Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hương Sen Châu Thổ - Phần I

huong sen chau thoBuổi chiều cuối năm ở quân y viện có nắng vàng im lìm trải dài trên lối đi rộng trước khu điều dưỡng sĩ quan. Đã quá giờ thăm viếng từ lâu nên bên trong chỉ còn vài người đàn bà được phép ở lại để săn sóc thân nhân. Họ nhẫn nại đứng ngồi trong khu nhà sâu hút hai dãy giường bệnh trắng. Từng chai nước chuyền sinh lủng lẳng chúc đầu uể oải từng giọt rơi như nước mắt dọc theo ống nhựa trong vắt cắm sâu vào thân thể thương tích mở toang. Khu trại tưởng đã hoàn toàn yên lặng nếu không có tiếng cười nói ồn ào chen lẫn nhạc lính từ phía câu lạc bộ vọng về. Nắng chiều len qua dãy cửa lá sách từ nóc tường cao rơi nằm uể oải trên từng tấm áo thương binh xanh xao bạc nhược. Những khuôn mặt gầy rạc bất động, mắt nhắm sâu vào cõi im lìm của từng giấc ngủ mệt nhọc tiếp nối nhau vì chất thuốc giảm đau.

Trong phòng thuốc cạnh cửa ra vào, người nữ y tá lơ là sắp xếp chồng hồ sơ bệnh nhân nằm ngổn ngang trên mặt bàn. Nàng đứng dõi mắt nhìn về phía chiếc giường trống duy nhất giữa phòng. Kín đáo trong bộ quân phục bốn túi rộng, có lẽ làn da trắng mát là nguồn an ủi cuối cùng cho cô gái. Người nữ hạ sĩ quan Quân Y có khuôn mặt xấu đến tội nghiệp.

Anh chàng chuẩn úy nằm ở cuối phòng có lần đùa riêng với Thượng sĩ Y tá Bảy.

- Phải chi cô Ngọc Kỷ có nhan sắc một tí thì tôi nằm bệnh viện bao lâu cũng được.

Người y tá già chất phác lót chiếc ruột xe bơm căng cho ngay ngắn dưới lưng người thương binh.

- Chuẩn úy đừng giỡn vậy. Cô Kỷ nghe được buồn lắm. Cổ hiền lành và mát tay lắm đó.

Liên Khương, bà chị của chàng sĩ quan trẻ, người đất Hoàng triều cương thổ, lườm trách em với giọng Huế nhẹ nhàng.

- Đàn ông tụi mi khi mô cũng chỉ chằm hăm vô cái nhan sắc thôi. Bộ mi không biết cái nết đánh chết cái đẹp răng?

Ông em cười nhăn mặt vì vết thương đau, vẫn trây trúa.

- Thì phải có cái đẹp trước rồi chị mới đánh nó chết được chớ.

Cô chị nhìn em lắc đầu. Chị buồn. Chị quay lưng lau vội giọt nước mắt vừa rơi. Liên Khương biết em mình chỉ gượng vui. Hai mươi tuổi đời. Tuổi lính chưa kịp thôi nôi. Hòa bình đang được treo trả vốn lời trên chiếc bàn tròn nỉ xanh từ một kinh thành xa xôi trời Âu. Vậy mà đôi chân đã không còn.

Ngọc Kỷ mở hồ sơ đọc đi đọc lại tên người sĩ quan xa lạ sắp được chuyển đến từ phòng hồi sinh. Gần một năm nay, từ ngày nàng về làm việc ở khu điều dưỡng sĩ quan này, đây là lần đầu tiên nàng sẽ có dịp săn sóc một sĩ quan Hải quân.

Thượng sĩ Bảy nói đùa với nàng lúc đọc hồ sơ điều trị.

- Vậy mà tui cứ tưởng mấy ông quan tàu thủy này nếu có xui lắm thì vì nhậu xỉn quá bị rớt sông chết đuối thôi chớ ?!

Chiến trường nơi người Trung úy Hải quân bị thương càng gây sự tò mò chú ý của nàng. Mỹ An, Kiến Phong. Ngọc Kỷ đã sinh ra trên vùng đất thấp mênh mông tràm đước đó. Nàng đã lớn lên bên dòng kinh khốn khó, lớn ròng nổi mặc cảm triền miên của đứa con gái trời bắt xấu. Nàng đã bỏ đi, đem theo nỗi bâng khuâng riêng lắng của ngày học trò mới lớn có lắm tủi thân và những cánh sen ngát hương kỷ niệm đọng lại đâu đó trong hồn.

Cha mẹ Ngọc Kỷ lấy nhau sau ngày họ học hết lớp ở trường quận. Sau năm đệ tứ, học trò trường trung học đệ nhất cấp Tổng Đốc Lộc muốn học tiếp phải khăn gói ra Kiến Văn, Cao Lãnh. Ngôi trường quận nhỏ nằm khiêm nhường bên góc ngã tư kinh đối diện với chi khu Mỹ An. Lục bình từ kinh Phước Xuyên, kinh Tháp Mười theo con nước giao nhau quây quần trước chợ quận rồi trôi tấp đến tận hiên trường.

Người cha qua đời năm Ngọc Kỷ lên ba tuổi. Nội vẫn ít lời về thằng con trai đèo bồng lêu lổng của bà. Gả thợ may ươn lười ở chợ quận đã say rượu trúng gió chết lúc chèo xuồng về nhà. Vài năm sau đó mẹ của Ngọc Kỷ bỏ nhà đi theo một người lính Sư Đoàn 9 về sống ở Kiến Tường. Những lần người mẹ theo tắc ráng về thăm con thưa dần cho đến khi có người cho hay người chồng sau của bà tử trận. Người đàn bà đa truân lại phó thác phận mình cho một người lính khác, đèo bồng nhau lên tận miệt núi rừng Tây Nguyên, biệt tăm biệt tích.

Hai bà cháu sống hẩm hiu trong ngôi nhà nhỏ cuối chợ. Con Kỷ lớn lên âm thầm như bóng. Vết chàm thâm đen trên khuôn mặt thô xấu như nét khắc ghi lời nguyền rủa rớt lại tự một tiền kiếp hồ đồ. Con bé thường ngồi im hằng giờ trên chiếc xuồng cột vào gốc cây ô môi trước nhà tìm bóng mình trong làn nước. Dòng kinh nước đục lả tả bầy lục bình trôi lung lay bóng đời u uẩn.

Ngọc Kỷ đi học trễ. Gần mười lăm tuổi con Kỷ mới học xong tiểu học. Ngày bãi trường Nội nấu chanh chùm kết gội đầu cháu cho thơm. Nằm nhắm mắt trên chiếc chõng tre đầu hiên nhà, con Kỷ lắng nghe từng giọt nước thơm bò nhột nhạt lên đôi vú vừa nhú căng như hai trái đào non. Bà Nội xuýt xoa khen cháu có nước da trắng không ăn phèn làm con Kỷ lần đầu tiên trong đời cảm thấy e thẹn.

Bà Nội kéo sửa phần căng căng ở ngực lúc con Kỷ mặc thử chiếc áo bà ba lụa trắng Tân Châu bà vừa may cho cháu.

- Con nhỏ này lớn lẹ như thổi. Vú gần bằng nắp vung rồi. Cái áo tới Nội sẽ chít chỗ này rộng hơn chút nữa.

Con Kỷ mắc cỡ quay mặt bước một mạch vô nhà sau. Tiếng vải quần lãnh đen Tân Châu kêu sột soạt theo bước chân. Bà Nội lắc đầu cười, nói với theo.

- Rằm này Nội cho con lấy tiền bán bông sen ra chợ mua một hai cái xú chiên mà nịt lại. Con gái lớn rồi, đừng để xổng xổng coi vô duyên lắm.

Con Kỷ trở ra với cái áo bà ba đen rộng cũ trên người.

- Con hổng ham mấy thứ đó đâu. Nội cứ may áo thiệt rộng cho con là được rồi.

Thợ may ăn giẻ nên con Kỷ lúc nào cũng có áo quần tươm tất. Ngôi nhà đất cuối chợ cũng là tiệm may nhỏ của bà Hai Sen. Lính ngoài chi khu vào sửa quần áo lính hà rầm nên hai bà cháu sống đắp đổi qua ngày. Con Kỷ cúi đầu lấy tóc che vết chàm trên mặt, ngồi lặng lẽ đơm khuy nút giúp Nội. Những người lính trẻ tới tiệm may, họ nhìn vội vết chàm xấu xí trên gò má đứa con gái rồi quay mắt dửng dưng trò chuyện với bà Hai.

Ông Hai chết trẻ, từ trào Bình Xuyên Hòa Hảo. Bà Hai ở vậy nuôi hết con rồi tới cháu từ mấy chục năm nay. Miếng ruộng hương hỏa bên kia bờ kinh Tháp Mười, không sạ lúa, bông sen bông súng mọc đầy. Xuồng chống sâu theo mương nước luồn lách qua đám ruộng đước cao xấp xỉ đầu người chừng mấy chục tầm đất thì tới đồng sen. Mũi vừa hít thở được hương sen tỏa ngát trong cơn gió thoảng đồng nội thì màu sen hồng, sen trắng, điểm với màu vàng bông súng, nhẹ nhàng lung linh trong nền đước xanh đã đập vào mắt nhìn với sự ngạc nhiên kỳ thú. Cái chòi mảnh khảnh dựng bằng cây tràm giữa đồng sen hắt vào khoang trời xanh lơ nét chấm phá cô đơn nỗi đợi chờ mây trắng. Hai ông cháu thằng Nèm dựng căn chòi đã mấy năm nay, từ lúc được bà Hai cho phép cắm chà đặt lợp, bắt cá bắt lươn trong ruộng nhà.

Ông Bảy Chà có đứa con gái rượu nhan sắc cũng mặn mà. Con Bé Hai chê cuộc sống bưng biền bỏ Mỹ An đi Long Xuyên buôn bán làm ăn. Được mấy năm thì Bé Hai một hôm dẫn thằng Nèm về bỏ lại cho ông Nội nuôi rồi đi biệt tăm từ đó. Căn nhà tranh nhỏ ở đầu con mương, thấp thoáng sau lùm cây điên điển, có thêm tiếng cười con nít lẫn trong tiếng ho khan của ông già Bảy mỗi đêm về nghe cũng vui hơn. Thỉnh thoảng có con cá ngon đem qua cho người hàng xóm tốt bụng, ông Bảy lại thở than.

- Ông Trời sao nghiệt quá há chị Hai. Già cả như tụi mình mà hết nuôi con lại tới nuôi cháu. Tui nói thiệt nghe chị Hai. Ông Trời ổng nghiệt ngã lắm chị Hai ơi.

Giọng thở than của ông Bảy Chà trộn trong tiếng ho khan theo ông xuống tới bến, buồn bã như tiếng chao động của mái dầm khua nước.

Nhà nghèo mà thằng Nèm học giỏi lắm. Nó đi học đúng tuổi. Mười lăm nó đã học xong đệ ngũ, lại còn biết nói tiếng với mấy ông lính Mỹ vẫn hay đậu tàu ở bến chợ trước chi khu. Trước chạng vạng tối mỗi ngày ông Bảy chống xuồng vào đồng sen cắm chà đặt lợp. Người già ít ngủ, ông Bảy thức dậy sớm, ngồi nấu nước trà hút thuốc rê chờ sáng. Riết rồi quen. Tiếng ho khan của ông Nội đánh thức thằng Nèm dậy mỗi sáng vừa đúng lúc mãn giờ giới nghiêm. Thằng Nèm mắt nhắm mắt mở, bước ra đầu hiên múc nước lóng phèn trong lu rửa mặt súc miệng. Nhổ phẹt miếng nước trong miệng xuống đất, khoác vội cái áo trây di cũ dài tay lên người, thằng Nèm vội vàng bước xuống mương ở đầu hông nhà. Hắn chống xuồng vô đồng sen, giở chà đổ lợp, đem cá về để ông Nội kịp phiên chợ sớm và hắn kịp giờ học buổi sáng.

Con Kỷ đứng dựa gốc cột hiên nhà nhìn vào phía bên trong cửa sổ, nơi bà Hai đang ngồi may. Dãy hàng lụa vải đủ màu treo ngay ngắn trên sợi dây thép giăng cao phía sau lưng bà Hai đong đưa vui mắt.

- Từ rày trở đi hễ Rằm Mồng Một đi hái bông sen bán, Nội để con đi một mình nghen. Đi với Nội hổng vui gì hết.

- Trời đất. Cái con này, mày lại sanh chứng rồi. Chống xuồng vô trỏng, ngắt lẹ bông sen cho đầy xuồng rồi trở ra để kịp bán cho người ta cúng Rằm cúng Mồng Một thì vui cái mửng gì không biết.

Con Kỷ ngúng nguẩy kể lể.

- Thì mới bữa hổm đó... Bông hái đầy xuồng rồi trời còn sớm bưng vậy mà xin Nội leo lên chòi ngồi ngó lung một chút, Nội cũng không cho.

Bà Hai Sen ngó ra phía bờ kinh, giọng bà mừng rơn.

- Cái thằng này linh thiệt. Vừa tính nhắc tới nó là đã thấy ló mặt ra rồi.

Thằng Nèm lúi húi cột xuồng vào gốc cây ô môi, lủng lẳng xách hai con cá bông lau to bằng bắp chân vào nhà.

- Nội Bảy biểu tui đem cá qua cho bà Hai. Mấy bữa rày cá ăn lợp quá trời.

Bà Hai nhìn theo con Kỷ xách cá đi xuống bếp.

- Con Ngọc Kỷ đứng cự nự tao nãy giờ đó. Nó muốn chống xuồng đi ngắt sen một mình.

Con Kỷ hậm hực.

- Nội sợ đủ thứ hết. Sợ tui bị lật xuồng, sợ tui lên chòi chơi nằm ngủ quên rồi trễ chợ.

Thằng Nèm cười. Mắt hắn nhìn thẳng thắn vào mặt con Kỷ.

- Trời đất! Bà Hai khéo lo. Con Kỷ nó lớn trộng rồi, qua hè này là vô trường trung học chớ còn nhỏ nhắn gì nữa mà bà Hai lo cho mệt.

- Vậy thì... Nèm à, mầy coi cho con Kỷ chống xuồng theo rồi chờ khi nó ngắt sen xong thì dẫn nó trở ra. Rồi mầy cho nó quá giang đi học luôn.

Thằng Nèm gật đầu nhìn con Kỷ.

- Tui chống xuồng lẹ lắm à nghen!

- Tại bà Nội tui nhờ chớ tui đi mình ên cũng được vậy.

Con Kỷ xách rổ xuống xuồng ngồi làm cá. Cây ô môi trải bóng mát rượi lên bến nước. Dáng thằng Nèm dõng cao trong cái áo trây di cũ dài tay đang bơi xuồng về nhà bên kia bờ kinh. Mái dầm khua động con sóng nhỏ làm lao xao bến nước nơi con Kỷ đang ngồi. Lùm cây điên điển trước nhà thằng Nèm nở bông vàng rực đong đưa cơn nắng đầu mùa hạ.

Từng ngày hè rộn ràng qua như lòng dạ con Kỷ nôn nao chờ tới Mồng Một, Rằm để theo thằng Nèm đi hái sen trong đồng. Tiếng súng xả giới nghiêm vừa vang lên đánh thức dòng kinh đang ngái ngủ là con Kỷ đã chống xuồng tới đầu mương đứng chờ. Ông già Bảy đã thức dậy từ lâu. Ông ngồi im lìm uống trà chờ sáng trong bóng tối dưới hiên nhà. Ông Bảy hối thằng Nèm sau cơn ho rũ rượi đến xốn ruột người nghe.

- Nèm à, mầy rị mọ gì trong đó mà lâu quá vậy? Cháu chị Hai Sen đang chờ dưới bến kìa.

Thằng Nèm khoác vội chiếc áo lính cũ, múc nước rửa mặt, ngửa cổ uống một búng nước, súc miệng rồi ba chân bốn cẳng nhảy xuống xuồng.

Con Kỷ thơ thẩn bơi xuồng lựa ngắt những búp sen lớn tươi tắn. Từng bó sen trắng hồng xen lẫn nhau nằm ngay ngắn trên lớp lá sen xanh lót trên xuồng. Mùi thơm của sen quyện ngát trong hương đồng cỏ nội buổi tinh mơ khiến tâm hồn con Kỷ lâng lâng niềm vui khó tả.

Thằng Nèm hà tiện lời ăn tiếng nói. Hắn im lìm chống xuồng quanh đồng sen giở chà đổ lợp. Tiếng cá quẩy nghe thật vui tai. Thỉnh thoảng lại nghe hắn chắc lưỡi tiếc rẻ vì một con cá to vuột khỏi chà lội mất.

Thường thì thằng Nèm xong sớm trong lúc con Kỷ vẫn còn nhởn nhơ lưỡng lự với mấy cánh sen trắng hồng lớn nhỏ. Hắn chống xuồng về chòi, thay áo quần khô, rồi phụ con Kỷ ngắt sen và gói riêng một bó sen trắng để nội Bảy cúng chùa.

Một bữa cuối mùa, hái sen xong sớm con Kỷ bơi xuồng trở ra, vô tình nhìn thấy thằng Nèm đang đứng ở truồng giồng giổng trong chòi thay áo quần. Con Kỷ mắc cỡ, má nóng rần, sẹ sẹ quay xuồng ngồi nín khe giữa đám sen rậm.

Mặc cho thằng Nèm hỏi han, con Kỷ te te chống xuồng thật nhanh về nhà không một tiếng chào. Hắn chống dầm nhìn theo dáng con Kỷ đang khuất dần sau đám ruộng đước rồi lắc đầu chèo xuồng đi ngắt sen trắng cúng chùa.

Con Kỷ bước như chạy vào nhà, khép cửa buồng, trùm mền nằm im. Nó nhắm nghiền đôi mắt, lắng nghe thân xác tê rần cảm giác thẹn thùng. Một ý nghĩ chợt đến trong đầu, lạ lùng bấc giác mà thôi thúc. Con Kỷ ngồi dậy nhìn vào tấm gương treo trên vách đất. Mặt con Kỷ đỏ hồng, đôi mắt long lanh. Trong một phút giây huyền hoặc, vết chàm trên mặt trở thành cánh sen đọng lung linh trên gò má phơi phới xuân tình. Con bé quỳ run rẩy cởi từng khuy nút áo, nhìn trộm cặp vú mình trong gương đẹp như hai búp sen hồng. Như trong một cơn mộng, con Kỷ đứng lên trút bỏ hết áo quần. Lần đầu tiên trong đời, con Kỷ nhìn thấy thân thể mình từ một góc cạnh hớ hênh. Ngọc Kỷ tự nhiên cảm thấy mình đẹp lạ lùng.

Mùa hè năm sau, thằng Nèm thi trung học. Hắn bảnh bao trong bộ áo sơ mi trắng quần kaki xanh bà Hai Sen may cho, theo tắc ráng ra Cao Lãnh dự thi. Ông trời quá cay nghiệt với hai ông cháu thằng Nèm. Ông Bảy Chà ngồi chết gục ở đầu hiên nhà không kịp chờ kết quả thi của thằng cháu nội. Cái lợp đan dở dang nằm lăn lóc bên hộp thuốc rê đổ tung trên nền đất. Búng máu ứ trong lồng phổi làm ông mất ngủ ho khan từ mấy năm nay đã trào vọt ra loang lổ mặt đất của cõi trần gian đầy tai ương đày đọa.

Chôn cất ông Nội xong, thằng Nèm đốt cái chòi tranh nhỏ bên bờ mương, ăn bữa cơm cá lóc kho với bà cháu con Kỷ rồi bỏ đi. Thằng Nèm về Bạc Liêu ở chùa đi học. Bà Hai Sen nói với con Kỷ.

- Thằng Nèm sáng dạ thế nào cũng học hành tới nơi tới chốn.

Con Kỷ ngồi buồn nhìn hai cái xuồng nằm bên nhau, nhỏ nhoi dưới bóng cây ô môi. Nó khóc hết mấy đêm liền và biết bao đêm sau đó trong đời. Những đêm nằm trằn trọc mường tượng cơn gió đồng nội mơn man miền châu thổ xuân thì, lấp lửng bóng dáng thằng Nèm đứng vạm vỡ bên chòi tranh rạo rực hương sen.

Thi đậu tú tài xong thằng Nèm về Mỹ An thăm mộ Nội và bà con chòm xóm. Con Kỷ cũng đã lấy được bằng trung học, đang chờ đi Sài Gòn học trường nữ quân nhân. Đứng trước mặt hai bà cháu là một nhà sư trẻ, thư thái trong chiếc áo tràng màu lam. Nhìn bà Hai Sen có vẽ kính nể lúng túng, thằng Nèm đỡ lời.

- Bà và cô Hai Kỷ cứ gọi cháu là Chú Tuệ cho tự nhiên. Ở chùa đi học, gần kinh kệ nên cháu đã thí phát quy y được gần hai năm nay.

Bà Hai Sen lăng xăng hối con Kỷ ra chợ mua thức ăn về nấu cơm chay đãi khách. Chú Tuệ tươi cười từ chối.

- Bà Hai đừng lo. Chút nữa cháu xin phép vào đồng sen hái mớ sen trắng cúng chùa, nhân tiện bứt một mớ bông súng về luộc chấm tương chao là được rồi.

Chú Tuệ đứng bên gốc ô môi đưa mắt nhìn về bãi đất trống ở đầu con mương phía bên kia bờ kinh.

- Mới đó mà đã ba năm rồi. Thời gian qua nhanh quá phải không cô Hai? Đứng đây mà tui tưởng như thấy Nội Bảy tóc búi củ hành, ngồi đan lợp dưới bóng nắng. Cơn ho khan vừa dứt là miệng đã phì phèo điếu thuốc rê.

Ngọc Kỷ đưa mái dầm cho Chú Tuệ.

- Vậy mà tui cứ nghĩ là chỉ mới đây thôi... Để coi Chú Tuệ có còn nhớ chèo xuồng không nhả! Cái xuồng cũ của chú vẫn còn đó.

Cuối hè, sen đã qua mùa rộ. Lác đác trên hồ những búp sen vừa chớm nở, ngại ngùng náu mình dưới tàng lá cao vượt khỏi mặt nước đang trở màu nâu. Ngọn gió đồng nhè nhẹ thổi đùa từng cánh sen tàn tả tơi rụng trắng hồng mặt nước. Đài sen e ấp nhụy vàng thuở thanh xuân giờ trơ trọi một màu xanh đậm, cứng cỏi phơi mình trong nắng chiều.

Chú Tuệ thơ thẩn bơi xuồng, tìm ngắt những búp sen trắng đẹp hiếm hoi cuối mùa. Chú nghĩ đến một bài cổ thi mà nghe lòng bồi hồi xúc động.

Lạc nhật ngũ hồ thượng

Yên ba xứ xứ sầu

Phù trầm thiên cổ sự

Thùy dữ vấn đông lưu (Tịch Huỳnh)

Ngày đi ánh lặn bên hồ

Khói tuôn sóng nước cơ hồ sầu dâng

Trăm năm một cõi phù trầm

Theo về con nước hỏi thầm phần căn (Vũ Hoàng Thư cảm dịch)

Lúc chú Tuệ chèo xuồng trở ra, Ngọc Kỷ đang ngồi chờ ở góc chòi. Thiếu bàn tay chăm sóc của ông cháu thằng Nèm, cái chòi dựng bằng cây tràm giữa đồng sen đã cũ kỹ rách nát.

Chú Tuệ giở nón lá, đưa tay áo lau mồ hôi rướm trên mặt đỏ hồng vì nắng.

- Tui vẫn lo cái chòi đã bị hư mục rồi.

Ngọc Kỷ cười, lắc đầu.

- Không có Chú thúc bên lưng nên sau mỗi lần ngắt sen, khi nào tôi cũng nằm đây ngó lung một hồi rồi mới chống xuồng về nhà. Mùa hè này tui còn ra đây học thi nữa đó.

Chú Tuệ sắp bó sen cho ngay ngắn, nhìn trời.

- Tui phải đem sen ra chùa cho kịp cúng lễ chiều. Cô Hai đã muốn về chưa hay vẫn còn muốn ở lại ngó lung trời nước.

Ngọc Kỷ chào từ giã chú Tuệ. Nàng ngồi yên nhìn nhà sư trẻ chống xuồng ra kinh lớn. Cái nón lá của chú Tuệ nhấp nhô, xa dần, rồi mất tăm sau đám ruộng đước.

Nàng ước muốn ở lại với hình ảnh thằng Nèm đứng bên chòi buổi sáng hương nồng. Nàng muốn ở lại với con Kỷ buổi trưa gió nội thênh thang chòi vắng. Mắt nhắm sau tàng lá sen xanh biếc che đầu, không còn nghĩ suy, không còn vết chàm thâm trên mặt mày thô xấu. Còn lại bàn tay rịt chặt thân xác mình. Còn lại cơn gió mơn man vùng châu thổ sơ khai. Còn lại nàng. Riêng nàng.

Switch mode views: