Rời khỏi thiên đường
- Thứ Sáu, 24 tháng Tám năm 2018 08:51
- Tác Giả: Nguyễn Văn Sâm
“Trời mưa lớn quá! Mưa nhà quê nhớ kỷ niệm thời thơ ấu nô đùa với những cái bọt nước….”
Mưa phất phới buồn. Cái buồn của một địa phương đìu hiu với những căn nhà rải rác xa xa. Bất động mờ mờ trong làn nước mỏng. Trời trong vắt những cơn mưa quái dị cứ rả rít, lê thê. Con đường đất, bao nhiêu ngàn người khổ công nện đắp mấy tháng trước, gặp cơn mưa nhão ra, sình đỏ kẹo sệt dính vô bánh xe đóng một lớp dày dưới vè làm Tuấn còng lưng hơn dưới sức cản. Tôi áy náy vịn tay lên hông Tuấn vấn đề từ lúc xuống xe đò tới giờ như một thắc mắc liên tục trong trí nhỏ nhẹ đề nghị:
“Tuấn này, hay mình tạt vô đâu đó đụt đỡ,”
“Chuyện! Có cơn mưa này mới dễ bán mua.”
Tôi phì cười thành tiếng. Cách nói trong tiểu thuyết mấy mươi năm về trước trong trường hợp này nghe dễ thương như một lời mắng yêu. Tôi nghĩ chắc tôi bắt đầu thật sự yêu Tuấn từ chữ “chuyện” ngồ ngộ đó. Tôi lấy tay ra, đỏ mặt, bấu chắc dưới yên xe, như cầu cứu. Mưa bụi vẫn lất phất bay. Tóc Tuấn bồng bềnh dưới cơn gió ngược chiều. Một vài sợi dài lang thang đánh thức dậy một cách phũ phàng cụm thần kinh cảm giác bên má phải tôi, từ bấy lâu nay chưa hề giao tiếp với những gì thuộc về người khác phái tính. Tôi rùng mình mà nghe luồng điện chạy dài trong sống lưng tới tận đầu các ngón chưn. Thẹn như lúc đi núi Bửu Long, ngồi trên xe đò, quay qua bắt gặp Tuấn đang len lén nhưng thích thú ngậm ngậm mấy sợi tóc thề lạc loài bay theo gió.
“Hường lạnh à! Cố gắng thêm tý nữa. Đến nơi bán gạo mình trú mưa luôn, may ra tìm được tý nước nóng uống đỡ lạnh.”
Tự ái được vuốt ve bằng sự săn sóc nhỏ nhoi ân cần đó, tôi nép sát vào lưng Tuấn hơn. Hơi ấm từ người Tuấn phả vào mặt tôi gợi cảm giác bừng bừng như va chạm đầu tiên trong rạp hát Kim Châu mà tôi đã nghiêm khắc giới hạn lại để tránh những quá trớn có thể hiểm nguy trong khung cảnh tối đen vốn thuận tiện cho những bước đầu khó nói.
‘Nghĩ gì đấy Hường?”
“Về cuộc sống. Tại sao phải hành hạ mình như thế này để đem một nhúm gạo nhỏ nhoi vô Sài gòn? Hai người và một cái xe hơi hữu hiệu hơn chúng ta còng lưng trong mấy tháng”
“Còn nhiều chuyện vô lý hơn xày ra chung quanh hằng ngày! Biết bao người đã nằm xuống để đem laị hiện trạng bi thảm này của đất nước… Hàng chục triệu ngày công thủy lợi đổ ra mà cuối cùng như nước đổ lá môn cả, còn lại gì đâu? Chuyện nhỏ nhoi thôi, như con đường này đấy.”
“Tất cả đều bị bắt buộc thôi. Như mình lao động kiểu này đây.”
Tuấn lặng thinh, có lẽ cũng như tôi, đang liên tưởng đến số phận mình. Rồi đây dưới áp lực của cuộc sống, biết bao nhiêu điều vô ích khác phải cắn răng làm.
Câu chuyện và sự thân thiết tin tưởng khiến con đường rút ngắn lại. Cơn mưa rả rích tưởng chừng như chấm dứt từ lâu, lâu lắm. Người nông dân bán gạo chui sau khi cho mượn tấm nylon, ân cần khuyên chúng tôi rời ngay địa điểm để tránh phiền nhiễu cho cà đôi bên.
Đường về như đường vào Ba Thục. Tuấn mệt nhọc còng lưng chăm chú đẩy chiếc xe bướng bỉnh, bây giờ chỗ tôi ngồi là mấy bao cát chứa gạo căng tròn, không có tay ôm ngang hông để chia sẻ nỗi mệt nhọc trớ trêu. Mưa đập vào mặt đau điếng. Tôi co ro lầm lũi theo sau, bối rối không biết phải giúp Tuấn cách nào. Túi gạo trên vai và con đường trơn trợt làm tình làm tội. Đôi guốc nặng trĩu dưới chân như tạc bằng đá. Tôi lột ra cầm tay. Đầy bùn đất, dềnh dàng như đôi giày trận. Hai ống quần dầy cộm vướng víu đôi chân lóng ngóng, tội nghiệp. Vừa bực dọc vừa đau xót. Câu nói của mẹ ngày nào thật thấm thía: phải đổ mồ hôi mới có bát cơm. Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi. Giờ đây một sự đổ mồ hôi vô lý, phạm pháp tuy rằng không động chạm đến ai.
Tôi muốn bật khóc vì tức tưởi và xót xa cho thân phận. Tiếng Tuấn thúc hối, xuyên qua âm thanh ồn ào nước trút xuống không gian:
“Hường đi nhanh đến gian nhà trước mặt đứng đợi. Tôi sẽ đến sau. Môi Hường tím ngắt kìa.”
Câu nói nhẹ nhàng, nhưng như ra lệnh. Tôi ngó Tuấn, chần chờ. Đi chầm chậm theo sau như nãy giờ thì cũng ích lợi gì đâu, nhưng bỏ đi mau, đụt mưa một mình để Tuấn tội tình dưới cơn mưa quái ác, chịu sự hành hạ của mấy bao gạo nặng nề và chiếc xe giở chứng quả vô tình đến độ.
Tuấn thúc thêm, như hiểu tôi đang nghĩ gì.
“Hường đến đây tạm rửa guốc, rửa chân, nếu mưa to hơn mình mới trú lâu. Coi bộ “căng” rồi đa. Khoảng sáu giờ là hết xe đấy, trời lại tối nữa. Kẹt xe là “gay” lắm.”
Hai tiếng “căng”, “gay” mới tiếp thu được đem ra dùng ở đây mang một khôi hài tính đặc biệt khiến tôi suýt cười thành tiếng. Tôi sang túi gạo qua vai khác, xăng xái bước mau về ngôi nhà trước mặt. Cửa nẻo im ỉm, vắng tanh. Ở mái hiên, những giọt mưa theo mái lá đào một dải lỗ nhỏ thẳng băng trên mặt đất, buồn buồn. Tôi tìm chỗ có giọt nước lớn rửa chân, vuốt lại mái tóc, gụt sơ gấu quần. Đàng xa, Tuấn vẫn ì ạch với cái xe bây giờ như con lừa cứng đầu. Đường trơn, sình nhão càng lúc càng nhiều hơn, bánh xe không lăn được để lại trên đường một vết dài tự mãn, thách đố xót xa lòng tôi.
Tôi vượt mưa chạy ra. Đường trơn khiến tôi suýt té mấy lần. Tuấn vẫn chăm chú đẩy, tới chừng tôi tới gần, chàng mới nhìn lên gắt gỏng:
“Đã biểu Hường đứng đấy trú mưa, còn ra đây làm gì? Về cảm lạnh cho xem.”
Tôi bực tức nhưng không nói gì, chỉ lầm lũi đẩy phụ. Cái lưng tội tình mỏi dừ. Đôi chân xấu số tê cóng. Áo quần dính sát vào da thịt đến ngượng ngùng. Tất cả kêu gọi tôi bỏ hết để trở về Sài gòn nằm trong căn nhà nghe tiếng rả rích mưa rơi, thoải mái thưởng thức một vài khúc nhạc tình. Thỉnh thoảng Tuấn liếc mắt nhìn tôi, ngờ ngờ, áy náy. Thoáng thấy điều đó nhưng tôi giả tảng như không. Chuyện bán buôn lời lỗ chưa thấy, chỉ thấy toàn bực mình. Tôi vẫn bướng bỉnh đủng đỉnh đi trong mưa để hành hạ sự xót xa của Tuấn.
Căn nhà trú mưa hiện ra với cái thở nhẹ nhõm của hai đứa. Chàng lúc thúc dựng xe, mông lung ngó trời rồi nhẹ cười giả lả với tôi. Tôi nghiêm mặt lầm lũi tìm nước rửa mặt, gụt quần. Khi ngó lên, Tuấn đã đứng bên cạnh từ lúc nào, đưa cho tôi cái khăn tay. Khăn còn khô vài lớp bên trong, phảng phất mùi nước hoa của một anh chàng đang yêu làm dáng. Tôi lách người sang bên né tránh, mặt lạnh như tiền.
“Tôi chỉ muốn Hường không cực khổ vô ích thôi. Một người dầm mưa được rồi, đâu cần phải cả hai. Cuộc đời giờ đây thật nhiều bất trắc, hãy dành năng lực cho những chuyện cần thiết sau này.”
Một tiếng sét và mấy làn chớp soi rõ đường đi xiên xiên của những giọt mưa bắt đầu thưa hột ngoài kia. Tôi ngó Tuấn bằng cặp mắt oán hờn, kéo dài sự thống khổ làm tình làm tội người yêu.
“Xin lỗi Hường về việc đã không kềm chế được xúc động vừa rồi”, Tuấn cười cầu tài trở giọng, “ tại hạ muôn vàn có lỗi với quý cô nương.”
Chàng chìa khăn cho tôi lần nữa. Tôi đi guốc trong tâm trạng chàng lúc đó. Muốn đổi cách xưng hô nhưng chưa đủ can đảm. Cung cách Tuấn giống như ông hoàng tử quyết tâm, chịu khó, khôn ngoan trong phim truyện cổ tích Ba Lan “ Trẻ mãi không già” chúng tôi mới xem gần đây. Dường như chúng tôi đang cười để mặc nhiên xí xóa tất cả nỗi giận hờn phóng đại thỏa mãn nữ tính của mình nãy giờ. Cái khăn ấm thơm mùi đàn ông gây gây, là lạ. Tôi lau những giọt nước nhỏ trên mũi để nghe lại lần nữa cái mùi đặc biệt mới gặp đầu tiên trong đời.
Ngoài kia trời bỗng trút nước ào ào, gió thổi mạnh như muốn bật tung mái lá mỏng manh ẻo lả. Bức màn nước rũ xuống mái hiên càng lúc càng dầy hơn, che kín không gian bên ngoài. Mây đen kéo tới lúc nào đang phủ lên khung cảnh cô tịch thân thiết, đang làm nền cho một tình cảm lâng lâng êm đềm trong tôi. Mấy chùm tóc sũng nước kết lại trước trán Tuấn có vẻ gì hay hay lãng mạn nhưng đầy nam tính. Tôi hết giận và xao xuyến khi bắt gặp cặp mắt năn nỉ của Tuấn, đành đánh trống lảng:
“Trời mưa lớn quá! Mưa nhà quê nhớ kỷ niệm thời thơ ấu nô đùa với những cái bọt nước….”
Tuấn cướp lời:
“… Thầm chỉ một cái nào đó coi nó là mình và cầu mong nó lâu vỡ”, chàng nói trong khi mỉm cười, “ trò chơi đó thú vị ở chỗ ta có thể bắt đầu lại bất cứ lúc nào bằng cách tiếp tục chọn một bong bóng khác, và cứ như thế mãi… Đến tạnh cơn mưa. Thực tế mình chỉ có mỗi một đời thôi, không có gì để thay thế.”
Không biết cơn mưa kéo dài bao lâu và những nụ hôn thiếu kinh nghiệm nhưng bóc được lớp vỏ tình yêu e ấp kia đã lập lại bao nhiêu lần. Tôi đẩy Tuấn ngỡ ngàng khi cảm thấy âm thanh tiếng mưa khang khác và trời bên ngoài đang xụp tối mau lẹ. Thần kinh cảm giác vẫn ứng chiến trên má. Mật ngọt vẫn lảng vảng trên đôi môi tê dại, đôi môi hết còn trinh nguyên con gái.
“Trời tối quá rồi, mưa cũng dứt…Anh quá tham lam!”
“Như là một sự “đặt cọc” khoảng đời còn lại của anh bên cạnh Hường.”
“Nếu không có những nụ hôn kia, anh sẽ bỏ rơi Hường chắc.”
Tuấn xụ mặt không nói gì. Câu đùa vô duyên chạm tự ái Tuấn. Sự yên lặng lâng lâng, sảng khoái hòa lẫn với nỗi thắc mắc lẩn quẩn trong trí tôi trên đường về. Tuấn có khinh mình sau lần này? Làm sao giới hạn lại những lần khác? Con đường lộ ra cái như chịu ảnh hưởng của gậy thu đường, ngắn lại, đẹp ra. Tôi nghĩ đến tiền lời cho lần tải gạo này. Cha tôi sẽ có thêm vài viên thuốc ngoại quốc đang lưu hành lén lút đầy rẫy trên đường Nguyễn Huệ. Tôi đỏ bừng mặt khi nghĩ đến câu: “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Tuấn vẫn chăm chỉ đẩy xe, thỉnh thoảng liếc nhìn tôi trao đổi những nụ cười tình. Trong sự hân hoan thơ thới đó tôi như rơi từ chín từng không gian xuống khi nghe tiếng kêu của mấy tên công an mang súng vừa túa ra từ một căn nhà lá lụp xụp bên đường…
Tháng ngày mệt mỏi cằn khô mau lẹ con người tôi. Mắt thâm quầng, mặt đầy mụn, kết quả của những sự lo âu vô vọng, mất ngủ thức khuya… Ba tháng sống trong sự đợi chờ tin tức dài như ba thế kỷ.
Sau lần đi buôn thất bại ở Trảng Bom tôi như nhuốm bịnh luôn. Cuộc bán buôn lỗ lã ngút ngàn: những nụ hôn xác nhận tình yêu ràng buộc đời nhau như một thứ dây leo chằng chịt trói buộc không cho vùng vẫy. Cuộc đời tôi như rẽ ngang vì cơn mưa ở tụ điểm hiền hòa mà Tuấn gọi đùa là vùng Tam biên Việt – Miên Lào đó.
Một lần đánh bạo ghé nhà mượn cớ bán buôn hỏi thăm xa gần chỉ được biết mập mờ Tuấn bị cuỡng bách nhập ngũ và đang phục vụ đâu đó trên chiến trường đầy bất trắc ngoài nước Việt Nam. Em gái chàng thương hại nhìn cặp mắt lo âu của tôi nói nhỏ: “Anh có gởi thơ về nói chiến trường không xa nhà một người cùng làng tên Thái, và anh sẽ tìm dịp ghé thăm để chứng tỏ không có gì gọi là định mệnh vì lý do loài người áp đặt muốn chia rẽ anh em”. Tôi linh cảm cuộc đời không giản dị như ước vọng của Tuấn. Có những ngã rẽ tàn khốc sanh ra do những dữ kiện hết sức tầm thường và phi lý. Tầm thường như một cơn mưa nhưng đủ kết nối một cách nghiệt ngã đời tôi với chàng. Rồi biết đâu sẽ có cái phi lý như động tác bấm cò súng trước hay sau một tíc tắc đồng hồ. Chớp mắt ngó xuống đôi tay đầy gân xanh của mình, tôi cố giấu một xúc động mãnh liệt đang nghiền nát con tim. Đàn bà con gái với nhau, làm sao che mắt được, tôi lùi về vị thế thủ, nói vài câu an ủi ngược, lòng cảm thấy trơ trẽn, dối trá. Chắc gì khi nhận được những lời như vậy tôi đã yên lòng? Nói để nói. Tự vẽ ra hình ảnh mà chính mình cũng ngờ ngợ, không tin. Chợ búa càng ngày càng ế. Bữa nào cũng như bữa nấy chỉ những khuôn mặt võ vàng đó chùm nhum tán gẫu giết thời giờ. Người bán người mua thưa thớt, chúng tôi buồn tính sang qua sớt lại mấy món hàng ế ẩm để chờ đợi một khoảng thời gian tươi sáng không biết bao giờ mới có. Sắc diện tôi xuống mau như mặt trời tháng Mười, chưa cười đã tối, thuốc men cho cha tôi dần dần được thay thế bằng mấy thứ lá cây cỏ mọc hoang dại ở hàng rào nhà bên cạnh, tác dụng tinh thần nhiều hơn mục đích chữa trị. Nếu tình trạng này kéo dài, hoặc tôi, hoặc cha tôi sẽ ngã xuống nay mai. Có lẽ cả hai một lúc không chừng. Tháng ngày có Tuấn, sự có mặt của chàng mặc dầu lúc đó hiện diện trong tôi một cách khiên cưỡng… Đã, như những cơn mưa trái mùa đến bất chợt nhưng vắng lâu ta mới thấy sự hiện hữu trước đây là cần thiết. Muốn đánh bạo lại lần nữa để hỏi đơn vị chàng nhưng nhớ lại rồi thư từ sẽ bị xem trước nên ngại ngùng. Riêng tư, người ngoài kiểm duyệt, xăm xoi, chẻ làm tư làm tám từng chữ nhỏ khác nào phũ phàng chà đạp lên mối tình thần thánh của tôi. Tôi nén lòng chờ đợi đến bực dọc sự im lặng lâu lắc đến tàn nhẫn của Tuấn. Tại sao anh không viết cho em mấy dòng? Anh biết địa chỉ của em mà. Anh ở quá xa mà em thì cô đơn. Viết như một cách thể kéo gần lại không gian, gần gũi nhau trong trí tưởng tượng. Đọc thư nhau như chúng ta đối diện tâm tình. Để em khỏi lo âu, mong nhớ. Để anh quên được nỗi chết vô lý rình rập từng giờ. Để em an lòng rằng cho đến ngày tháng đủ đời chưa đến nỗi hung bạo kéo anh ra khỏi tầm tay ngắn ngủi nhớ nhung của em.
Mỗi ngày về nhà sau khi vấn an một cách chiếu lệ người cha đau khổ trên giường bệnh, tôi nhìn quanh quất chờ đón câu nói: “Con có thơ”, nhưng bữa nào cũng như bữa nào, người không nói gì, tôi biết nếu mình hỏi hôm nay, ngày mai sẽ hỏi nữa và sẽ hỏi hết quãng đời còn lại không chừng. Sự thống khổ sẽ tăng gia cho cả hai. Tôi nuốt đắng sự háo hức, dồn nén câu hỏi để làm tròn bổn phận đứa con ngoan trong hoàn cảnh vô cùng bất lợi đang tuyệt vọng chờ đợi một kết thúc bi thảm như một người bị kẹt trong hố sâu chờ lúc những hòn đá trên cao rơi xuống lấp chôn…
“Mắt Hường đẹp thế kia, nếu đời Hường không hạnh phúc quả trời không có mắt”. –”Đừng nịnh đầm. Trong thiên hạ biết bao nhiêu chuyện bẽ bàng xảy ra rồi. Trời đất vô tình, coi con người như chó rơm. Nếu trời có mắt đất nước này đã chẳng như ngày nay” –”Đó là lý do chính khiến anh yêu mà chưa dàm nghĩ đến chuyện cầu hôn. Thời gian yêu thương tiền hôn nhân đẹp tuyệt vời. Và nếu có xảy ra chuyện không may cho một trong hai người, người còn lại đau khổ, nhưng sẽ không trách nhiệm trong vấn đề thủy chung”.
Tôi nhớ mình đã bực tức gần như bật khóc trước cách đặt vấn đề của Tuấn. Tính chất thực tế của câu nói, cách tách tôi ra khỏi những bất trắc có thể đến với chàng làm tôi nghẹn ngào. Tuấn coi tôi là gi của anh ta mới được chứ? Giờ đây trong cơn đau xé lòng tôi mới hiểu được sự lo xa đó. Tôi nhỏ nhoi trước tình yêu của chàng. Tôi thấy mình phải có hành động tương xứng: bám chặt vào sự đợi chờ, tuy rằng mỗi ngày qua quá trình hủy diệt Tuấn càng có cơ thành tựu. Nghĩa vụ chiến trường liệt sĩ. Bước thứ hai. Rồi sẽ bước thứ ba. Biết tôi có sống nổi để nhận được cái tin đó? Một cái tin tôi biết trước sau gì cũng có. Trong hai mươi năm của cuộc chiến vô lý nhất thời đại, trong mấy năm của cuộc xâm lăng điên rồ mà dân tộc tôi phải gánh chịu, Tuấn đâu phải là người đầu tiên bị đốn ngã và tôi đâu phải là người con gái cuối cùng khóc khô dòng lệ cho sự nằm xuống của người tình? Nhưng sao tôi vẫn hy vọng lý luận của mình sai và bằng vào sự tin tưởng ở một sác xuất vô cùng nhỏ nhoi, tim tôi mong Tuấn thoát được. Thà rằng “sinh ly còn hơn tử biệt”. Tôi, tôi sẵn sàng chấp nhận mất Tuấn vĩnh viễn ở phương trời xa với người tình mới và những cuộc vui mới còn hơn được tin chàng ngã xuống vì một viên đạn căm hờn.
Buổi chiều về nhà thấy là lạ. Một chiếc xe Honda dựng trước cửa. Mừng như tết. Kỳ thiệt, không tìm ở chỗ cũ. Chỗ thường gặp nhau, chỗ có niềm vui đầu đời. Đến chi đây cho đời rắc rối thêm ra. Ai cũng biết bộ quần áo anh đang mặc tượng trưng cho bất trắc. Tôi sửa soạn nụ cười. Nụ cười chưa mở hết bỗng héo úa khi người thanh niên trong nhà không là Tuấn.
Hắn lụp chụp đứng dậy chào, lắp bắp không thành tiếng. Dại gái thế này, chắc hẳn đến đây không thiện ý. Tôi gật đầu chiếu lệ rồi giả tảng như không, quay ra nói chuyện với cha… Hồi lâu hắn mới móc túi chìa ra một tờ giấy ronéo đen bẩn, nhỏ bằng nửa tờ giấy học tró.
“Cô Hương, có giấy báo trên quận chấp thuận cô xung phong công tác thủy lợi hai mươi ngày. Cô sửa soạn ngày mốt lên đường.”
Nghe như sét đánh bên tai. Trước mặt tôi không là một người, mà là một con sát tống đạt giấy dẫn độ tôi về địa ngục. Cha tôi bỗng lên cơn ho rũ rượi. Người co chân vào ngực, gập mình, giật giật theo từng âm thanh xé nát phổi người và bóp nhẹp tim tôi. Tôi như muốn ngã lăn quay xuống đất. Chạy ăn từng bữa muốn hụt hơi, cả tháng dầm mình trong bùn đất lại phải tự túc đem cơm nước làm sao mà tôi lo xuể? Mà ai ở nhà chăm sóc cha tôi? Cơn bịnh của người đã đến thời kỳ trầm kha, sống nay chết mai. Sáu mươi tính tháng, bảy mươi tính ngày. Người đã gần bảy mươi, đang tuyệt vọng chống lại những con vi trùng quái ác, chờ ngày bị chúng quật ngã để cả hai đàng cùng đi vào lòng đất. Tôi lòng dạ nào bỏ đi cho đành. Muốn sao thì sao, tôi phải ở nhà.
Tiếng hắn, giọng lấy điểm:
“Trước khi đến đây, tôi đã trình bày với trên Quận và được trả lời rằng công tác của Quận phải được đặt lên hàng đầu. Những khó khăn giới hạn của mỗi gia đình sẽ được từng bước giải quyết.”
Tôi lợm giọng. Thức ăn trong ngày như muốn trào ra. Cổ tôi trơn nhờn như cảm giác lúc thấy cha tôi ườn cổ uống tro, những con giun đất, để “trừ ho và trừ đàm theo phương pháp ngoại khoa”.
Tôi nói, cố giấu đi sự lạnh lùng thường nhựt:
“Anh thấy đó”, tôi quay về phía cha tôi, mắt hắn cũng đảo theo, “làm sao Hường có thể yên lòng công tác được!”
Mắt tôi chớp chớp diễn tả sự ngây thơ và đau khổ. Hắn đực mặt ra. Trái táo Adam chạy lên chạy xuống theo động tác nuốt nước bọt. Hắn đang xếp những điều muốn nói lại trong trí, đang đánh lưỡi bảy lần để đưa ra một lời đề nghị đổi chác nào đó. Mong cho đề nghị có thể chấp thuận được. Còn cái nhẫn vàng năm phân. Hy vọng của đi thay người. Hắn nhìn trân trân bàn tay tôi đang chống cằm, liếm môi nhiều lần trước khi nói:
“Cô Hường… Tất cả chuyện khó trên đời này đều có thể giải quyết được nếu ta chịu giải quyết và biết cách giải quyết”.
Tôi chồm đến gần hắn hơn. Thực tình tôi chỉ nóng lòng chờ đợi để biết hắn muốn nói gì. Hắn vồ vỗ lên mu bàn tay tôi, nói trong một sự cố gắng tối đa chừng như ngoài lúc này sẽ chẳng bao giờ có đủ can đảm. Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên. Té ra bấy lâu nay mình là con mồi hắn rình rập bổ lưới. Tai tôi lùng bùng không nghe rõ hắn nói gì, chỉ lờ mờ hiểu rằng mình được mời tối nay, hay tối mai đi đâu đó. Tức giận ước chừng muốn lật cái bàn trước mặt đập lên người hắn. Giá trị một người con gái chỉ bằng tờ giấy lộn cưỡng bức hai mươi ngày lao dịch kia thôi sao? Tôi có thể có nhiều cách khác để khỏi đi, đâu cần phải bán thân cho hắn. Một lần đi chung, hai lần đi chung, một lần đi ăn, hai lần đi ăn, tới lúc nào đó mình biến thành gái bao hay vợ nhỏ của hắn mà không hay. Tôi tức tưởi muốn khóc, trừng mắt nhưng kịp dằn. Hắn không đáng thấy được yếu tố nữ tính của mình, cũng không là người để mình giận dữ. Giận dữ là muốn cho hắn một bài học sửa đổi. Tôi đâu đến nỗi vô công rỗi việc để làm chuyện đó. Mặc xác hắn.
Tôi trả lời thật nhẹ:
“Thật tình đi chơi với anh, cũng không có gì ngại. Nhưng mà anh để cho khi khác”.
Thấy hắn ngần ngừ, tôi nói thêm:
“Hường ở đây. Anh làm việc ở đây. Còn nhiều thì giờ. Vội gì. Cha Hường lúc này cần người săn sóc”.
Khi hắn ra về tôi bực mình với chính tôi. Mình đã đầu hàng hoàn cảnh, đã biết môi miếng đẩy đưa lời nói, đã biết ngoác mồm uốn lưỡi học xuôi kẻ có thế quyền. Đời đang biến thể mình từ từ. Lanh lẹ, lẻo mép, đãi bôi ở chợ trời. Đong đưa ừm ờ với những con dê xồm dơ dáy ở địa phương. Tôi đã từ từ lột xác để bắt đầu hư hỏng ra, không phải kiểu con tằm hóa bướm mà hóa thành một loài sâu đáng ghê sợ hơn? Hay chính tôi đang bước đầu vong thân vì hoàn cảnh?
Khép hờ cánh cửa, tôi bước ra sân sau khi liếc nhìn cha già đang thở những hơi mệt mỏi thiêm thiếp trên giường. Chuyện tình nguyện thủy lợi bắt buộc làm bịnh trạng người nặng hơn, làm tôi ngột ngạt khó chịu tới muốn nhuốm bệnh: phải hít thở một chút không khí bên ngoài.
Mặt trời chưa khuất sau dãy nhà đằng xa nhưng mây đen như đang vần vũ quanh đây. Một chiếc xe buýt cũ kỹ ì ạch chạy ngang chất chứa một số người quá với khả năng phát ra tiếng kêu than lụp bụp chói tai. Tôi nhìn đám hành khách chen chúc trong xe vừa thương hại vừa buồn đau số phận đất nước. Chắc họ cũng như tôi một vài lần trước đây cũng vui mừng vì không lỡ chuyến xe chót trong ngày. Sự chật chội, chen lấn cộng với mùi mồ hôi sau một ngày làm việc mệt nhọc khiến mọi người mệt nhọc hơn. Nhưng rồi họ lại tự an ủi rằng có còn hơn không. Họ bằng lòng với cái được nho nhỏ càng ngày càng teo tóp bớt lại, dần dần quen đi để cuối cùng khổ mà không tự biết. Cũng như tôi rồi sẽ lém lỉnh, đãi bôi đến lúc nào đó những thâu lượm để sinh tồn sẽ biến thành bản chất. Tôi sẽ biến dạng, lột xác thật sự, sẽ không là một nữ sinh viên chân thật, rụt rè ngày nào nữa mà là một phụ nữ sản phẩm đặc trưng của cái xã hội nầy. Như cây xương rồng phải có lá dầy và gai nhọn để có thể sống được ở sa mạc. Tôi sẽ… Tôi không dám nghĩ xa hơn. Tất cả chỉ là một sự bẽ bàng đến độ đáng thẹn.
“Những hình nộm nhan nhản đang hợp xướng hàng ngày như bầy ễnh ương ộp ộp, oang oang kia trước đây vẫn tưởng vô hại khi nói theo chúng một lần, hai lần…Nói để sống, nhưng đến lúc nào đó họ sẽ đánh mất linh hồn mà không tự biết. “ Đó là tác dụng của sự lập đi lập lại để tạo thành tập quán rồi bản năng.” –” Vâng, tụi nó áp dụng định luật Parlov. Cách hay nhất là mình ý thức rằng họ đương điều kiện hóa mình để bẻ gãy quá trình đó.”
Tôi bước những bước mơ màng trên con đường thiếu điện, tối om. Bước chân vô thức dẫn dắt vào xóm nhà Tuấn. Con đường hẻm như rộng hơn vì vắng bóng trẻ con chơi đùa. Một bà kia còn ngồi nán lại bên gánh chè ế khách đưa mắt mời gọi. Một vài ngọn đèn vàng vọt tỏa ánh sáng yếu ớt từ những căn nhà xa xa. Nhà Tuấn đó hôm nay có vẻ gì khác thường trong sự lặng thinh của những người ra vào. Tất cả như bước những bước hụt hẫng khẩn trương. Tôi tò mò đến trước cửa, hững hờ như khách nhàn du. Tiếng người khóc ấm ức, nghẹn ngào bên trong. Sao con bỏ cha mẹ đi mà không một lời từ biệt. Một người đàn ông trong nhà bước ra. Quay lưng về phía tôi, tay vịn cánh cửa, chân tìm dép trong đống dép đủ màu, đủ loại úp ngửa ngổn ngang. Ông ta thủng thẳng quay ra, chép miệng nói bâng quơ, “Mới thấy đó liền mất đó, mới có ba tháng chứ lâu lắc gì! Thời buổi này nghĩa vụ là nghĩa địa”. Tôi bỗng nghe mình dửng dưng, lạnh lùng. Toàn thân như được cấu tạo bằng chân không, không biết xúc động. Tuấn, trước sau gì cũng mang tin đó về gia đình thôi. Tôi còn tình cảm đâu để buồn?
Tôi vô thức bước sâu hơn trong hẻm tối, chẳng cần để ý con đường trước mặt dẫn về đâu. Đường hẹp dần, càng lúc càng gồ ghề, loang lổ, trơn trợt. Gió đồng nội mát lạnh bắt rùng mình. Tôi cho tay vào túi quần jean quần bò nói theo kiểu của họ, để đỡ lạnh, vô tình tay chạm vào tờ giấy thủy lợi, đưa lên mắt liếc nhanh bằng ánh sáng ngôi sao hôm nhấp nháy trên trời cao, rồi vò liệng trên đường đê. Chân tôi vẫn bước đều, nhẹ nhàng phơi phới như bông như mây. Con đường đất ngoằn ngoèo trước một khung cảnh bao la chung quanh như một thứ nam châm hút tôi bước về phía trước, bước mãi…
Một cơn gió lạnh quật ngang, phũ phàng như một ngọn roi cá đuối siết vào da thịt. Tôi rùng mình, xây xẩm, cơ hồ ngã lăn quay xuống đường… Đất trời như nghiêng nghiêng dần rồi phủ ập xuống ruộng có tôi đang đứng trên bờ đê. Giây lát tất cả đều trở về trạng thái bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Trên trời ngôi sao Hôm lấp lành vẫn còn đó, chơ vơ.
Gió đâu thổi ù ù bên tai tôi, vạt áo đập phần phật. Tôi đưa tay kéo lại, bỗng cảm giác tay mình quá nhẹ nhàng thanh thoát, như người phi hành đang lơ lửng trên tầng xa của vùng chân không bất tận. Tôi ngạc nhiên khi thấy mình càng lúc càng bay bổng lên cao, hai tay đang khép hờ vạt áo và hai tay khác đang với lên bờ ruộng trong khi chính một tôi khác đang nằm sõng soài trên bờ đê, hớ hênh hai chân thòng xuống mặt ruộng xâm xấp nước, một cái nút bóp ở giữa ngực bung ra. Từng cụm, rồi từng cụm mây lướt nhanh qua mặt tôi… Khi tiếng ù ù hết, những cụm mây lơ lửng cũng không còn, tôi đã đứng trước một khung cảnh chưa từng gặp nhưng thân thuộc như đã nằm trong tôi từ muôn ngàn kiếp, tràn đầy hoa thơm cỏ lạ, suối róc rách chảy trên nền đá muôn màu, điểm tô đó đây lâu đài kiến trúc tân kỳ bằng những sợi mây chiều óng ánh. Lòng tôi thanh thản lạ lùng, sự buồn phiền đã tan biến từ lúc nào đó xa xôi. Hình ảnh Tuấn tức tưởi chết cũng như hình ảnh cha tôi đang nằm oằn oại trên giường không còn xoáy tim tôi nữa. Tôi mơ hồ mường tượng mình đã hoàn toàn tách ra khỏi không gian vô lý của cuộc đời. Phía dưới đất thấp thoáng Dinh Độc Lập lững lờ chen giữa rừng cờ màu đỏ sẫm đầy yêu khí. Qua mái “bê tông” tôi thoáng thấy từng cặp ngỗng khổng lồ đang chui vào vỏ trứng. Từng cặp, từng cặp, lác đác đó đây trong gian phòng diễm lệ như những cặp số không tròn trĩnh trên quyển vở tính đố của đứa học trò hư. Tôi dõi mắt cố tìm khu nhà mình, không thấy gì ngoài đám mây đen dày đặc. Nhưng kìa, Tuấn mặt tươi rói. Cả cha tôi nữa, mạnh khỏe hồng hào. Cả mẹ tôi nữa, khuất núi khi tôi còn lẫm đẫm. Và nhiều, nhiều người khác, quen hay không, đang tách mây mù tiến về phía tôi chào đón, trên môi mỗi người, nụ cười tươi thắm nở rộ, thân thiết, tưng bừng…
Tôi vẫn thấy một tôi khác nằm hớ hênh trên bờ đê bây giờ lại thêm hàng chục người bu chung quanh. Lại có tiếng ai đó kêu thất thanh: “bà con ơi làm ơn mau ra giúp cô này nè. Trúng gió lạnh lắm, sợ nhập thổ rồi đi luôn đó. Mau bà con ơi!”. Mây vẫn bay và tôi thấy mình quyến luyến với cái tôi nhẹ nhàng thanh thoát hơn là cái tôi thiểu não nằm kia.
***
Xa tít trên cao, ngôi sao le lói đang nhấp nháy, mờ dần rồi xẹt nhanh, vẽ một đường nhạt nhòa trên nền trời đen thẳm.
Related news items:
Tin mới
- Cái Gói - 14/09/2018 16:10
- Một Thuở Học Trò - 14/09/2018 16:04
- Lấy Chồng Mỹ - 08/09/2018 19:49
- Quán Chữ Cái - 08/09/2018 19:46
- Huyết thù - 08/09/2018 19:42
- Tiếng Nổ Sau Chiến Tranh - 26/08/2018 15:57
- Tên Người Yêu - 26/08/2018 15:54
- Chân Tình - 25/08/2018 19:40
- Da Rừng - 25/08/2018 15:15
- Bạc tình - 25/08/2018 15:07
Các tin khác
- William và Mary - 19/08/2018 15:50
- Nước mắt trông theo - 19/08/2018 15:44
- Ông Ngoại của ai? - 11/08/2018 18:07
- Người Bán Liêm Sỉ - 04/08/2018 16:13
- Chị Khanh - 04/08/2018 16:10
- Quả báo - 04/08/2018 16:03
- Lấy Máu - 28/07/2018 17:56
- Khách Quý Đến Chơi Nhà - 28/07/2018 17:50
- Em Ðẹp Nhất Ðêm Nay - 28/07/2018 17:47
- Đại sư phụ, Heo nọc - 21/07/2018 13:47