhiều khi không được theo dõi và trị liệu.

Các bậc phụ huynh có con mắc bệnh có cảm giác bị bỏ rơi, một mình phải tự mò mẫm, xoay xở chăm sóc các bé.
Phát biểu trên đài RFI ngày 10/02/2019, bác sĩ Clémentine Badet, thuộc một trung tâm khám tâm lý CMP ở thành phố Amiens, miền bắc nước Pháp, chia sẻ cảm giác bất lực :

 

 « Thật là đau lòng, thật là đáng thất vọng. Chúng tôi có vấn đề về quân số. Chúng tôi không có đủ người làm việc trong trung tâm khám tâm lý này.
Chúng tôi có một dự án về chăm sóc và hỗ trợ người có vấn đề về tâm lý.
Nếu mà tôi có thể có mối liên hệ chặt chẽ hơn, chẳng hạn với đồng nghiệp là nhân viên trợ giúp xã hội không quá bận bịu, hoặc nếu tôi có thể thu xếp để hẹn gặp bệnh nhân hay gia đình họ một, đến hai lần mỗi tuần, thì chúng tôi cảm thấy sẽ có thể giải quyết được điều gì đó, nhưng chúng tôi không có đủ người để làm như vậy. Đôi khi việc đó cần rất nhiều thời gian ».

Cuộc khủng hoảng của hệ thống chăm sóc tâm lý, tâm thần cũng đã được bộ trưởng Y Tế, Agnès Buzin thừa nhận hồi cuối tháng 12/2018.
 Theo lãnh đạo ngành Y Tế, lĩnh vực này của Pháp « chậm trễ một cách khó tin ».

Bộ trưởng Buzin đã cam kết chi thêm 50 triệu euro ngân sách năm 2019 để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần.
Bộ Y Tế Pháp cũng mong muốn đến năm 2022, tất cả các bác sĩ đa khoa phải có kỳ thực tập về tâm thần học trong khóa học bác sĩ nội trú, bởi vì khi hành nghề họ sẽ phải thường xuyên đối diện với các bệnh lý tâm thần.

Switch mode views: