Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Từ Một Tấm Hình

biet dong quanMới đây một người bạn ở bên Mỹ gởi cho tôi tờ báo KBC đọc chơi, báo hình như từ tháng nào, không phải báo mới đây, nhưng không sao đọc được tờ báo lính là thích rồi. Tôi có tật, đọc sách mà có hình là tôi coi hình trước để mong nhận diện người quen , lần nầy thì tôi nhìn được người quen thiệt. Lật vài ba trang đầu, tôi thích thú nheo mắt dừng lại ở một tấm hình. Tôi không đọc vội hàng chú thích bên dưới, tôi muốn chứng tỏ tôi nhớ đúng ông Thiếu úy Thất đây mà, tôi la to lên “ông Thiếu úy Thất, Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân nè, ổng mới qua Mỹ chắc! Dữ chưa, mấy chục năm rồi”. Tôi vừa cầm tờ báo, vừa chạy lên lầu chỉ cho nhà tôi xem. Lúc đó tôi mới có thì giờ đọc hàng chú thích bên dưới,”....Thiếu úy Thất, Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân, hy sinh tạị... năm...... “ Tôi sững sờ, nín bặt, không tin mắt mình, tôi hỏi nhà tôi cho chắc “cái gì, ổng chết rồi hả “, tôi kêu nhỏ trong đầu “Ồ, no“. Tôi nhìn kỹ lại tấm hình, hình ảnh đó, dáng dấp đó, nét mặt đó những năm 1968 tiểu đoàn anh đóng quân ở nhà tôi.

Hai mươi tám năm qua rồi, từ hồi Tết Mậu Thân, năm 1968 đến giờ. Ngày đó tôi còn nhỏ lắm mới 10 tuổi thôi, mà tôi còn nhớ như in, như mới năm ngoái năm kia. Buổi tối hôm đó, nhà chỉ còn lại có Má và 3 chị em tôi. Ba tôi phải vô sở ngủ do tình hình an ninh không cho phép. Anh tôi thì Ba gởi vào nội trú ở Lasan Mossard Thủ Đức và em trai tôi thì Ba để ở dưới nhà nội vì nhà nội tôi ở sát bên bót Cảnh sát.

Thế là nhà ban đêm chỉ toàn đàn bà con gái, ban ngày thì mới có Ba và em về. Buổi tối, nghe tiếng gõ cửa, má tôi ra mở , thấy một toán 5-6 anh lính, má mời vào, các anh ngỏ ý muốn đóng quân trên lầu nhà tôi. Má tôi không chút e dè “mời” mấy anh ở liền, má nói ”có lính ở trong nhà mình, yên tâm hơn“. Nhà tôi hai căn lầu cất dính liền nhau, một căn gia đình đang ở, và một căn Ba má tôi vừa mới cất xong trước Tết còn trống trơn chưa kịp chưng dọn gì cả, đó là lý do tại sao mấy anh muốn mượn nhà tôi để đóng quân. Má tôi đưa mấy anh đi lên lầu ngôi nhà mới, tôi cũng lót tót chạy theo nghe chuyện. Tôi nhiều chuyện tới nỗi sau khi chỉ chỗ ở cho mấy anh xong rồi má tôi trở về căn nhà cũ tôi còn ở đó một mình để xem các anh ăn ở ra làm sao. Lần đầu tiên tôi thấy lính và lần đầu tiên tôi nắm được bàn tay người lính, tôi thích lắm, tôi hỏi một anh “anh là lính gì vậy ?” anh đáp “Biệt Động Quân cưng ơi”, rồi tôi mon men theo đứng nhìn anh chia ca gác cho các anh khác. Tôi chưa chịu về nhà, mà các anh cũng không ai đuổi tôi đi còn nói chuyện, còn đùa giởn với tôi nữa là khác, cho đến lúc má tôi gọi về ngủ.

Hồi anh tôi chưa vô nội trú, tôi đeo theo anh và đám bạn trai của anh tôi bị Ba má tôi la hoài “con gái gì mà cứ đeo theo chơi với con trai không”, nhưng la là la cho có vậy thôi chứ Má tôi cũng thừa hiểu ngoài anh tôi ra, tôi có ai để chơi chung nữa đâu. Chị Hai tôi thì lớn quá đang ở tuổi có bồ, em trai và em gái tôi thì còn quá nhỏ, chỉ có anh tôi là tuổi trạc bằng tôi và chơi với anh và các bạn của anh thì tôi được chìu chuộng và được lo lắng đủ mọi thứ. Bây giờ anh tôi vô nội trú rồi, tôi ở nhà chơi cu ky có một mình, gặp lúc mấy anh lính đến nhà đóng quân, tôi có cảm tưởng như họ là anh tôi. Tôi biết tên hết từng anh, anh nào lạ không biết tên là tôi hỏi liền. Các anh còn chỉ cho tôi biết ai là “ông thầy” và ai là “ông táo”, mấy bông mai là lớn nhứt, hết bông mai rồi tới cấp bậc gì.... từ đó tôi rành hết cấp bậc trong quân đội, chứ Ba tôi có kể gì cho tôi nghe đâu, mặc dù Ba tôi cũng đã từng ở trong quân đội hồi còn trẻ . Từ đó nên tôi biết trong các anh đóng quân ở nhà tôi, anh Thất là thiếu úy, là “ông thầy” của mấy anh kia, mà qua lối nói chuyện tôi thấy mấy anh kia cũng có vẻ nể anh Thất lắm. Hồi mấy anh ở nhà tôi, Má tôi coi mấy anh như con cháu, có gì ngon má tôi hay kêu tôi bưng lên cho mấy anh “ăn lấy thảo”.

Có một anh tên là Kim, anh rất giống anh Tư của tôi từ gương mặt, lối nói chuyện, anh Tư tôi rất ít nói và ăn nói cộc lốc, anh Kim cũng thế, ít thấy anh giỡn với mấy anh khác, thì giờ rảnh của anh nếu không ngủ thì anh o bế đôi giày trận và cây súng M16 của anh. Những lúc đó tôi hay tò vè bên anh, nghe anh kể chuyện gia đình anh. Còn hai đặc điểm khác mà anh giống hệt anh Tư của tôi là anh cũng có cái răng khểnh, tôi thích nhìn anh Tư tôi cười, coi đẹp làm sao, tôi hồi đó cũng thích nhìn anh Kim cười, nhiều lúc ngồi nói chuyện lâu quá không thấy anh cười tôi nắm tay anh lắc lắc “anh Kim, cười coi”, thế là anh nhe cái răng khểnh anh ra. Má tôi đặc biệt thương anh Kim vì anh có mái tóc quăn y chang mái tóc quăn của anh Tư tôi, ở nhà gọi anh Tư là “Quắn” vì thế. Các anh và anh Kim ai cũng biết là Má tôi thương anh Kim như con ruột qua hình ảnh của anh Tư tôi, nên anh Kim gọi má tôi là Má, anh coi tôi như em gái. Thậm chí sau nầy khi đơn vị các anh đã đổi đi xa, khi có phép anh về ghé thăm ba má tôi. Có một lần, buổi trưa, lúc đó anh đang đóng quân ở miền nào xa lắm tôi không nhớ rõ, tôi đang ngồi chơi bán đồ chơi một mình trước cửa nhà, một chiếc áo lính hiện ra trước mắt tôi, ngước lên, tôi la ”A, anh Kim, anh Kim”, rồi tôi phóng lên ôm anh. Sau lần đó, không thấy anh trở lại nữa. Má tôi hỏi dò nghe nói là tiểu đoàn anh đã đổi ra Trung.

Tôi nhớ hồi đó tôi thích nhìn anh Thất với cây “dùi cui” đeo lủng lẳng bên hông, trong anh có vẻ ít nói, tưởng rằng khó chịu, mặc dù đôi lúc tôi thấy anh cười nhưng nụ cười hình như không thân thiện lắm. Lúc đầu tôi sợ , không dám đến gần đấu láo với anh; nhưng có một hôm tôi thấy một anh lính của anh Thất, tên là Hoàng anh là binh nhì thôi, mà hôm đó lúc nhìn anh tiển cô bạn gái của anh từ trên lầu xuống, anh lại mặc áo có hai bông mai. Tôi nhìn lên, tên “Thất”, tôi chưa đủ khôn để hiểu rằng anh mặc áo của ông Thiếu úy để lấy le với cô bạn gái. Tôi chạy lại níu anh “âanh Hoàng ơi, anh mặc lộn áo rồi, áo của anh Thất mà”, anh còn giả bộ nhìn cái áo “ủa vậy hả, vậy mà anh không biết”. Lúc đó anh Thất vừa từ trên lầu bước xuống và anh mặc chiếc áo đề tên anh Hoàng, tôi ngơ ngác “ sao mấy ông nầy mặc tùm lum hết “, ai biết đường đâu mà gọi. Anh Thất ngồi xuống bên tôi:

- Đó là ông Thất, còn anh là Hoàng. rồi anh cười khó hiểu. Tôi chưa hết thắc mắc :

-Sao từ nào giờ em thấy ai cũng gọi anh là thiếu úỵ

Anh đứng dậy vuốt đầu tôi :

- Anh giống thiếu úy hở ?

Rồi nói với anh Hoàng:

- Có cô em gái nhỏ xíu vậy mà còn qua mặt không được.

Anh Hoàng nhéo mũi tôi:

- Con nhỏ nầy, sao mà rình anh kỹ vậy, em gái? Tới lúc đó tôi mới hiểu ra rằng anh Hoàng chỉ muốn lấy le với cô bạn gái. Sau lần đó, tôi không còn có ý nghĩ là anh khó chịu nữa. Một lần tôi hỏi anh:

-Bộ trong nhà anh thứ 7 sao mà Mẹ anh đặt tên là Thất? (cũng câu hỏi đó, về kể Má tôi nghe, Má mắng tôi “con gái nhiều chuyện”) Anh cười:

- Anh thứ 7 hả ? Không phải đâu em gái (hồi xưa anh nào cũng hay gọi tôi là em gái). Bên tiểu đội kia có ông thiếu úy tên “Tình”, anh phải tên Thất” cho hợp với ổng. Em không nghe lính khác họ gọi tiểu đội nầy là tiểu đội “thất tình” sao? Tôi tin ngay, cho đến giờ nầy sau 28 năm tôi vẫn không biết là anh nói thật hay đùa. Tôi nhớ hồi đó anh dạy tôi hát bài “Biệt Động Quân anh hùng chí trai. Súng thép hiên ngang diệt thù xây tương laị.... Biệt Động Quân SÁT”, tôi hỏi anh Thất “Biệt Động Quân SÁT là gì?”, anh nói “Sát là sát cộng đó em gái”. Hồi xưa lúc tiểu đội anh đóng quân ở nhà tôi, Má tôi coi tất cả các anh như là con, Má tôi không để ý anh nào là thiếu úy, anh nào là binh nhì, nấu món gì ngon là Má tôi kêu bưng lên lầu cho mấy anh, không anh nào “từ chối”. Buổi trưa nếu không đi hành quân, các anh hay xuống nhà ngồi nói chuyện với Má tôi, và tôi lại được dịp nghe mấy anh kể chuyện di đánh trận ở xa, tôi mê nghe lắm. Nằm trên đùi Má tôi, nghe một lát tôi “chơi một giấc” luôn. Hồi đó còn nhỏ tôi chưa biết tí gì về lính, đời lính, đi lính làm sao, đi học quân trường như thế nào, ở đâu...các anh kể cho tôi biết hết. Từ đó tôi mới biết con trai đến 18 tuổi phải đi lính, rồi đi học ở Dục Mỹ, Nha Trang, Đồng Đế...., rồi đi dây tử thần, rồi chà láng, rồi hít đất....đủ thứ hết. Tôi nhớ có một anh, tôi gọi là anh Bảy (tên anh là Anh, nhưng vì lúc đầu tôi chưa biết đọc tên anh, mà anh lại cứ hay nhìn chị Bảy, là người chị bà con của tôi hoài, hỏi tên anh là gì, đọc làm sao anh không chịu dạy tôi đọc mà lại cứ biểu tôi em gái ráng đọc đi, cuối cùng tôi nói em gọi anh là anh Bảy nghe, từ đó trong nhà tôi mọi người đều gọi anh là anh Bảy) kể tôi nghe rằng “cái nón sắt của tụi anh làm được nhiều việc lắm, ngoài cái chuyện đội trên đầu tụi anh còn xài nó để nấu canh nè, múc nước tắm nè, lót ngồi nữa...”. Tôi không tin, tại vì hồi nhỏ thì tôi cứ nhứt định rằng hễ là cái nón thì chỉ để đội trên đầu thôi, lót đích ngồi rồi là không nên đội lên đầu nữa, nói gì mà nấu cơm, nấu canh rồi còn múc nước tắm... Một hôm đang ngồi với Má tôi trong nhà, anh Bảy chạy xuống :”Bé, ra anh chỉ cái nầy”ï, rồi anh dẩn tôi ra coi anh gì quên mất tên rồi đang nấu cơm bằng cái nón sắt. Thế là tôi tin liền. Anh còn nói “tụi anh là lính mà, đâu có cái gì mà không biết chế biến”.

Tôi mê lính lắm từ hồi nhỏ đã bị má tôi la hoài ôi con gái gì mà tối ngày cứ đeo theo mấy ông lính, kêu về nhà rồi là một lát cũng chạy tót qua bển. Còn má tôi, má tôi tin tưởng vào sự hiện diện của mấy anh lính lắm. Có một buổi chiều đang ngồi ăn cơm trong nhà, anh Thất qua cho má tôi hay là “tụi cháu rút đi bây giờ”, trên tay tôi đang cầm chén cơm, má tôi lấy bỏ xuống bàn cái rụp rồi hối tôi “đi con, vô thay đồ rồi mình cũng đi luôn”ï, tôi ngơ ngác “đi đâu?”, má tôi nói “âmấy anh đi rồi, mình cũng đi, tối đâu dám ngủ ở nhà. Ba đã dặn như vậy”. Rồi không đợi cho má tôi dặn dò gì nhiều, tôi chạy theo mấy anh liền, lên lầu tôi hỏi anh Kim “mấy anh đi hết hả ? Có trở về không?”, anh Kim cười với tôi “không biết đâu em gái, em gái ở lại mạnh giỏi nghe.”

Rồi thì sau khi các anh đổi đi, có các anh lính khác đến đóng quân nữa, má tôi mới dám dẫn tụi tôi trở về. Nhà tôi suốt trận giặc tết Mậu Thân, lúc nào cũng có lính đóng, mà lần nào các anh đến, hình như là má tôi hay dặn trước chừng nào rút quân đi thì cho má tôi hay, nên cứ mỗi lần sắp rút đi là tôi thấy có một anh chạy xuống nói lẹ một câu rồi là trước sau gì má tôi cũng kéo tôi vô “chuẩn bị đi nghe con”. Có một lần lúc tiểu đoàn 2 Trâu điên - Thủy quân lục chiến- đến đóng, tôi cũng đeo theo mấy anh. Một buổi chiều đã 5, 6 giờ gì rồi, anh Út nói với tôi “Bé về nói với má, tụi anh đi bây giờ, nhanh lên”, rồi tôi phóng ngay về nhà lặp lại y chang lời anh nói, xong tôi lại bay trở laị coi mấy anh chuẩn bị đi, lần nầy má tôi giận quá đích thân bà lội qua triệu tôi về, phét cho mấy roi để “nhớ đời”.

Rồi sau khi cuộc chiến trong thành phố dần dần im, các anh rút đi. Từ đó tôi bắt đầu theo dõi tin tức chiến trường, coi TV tôi mê nhất mục Phóng sự chiến trường, đoc. báo nghe tin đánh nhau và lính nào đang hành quân...để khi nghe tới tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân, Tiểu đoàn 2 Thủy Quân lục chiến, Biệt Khu Thủ độ.. là tôi cứ tưởng như là có mặt các anh trong đó, tự nhiên mà tôi cứ có ý nghĩ các anh là anh của tôi, là con của má tôi hết. Hồi 1972 coi Tv thấy nói Tiểu đoàn 2 Trâu điên đánh thắng ở miền Trung, tôi cũng mừng, cũng hân hoan, làm như là tôi có đi theo mấy anh đánh trận vậỵ Hồi tiểu đoàn này đến đóng quân trong nhà, tôi hỏi Ba tôi “mấy anh đó là lính gì vậy Ba?”, ba tôi nói “Thuỷ Quân lục chiến, Tiểu đoàn 2 Trâu điên”. Đối với tôi lúc đó, sau khi mấy anh Biệt Động Quân đi rồi, không lính nào là bằng lính Biệt Động quân nữa, cho nên khi nghe Ba tôi nói “Thuỷ Quân lục chiến”, mà lại có cái tên “Trâu Điên”, toi lè lưỡi nhăn mặt “tên gì mà xấu quá, khi không cái Trâu Điên”. Ba tôi ngưỡng mộ : “Trời ơi, mấy ông nầy đánh có tiếng đó, đánh như trâu vậy. Việt cộng nghe là buông súng hết”. Hồi đó tôi không tin cho đến khi đọc báo, xem TV...thấy nhắc đến “Trâu Điên” đánh thắng ở khắp nơi, đến lúc tôi hiểu để bày tỏ sự khâm phục, các anh đã đi rồi.

Chiến tranh bắt đầu dữ dội, và tôi bắt đầu lớn để hiểu thêm nhiều về chiến tranh từ những năm 72. Tôi để ý nhiều đến cuộc chiến, tôi bắt đầu suy nghĩ về chiến tranh. Mỗi lần nghe đánh đấm ở đâu là lòng tôi nghe âu lo, thấp thỏm. Tôi nhớ lúc tôi xem đoạn thời sự quay Cổ thành Quảng Trị đã lấy lại được, nhìn lá cờ VNCH bay phất phới, và nhìn các anh lính vừa la vừa cười dưới chân Cổ thành, tôi thấy có một anh trung úy còn trẻ măng, tóc dài thoòng, đen thui thui, tôi nói với anh tôi “anh Tư coi kìa, ông trung úy đó, còn trẻ ha, tóc dài thoòng, coi hách chưa”, anh tôi nói “ông đó mới đúng là người hùng, lính phải vậy “, anh em tôi nghe vui, làm như chính mình cũng có dự phần trong đó, làm như chính gia đình tôi có người thân trong đó. Từ cuộc chiến mùa hè 1972, tôi biết thêm nhiều địa danh qua truyền hình, báo chí như Đại Lộ Kinh Hoàng, Nhà Thờ La-Vang...Tôi đau xót từng ngày những ngày An Lộc bị thất thủ, đếm từng ngày trông chờ cho An Lộc được giải vây. Sau cuộc chiến An Lộc, tôi xem trên TV và thuộc được hai câu thơ mà tôi rất thích (nghe nói là của một cô giáo !!):

“An Lộc địa sử ghi chiến tích
Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân”.

Năm đó tôi đang học lớp đệ Tứ, thầy tôi cho bài luận văn “hãy bình luận câu nói của Tướng Lê văn Hưng : An Lộc thất thủ tôi sẽ tự sát “. Tôi phải thú thật rằng, từ nhỏ đến giờ đi học tôi rất sợ môn Luận văn, tả người, tả cảnh, tả tình...tôi dốt lắm. Tôi chưa bao giờ được điểm cao về Luận văn. Hồi đệ Thất, đệ Lục cô giáo cho đề tả con chó, con mèo,ta cành bông Huệ ... tôi ngồi cắn nát cây bút cả hai tiếng đồng hồ chưa viết ra được một hàng. Vậy mà hôm ông thầy cho đề bình luận về câu nói bất hủ của Tướng Lê văn Hưng tôi đã nói tràng giang đại hải, nói quá chừng chừng, mặc dù lúc mới đọc đề luận tôi rầu lắm, rên thầm trong bụng “cái ông, cho đề gì mà trên trời dưới đất, biết viết gì đây?”. Vậy mà không ngờ khi đặt bút xuống tôi viết một lèo đã tay luôn. Nộp bài luận rồi tôi còn sợ không biết mình viết có đúng đề không hay dám rồi đây ông thầy sẽ hoạch “lạc đề” to tổ bố trong bài. Tôi chưa bao giờ thấy mặt tướng Hưng, dù trên báo, trên truyền hình hay trong taì liệu , chỉ căn cứ vào những tin tức coi được trên TV, đọc được trong báo về trận chiến An Lộc, và ký giả báo chí nói về vị tướng trẻ tài ba, bất khuất. Bài luận đó tôi được hạng nhứt. Tôi ngỡ ngàng gần như nằm mơ khi nghe thầy kêu tên tôi và biểu đứng dậy...

Những người lính trận tôi gặp lần đầu tiên trong đời, đã cho tôi thấy hình ảnh oai hùng, hiên ngang về một người lính, một người chỉ huy trong quân đội, đó là những anh lính tiểu đoàn 38 Biệt Động, rồi sau đó các anh Thủy Quân Lục Chiến của Tiểu đoàn 2 Trâu Điên, các anh lính Biệt Khu Thủ Đô...những anh hùng bằng xương, bằng thịt mà tôi thấy được, biết được. Tôi biết khi các anh đã đánh là phải thắng, đánh cho tới cùng, đánh cho tới Việt Cộng nghe tên đã sợ...

Đến trận chiến năm 1975 lúc đó tôi đã lớn hẳn để hiểu nhiều hơn về chiến tranh và mất mát. Tôi theo dõi từng con số viện trợ chiến tranh mà Quốc Hội Mỹ giành cho Việt nam. Tôi cũng bàng-hoàng, hụt hẫng khi nghe tin Mỹ cắt phân nửa rồi sau hơn phân nửa, và cuối cùng là chỉ còn một phần viện trợ nhân đạo. Những buổi chiều ngồi với nhỏ Đều trên sân thượng nhà tôi, nhìn thấy chiếc máy bay nào bị trúng hỏa tiển tầm nhiệt của Việt cộng, rơi xuống, hai đứa tôi chết lặng trong lòng. Tôi với nhỏ Đều (là bạn học cùng lớp với tôi) ngồi lâm râm cầu nguyện cho mấy anh được bình yên. Tôi với Đều hỏi qua hỏi lại “mầy có thấy cánh dù nào bung ra chưa ?”. Vì tôi nghe Ba tôi nói “bắn rớt máy bay không hề gì, anh phi công còn sống mới là quan trọng”. Ngồi dán đôi mắt lên trời mãi cho tới khi chắc chắn thấy một cái chấm gì đen đen từ trong máy bay bung ra thì hai đứa mới an tâm. Còn nếu không thấy một dấu hiệu nào, hai đứa bắt đầu boăn khoăn lo sợ. Mỗi lần nghe tiếng bom nổ ở miệt Tây Ninh, Trảng Bàng, Hậu Nghĩa là tôi leo tuốt sân thượng ngồi nhìn, đếm từng chiếc máy bay, bao nhiêu chiếc đến và bao nhiêu chiếc trở về. Tôi thương các anh quá đổi là thương. Tôi và Đều hay nói với nhau “mình ở đây giờ nầy, ngồi trong nhà yên ổn như thế nầy mà chính mắt mình thấy lính mình rớt máy bay như vậy, trời ơi tao chịu không thấu mầy ơi".

Một ngày nước mất nhà tan. Một ngày “xảy đàn tan nghé” (Trương Anh Thụy). Một ngày Quân Đội ta tan hàng “gãy súng” (Cao Xuân Huy) buổi trưa ngày 30 tháng 4, 1975 Ba tôi vừa khóc, vừa nói với anh em tôi rằng “mình đã sống bình yên, hạnh phúc được cho đến ngày hôm nay là do công giữ nước, giữ đất của lính VNCH, không phải chỉ bằng mồ hôi nước mắt mà còn bằng máu của họ, bằng mạng sống của họ , bằng sự mất mát của gia đình họ, bằng tất cả cuộc đời của họ ... nhiều lắm mình không trả nổi công ơn đó. Phải nhớ như vậy để đừng bao giờ quay lưng, ngoảnh mặt như những người dưới đường đang làm“.

Ba tôi vừa nói vừa chỉ những người đeo băng đỏ trên cánh tay, ôm một đống cờ mặt trận, mặt mày hớn hở leo lên xe jeep chạy loạn xà ngầu trong thành phố. Ba tôi nói “ngày hôm nay không phải là ngày Giải phóng giải phiếc gì hết, ngày hôm nay là ngày mất nước, nhớ không”. Đó là lần đầu tiên trong đời cả nhà tôi chứng kiến Ba tôi khóc. Ba tôi nước mắt ràn rụa, khóc tức tưởi, khóc như bị bức tử. Và thật vậy, kể từ sau ngày 30 tháng tư, gia đình tôi không một ai làm gì dính líu đến chính quyền cộng sản. Anh tôi lúc đó đang ngồi năm thứ hai Đại học Sư Phạm, bị tống cổ ra khỏi trường vì Ba tôi”nguỵ”. Tôi thi rớt “Tú Tài Giải Phóng” vì gốc “nguỵ” ở nhà chơi luôn. Em út tôi hai đứa ráng đi cho hết Trung học rồi cũng nằm nhà. Và cho đến bây giờ, sau hơn hai mươi năm, ba tôi vẫn gọi sau ngày 30 tháng tư là ngày mất nước, không bao giờ Ba tôi nói và ông rất không bằng lòng ai nói “từ sau giải phóng”, Ba tôi nói “sau ngày mất nước”, hoặc “sau ngày 30 tháng tư” nếu phải nói chuyện với đám cán bộ, công an cộng sản....

Bởi Ba tôi dạy thế nên anh em chúng tôi không bao giờ quên mình là gì, ở đâu, bởi dù gì thì chính Ba tôi đã là “nguỵ”. Ba tôi đã nuôi dưỡng chúng tôi không chỉ bằng mồ hôi nước mắt, mà còn bằng máu của ông nữa. Cho nên tình cờ mà nhìn lại được hình ảnh anh trên tờ KBC để rồi biết anh đã hy sinh, tôi tưởng chừng như mới hôm nào thôi, không khỏi bàng hoàng và thương nhớ như mình vưà nhận được hung tin mất đi một người anh từ chiến trận, anh Thất ơi. Viết những dòng nầy cho anh hôm nay, dù đã sau hơn 20 năm, tôi xin cúi đầu tưởng niệm, gọi tên anh, anh nói riêng và những người lính VNCH nói chung đã nằm xuống. Cuộc chiến nầy dù đã kết thúc như thế nào, người dân miền Nam Việt Nam vẫn cúi đầu ghi nhớ công ơn các anh, sự hy sinh cao cả của các anh bởi trên từng tấc đất mà họ đang sống đều được đắp bồi bằng máu của những người như các anh đã không sống hết tuổi xuân của mình.

Switch mode views: