Hòn Thổ Chu
- Thứ Hai, 27 tháng Mười Một năm 2017 10:28
- Tác Giả: Ngọc Cân
Niên đưa tay lên gần mắt coi đồng hồ. 12 giờ này phải là 12 giờ trưa. Ghe đã chạy được 14, 15 tiếng. Trong sông. Hầm ghe lờ nhờ, những chút ánh sáng lọt vào đâu đó, trộn với mùi và khói xông ra từ buồng lái thành mờ ảo. Niên không nhìn tỏ mặt những người chung quanh; nhưng biết họ đang ăn uống. Niên ân hận là chiều hôm trước chỉ uống cà phê mà từ chối tô hủ tiếu bự. Hai người bạn chở Honda đưa từ Sàigòn xuống Phụng Hiệp đã phải chia nhau ăn rán. Lúc này chưa ai trên ghe biết Niên sẽ là tài công nên không tự động đi kiếm khoản dừa và mì gói đã dặn dành cho Niên.
Niên bóp hai chân; ngồi bó gối không lúc nào duổi ra được nên chân Niên ê cứng. Tay đụng xăng đan mới nhớ là mình đã có ý mua nó để khỏi phải lê dép nhựa. Được việc khi cần chạy. Lôi mắt kiếng ra đeo lên mắt, choàng dây thun cột dính hai gọng ra sít sau đầu. Cái kiếng này có một mắt nguyên thủy có cận đúng số đo, mắt kia bể nên Niên kiếm một mắt khác, màu sậm hơn, hình như không độ.
Có tiếng súng nổ chách chách. Ghe tăng ga.
Niên vùng đứng lên, đầu chống lên sàn giữa hai công đà. Có vài người cũng hoảng hốt như vậy. Những người khác vẫn ngồi, nằm yên.
Ghe như tăng thêm ga. Ai đó phía trên dỡ nắp hầm cái rầm, nắng ập vào. Niên lột mắt kiếng đút túi.
Ai đó nói:
- Ra cửa Sông Cái Lớn rồi! Họ bắn ra mật hiệu với nhau đó, khỏi trình trạm.
Niên thõng người xuống. Không ai cho Niên biết trước sắp xếp này. Có tiếng kêu:
- Tài công lên, tài công lên!
Niên trả lời:
- Lên ngay, lên sau lái. Sơn đâu? Sơn đâu? Mình lên đi.
Tiếng Sơn từ phía sau gần buồng máy:
- Dạ, anh Hai. Em sẵn đây.
Niên đeo kiếng trở lại, vươn vai, duổi chân; len từng bước ra sau để gặp Sơn. Hai tay Niên giơ cao chuyền theo công đà. Bước chân chập choạng nhưng không té. Có tiếng xì xào “tài công xì-ke, tài công xì-ke”. Có tiếng xì xào “thằng em coi thấp người, chắc cú hơn”.
Niên leo trước, Sơn leo theo, cùng vào buồng lái. Có ba thanh niên và một người mang áo quần bộ đội hải quân. Niên biết tay này chủ chốt việc đưa ghe ra cửa, gom mật mã đem về. Anh ta nhìn mặt Niên, nói:
- Eng là tài công?
- Phải, tôi được cho biết là anh sẽ lên Sàigòn gặp trước khi đánh?
- Thường là rứa. Lần ni việc lút trốc. Nghe nói eng người mềng mà! không răng mô! Coi như rồi, chừ bàn giao lái cho eng, tạm giữ hướng ni ra hòn Tre.
Mấy thanh niên con nhà chủ ghe đã giao vô lăng cho Sơn, họ biến xuống dưới hồi nào rồi. Niên nói:
- Sơn giữ ga, giữ hòn Tre; hòn trước mặt đó.
- Dạ, anh Hai, anh để em.
Niên hỏi trung úy bộ đội:
- Khi mô thì tui mới lấy hướng để đi?
- Eng chộ chiếc tàu hàng phía nam không, chắc nó tiếp tế quần đảo, thế nào cũng có bộ đội bảo vệ. Mềng quay mũi liền là sẽ đi trước mặt nó. Mềnh sơn xám, có số hiệu hải quân, có súng phủ bạt phía trước, gần giống tàu tuần hải đảo, nó có đặt ống dòm cũng không nghi nhưng gặp thằng rành nó cũng dám xắn đầu, mà gần nhau thì rắc rối. Khi tui xuống ghe câu rồi eng lấy lên mé bắc, chạy chậm bao hòn, tính răng mà khi eng thọc xuống bên tây của hòn Tre lúc trời tối thì đảm bảo an toàn.
- Là vậy! Eng mà lên Sàigòn kiểm tra tui thì đã có thì giờ cho tui nắm tình hình kỹ hơn!
Hắn xuống dưới gom mật mã. Bước ra trước bắn chỉ thiên chách chách, hô to:
- Tới đây, tới đây!
Hắn quay trở lại buồng lái, treo cây AK lên móc, nhìn đồng hương:
- Eng đi may mắn!
Hắn trở ra trước vừa lúc chiếc xuồng câu xáp lại. Một người đứng dưới đó giơ cao tay bám vào mạn ghe bên này để trung úy bộ đội chuồi mình xuống xong xuôi, mới buông. Phút chốc là xa.
Niên tự nhủ “vậy là xong phần ra cửa, đã chắc gì, trước đây mình cũng bị bắt ngoài cửa rồi!”
***
Người ta nói cửa biển này như ao thả vịt cũng đúng. Nhìn vào Rạch Giá rất gần, bơi cũng tới. Nước đục ngầu vì bùn, chắc cạn. Niên nói:
- Sơn, anh đi coi dầu.
Niên ra trước, thấy có 3 phuy được cột chặt vào thân ghe, 2 phuy trống. Ra phía sau cũng có cột 3 phuy, một phuy trống. Giữa cửa sau và cổ máy sáu lóc là một sạp rộng, nhiều người nằm ngồi trên đó. Họ nhìn Niên thân thiện. Mấy thanh niên lúc trước ở trên buồng lái ngồi đứng ở mé máy; một người đưa cho Niên ca nhựa mì:
- Anh Hai ăn chút đi.
Anh ta nói tên mình và ba thanh niên khác, thủy thủ đoàn đây. Họ khỏe mạnh, cao lớn.
Niên đang lo ra nên nói:
- Đem cho Sơn ở trển đi. Thùng dầu này mấy lít?
- Trăm hai, anh.
- Một ở trước, hai ở sau, thùng vô máy còn chừng tám chục! Tôi kêu 7 phuy mà!
- Máy Ray sáu chạy ba, bốn ngày là tới, một ngày một phuy dư sức, anh Hai.
- Ông không trừ hao này nọ gì sao?
- Cũng tính gom thêm chớ, mà không kịp, anh Hai.
Niên nghe tiếng máy nổ đều, êm. Chưa bao giờ Niên lên ghe Ray sáu. Niên nhìn cách gắn bơm lườn. Thanh niên tên Tài là tài cãi, nói:
- Anh Hai yên chí lo việc trển, mọi sự dưới này tụi em lo được hết, tụi em ở trên ghe này già năm, đi lui đi tới cũng nhiều. Em làm máy được, có mang pạc, đồ nghề theo nên không sao đâu. Chuyện neo niếc cũng quen. Bơm lườn mà cháy thì tụi em cũng từng tát nước.
- Vậy sao!
- Hai anh cứ lái làm sao cho tới nơi, ăn uống tụi em đem lên. Đừng lo, anh Hai.
- Nghe Tài nói cũng yên một mặt, cố châm dầu, coi nhiệt cho thường. Chớ hơn ba phuy là mấy ông hại tôi rồi đó. Dư tính theo dư, thiếu tính theo thiếu, chớ sao bây giờ. Đừng trục trặc thì không sao.
Cả đám nhìn nhau. Có tiếng kêu tên Niên. Đó là con em những người bạn đã môi giới cho Niên lái chuyến này. Khi biết là người tổ chức và Niên đã thỏa thuận đánh, những người bạn mới đóng vàng cho người tổ chức để con em đi. Khi biết chuyện này, Niên sung sướng vì được tin cậy. Đã từ lâu Niên thấy mình chẳng có giá trị gì ngoài việc kiếm được cơm hàng ngày.
Sơn bình thản giữ vô lăng. Niên nhìn trở lại bờ Rạch Giá. Thấy xa hơn trước nhưng chỉ cần bơi một nửa, còn lại chỉ lội bộ. Với lượng dầu sát nút mà bao vòng mất 7, 8 tiếng thì phí quá. Trên đường chắc gì đã êm. Còn trong hải phận là còn nguy cơ.
Vài người đàn ông bước ra ngồi sau lái, trong đó có thằng Tí con người bạn và Hưng em người bà con xa. Họ ngoái nhìn bờ, họ nhìn buồng lái. Niên nhìn họ, Niên nhìn tàu phía nam, Niên nhìn hòn Tre. Tí mười sáu tuổi, Hưng hai mươi; cả hai to khỏe. Họ chỉ mang quần xà-lỏn, thân hình đầy thịt bắp. Niên đoán là hai người muốn lên để phụ một tay với Niên.
- Ngồi đó cũng được, có gì chú nhờ.
- Dạ.
Ghe chạy hơn nửa tiếng thì nhà cửa trên hòn Tre đã thấy rõ.
Niên kêu Sơn:
- Được rồi, giảm ga, giảm ga, ra-lăng-ti… ra-lăng-ti… lấy mũi qua trái. Giữ khoảng cách này chạy dọc bờ.
Cái hải bàn chỉ 220. Niên kêu Sơn:
- Tăng ga từ từ, từ từ…. tăng thêm… giữ ga này chạy luôn.
- Anh Hai, sao họ kêu mình bọc lên trên mà?
- Mình phải tính cho mình, dầu hụt!
Niên biết là Sơn có nghe hết câu chuyện của trung úy bộ đội. Mặt Sơn lầm lỳ. Đám người ngồi sau lái hơi xôn xao. Niên nói vọng ra:
- Mấy ông vô trong giùm. Tí vô buồng lái canh la bàn. Hưng kêu mấy anh có áo kaki xanh lên đây. Niên kên một thủy thủ khoác AK, cả đám đứng mạn trước, quay mặt nhìn hòn Tre. Niên kêu Sơn thêm một tí ga. Tài quay đầu hỏi:
- Ga lớn chi dzậy anh Hai?
- Bây giờ cũng nói tình hình để mình phản ứng, nhìn sau lưng trái thấy tàu đó không, thôi, quay lại nhìn hòn Tre đi, tụi nó có nhìn ống dòm cũng thấy mình chạy dọc bờ hòn Tre, còn chưa chắc nhìn rõ. Mình chạy ga lớn để mau qua ngang trước mặt tụi nó. Hay là Tài đưa áo cho Sơn, xuống canh máy đi, nếu trên này kéo ga nặng quá thì cho biết. Phải chạy ga lớn qua hết hòn Tre, qua hết mấy hòn tây nam mới ra-lăng-ti lại.
- Dạ, anh Hai.
Niên đứng dựa khung cửa bên phải, mắt không rời đám khói trên chiếc tàu kia. Khoảng cách càng gần, càng thấy nó rất khẳm. Hơi thở Niên dãn ra. Lại thấy đói, Niên vơ can nước nhỏ gần đó, núc một hơi. Niên châm thuốc, mắt vẫn không rời tàu hàng. Khi ghe xuống ngang tầm, Niên không nhìn rõ khói được nữa mà mũi ghe kia cao nghều nhấp nhô tiến lại. Trước đó đã thấy rõ người trên mui, có những áo quần bộ đội. Nếu họ kêu thì sẽ có tiếng súng. Máy Ray sáu nổ mạnh, đều. Ghe rẻ nước ào ào. Tai Niên lắng tìm tiếng chách chách. Không biết phải làm gì.
Mặt đầy mồ hôi, Sơn nói:
- Anh Hai cầm lái, em đi tiểu.
Niên giữ vô-lăng. Sơn vịn thành gỗ bước từng bước ra sau.
Niên quay đầu nhìn lại. Khoảng cách xa dần. Làn khói không to hơn, không đen hơn. Thoát!
Sơn nói vọng từ sau:
- Thoát rồi anh Hai. Anh Hai ăn gì chưa?
- Chưa, không đói lắm.
Mấy người đàn ông lại bước ra. Đám thủy thủ xúm lại buồng lái. Ai cũng mừng. Niên bớt một chút ga. Phía tay phải, có không biết bao nhiêu là hòn lớn hòn nhỏ, hết cụm này một khoảng lại một cụm khác. Giữ hướng 220, Niên nhìn mặt biển êm. Chỉ những khi có bóng một chiếc thuyền nào đó thì Niên nhích mũi về hướng các cù lao rồi sau đó trở lại hướng cũ.
Những người dưới hầm tàu lần lượt kéo nhau lên ngồi trên sàn, trước mui và sau lái. Mấy người thân của Niên vào ngồi trên sạp ngay sau lưng Niên. Niên chạy ga chỉ hơn ra-lăng-ti một tí. Anh em ở dưới đem lên cho Niên một ca nhựa lưng lưng mì. Sơn trở vào giữ vô lăng. Niên húp ba hơi mì nóng, rồi lấy muỗng quơ hết những cọng mì cuối cùng; rồi hút thuốc, cùng với mọi người nhìn những mãnh đất chưa bao giờ tới, dấu chấm hết của quê hương.
Một người đàn ông, trông xanh xao nhưng rắn rỏi bước tới gần Niên, khui chai rượu thuốc, mời Niên một tu một ngụm. Ông ta tu một ngụm, nhìn quần đảo cuối cùng, nói:
- Vĩnh biệt. Coi như êm, ông thầy.
***
Một chấm đen gần đường chân trời, lớn dần, lớn dần.
Hai tay Niên chết trên bánh lái, mắt không rời cái gì đó, nó nằm ngay trên trục nhắm của mũi ghe; bất kỳ là gì thì cũng có thể là tai ương.
Lấy nhẹ sang trái vài độ, Niên tự nhủ “cho chắc ăn rồi tính”.
Vài người đàn ông từng trải, thấy ghe nhích, đến bu quanh buồng lái, cùng nhìn theo Niên và bắt đầu bàn tán. Không ai nhận dạng được gì. Nhưng đa số thấy rõ là khoảng nhắm giữa vật ấy và mũi ghe không lớn dần. Một chiếc tàu muốn chận đầu ghe vượt biên của đám Niên.
Niên nhấn thêm tay trái. Tuy sóng mũi không lớn nhưng ghe chao mạnh. Đàn ông, đàn bà, con nít trên sàn nhớn nhác, chỉ chõ. Con tàu kia đổi hướng, mũi gác sóng nhấp nhô; đó là một chiếc ghe nhỏ, đang cố đón ghe Niên. Chung quanh Niên bà con rộn lên, dân thường cũng thấy rõ ý định của ghe kia.
Tiếng một người đàn bà:
- Chắc là ghe vượt biên.
Đám đàn ông phản đối:
- Vượt biên sao không chạy thẳng, còn quay ngược lại làm gì!
Có người nói:
- Chắc là đám quốc doanh muốn chận bắt mình.
Người khác không đồng ý:
- Đánh cá quốc doanh làm gì ghe nhỏ vậy. Không chừng tụi biên phòng đem ghe nhỏ ra gài bẫy…
Niên vừa trả tay lái lại vừa nói:
- Cứ tới gần xem sao, có gì mình dư sức chạy.
Tiếng người đàn bà hồi nãy phụ họa:
- Vậy đi thầy Hai, gặp dân mình vượt biên thì đi cặp cũng tốt.
Đám đàn ông phản đối:
- Chạy tránh đi ông thầy, còn trong hải phận mà!
Chiếc ghe kia lấy lại hướng cũ, nhắm ghe Niên mà tới. Khi khoảng cách còn cỡ cây số, Niên thấy máy ghe nọ không còn nhả khói đen. Niên tiến tới, khi còn chừng hơn trăm thước, Niên chạy vòng quanh ghe kia.
Nó bập bềnh bất động. Đuôi tôm thọc xuống nước. Máy không nổ. Người trên ghe úp mặt vào khăn hoặc nón, không ai nhúc nhích. Gần một trăm sáu chục con mắt trân trối. Gần tám chục cái miệng há hốc. Tiếng mấy người đàn ông:
- Bẩy mồi rồi, sao kỳ vậy?
- Không lẽ chỉ có mấy phút mà chết trân hết vậy?
- Coi êm vậy chớ khi mình cặp dzô cứu là tụi nó chĩa súng bắt hay cướp mình đó.
Tiếng mấy người đàn bà:
- Ghe là ghe tam bản người mình.
- Nhìn mấy đôi dép nhựa rách quai kìa, người mình chớ còn ai.
- Nhìn trong mui lá còn thấy đàn bà, mà hình như còn thằng nhỏ.
Niên đánh vòng thứ hai rất gần:
- Mấy ông dòm kỹ dưới lườn coi có súng ống gì không; ai đó hỏi to họ có phải vượt biên không…
- Có phải vượt biên không?
- Có phải vượt biên không?
Không có tiếng trả lời. Họ tránh cái nhìn của đám Niên. Niên chắc chắn họ đang vượt biên. Tại sao họ bất động thì chịu. Niên đánh vòng thứ ba, không giải thích được sự bất động của họ. Hụt hẫng. Vừa chuẩn bị lấy lại hướng nam Niên vừa nói với người bên cạnh:
- Thảy cho họ nửa can nước, mình phải dzọt.
Có tiếng ai đó tru nhỏ:
- Thấy người mình mà không cứu! Trời ơi là Trời!
Khi không còn thấy chiếc ghe đó thì trời kéo mây muốn tối. Niên kêu Sơn và hai đệ tử đi ra trước, ra sau yêu cầu tất cả xuống lại hầm. Họ cự nự nhưng cũng rút hết. Có một phụ nữ ẵm một đứa con khá lớn muốn ngồi trên buồng lái vì thằng nhỏ xỉu lên xỉu xuống đã mấy lần.
Trời càng tối thì sóng ngang càng mạnh; Niên nhích ga lên xuống mức ra-lăng-ti theo hướng chính nam. Giông kéo tới, sấm sét liên hồi. Sóng càng lúc càng cao, ghe gối phần ba sóng mà vặn mình răng rắc. Nước tràn lên mui liên tục. Mấy người ngồi sạp buồng lái nằm gác lên nhau cho khỏi bị quăng qua quăng lại. Họ đã ói như súc ruột trước đó. Lẩn trong tiếng nước tạt và tiếng máy gầm gừ là tiếng kêu khóc, tiếng đọc kinh. Một hồi Sơn kêu:
- Anh Hai xuống dưới coi sao, em lái.
Tiếng một người con gái thều thào sau lưng Niên:
- Anh Niên ơi, quay về đi, quay về đi, em muốn chết tới nơi rồi.
Mấy người khác bồi thêm:
- Không chịu nỗi nữa, hay quay về đi, chắc chết quá….
Niên thấy mấy thanh niên thủy thủ còn đứng và ngồi quanh máy, tay bám chặt điểm tựa. Tài nói:
- Anh Hai ô-kê không?
- Còn chịu được. Anh em còn chịu được không?
Niên nhìn xuống lườn ghe; Tài hiểu ý, nói:
- Tụi em bơm và vớt bịch nylon thường xuyên, không nghẹt đâu.
Phía trong hầm người ta còn thê thảm hơn trên buồng lái. Mùi chua thối nồng nặc. Ghe lại vặn mình thật mạnh, ván be phát tiếng rắc rắc đồng loạt. Tiếng ai đó thều thào:
- Quả báo nhãn tiền đó ông ơi, quả báo nhãn tiền! Trời ơi là trời, cho chết hết đi!
Ghe lướt lên sóng rồi chúi mũi. Niên té nhủi; nhìn nước lườn đầy thức ăn chao qua lại, những con bù lon đẫm nước, mì sợi tuôn ra khỏi bụng Niên. Tài nhìn Niên đang cố gượng, nói to vào người kia:
- Bà hay lắm. Bà có biết chiếc ghe này hai lần trước đi ra bị giông phải quay về không, phải chạy bao nhiêu cây bà biết không! Làm ơn tụng kinh đi chớ ai oán làm gì.
Tài bước tới muốn đỡ Niên, nói:
- Ngồi xuống đây chút đi anh Hai. Anh Hai liệu mình chịu nỗi không?
Niên nhận bình nước Tài đưa, tu một ngụm, trả lời:
- Đi tiếp kiểu này chắc bà con chịu hết nỗi, đành phải chịu hao dầu thôi. Không sao, tôi tự lên được.
Niên luồn người vào cửa sau buồng lái, trườn trên thân mấy người kia, tới đứng cạnh Sơn. Hai tay chống vào bệ trước:
- Sơn thấy sao?
- Dưới đó sao anh Hai?
- Họ chết giấc hết rồi. Bây giờ canh con sóng lơi, lấy mũi nhanh qua phải, đặt sóng sau đít trái.
Bốn con mắt nhìn căng. Sơn la:
- Được không anh?
- Được, làm đi.
Cái tích tắc ghe phơi thân ngang sóng dài vô tận. Niên canh la-bàn:
- Sơn, được rồi, 270, hoàn toàn ra-lăng-ti.
- Còn đụng gì nữa không anh Hai?
- Trời cho sống thì sống, biết sao mà nói. Sơn cứ giữ hướng, càng chậm càng tốt, sóng đẩy bê cũng được.
Ghe còn nhồi nhưng không còn vặn mình răng rắc. Đã bắt đầu nghe tiếng ngáy mệt mỏi của nhiều người. Niên ngồi sau lưng canh la bàn. Hai người thay nhau mỗi tiếng. Mắt nhắm tịt khi nhìn la-bàn càng lúc càng nhiều, người lái phải đánh thức. Càng về sáng, người lái cũng tít mắt nửa chừng nên vội kêu người kia. Ca một tiếng không giữ được. Biển êm dần. Êm dần.
Trong giấc mơ Niên thấy Sơn lay vai mình nói gì đó không nghe rõ. Niên muốn hỏi lại nhưng nói không thành tiếng. Sơn lại nói gì đó thật to, Niên mở mắt, đứng dậy. Sơn nói:
- Anh Hai coi!
Bình minh mới tờ mờ, ở chân trời có một vệt ngang, dài, phẳng. Niên dụi hai mắt.
- Hòn Thổ Chu đó Sơn. May mà không đâm vào trong đêm, không chết cũng tù. Lấy mũi trái đi.
- Vậy là êm hả anh Hai?
- Trời cứu mà không êm! Được rồi, 190 rồi, giữ hướng này; xuống dưới đó 200 cũng được, có hết dầu sóng cũng tấp mình vô bờ.
Mọi người tràn lên sàn. Không khí trong mát giúp họ khỏe ra. Đêm qua là ác mộng.
Người đàn ông có chai rượu hôm qua lại tới, vừa quay mặt nhìn Thổ Chu vừa nói:
- Thổ Chu tiển chúng ta tận tình. Cám ơn. Vĩnh biệt!
Tin mới
- Quà Giáng sinh - 16/12/2017 15:36
- Buổi Sáng Giáng Sinh - 10/12/2017 01:56
- Giáng Sinh Vẫn Vui Vẻ - 10/12/2017 01:51
- Tình Như Lá Thu - 10/12/2017 01:48
- Đằng Sau Cuộc Chiến - 03/12/2017 00:56
- Hoa Tím - 03/12/2017 00:53
- Hoa Tím Bằng Lăng - 03/12/2017 00:53
- Người Tù Trở về - 03/12/2017 00:48
- Đêm Động Phòng - 26/11/2017 03:40
- Ông già ngu xuẩn - 26/11/2017 03:36
Các tin khác
- Đôi ngã đôi ta - 19/11/2017 04:32
- Óc trứng ngày xưa - 19/11/2017 04:28
- Truyện ngắn mà thú vị. - 19/11/2017 04:25
- Hạt tình hồi sinh - 11/11/2017 15:30
- Chiếc lá cuối cùng - 11/11/2017 15:27
- Tình Yêu - 11/11/2017 15:22
- Ông Ngoại Cuả Ai ? - 04/11/2017 03:03
- Người Mẹ Không Quen Biết - 04/11/2017 02:54
- Đoạn kết một chuyện tình - 04/11/2017 02:46
- Ừ! Thì em đã già - 04/11/2017 02:39