Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bình bát miền Tây

mh binh batBình bát không phải là cái bình (cắm bông) và cái bát (chén) hoặc số 8, mà là tên một loại cây mọc hoang rất nhiều dọc bờ kênh, sông, ao, đìa… ở miền Tây. Cây bình bát thuộc loại thân mộc, lá mọc kiểu so le, tàn cây rộng, cao khoảng 5-6 thước. Bình bát thích nước, nhưng không chịu ngập, nên nó chỉ mọc quanh bờ mà thôi. Những “cao nhân” nào đã từng “diện kiến”, sử dụng và mê bình bát thì chắc phải cao tuổi cỡ tui trở lên.

Con nít quê tôi thời đó khoái chơi đánh hưng. Trò chơi đánh hưng sử dụng hai đoạn cây bình bát suôn đuột đã lột vỏ láng o, bề tròn cỡ ngón chưn cái người lớn, đoạn dài bốn tấc, đoạn ngắn một tấc.

Người chơi cầm đoạn dài và áp dụng các kỹ năng khéo léo (quy định bắt buộc trong trò chơi) để tung đoạn cây ngắn cao lên và dùng tay cầm đoạn cây dài quất vô đoạn ngắn thiệt mạnh khi nó còn lơ lửng trên không để đoạn ngắn bay đi như tên bắn. Nó đáp xuống chỗ nào thì chạy tới dùng đoạn dài mà đo ngược lại tới lỗ hưng (đào trên mặt đất). Cũng vì vậy mà không ít lần tôi bị u đầu, mẻ trán do bị cây hưng nó táng vô. Nhưng tôi lại mê chơi đánh hưng, hễ cha mẹ vắng nhà là đóng cửa chạy ra đường rủ mấy đứa ở xóm chơi đánh hưng.

Hồi xưa, người quê tôi “mần guộng” là mặt trời chưa mọc đã dắt trâu ra đồng cày bừa đến tầm 10 giờ sáng thì cởi ách, thả trâu cho trâu ăn cỏ, đầm mình xuống ao trốn nóng. Người thì chun vô bóng mát dưới gốc cây quanh ruộng lôi ra giỏ cơm, mắm sống, hái rau đồng ăn rồi nghỉ trưa. Xế chiều, khi mặt trời dịu mát họ mới kêu trâu lên làm tiếp tới khi trời sụp tối mới lùa trâu về nhà. Cho nên, người ta nói dân miền Tây “Làm (như) chơi mà ăn thiệt”.

Sau năm 1975, tất cả ruộng rẫy của dân đều phải gom vô Hợp tác xã (HTX), dân trở thành người làm mướn cho Hợp tác xã trên chính mảnh ruộng của mình, còn “địa chủ” là nhà nước cộng sản thông qua các tay Chủ nhiệm HTX. Ðể triệt hạ “tàn dư của Mỹ- Ngụy để lại”, Hợp tác xã quy định xã viên đúng 7 giờ sáng kẻng đánh beng beng thì tập trung ở sân HTX điểm danh, lò dò cũng mất cả tiếng đồng hồ mới ra đồng làm, tới 11 giờ nghe tiếng kẻng beng beng lại nghỉ. 1 giờ trưa lại beng beng làm tiếp, đúng 5 giờ chiều thì beng beng nghỉ.

Rốt cuộc, lúc nào người và trâu cũng đều phải làm việc trong cái nóng hừng hực dưới trời nắng chang chang, tất nhiên năng suất lao động kém đi, mùa màng thất bát. Hơn nữa, làm kiểu “chấm công ngày” đó thì “Mỗi người làm việc bằng ba/ Ðể cho Chủ nhiệm xây nhà mua xe” nên chẳng ai ngu gì cố gắng làm nhiều.

Kết quả là thập niên 80, dân vựa lúa miền Nam đói lên đói xuống. Người lớn không còn quan tâm quản lý sát sao con nít trong nhà nữa, để mặc cho bọn nhỏ túa ra ngoài tự nó đi kiếm cái ăn, kiếm được cái gì ăn cái nấy. Ðây cũng là thời gian anh em chúng tôi cùng với đám con nít ở xóm suốt ngày lội sông, lội ruộng mò cua bắt ốc, xong lại leo cây hái trái bình bát ăn thay quà bánh cho đỡ thèm. Trái bình bát chín có vị hơi ngọt ngọt, đắng đắng. Ngày nào tôi đi lêu nghêu ra ngoài cũng đem theo cây dao yếm bự và nặng để chặt cây bình bát, cây cóc kèn mọc hoang đem về phơi khô làm củi nấu ăn.

Trái bình bát màu xanh đậm, khi chín vỏ chuyển sang màu vàng, hình dạng nó giống như trái mãng cầu xiêm nhỏ, nhưng không có gai như mãng cầu xiêm. Ruột trái bình bát kết cấu giống y trái mãng cầu xiêm luôn, nhưng có màu vàng, thịt bao quanh hột ít hơn mãng cầu và dính khắng vô hột hơn mãng cầu.

Lúc còn sống trái bình bát có mùi hôi hôi đặc trưng không thể diễn tả được, khi chín trái bình bát lại có mùi thơm thơm, chỉ cần ai đã từng quen thuộc với nó thì có thể “đánh hơi” thấy nó từ xa. Ðây cũng là thời gian một trái chuối, củ khoai, trái bắp thôi cũng đã là quà bánh quý hiếm, người ta bắt đầu chú ý tới trái bình bát như một loại trái cây có thể buôn bán được.

Chợ quê ngày nào cũng có người bưng ra bán từng rổ, từng thúng trái bình bát chín thơm nức. Mẹ tôi thỉnh thoảng cũng mua một rổ trái bình bát về cho chúng tôi bởi vì nó là thứ trái cây rẻ nhứt ở chợ.

Nhà nào khá giả thì họ gọt vỏ bình bát, bỏ cái lõi chính giữa rồi bỏ vô cái ca giằm nát ra, thêm đường vô trộn đều, đập một ít nước đá cục bỏ vô trộn đều. Chờ nó tan đường thấm vô bình bát và nước đá tan ra một chút hơi lạnh lạnh thì múc bình bát ăn giống như ăn mãng cầu xiêm, dù không được ngon như mãng cầu.

Có người ăn nuốt luôn hột, cũng có người nhằn cho tróc lớp thịt ra ăn và nhả hột bỏ. Còn những đứa nhà nghèo như tôi có trái bình bát là mừng rồi, làm gì có đường, có nước đá thêm vô. Bọn tôi chỉ rút cái cùi chính giữa bỏ, lột vỏ xong là cầm nguyên trái vậy mà ăn thôi.

Trái bình bát già chín rục người ta bỏ vô rổ tre đem xuống sông nhúng nước chà nát ra hết, lấy lại hột đem về phơi thiệt khô rồi giã nhỏ. Sau đó cho vô hũ cất để dành nấu nước gội đầu trừ chí vì không có xà bông gội đầu.

Còn một loại cây thân thảo (dây leo) có tên là bình bát dây, nhưng tôi thấy bình bát dây không hề có họ hàng bà con gì với cây bình bát ở trên, mà nó giống với dây nhãn lồng (lạc tiên). Khác ở chỗ nhãn lồng lá có rìa răng cưa lông nham nhám, còn lá bình bát dây thì trơn láng không lông.

Giống như nhãn lồng, dây giác, bình bát dây mọc hoang, phủ um tùm lên các bụi cây lúp xúp ở những chỗ đất hoang, bờ ruộng, bờ ao. Ở quê tôi người ta cũng hái đọt non, lá 3, lá 4, lá 5 (tính từ đọt trở xuống, là lá đã lớn nhưng vẫn chưa già) đem về luộc chấm đồ kho ăn cơm, hoặc nấu nồi canh cá lá bình bát tuyệt ngon. Có thể dùng cá lóc, cá rô, cá trê nấu canh đều được.

Ngon nhứt phải nói là nấu canh bình bát cá trê vàng. Cá trê vùi tro bếp xong đem ra cạo sạch nhớt, cắt bỏ râu, mang và bụng cá. Tùy theo cá lớn hay nhỏ mà khứa ra nhiều khứa hoặc để nguyên con. Chuẩn bị một ít gừng non xắt chỉ. Thả cá vô nồi nước sôi, cho lửa cháy to bùng lên để hớt bọt dơ bỏ đi vài lần rồi cho gừng vô, nêm gia vị vừa ăn tùy khẩu vị người ăn (muối, bột ngọt hoặc hạt nêm, một chút mắm sặc, mắm ruốc cho hương vị thêm đậm đà, không nêm đường).

Chờ vài phút để vị gừng tan trong nước rồi tiếp tục cho lửa lớn để nước sôi mạnh lên thì cho lá bình bát dây vô nồi, dùng đôi đũa nhấn cho nó ngập trong nước. Khi thấy lá rau xẹp xuống bớt thì đảo cho lớp rau phía dưới lên trên, lớp trên xuống dưới. Thấy nước canh sôi lên lần nữa, rau chín là xong. Tắt lửa, nhắc nồi xuống khỏi bếp để rau không bị chín nhừ.

Canh có vị cay nóng của gừng, vị ngon của cá, vị bùi bùi đặc biệt của lá bình bát, thật không loại rau cải sang trọng nào sánh bằng. Ăn canh nóng với cá hoặc thịt kho tiêu trong nồi đất, cùng với cơm trắng bốc khói thì ngon không thể tả.

Ai chưa từng ăn trái bình bát, hoặc chưa được ăn canh bình bát, thì coi như chưa phải là dân cố cựu miền Tây vậy.

TPT

 

Switch mode views: