Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bài thơ Vô thường và Đóa sen xanh

quy-duoi-Phat-dai
Đời người tựa giấc chiêm bao,
Đang đi giữa hạ bỗng vào cuối đông.
Tình yêu đương thuở mặn nồng ,
Bổng dưng bão cuốn theo dòng nước trôi.
Bỏ em lạc bước giữa đời.
Bơ vơ khắp ngã tìm nơi ẩn mình.
Làm sao hết kiếp ba sinh,
Đi sao cho hết đường tình xót xa .
Đời em bổng chốc phong ba ,
Còn đâu giây phút mặn mà thuở xưa?
Đời em đứng giữa gió mưa,
Mặc cho mưa gió đẩy đưa cuối dòng.
Còn đâu ước vọng mà mong,
Nương vào cửa Phật cho lòng bớt đau.
Cho tâm giãm bớt nỗi sầu,
Quỳ xin Đức Phật nhiệm mầu cưu mang.
Đưa tâm về chốn bình an,
Đưa hồn thoát khỏi muôn vàn đắng cay.
Con xin quỳ dưới Phật đài,
Quy y tam bảo, xin Ngài thứ tha.
Hồng trần một kiếp bôn ba,
Lang thang giữa cõi ta bà thế gian.
Chắc là nghiệp quả còn mang,
Tu thân kẻo quá muộn màng kiếp sau.
LXQuỳnhNhư

blue-lotus

Đóa Sen Xanh
Nguyên Hạnh HTD: Viết tặng ni cô Huệ Trân - người học trò cũ của tôi

Không ngờ tôi lại gặp em sau 30 năm trời không có tin tức của nhau. Em ở một phương trời, tôi một phương vậy mà vẫn có ngày hội ngộ trên xứ người, ngay tại thành phố tôi đang ở. Thì ra sông dù có nhiều khúc quanh cũng có lúc xuôi dòng!
Qua lời mời của một cô bạn cho hay là sẽ có một buổi trà đàm tại đạo tràng của cô ta, tôi đã nhận lời ngay bởi vì tôi vốn sẵn yêu thích những phút giây thanh thản và ấm cúng ngồi quây quần bên nhau như vậy!
Bước vào đạo tràng, sau khi yên ổn chỗ ngồi, nhìn lên phía diễn giả, trời ơi! tôi giật thót mình, không ngờ đó là em. Em cắt tóc ngắn, mặc áo tràng màu nâu sậm, dáng vẻ thanh thoát! Ngồi bên cạnh là người bạn đời của em - anh Trần quan Long - nhạc sĩ hay phổ nhạc những bài thơ của em. Thấy tôi, em bất chấp mọi người, vụt đứng dậy chạy xuống ôm chầm lấy tôi, cả thầy trò nước mắt rưng rưng, nhìn nhau nghẹn ngào không nói nên lời! Ôi vòng tay ấm áp tình thầy trò làm cho đôi mắt tôi không ngớt nhạt nhoà! Sau phút giây xúc động, em dìu tôi lên phía chỗ em ngồi, giới thiệu với mọi người đây là cô giáo dạy Toán ngày xưa khi em đang học lớp Đệ tứ trường Trưng Vương Sài Gòn. Em còn nhắc lại kỷ niệm khi tôi vào lớp em, vì sao em đã yêu mến cô giáo ngay sau vài tuần học.
Thì ra em đã bỏ rất nhiều năm tháng nghiên cứu miệt mài về giáo lý đạo Phật, đã từng đi nói chuyện nhiều nơi với người bạn đời cùng chí hướng, rất tâm đầu ý hợp. Sau lần ghé Đức, em sẽ qua Paris tiếp tục cuộc hành trình.
Cuộc gặp gỡ với em đã đưa tôi trở về dĩ vãng xa xưa! Ngày ấy tôi mới ra trường Sư Phạm và được bổ về dạy tại trường Trưng Vương Sài Gòn. Dạo đó, nhà trường chưa bắt học sinh mặc đồng phục, mà tôi lại dạy các lớp Đệ tứ, Đệ tam. Các em nữ sinh quá lớn, mặc áo dài hoa sặc sỡ đủ màu với quần dài đen, trong khi ở Huế, thời nữ sinh chúng tôi chỉ quen mặc những bộ đồ lụa dài nội hoá, màu trắng hoặc màu nhạt như hồng phấn hay mỡ gà mà thôi. Tôi thật quá bỡ ngỡ và hơi khớp khi đặt bước chân đầu tiên vào các lớp học. Còn nhớ khi đến trình diện bà Hiệu trưởng, bà đã nhìn tôi từ đầu đến chân rồi vừa cười vừa nói: "Cô còn nhỏ quá liệu có trị nổi học trò của tôi không?" Cũng may, dần dà các em nữ sinh đã thương mến tôi, coi tôi như một người chị rất gần gũi, không có vẻ gì xa cách giữa thầy trò cả.
Một hôm, tôi cho lớp em làm bài kiểm Toán, cả lớp im phăng phắc chăm chỉ lo làm bài, còn tôi thì đi lui đi tới xem thử các em có làm được không? Ngang qua chỗ em ngồi, thấy ánh nắng chiếu vào bài tập của em, sợ em bị chói mắt, tôi với tay khép bớt một cánh cửa sổ lại. Tôi đã làm với một cử chỉ tự nhiên như với bất cứ em học sinh nào, ai ngờ hành động của tôi đã làm cho em cảm động và em đã thương yêu cô giáo mình từ đó. Em đã dành cho tôi một tình thương đặc biệt và ganh tị ngay cả với những em nào cũng thương tôi như em.
Ngày tôi đổi về dạy trường Đồng Khánh Huế, xa trường, xa Sài Gòn, em đã khóc như mưa làm tôi bước lên máy bay mà vẫn xót xa trong lòng, đành chia tay nhau trong im lặng, buồn nhìn nhau thông cảm mà thôi.
Ngày đám cưới tôi, em đã gởi mừng quà cưới bằng một bức tranh thật lớn in hình đôi chim bồ câu đang âu yếm rù rì bên nhau!
Sau Mậu Thân, tôi vào Sài Gòn thì em đã đi xa, dò hỏi các em học trò cũ được biết em đã có gia đình, có con nhưng lại bị đổ vỡ nửa chừng. Rồi tình cờ khi đi Bưu điện, tôi đã gặp em, thầy trò ôm nhau nức nở nghẹn ngào, hàn huyên một lúc rồi chia tay, em phải về vì đường còn xa lắm!
Từ đó cho đến sau 30.04.75 tôi không hề gặp lại em, cho đến khi qua định cư ở Đức, đi đến đạo tràng lại gặp được em trong một lúc bất ngờ nhất, cuộc đời vẫn còn đem đến cho con người những niềm vui lạ lùng thật!
Qua vài ngày ở München, sau vài bữa cơm thân mật tại gia đình tôi, hai người lại đáp tàu đêm qua Paris trước khi trở về California. Tôi muốn tiễn đưa em một lần cuối, vội vã làm một ít thức ăn mang ra sân ga. Phút chia ly nào cũng ngập tràn luyến lưu bịn rịn nhất là khi mỗi người ở một phương trời quá xa xuôi vạn dặm và nhất là khi không biết có còn gặp lại nhau nữa hay không?
Sau khi về đến Mỹ, em đã gởi cho tôi một thùng quà, mở ra thấy 6 quyển sách đã xuất bản mà chính em là tác giả, kèm theo một bức thư lời lẽ thật dễ thương, đọc xong vẫn còn bùi ngùi vấn vương trong lòng mãi:
"Cô giáo dễ thương ơi!
Em tưởng đã hết duyên sao còn nợ nần nhau quá thế! Anh Long cứ nhìn giỏ thức ăn đêm mà cười hoài.. còn em thì trăn trở, không ngủ được vì bao xúc cảm ngổn ngang. Hai giờ sáng, mở xôi ra, rắc muối mè thơm lừng, vừa nhẩn nha thưởng thức vừa "rên rỉ" ... Cô giáo ơi!
Ngày xưa chỉ đóng cánh cửa sổ đã mệt em rồi, nay xôi đậu muối mè tất tả chạy ra ga cho kịp chuyến tàu đêm, em trả bài sao cho trọn hả cô giáo?
Cám ơn tình Chị
Cám ơn sự ân cần của Anh
Thương, "
Bảo Ngọc
Lật chồng sách ra, tôi càng choáng ngợp, không ngờ em lại còn giỏi viết lách, em đã xuất bản những tác phẩm sau đây:||
Gió sông Hồng
Sông núi thì thầm
Tâm Hương Tải Đạo
Vô Tự Thị Chân Kinh
Bình Thường Tâm Thị Đạo
Bước Chân Cùng Tử
Tôi nghĩ tác giả nào khi cầm bút là viết cho mình trước hết, viết vì nội tâm thúc dục mình muốn giải tỏa những ẩn ức, ước vọng, khao khát, viết vì muốn được cảm thông với kẻ khác. Nhưng còn em, tôi phục em quá, so với em tôi chỉ là một hạt cát giữa sa mạc vì vậy không bao giờ tôi dám nhận mình là nhà văn và cũng chưa bao giờ dám nhận lời mời tham dự các buổi họp mặt của các nhà văn nữ khắp nơi.
Càng đọc tôi càng say mê, càng bị lôi cuốn vào những bài em viết, Em đã thấu hiểu rất cao siêu và thấm nhuần rất nhiều về triết lý đạo Phật. Đạo Phật đã đi vào cuộc đời em như bóng với hình. Em cũng đã dày công nghiên cứu, học hỏi qua nhiều tháng năm mới có được một căn bản vững chắc như vậy. Trong khi sự hiểu biết của tôi chỉ "mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm" mà thôi.
Xin hãy cùng tôi đọc thử một đoạn văn sau đây: " Cái gì đây?”
Tôi dừng vội lại, đến mức suýt ngã chúi về phía trước. Một bông hoa dại vàng rực rỡ từ khe nứt của lề đường xi măng.
Trời đang hừng hực nắng, nền xi măng tưởng như có thể bốc khói. Vậy mà bông hoa vẫn từ đó vươn lên, nở rộ. Vết xi măng nứt rất nhỏ, có sự tình cờ nào của bụi phấn hoa nhờ gió thoảng đưa qua? Hay sự vụng về của con chim nào tha hạt nhả rơi vào đó? Hay duyên của bông hoa vừa hội đủ từ kiếp nào? Hay duyên của chính tôi đã bước tới đúng Sát na này? Thật là kỳ diệu!
Quỳ xuống chưa đủ, tôi đưa tay sờ nhẹ cánh hoa như để chứng nghiệm đây là thật. Đúng. Đây là thật.
Không phải chỉ bông hoa là thật mà tôi sửng sốt vì thông điệp cực kỳ uyên nguyên, cực kỳ hiển lộ, bông hoa đang mang cho tôi cũng là sự thật. Đó là "THÔNG ĐIỆP CỦA SỰ HIỆN DIỆN CHÂN NHƯ, MẦU NHIỆM"
(Trích Bình Thường Tâm Thị Đạo)
Đúng là đạo Phật đã đi vào cuộc đời em như hình với bóng và em đã thấu hiểu đạo Phật là đạo Giác Ngộ.
Bây giờ tôi được tin em đã xuất gia, tôi càng cảm phục em hơn nữa nhưng tôi không ngạc nhiên và quá ngỡ ngàng khi hay tin này.
Trước đó em đã quan niệm rằng nếu định lực yếu kém, hãy dùng hình thức bên ngoài trợ lực, hình thức nào gần nhất với thân, hình thức nào ta có thể nhìn thấy, nhận thấy từng phút từng giây mới có thể liên tục nhắc nhở ta tinh tấn? Và hình thức bên ngoài gần nhất với thân mà dễ thấy dễ nhận hơn, đó là Mái tóc! Và em đã tìm tới một tu viện Sư Nữ, quỳ trước một Ni Sư xin được chứng minh trước Tam Bảo, lòng sám hối và quyết tâm tinh tấn tu học. Em đã xin xuống tóc như một hình thức tự nhắc nhở mình và em đã đưa lại cho bạn em chiếc lược đồi mồi rất đẹp mà bạn đã mua tặng vì từ nay em không dùng nữa!
Sau đó em đã chụp một tấm hình để gởi tặng tôi và hỏi tôi có ngạc nhiên lắm không? Tôi không ngạc nhiên mà chỉ cảm thấy lòng mình dâng lên một niềm cảm xúc rưng rưng!
Xuất gia là một ý định vô cùng cao quý nhưng cũng là một con đường vạn dặm với muôn ngàn khó khăn và gian nan không thể tưởng tượng, không phải ai cũng đi theo con đường này được. Có lần em đã nói với tôi: Chỉ cần chăm chỉ quét thôi, quét rác quét bụi thì tâm sạch, quét nghiệp thì tâm tịnh, quét vô minh thì trí tuệ hiển bày; dù biết vậy nhưng thực hành cho được đâu có dễ dàng! Và em cũng đã tâm sự rằng từ nhỏ em đã mê tiếng chuông công phu sớm từ đại hồng chung của ngôi Chùa gần nhà em. Tiếng chuông nương tâm người thỉnh chuông đã chậm rãi, nhẹ nhàng vượt không gian hạn hẹp, vượt thời gian cô đọng ngân tới đâu không ai hay, chỉ biết tiếng chuông công phu sớm đó chứng thực sự nhiệm mầu tột cùng của Bát nhã "Sắc tức thị không, không tức thị sắc.."
Em còn xinh đẹp, dù cuộc tình duyên lần đầu đã tan vỡ nhưng hiện tại em đã có một người bạn đời rất tâm đắc, biết cảm thông và trân quý em, vật chất đầy đủ, nhà cửa khang trang, không vướng bận chuyện con cái phiền muộn, vậy mà em vẫn muốn xuất gia, buông xả tất cả chỉ để theo chân đức Phật mà thôi. Em đã thực hiện theo lời Phật dạy: "Con đường ta đã chỉ, đốt đuốc lên mà đi hay không là nơi mỗi chúng sanh!"
Cô Huệ Trân ơi!
Cô đã tìm con đường giải thoát để mà đi, bỏ lại đằng sau tất cả ưu tư phiền muộn của cuộc đời. Cô muốn theo sát bước chân vị Thái tử đã rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, bước những bước chân trần đầu tiên, quyết đi tìm những sự thật mầu nhiệm từng bị vô minh che lấp khiến muôn loài triền miên trong luân hồi đau khổ. Cô đã thắp sáng cho mình một niềm tin, một ngọn lửa tin yêu thuần khiết như phiến gỗ nâu chắc, để mãi mãi lớp than hồng vẫn còn đủ sưởi ấm Cô trong những ngày khoác áo nâu sòng, nương thân nơi cửa Phật.
Từ nơi xa xôi này, xin gởi đến Cô lòng mến phục vô biên của cô giáo ngày xưa. Xin được tặng một Đóa sen xanh tự trái tim người ngưỡng mộ.

Switch mode views: