Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bỏ Cái Tật Ghiền

bo cai tat ghienVừa bước vào là đã thấy bị kích động với cái không khí sôi động náo nhiệt trong gym. Máy móc chạy rào rào, người tập lăng xăng, chạy nhảy, múa may. Có kẻ cử tạ vất rầm rầm trong khi các cụ lớn tuổi ngồi lặng thinh đạp xe, mắt lim dim như không thèm màng đến nhân tình thế sự. Họ đến đây với cùng chung một mục tiêu là trau dồi sức khỏe nhưng nguyên do thì có khác, trẻ vì yêu đời, còn già vì …sợ chết..

Gym còn là nơi trình diễn “body show” miễn phí của các diễn viên tài tử, nam lẫn nữ, đủ tuổi, đủ cách, đủ kiểu, đủ cỡ, mặc tình mà xem. Nơi thì người đẹp uốn mình, bẻ mông, búng chân nhảy nhót theo kiểu “pole dance” trong các hộp đêm khiêu vũ thoát y. Các lực sĩ thể hình phùng mang trợn mắt cử tạ trông như nặng nghìn cân, mặt mày đỏ gấc, gân cổ nổi vòng vòng, bắp thịt cuồn cuộn. Người mẫu thì show quần áo thể thao thiếu vải, bó sát người, trình diễn những đường cong. Cái nầy thì ông già thấy bắt mắt nhất, cứ len lén nhìn nhưng sợ có người bắt gặp. Còn các mệ đi tập thể thao mà tay xách giỏ, tay kéo va-li y như đi ra phi trường về Việt Nam. Họ lăng xăng vừa tập vừa phát biểu cho cái đài phát thanh “Chúng tôi muốn biết” lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt.

*

Ở lứa tuổi bảy mươi, bụng to ngực lép, ông không còn thể lực và sắc đẹp của tuổi thanh xuân nên rất ngưỡng mộ những người chịu khó tập luyện để có thân hình đẹp. Với ông đó là biểu tượng của người biết tự trọng và có kỷ luật với bản thân mình.

Có người nói đi tập ở Gym trở thành ghiền. Ông có người bạn độc thân một mình ở căn hộ đầy đủ tiện nghi nhưng quanh năm tắm gội trong Gym, viện lý do cho đở tốn tiền nước, tuy rằng căn hộ cung cấp nước miễn phí. Làm sao giải thích được đây?

Có người bảo nếu vài ngày không đi tập ở gym trong người như muốn bịnh. Ôngkhông tin. Đối với ông đi gym muốn bịnh thì có. Mới tập thì đau mình nhức mẩy. Tập lâu sinh chán ngấy. Mưa gió nóng lạnh gì cũng phải ráng mà đi! Ngồi nhà gỏ phím hay đọc chuyện sướng hơn. Nếu không sợ chết ông chả thèm đi chi cho nó mệt.

Nhưng một hôm,

“Ánh hồng lên rực rỡ”!”

“Ông thấy lòng sống lại tuổi đôi mươi”.

Người đẹp xuất hiện, đã biến đổi cuộc sống nhàm chán của ông, mang đến nguồn sinh khí mới.

Ngày đầu tiên đến gym người đẹp lúng túng bước lên máy đi bộ, loay quay mãi vẫn không làm cho máy chạy được. Không bỏ lỡ cơ hội ông già làm quen ngay:

- Bộ cô mới…đi..lần đầu à?

Người đẹp có vẻ bẽn lẽn thưa:

- Dạ,….mới thử ạ.

- Ai cũng vậy thôi, lần đầu bao giơ cũng… khó khăn, nhưng không sao, để tôi giúp cho.

- Dạ. Cám ơn.

Ông chồm người, với tay sang bấm giùm mấy cái nút xanh đỏ trên cái máy đi bộ và giải thích cách sử dụng cho người đẹp. Vô tình ông khám phá ra cái mùi hương thoang thoảng ngất ngâyvà cái vóc dáng thanh tao, cử chỉ điềm đạm.“Người sao mà coi được ghê”! Ôngnghĩ, tâm hồn ông xao xuyến với cái cảm giác bàng hoàng, lâng lâng như mấy hôm ăn bún mắm bị lên máu.

Ông phải công nhận rằng người đẹp có nhiều hấp dẫn, nổi bật như con thiên nga giữa bầy vịt đẻ. Tiếng nói của cô nhỏ nhẹ thanh tao như tiếng hót của loài chim Yến. Trông nàng tràn đầysức sống, tươi mát, yêu đời. Chỉ nhìn thôi đã thấy cuộc đời nầy còn có nhiều điều đáng sống, làm mắt người ta như muốn nhìn, tay người ta muốn táy máy, trái tim đập rộn ràng.

Máy bắt đầu chạy chậm chậm. Người đẹp vui mừng nhìn ông với cặp mắt biết ơn miệng nở nụ cười tươi rói:

- Dạ... cám ơn Bác.

Ông già đang thả hồn bay bổng, bị khựng lại như đang chạy xe bị lọt ổ gà, lao chao tay lái. Lấy lại bình tỉnh ông tự trấn an: “Người ta lịch sự, gọi mình bằng “Bác”, cách xưng hô theo con đó mà, chứ “sồn sồn” cỡ nầy không chừng có cháu nội cháu ngoại đầy đàn.”

Rồi ông cười xã giao đề nghị:

-Không có chi, cô đừng có ngại. Tôi tập ở đây đã lâu nên rành lắm. Để tôi hướng dẫn giùm cho.

- Dạ... cám ơn.

Chữ “bác” không còn thấy nữa. Yên tâm là mình nghĩ đúng, ôngthừa thắng xông lên luôn, lăng xăng giúp người đẹp. Và từ đấy ông trở thành Huấn Luyện Viên thể thaophục vụ người đẹp vô cùng tâm đắc. Người đẹp thì hết lời ca tụng khiến ông tưởng bở, như bay bổng tận mây xanh, tâm hồn phơi phới, thấy mình như trẻ lại tuổi thanh xuân ngày nào khi mới biết yêu.

Và từ đấy ông thấy cái không khí trong gym khôngcòn buồn tẻ nữa. Ông thuộc nằm lòng giờ giấc và thói quen của người đẹp nên bao giờ cũng đến gym trước để “xí” hai cái máy chạy bộ cạnh nhau, một máy cho ông, một máycho người đẹp. Cái trò “xí” chổ nầy rất thông dụng ở trong gym, là điều mà trước đây ông ghét cay ghét đắng. Ông thường chửi đổng: “Mẹ nó! Cái truyền thống “ngàn năm chen lấn”nầy sang đến Mỹ cũng không chịu bỏ”. Bây giờ cái bịnh truyền nhiễm nầy lại lây đến ông! Nhiều khi ông cũng thấy cái “bản mặt” dày cui của mình “ê ê” vì những cái nguýt lạnh lùng, những cái bĩu môi khi dễ của mấy mệ bị giành mất máy. Tuy biết mình lẩm cẩm nhưng ông còn đủ lý trí để thấy các bà muốn gởi ông lời châm biếm “cái thứ già dê mất nết”. Ông mặc kệ, đường ta ta cứ đi. Người đẹp đang cần sự chăm sóc, ai nỡ lòng nào phụ bạc cho đành.

Một hôm vì chuyện bất khả kháng ông đi tập trễ, đã vô cùng xúc động khi được người đẹp chờ sẵn với nụ cười rất tươi, chỉ ông cái máy bên cạnh mà cô đã “xí”, thỏ thẻ bảo:

- Biết thế nào… cũng đến, Người ta… nóng ruột muốn chết.

Ối chu choa ơi! Cái lối xưng hô trổng của người đẹp sao mà dễ thương quá, nghe mát cả ruột gan, y như người đang khát nước ngoài sa mạc được cho uống ly nước đá chanh đường. Ông đoán là người đẹp “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, rồi thấy hí hửng trong lòng. Ông tự bảo mình: “Thấy chưa, đã bảo mà, “già” nầy còn ăn khách lắm!”, rồi cười mỉm chi ruồi sung sướng.

Và cứ thể “dòng đời trôi lặng lẽ” ông già âm thầm xây “lâu đài tình ái”.

Rồi một hôm ông cảm thấy mình sao là lạ. Ông tự hỏi lòng, “không lẽ ta đã yêu”? Rồi ông chống chế: “Làm gì có chuyện ấy”. Nhưng không yêu sao thấy nhớ và muốn gặp người đẹp hằng ngày? Cái ý tưởng nầy làm ông thấy hổ thẹn với lương tâm nên vội vã tự bào chữa: “Ối, chơi văn nghệ mà, mình có làm gì bậy bạ đâu mà trách, có ai chơi lặm lại không ghiền? Mình chỉ ghiền đi gym thôi, vô tội vạ”!

Tuy nói vậy nhưng ông thấy áy náy trong lòng. Ông càng hổ thẹn hơn khi bà xã ông vô tình khen “Chà, lúc nầy ông siêng tập dữ nhe!” Bà đâu có biết ông chẳng những “siêng” mà còn “ghiền” nữa!

Ông có thói quen thức rất sớm. Sáng nào cũng vậy ông quen rồi với mùi cà phê phin bay ra tư nhà bếp. Rồi lạch kạch tiếng muỗng khua, bà xã ông vừa đi vừa khuấy tách cà phê nóng hổi cho nó nổi bọt, đúng điệu cà phê ngon, đang bốc khói thơm phức.

Mấy ông già nhiều khi hành động gống như trẻ con. Con nít có thể tự múc cơm ăn nhưng vẫn thích há mồm cho mẹ đút. Ông biết cách tự pha cho mình tách cà phê ngon nhưng vẫn thích ngồi lì mà đợi cho bà xã mang vào phòng. Hình như bả lại thích cái thái độ trẻ con của ông chồng lười vì thích được làm cái thiên chức “làm me người ta”, cái thiên chức cao cả nhưng nhiều khi cũng vô cùng khó chịu cho các ông chồng.

Ông ngửi mùi cà phê thấy biết ơn bà xã và biết rằng mình có phước. Ông sung sướng đốt điếu thuốc lá hít một hơi dài rồi nhâm nhi hớp cà phê nóng mà thấyhạnh phúc tràn đầy.

Nhưng từ lúc bị Bác Sĩ bắt phải cai thuốc lá, ông thấy Bác Sĩ đã đi quá xa, đã xâm phạm đến đời tư của ông, nhưng vì sợ chết nên không dám cãi. Từ đấy ông không những không còn vui để hưỡng thụ tách cà phê buổi sáng, mà lại thấy ghét lây đến cả bà xã của ông mỗi khi bà mang tách cà phê vào phòng, vì cái mùi cà phê ma quái làm khơi động cơn ghiền thuốc lá. Cà phê phải đi chung với thuốc lá. Bà mang cà phê cho ông có khác nào xúi ông hút thuốc trong lúc ông đang cai!

Sau nhiều tháng đau khổ, sau cùng ông cũng cai được thuốc, kể cả khi ngửi mùi cà phê hoặc khi nhâm nhi ly rượu Cognac cũng không thấy thèm. Một vài lần ông thử hút lại chơi. Có ngon lành gì đâu, nó cay xè đầu lưỡi. Rồi cơn suyễn lại trở lại hành hạ cái thân già. Từ đấy ông tự ý bỏ thuốc lá luôn được mấy năm nay.

Nhưng từ ngày người đẹp xuất hiện, cái tật ghiền lại trở về, nhưng lần nầy, không phải ghiền thuốc lá mà là ghiền người đẹp. Ngày xưa, sáng sớm vừa thức dậy là tay đã mò bao thuốc lá còn bây giờ thì nghĩ ngay đến chuyện đi gym, không màn đến ly cà phê sáng. Ông thấy bồn chồn, nôn nóng trong lòng đi thay quần áo thể thao rồi ngồi đợi, thỉnh thoảng nhìn cái đồng hồ treo tường, cái cảm giác không khác gì ngày xưa thuở ông còn ghiền thuốc lá, khi cơn ghiền đến là phải lục lạo đi tìm hoặc phải chạy đi mua cho được gói thuốc bất kể gió mưa.

Ông bị nghiện đi gym nặng quá rồi, hết thuốc chữa!

Cón sớm quá nên ông ngồi nghĩ vẩn vơ. Mới đây mà đã nữa thế kỷ rồi từ ngày ông bà cưới nhau. Nàng là hoa khôi xóm cù lao mà ông mất cả hai năm trời mới chiếm được trái tim người đẹp. Rồi mỗi năm ông đều được nghỉ phép mươi hôm về nuôi vợ đẻ. Ông đùa “sao mà nhạy con thế, tui chỉ đi trên gió thôi là mẹ mầy đã ụa mửa rồi!” Con cái sinh năm một, đứa lớn bế đứa nhỏ chạy đầy nhà. Nhờ hợp tuổi và tài buôn bán của vợ nên lương thượng sĩ của ông dư nuôi vợ tám con, nhà cửa khang trang, xe cộ đề huề. Mọi người đều nói ông đẻ bọc điều cưới được bà vợ giỏi.

Người xưa nói “Nhàn cư vi bất thiện”, ở nhà không động đến móng tay nên ông sanh tật, tuy không dám làm gì bậy bạ, nhưng chỉ có cái tật hay ghiền. Hết ghiền thuốc lá bây giờ lại sinh ghiền đi gym! Hậu quả của cái tội ghiền thuốc lá là sự baọ hành của bịnh suyễn làm ông sống dở chết dở. Không biết hậu quả của cái tội ghiền gym là sự bạo hành gì đây? Chắc là tan nhà nát cửa. Ôi cha, chắc phải là khủng khiếp lắm!

Nghĩ đến điều nầy ông chợt thấy rùng mình, kinh hoàng như người vừa chợt tỉnh cơn ác mộng. Ôngtự trách: “Mẹ nó, mi ngu vừa vừa thôi. Thiếu gì thứ để ghiền sao lại ghiền cái thứ ôn dịch nầy, cái thứ làm cho nhà tan cửa nát?” Hơn nữa có được “xơ múi” gì đâu, chỉ là làm mọi không công để được cái ảo giác đang sống trong “lâu đài tình ái”!

Như kẻ u mê vừa tỉnh ngộ, ông thấy mình còn may mắn đa thức tỉnh kịp thời, vẫn còn thời gian hối cải. Ông hối hận lắm, trách mình sao có thể thả mồi bắt bóng bấy lâu nay! Thiếu bàn tay bà xã trong cái nhà nầy thì coi như đời ông chấm dứt! Ông quyết tâm rồi, phải bỏ cái nghiện đi gym trước khi mất vợ.

Không còn muốn đi gym nữa, bổng nhiên ông thấy thiếu thốn cái gì, đúng rồi, ông đang thèm tách cà phê buổi sáng do chính tay bà xã khuấy cho. Nhớ kỳ lạ. Ông chợt biết rằng mình đã ghiền nó tư lâu, ghiền nặng, nhưng không biết quí nó vì bị cái ghiền gym đàn áp.

“Ghiền thứ nào cũng chết, ngoại trừ ghiền tách cà phê nóng của bà xã mình”, ông nghĩ. Nó giúp ông sống hùng, sống mạnh, sống vinh quang trong mấy chục năm nay. Nó thơm tho, ấm áp, ngọt bùi. Nó là tình vợ chồng, là hạnh phúc gia đình mà ông đã vô tình quên lãng.

Ông bổng nghe tiếng muỗng khua và mùi cà phê thơm phức. Bà xã ông “lách cách” quậy tách cà phê bước vào phòng, miệng cười tủm tỉm không biết có ý đồ gì.

Hôm nay trông bà sao đẹp lạ lùng, đẹp như bà tiên trong chuyện thần thoại, tươi mát như ngày nào mới cưới. Như trâu già lâu ngày mới ngửi được mùi cỏ non, trái tim già bỗng thấy xôn xao. Mặt nước hồ thu bấy lâu nay phẳng lặng như tờ bổng lăn tăn gợn sống. Cái ghiền cũng lăn tăn kéo đến rồi lần lần trở thành ồ ạt như sóng biển đại dương.

“Trời đất ơi”, ông giật mình vì vừa khám phá ra là mình còn thêm một cái ghiền động trời nữa mà ông nào có biết! Ông tặc lưởi nói thầm trong bụng trong khi với tay vặn nhỏ ngọn đèn bàn:

“Sóng muốn lặng mà gió không chịu ngừng!…. Ghiền thứ nào rồi cũng chết, thôi ghiền đở cái nầy ….cho nên cửa nên nhà!”

*

Có tiếng ỏn ẻn rồi tiếng cười khúc khích:

- Cái ông già dịch nầy... đợi tui đóng cửa có được không?

Từ hôm ấy, ông già đổi giờ tập ở gym từ buổi sáng sang buổi chiều để có nhiều thì giờ thưởng thức “cà phê sáng” với bà xã. Bây giờ thì mặc sức mà ghiền. Ghiền thoải mái, ghiền vô tư!

Switch mode views: