Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tình mẹ con - Phần cuối

me va con 3
Bà Lụa lại tủ thuốc lấy ra năm, bảy cái chai nhựa nhỏ, thứ các dược phòng vẫn dùng để trao thuốc cho bệnh nhân, đổ ra cái đĩa nhựa trắng mỗi thứ một viên, xong đưa lại bàn cho cụ Tấn. Bà rót thêm nước trà vào tách cho cụ:
“Mẹ uống thuốc rồi đi.”

Yêm hỏi:

“Thuốc gì mà bà ngoại uống nhiều thế hả mẹ?”

“Ðủ thứ hết, cao máu, cao mỡ, phong thấp, can-xi-um, thoa khớp xương v.v...toàn do bác sĩ bảo phải uống,” bà Lụa trả lời con rể, “Ấy là sau bữa trưa đã uống một đợt rồi đấy, không thì phải gấp đôi này.”

Martha xen vào:

“Bảo sao một bà cụ Mỹ mà con quen, có lẽ tuổi còn ít hơn bà ngoại, bảo con là mỗi ngày bà ấy phải uống cả vài chục viên thuốc đủ loại. Bà ấy bảo nguyên thuốc đủ no rồi, khỏi cơm cháo gì nữa và khi một số bác sĩ và một số người nói tuổi già là tuổi vàng chỉ là nói không đúng sự thực. “Golden Age” cái gì mà ăn không được, ngủ không được, rồi đến đi đứng cũng không được; con, cháu “tha” đi đâu thì đi đó; mất hết tự do. Gọi tuổi già là tuổi vàng đúng là một thứ diễu dở.

Bà cụ Mỹ có vẻ tức tối về cái tuổi già của mình lắm mà nhiều người còn khen bậy.

Chuyện uống thuốc, con cũng sợ, ngay cả thuốc bổ. Hồi có bầu thằng Jacob, bác sĩ bắt con mỗi ngày phải uống ba loại thuốc, con chiêu với nước mà nó cứ muốn ói ra.”

Cụ Tấn bảo:

“Có bệnh thì phải uống thôi. Không uống bệnh nó hành còn khổ nữa. Như bệnh phong thấp của bà, không có cái thuốc Vai-óc (Viox) là nó đau không cựa quậy gì được. Lại còn bệnh xót bao tử. Ăn cái gì lạ lạ vào nó cũng đau nếu trước khi ăn quên không uống thuốc. Thời nay thuốc men tốt rất nhiều so với thời xưa, không thì tuổi già còn khổ nữa, chết sớm nữa.”

Yêm đứng lên:

“Thôi, tuổi vàng tuổi bạc có bàn đến mai cũng chưa hết. Tụi con thích nhất là cái tuổi tụi con bây giờ. Làm việc mệt rồi đi chơi, đi ăn. Con nghĩ đó chính là tuổi vàng.

Con mời ngoại và mẹ ra xe kẻo trễ.”

Thằng Jacob ngồi một cái ghế nhỏ làm riêng cho lứa tuổi của nó có giây an toàn đàng hoàng. Nếu không, Cảnh sát bắt được phạt rất nặng vì không giữ an toàn cho đứa bé. Vợ chồng người bạn của Yêm và Martha mới đây quên mang theo cái ghế, cho đứa con ngồi bên cạnh má nó ở băng sau, bị phạt mấy trăm. Từ đó sợ.

Cạnh Jacob là bà Lụa và cụ Tấn. Martha ngồi phía trước với chồng. Jacob được đi chơi, nó cười luôn miệng. Nó nắm lấy tay bà Lụa kéo đặt vào ngực nó có vẻ rất trìu mến. Nhưng nó không bao giờ làm điều đó với cụ Tấn mặc dù nó không ghét cụ. Có lẽ nó thấy những vết da nhăn nheo và cái miệng móm không hợp với nó chăng?

Bà Lụa hỏi Yêm:

“Tụi con đưa bà và mẹ đi ăn ở đâu?”

“Ði tiệm Nhật ăn Sushi được không mẹ?”

“Hồi xưa thì được nhưng bây giờ bụng bà yếu nên bà không muốn ăn cá sống.”

Martha đỡ lời Yêm:

“Nhiều món chín lắm mẹ. Ðể tụi con gọi những món cá nấu chín cho ngoại.”

Yêm lái qua mấy con đường đèn sáng như ban ngày. Những rạp chiếu bóng người xếp hàng dài mua vé đứng ra đến tận ngoài đường, nhất là những rạp 3D (three dimensions) nghĩa là 3 chiều, coi “đã” lắm. Hôm nay có phim mới của đạo diễn Mel Gibson: “The Passion of Jesus Christ”, thiên hạ nô nức đi coi. Người theo Thiên Chúa giáo đã đành mà người không phải Thiên Chúa giáo cũng đi coi cho biết cuộc tử nạn của Ðấng Christ. Báo chí nói phim này thu cả tỉ tiền vé cũng như phim Titanic mấy năm trước. Có người được phỏng vấn trên báo, nói họ đã đi coi Titanic tổng cộng 21 lần. Yêm lấy làm lạ sao có những người mê say đến như thế. Cũng như phim “Les misérables” Những kẻ khốn cùng” cốt chuyện từ cuốn sách nổi tiếng của văn hào Victor Hugo, chiếu liên tục tại một rạp ở New York cả chục năm mà vẫn đông khách. Phim này mới ngưng vài năm nay.

Lúc đi ngang qua rạp chiếu bóng, Yêm nói với bà và mẹ:

“Phim này còn chiếu lâu. Bữa nào bà với mẹ rảnh con sẽ chở đến đây coi cho biết. Phim được nói là vĩ đại lắm.”

Bà Lụa đỡ lời mẹ:

“Phải đấy, mẹ với bà ngoại cũng muốn đi coi. Dù mình không thuộc Kitô giáo nhưng cũng nên coi cho biết những đấng sáng lập các đạo. Thế giới này cần tôn giáo, mọi tôn giáo chân chính để hướng dẫn con người ăn ngay ở lành, đối tốt với đồng loại và làm điều phúc đức con ạ! Ðời người vắn vỏi lắm, mọi sự rồi sẽ qua đi hết, chỉ có tình nghĩa con người ăn ở với nhau và giáo lí chân chính của các tôn giáo là trường tồn thôi!”

Cụ Tấn chêm vào:

“Con nói rất đúng. Một đời mẹ, ngay như khi bố con còn sống và mẹ còn rất trẻ cũng vậy, mẹ phải chăm lo trồng quả phúc để làm gương cho các con các cháu sau này. Ðức Phật dạy:”Gieo nhân, gặt quả” rất đúng. Ðời mẹ, mẹ đã thấy nhiều kẻ tàn ác, bất nhân rồi cũng chết mà chẳng giữ được cái gì. Lại còn làm bia cho hậu thế chê cười, thử hỏi như thế có đáng để làm điều ác đức không?

Trong gia đình thì mẹ tôn trọng bố con rất mực mặc dù ông không phải là ông thánh. Ông lo cho vợ con nhưng ông cũng có những khuyết điểm khác. Nếu vạch lá tìm sâu thì ai hoàn toàn? Mẹ khác với người ta, lúc nào mẹ cũng một lòng một dạ tôn kính người chồng của mình như con thấy đó.”

Cụ Tấn không nói thì thôi nhưng đã “mở máy” là cứ thao thao bất tuyệt, nhất là khi có người lắng nghe. Bà Lụa nhân dịp bảo con dâu:

“Martha, con nghe ngoại nói về ngoại chưa? Con theo kịp ngoại không?”

Martha cười ngỏn ngoẻn:

“Làm như ngoại không phải dễ nhưng con sẽ cố. Vả lại con với Yêm không có “problem”, con nói Yêm nghe con mà Yêm nói con OK liền thì làm gì có vấn đề hả mẹ?” Quay sang Yêm:”Phải không ông xã Xệ?”

Martha gọi Yêm là ông xã Xệ làm mọi người cười. Bà Lụa bảo:

“Ông xã Xệ mập ú nên mới gọi là xã Xệ. Chồng con có mập đâu mà gọi là xã Xệ?”

“Martha muốn gọi là ông xã đấy mẹ, nhưng lại thêm Xệ vào.” Yêm trả lời bà Lụa.


“Xã Xệ cũng được mà biết thương vợ con và vợ con thương,” cụ Tấn bảo Martha, “Vợ chồng nên nhường nhịn nhau con ạ!”

“Dạ.”

Thằng Jacob ngả đầu sang một bên ngủ. Thằng bé rõ dễ ngủ. Một ngày một đêm nó phải ngủ hơn chục tiếng. Khi không có đồ chơi hoặc có người chơi với nó là mắt nó díu lại nhất là sau những bữa ăn; nhưng Martha chỉ cho nó ngủ có chừng ban ngày để ban đêm nó ngủ say hơn và chập tối đi ngủ sớm hơn.

Yêm lái xe qua một đoạn đường đèn còn sáng hơn nữa. Ðó là các “dealer” bán xe hơi. Xe để bạt ngàn san dã trên những khoảng sân rộng chứa cả dăm, bảy trăm chiếc xe hơi mới, cũ. Mùa hè, các “dealer” xe hơi hoạt động về đêm nhiều. Vẫn thấy những người khách đến coi xe, trả giá. Vẫn nghe cô điện thoại viên nói oang oang trong micro liên lạc với khách hàng. Vẫn năm, bảy anh “salesman” mặc đồ lớn cổ cồn cà vạt chạy qua chạy lại đón khách, miệng tía lia không dứt. Mùa hè ban ngày nóng nên người ta đợi cho mặt trời lặn mới đi coi xe, mua xe cho mát mẻ. Thỉnh thoảng một làn gió nhẹ từ biển thổi vào làm người người sảng khoái, không khí mát hẳn nơi mấy thành phố đông người và xe cộ này.


Yêm lái qua mấy con đường khác đầy những tiệm ăn, những siêu thị mở cửa trễ rồi quặt vào parking. Xe đậu đầy khắp. Tối nay thứ sáu thiên hạ tha hồ đi ăn đi chơi vì còn trước mắt hai ngày, hai đêm tha hồ “enjoy” xả láng.

Vào đến cửa tiệm ăn đã thấy người đứng, người ngồi chờ cả vài chục. Martha vào trong lấy số xong ra bảo bà Lụa:

“Con kiếm chỗ ngồi cho ngoại mà có hai cái băng, họ ngồi kín cả. Con đã lấy số thứ tự rồi đợi họ gọi là mình có bàn. Thế ngoại với chồng con và thằng Jacob đâu hả mẹ?”

“Mấy bà cháu thấy tiệm bán hoa Conroy’s góc kia còn mở cửa nên lại đó, dặn mẹ đứng chờ con ở đây.”

Martha nhìn đám khách chờ và ước tính, xong nói:

“Mẹ với con cũng lại đó coi hoa một tí. Ít ra phải nửa tiếng nữa họ mới gọi đến mình.”

Hai mẹ con lững thững đến tiệm bán hoa. Cụ Tấn, Yêm và thằng Jacob đang trầm trồ trước những đóa cẩm chướng, cúc vàng và hồng đủ mầu, tuyệt đẹp. Martha hỏi cụ Tấn và bà Lụa:

“Bà ngoại với mẹ thích bông gì để con mua tặng?”

“Thôi con, mua chi cho tốn. Coi thế này được rồi. Ðể có dịp lễ lạc gì hãy mua.” Bà Lụa bảo Martha.

“Không sao đâu mẹ. Chẳng bao nhiêu đâu mà mẹ sợ tốn. Mẹ muốn đổi qua cẩm chướng hay mẹ vẫn thích hồng?”

“Cẩm chướng hôm nay quá đẹp con nhỉ! Ðể mẹ hỏi bà xem bà thích thứ gì?”

Nghe con hỏi, cụ Tấn nói thôi đừng mua kẻo tốn tiền nhưng Martha vẫn lựa một tá cẩm chướng vì lúc nãy, Martha thấy cụ cứ ngắm mấy bông cẩm chướng không thôi. Martha lại mua thêm một chậu hoàng cúc đại đóa rất đẹp. Yêm lãnh nhiệm vụ cầm hoa trở lại tiệm Today’s Sushi.

Vừa tới cửa thì người bồi bàn ra kêu số. Anh ta hướng dẫn gia đình Yêm vào bàn và đưa ra bốn tờ thực đơn. Yêm bàn với mẹ rồi gọi cho cụ Tấn món súp Miso đặc biệt và cá chiên. Còn mấy mẹ con thì ăn cua lột chiên, mì lạnh và sushi có cá tuna sống. Martha nhận lái xe lúc về nên Yêm gọi thêm chai Sapporo.

Trong lúc ăn, bà Lụa hỏi con dâu:

“Dạo này con cũng đổi “tông” thích cúc sao?”

“Hôm nay con không mua cho con vì bình hoa hồng nhà con mua vài bữa nay hãy còn đẹp. Nhưng con mua tặng cô bạn học đang bị bệnh nằm nhà thương. Mai con sẽ vào thăm cô ấy.”

“Mẹ có biết người bạn này của con không? Có lại nhà ta lần nào chưa?”

“Con nói ra chắc mẹ biết cô ấy.Cô ấy là ca sĩ Hồng Lam rất nổi tiếng mà mẹ và bà có cuốn băng đó.”

Cụ Tấn vẫn vừa ăn vừa nghe cháu dâu của cụ nói chuyện. Cụ ngắt lời Martha:

“Ca sĩ Hồng Lam hả con? Mẹ con với bà vẫn hay nghe CD của cô ấy đấy. Dịp Tết năm nào con có rủ cô ấy lại nhà mình chơi phải không? Người đã đẹp mà giọng hát rất truyền cảm, phải cô ta không con?”

“”Ðúng cô ấy đấy ngoại. Trí nhớ của ngoại còn tốt lắm. Cô ấy đến thăm gia đình mình đã hơn ba năm rồi. Khoảng hơn năm nay, cô ấy bị bệnh không hát xướng gì được. Tội nghiệp lắm. Người vị hôn phu thì chờ cho cô ấy mạnh lại mới làm đám cưới nhưng cô càng ngày càng yếu đi. Con nghe người nhà nói nhờ Chính phủ giúp Medical vì cổ không có tài sản, nếu không thì quá lúng túng vì thuốc men và nhà thương ở Hoa kỳ rất đắt, rất tốn phí; không có bảo hiểm thì phải nghèo hẳn để Chính phủ lo cho Medical, bằng không thì phải đi làm hoặc giầu hẳn để có bảo hiểm.”

Bà Lụa bảo con dâu:

“Mai mấy giờ con vào thăm cô Hồng Lam cho mẹ cùng đi với.”

“Tan sở ra con về chở mẹ đi.”

Cụ Tấn nói:

“Cho bà đi với. Bà cũng thấy tội nghiệp người bạn con.”

Jacob ngồi ngất ngưởng trên một cái ghế cao dành riêng cho các cháu bé ba bốn tuổi. Nó có một li nhỏ nước cam và một đĩa sushi toàn thức chín. Nó cầm cái nĩa cắm vào một miếng sushi xong giơ ra trước bà Lụa:

“Nội, nội, nội ăn xu-xi!” Nó chưa phát âm được chữ sh. Bà Lụa há miệng, nó đặt miếng sushi vào.

“Cám ơn Dê-cập. Dê-cập ăn đi. Bà nội cũng có đây.”

Nó cười vui, đôi mắt sáng rỡ như hai vì sao.

Khách ăn đông kín các bàn. Năm, bảy người bồi bàn chia nhau phục vụ; họ đến bàn này đưa thức ăn, qua bàn kia đặt thức uống. Trong ngày, chỉ có hai cao điểm, bữa trưa và bữa tối. Những giờ cao điểm họ phải làm thật nhanh, bù lại nhiều giờ khác trong ngày chỉ làm lai rai vì khách ít.

Khách Mỹ chiếm nhiều nhất trong số thực khách tại đây. Trước kia, người Mỹ không dám ăn cá sống. Món ăn sống nhất của họ là beefsteak ngoài chín trong còn lòng đào hoặc sống. Nhưng lâu dần, thấy người Nhật, một giống dân văn minh ăn cá sống, được ca tụng là bổ hơn cá chín, tăng tuổi thọ, bằng cớ là tỉ lệ sống thọ của dân Nhật cao nhất toàn cầu nên người Mỹ cũng ăn thử và đâm ra mê.

Người Nhật biết cách làm tuna, red snapper, salmon và nhiều thứ cá khác để ăn sống. Cá sushi qua tay đầu bếp Nhật ăn không còn mùi tanh. Họ cũng có những gia vị ăn kèm làm cá sống ngon hơn như wasabi, gừng non muối chua. Người Việt chúng ta xưa cũng ưa ăn cá sống dưới hình thức gỏi cá.

Cá mè đánh dưới ao, dưới hồ lên, cạo sạch vảy, chỉ lấy hai miếng phi-lê, thái mỏng ra bóp với riềng giã nhỏ và vừng rang. Nước chấm nấu bằng nước đầu và xương cá ninh cho nhừ, cùng với thịt ba chỉ và bột tương đậu nành, dấm, đường, nước mắm, hành, vừng rang cho một hợp chất sệt sệt thật thơm. Cuốn cá với các thứ rau thơm như lá mơ tam thể, lá vọng cách, húng quế, húng cây, ngò gai, chấm nước sốt, kèm thêm vài mảnh bánh đa nướng dòn tan và li bia hay rượu thuốc. Nếu ăn được cá sống, có lẽ không mấy món Việt ngon và bổ hơn. Chắc chắn phải ngon và hợp khẩu vị Việt Nam hơn sushi nhiều.

Ðầu và mình cá có thể ninh nhừ nấu cháo thì là để ăn sau cùng. Ðiều quan trọng là cá mè phải tươi nghĩa là còn sống và con cá càng to càng ngon. Các cụ ta cũng còn ăn gỏi chạch, một thứ lươn mình ngắn nhưng to như cái cổ tay người lớn. Thịt chạch dòn hơn thịt cá nên gỏi chạch cũng rất ngon.

Dân thuyền chài ra biển đánh cá còn ăn sống nhiều loại cá biển khi vừa bắt lên. Họ nói cá tươi như thế không bao giờ tanh.

Nước sốt, bánh đa nướng và rau thơm đã chuẩn bị sẵn sàng từ nhà, cá sống thái mỏng ra, ngồi trên mũi thuyền giữa trời nước bao la sóng yên gió lặng, cùng nhau cuốn cá với rau mà ăn, tưởng không có cái thú ẩm thực nào hơn!


**********


Năm giờ chiều hôm sau, Martha đến chở cụ Tấn và bà Lụa vào nhà thương St Jude Memorial Hospital ở mãi phía trên thành phố Brea. Cô thư kí ở phòng khách cho biết Hồng Lam đã đổi khu vì căn bệnh đặc biệt, số phòng mới là Z58. Martha dẫn mẹ và bà sang biêu-đinh bên kia để kiếm khu Z phòng 58.

Vào trong phòng, một căn phòng toàn mầu trắng với tường sơn trắng, màn cửa trắng và ánh sáng trắng dịu của những ngọn đèn néon. Nền cũng lát đá trắng hơi pha xanh làm căn phòng càng sáng và trắng thêm. Một người đàn ông và một người đàn bà trong khoảng tuổi 60 đang ngồi gần giường người bệnh. Martha nhận ra ngay là cha mẹ Hồng Lam.

“Thưa hai bác, cháu là Martha, bạn của Hồng Lam đến thăm Hồng Lam. Ðây là bà ngoại của cháu và đây là má chồng cháu.”

Ông bà Hoài - cha mẹ Hồng Lam - đứng lên chào cụ Tấn và bà Lụa. Ông bà nhường chỗ ngồi cho mẹ con bà Lụa vì chỉ có một chiếc ghế và một cái băng. Nhân dịp, ông Hoài cám ơn rồi xin ra ngoài hành lang một chút. Martha xin phép bà Hoài xong đến bên giường, vẫn còn cách một lá màn gió, nói vọng vào:

“Chào nàng tiên nhỏ của tôi. Martha, bà ngoại và má anh Yêm đến thăm nàng tiên đây!”

Tiếng Hồng Lam yếu ớt:

“Mình nhận ra tiếng của Martha ngay từ lúc mới vào. Kéo ghế ngồi cạnh đây nói chuyện với mình. Cháu chào bà ngoại và bác...”

Cụ Tấn và bà Lụa cùng đứng kế sau Martha, bà Lụa nói vọng vào:

“Bác và bà ngoại đến thăm cháu đây, Hồng Lam. Cầu mong Ơn Trên cho cháu sớm mạnh để về hát cho mọi người nghe. Ai cũng thích giọng ca vàng của cháu.”

“Cháu cám ơn bà ngoại, bác và Martha.”

Cụ Tấn và bà Lụa lại chiếc băng ngồi chung với bà Hoài, cách xa giường Hồng Lam một khoảng. Cả ba người nói chuyện thật nhỏ, chỉ đủ nghe.

Martha vén lá màn sang một bên. Cái nhìn đầu tiên làm Martha giật mình là Hồng Lam gầy gò, bé tí, trong bộ quần áo nhà thương, từ gương mặt đến dáng người chẳng còn gì khi xưa. Ðôi mắt Hồng Lam vẫn mở nhìn Martha nhưng đôi mắt không có thần, đôi mắt tối tăm chứ không long lanh sáng rỡ như trước đây. Một quầng đen bao quanh đôi mắt đã sâu xuống như hai cái hố. Cô sinh viên đại học Golden West, cô ca sĩ xinh xắn, duyên dáng đã biến mất chỉ còn lại trước mắt Martha một bệnh nhân tàn tạ, rũ liệt đến thảm hại. Bệnh tật tàn phá hình hài con người ghê gớm đến như thế này ư? Martha rùng mình.

“Jacob khoẻ không, Martha?” tiếng nói thật nhỏ như từ trong hơi thở của Hồng Lam.

Martha giật mình, tĩnh trí lại:

“Cháu khoẻ, Hồng Lam. Bây giờ biết nói nheo nhẻo cả ngày rồi.”

Ðôi bạn dượt qua một đám bạn bè ngày xưa cùng học Trung học, Martha trả lời những câu hỏi của Hồng Lam:

“Thúy Diễm lấy chồng đã có một đứa con trai 4 tuổi. Chồng Thúy Diễm sau 30-4-75 phải vào trại tù cải tạo. Thúy Diễm đi thăm được một lần ở trại Bù gia Mập, sau đó Thúy Diễm theo người ta đi vượt biên. Thuyền nhỏ chưa ra đến thuyền lớn thì bị bắn.

Hai mẹ con Thúy Diễm bị trúng đạn chết cùng với hơn chục người trên thuyền. Mình nghe Cúc sang đây kể lại.”

Hồng Lam thở dài:

“Hoàn cảnh mình đã não lòng, mẹ con Thúy Diễm còn não lòng hơn. Thế Cúc thì sao?”

“Cúc thoát được chuyến đó nhưng hai chị em bị hải tặc hiếp đến ngất xỉu, nhờ chính phủ Mã lai cho nằm nhà thương và săn sóc không thì cũng chết rồi.”

Hồng Lam hỏi thêm vài người bạn nữa rồi ngưng, nằm thở vì mệt. Martha cũng yên lặng ngồi, hai tay nắm lấy bàn tay của Hồng Lam như một sự yên ủi.

Trên chiếc băng, bà Hoài đang kể cho cụ Tấn và bà Lụa nghe về bệnh tình của Hồng Lam.

Bà Hoài đã vào bệnh viện săn sóc con gái từ sáu tháng nay mặc dù bệnh viện có sẵn y tá và nhân viên. Giọng bà nghẹn ngào:

“Bệnh của cháu các bác sĩ gọi tên là Lupus, thứ bệnh cả triệu người mới có một người bị. Các bác sĩ nói cháu không hi vọng gì, được ngày nào hay ngày ấy thôi.”

Cụ Tấn và bà Lụa cảm thấy rất thương tâm. Bà Hoài đưa mảnh napkin lên lau nước mắt:

“Cháu mới ngã bệnh sáu tháng nay thôi mà sức khoẻ mỗi ngày mỗi kiệt dần. Nhiều lần vào thánh đường cầu nguyện cho cháu, tôi xin Chúa cho tôi đi thay cháu vì tôi đã lớn tuổi, đã hưởng đủ mọi thứ rồi. Còn cháu mới vào đời, lẽ ra cuộc đời phải tươi đẹp sung sướng như nhiều người khác cùng trang lứa chứ đâu bệnh hoạn khổ sở vậy.”

Bà Lụa chẳng biết gì hơn là ỳên ủi:

“Phần số hết bà ạ. Bên bà thì nói Chúa sắp đặt. Bên chúng tôi thì định mạng. Không ai có thể cãi được định mạng. Xin bà khuây khỏa đừng buồn phiền quá mà sinh bệnh. Hãy khấn vái cho cháu gặp thầy gặp thuốc, một ngày nào khỏi hẳn về với gia đình.”

Bà Hoài đã khóc nhiều nên mắt bà mọng đỏ, mảnh napkin đã ướt sũng mà những giọt lệ vẫn lã chã tuôn rơi. Bà cũng nói với cụ Tấn và bà Lụa, mấy hôm trước Hồng Lam phải thở bằng dưỡng khí, hôm nay đã đỡ hơn nên bác sĩ cho lấy ra. Nhưng thỉnh thoảng Hồng Lam vẫn lên cơn đau la hét dữ dội, bà Hoài phải lên giường ngồi ôm chặt con vào lòng hi vọng nó bớt đau. Khi Hồng Lam không chịu nổi thì bà phải gọi y tá đến chích thuốc an thần và cho uống thuốc giảm đau. Sau đó Hồng Lam nằm thiêm thiếp, tiếng hơi thở nhọc mệt, đứt quãng qua máy dưỡng khí. Hai ông bà ngồi canh con mà nước mắt đầm đìa.

Khi thuốc an thần và thuốc giảm đau đã nhạt bớt, Hồng Lam lại gào thét nữa. Ông Hoài lại đi gọi y tá và nhân viên trực đêm. Người ta lại chích thuốc an thần. Cứ thế bệnh Hồng Lam càng ngày càng nặng thêm.

Thấy thời gian thăm viếng đã đủ, bà Lụa đưa mắt nhìn con dâu. Martha hiểu ý bảo Hồng Lam:

“Thôi mình về nhé Hồng Lam. Mình sẽ khấn nguyện hằng ngày cho Hồng Lam tai qua nạn khỏi về nhà đi chơi với tụi này và hát cho tụi này nghe. Hồng Lam chờ mình bê chậu cúc đại đóa thật đẹp mình đưa vào tặng Hồng Lam cho Hồng Lam coi.”

Hồng Lam giơ một cánh tay ra:

“Mình cám ơn Martha thật nhiều nhưng mình có còn nhìn thấy gì đâu. Căn bệnh quái ác lấy mất thị giác của mình rồi!”

Martha giật mình, nắm lấy tay bạn:

“Thiệt sao Hồng Lam? Thế nãy giờ nói chuyện, Hồng Lam có nhìn thấy mình không?”

Hồng Lam nấc lên:

“Không, mình chỉ nghe tiếng nói. Mình không nhìn thấy gì ngoài một mầu đen ghê rợn. Mình sợ quá, Martha!”

Rồi Hồng Lam hét lên, giơ cả hai tay ra chới với như người sắp chết đuối, miệng méo xệch đi. Martha vội dùng cả hai tay nắm lấy tay Hồng Lam:

“Hồng Lam đừng sợ! Có Martha đây. Martha đang ở bên cạnh Hồng Lam đây!”

Bà Hoài vội lên giường đặt Hồng Lam vào lòng, ôm chặt con.

Sau giây phút quá sợ vì những hình ảnh ghê rợn hiện ra trong trí, Hồng Lam mệt nhoài, tay chân, thân người xuội lơ, nằm nhắm mắt, co quắp, thân hình chỉ còn bằng đứa trẻ mười tuổi, trông thật tội nghiệp.

“Hồng Lam! Mẹ đây. Không có gì phải sợ cả. Mẹ lấy nước con uống nhé!”

Hồng Lam thều thào:

“Vâng, mẹ cho con miếng nước cam!”

Bà Hoài đặt Hồng Lam nằm xuống xong tới bàn rót nước cam đem lại. Bà đỡ Hồng Lam ngồi lên, đặt li nước vào môi cho Hồng Lam uống. Hồng Lam chỉ uống được vài ngụm, xong lại nằm xuống.

Thêm mươi phút nữa, khi thấy Hồng Lam đã yên yên, bà Lụa lại gần giường nói với Hồng Lam:

“Cháu Hồng Lam, bà ngoại, bác và Martha chúc cho cháu mau khoẻ về nhà. Bây giờ để cháu nằm nghỉ rồi bữa nào bà ngoại, bác và Martha sẽ lại vào thăm cháu nữa nhé!”

Hồng Lam chỉ dạ nhỏ trong miệng. Cả ba người tuần tự nắm lấy tay Hồng Lam rồi chào bà Hoài sau khi bà Lụa thì thầm vào tai bà Hoài khuyên bà hãy cố giữ vững tinh thần cho Hồng Lam và cho chính bà. Mở cửa ra ngoài hành lang, cả ba người lại gặp ông Hoài và Luận, vị hôn phu của Hồng Lam đang đứng nói chuyện ở đó. Sau khi chào tạm biệt, ba người trở ra cổng.

Martha định tuần sau sẽ lại vào thăm Hồng Lam nhưng vì thằng Jacob bệnh nên không vào được. Tuần sau nữa Martha nghe tin Cáo phó trên radio giờ tin buồn cộng đồng buổi sáng, Hồng Lam đã trút hơi thở cuối cùng chiều hôm trước tại bệnh viên St Jude. Tang lễ sẽ cử hành thứ bảy này vào lúc 10 giờ sáng tại nhà thờ Holy Spirit và sau đó đưa linh cữu ra nghĩa trang Good Shepherd tại Huntington Beach.

Ðám táng Hồng Lam rất đông vì nhiều người tuy không thân thuộc bà con nhưng là khách nghe nhạc mộ điệu. Từ hơn chục năm nay, người ta đã coi Hồng Lam trình diễn trên sân kháu, đã nghe nàng hát với giọng ca thật đặc biệt, thật hay đi thẳng vào tâm hồn người nghe, những người yêu mến tiếng hát truyền cảm của nàng.

Lễ tại giáo đường đã xong, từng đoàn xe nối đuôi nhau theo sau chiếc xe tang đen đưa người ca sĩ hồng nhan bạc mệnh ra nơi an nghỉ ngàn thu.

Từ cổng nghĩa trang, mọi người rời xe xuống đi bộ theo sau linh cữa được tám thanh niên mặc đồng phục đen khiêng trên vai đi chậm chậm tới mộ huyệt đã đào sẵn. Ði trước linh cữu, bé Vanessa, 10 tuổi, học sinh học ca hát của Hồng Lam, hai tay trang trọng cầm một khung hình lớn chân dung Hồng Lam, theo sau là hơn một chục học sinh trai, gái khác đang theo học lớp luyện giọng của Hồng Lam.

Hồng Lam mới có người yêu chưa cưới, nhiều vòng hoa bao phủ quan tài nàng chỉ toàn hoa trắng. Luận đi ngay sau quan tài mặc âu phục đen nhưng đầu chít khăn sô trắng. Ðầu anh cúi, thất thểu bước như kẻ không hồn.

Nhưng hình ảnh của anh chưa thảm não bằng hình ảnh bà Hoài. Bà mặc tang phục đen, đầu choàng một chiếc khăn đen vì bà không thể đội khăn trắng, nhất là mẹ bà vẫn còn sống. Bà cụ hơn chín mươi tuổi chống gậy đi an táng cháu ở phía sau. Bà Hoài phải tựa vào chồng mà đi vì nếu không có ông, có lúc bà rũ liệt tứ chi muốn khuỵu xuống đường không dậy được nữa.

Theo sau ông bà Hoài là một người anh và hai em gái của Hồng Lam. Cách đây hai năm, chị gái Hồng Lam đã bị một tên cướp Mỷ đen vào cướp tiệm “Seven Eleven” của vợ chồng chị tại Louisville, MO bắn chị chết.

Yêm, Martha, cụ Tấn, bà Lụa đều có mặt tại nghĩa trang. Martha không muốn cho Jacob nhìn thấy những hình ảnh đau thương quá sớm nên đã nhờ bê-bi-sít coi nó ở nhà. Vị linh mục rẩy nước thánh trên quan tài và đọc một câu kinh ngắn. Một đại diện những người yêu quí Hồng Lam đọc một bài điếu văn nói lên tấm lòng ái mộ người trẻ tài hoa, tính tình thùy mị được lòng mọi người. Khi chị kết thúc bằng hai câu:

“Vĩnh biệt Hồng Lam! Vĩnh biệt Hồng Lam!”

chị cầm một cành hoa hồng trắng ném trên nắp quan tài. Những người khác cũng lấy hoa thả xuống. Có những người đưa lên môi hôn rồi mới vứt xuống cùng với những cục đất nhỏ.

Hơn chục người trẻ đứng sát lại với nhau ngay đầu mộ huyệt đồng ca:

“Người hãy thanh thản ra đi, bởi cuộc đời này chẳng có nghĩa gì, ngoài một nấm đất chúng tôi tặng người.”

“Người đừng ân hận cuộc đời vắn vỏi, bởi bản chất đời người là vắn vỏi. Có sinh, có bệnh, có già và có chết. Nào ai đếm được thời gian?”

“Tất cả sẽ lui vào bóng tối dĩ vãng. Tất cả sẽ chìm trong ấn tượng quên lãng. Có còn chăng chỉ là tình của chúng tôi với người, mãi mãi thủy chung, mãi mãi không phai mờ, cho đến thiên thu vạn đại!”

“Năm xưa người đã vào đời bằng đôi tay không từ một hạt bụi. Bây giờ người ra khỏi cuộc đời cũng với đôi tay không - để trở lại một hạt bụi. Tất cả còn lại chỉ là một trái tim, một trái tim nguyên vẹn như từ buổi sơ khai.

Xin Thượng Ðế đón nhận linh hồn người. Giờ đây chúng tôi xin vĩnh biệt người!”

Hai cây vĩ cầm do hai thiếu nữ và hai cây tây ban cầm do hai thanh niên đều mặc đồng phục đen, đệm cho bản nhạc thêm trầm hùng và réo rắt.

Những dòng lệ cảm thương, ngậm ngùi tuôn tràn trên những đôi má, từ trẻ thơ đến các cụ già, trong đó có những dòng lệ cảm thương cho chính mình, chính thân phận mỏng manh và vắn vỏi của mình.

Bà Hoài rũ ra nhiều lần, ông Hoài và anh con trai phải cố giữ cho bà khỏi lăn xuống huyệt.

 


(Ðể tưởng nhớ nữ ca sĩ Ngọc Lan tại Little Saigon, CA có biệt tài ca hát, xinh xắn, và ngoan hiền.)

Switch mode views: