Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cống hiến cuối cùng

conghiencuoicungLen lỏi qua mấy ngõ hẻm giữa các lùm tre gió reo lao xao, anh Cả bước vào mảnh sân trước căn nhà tranh với những mảnh tường đất mộc. Anh dừng chân, đầu chạm mái tranh, như đắn đo một phút, rồi bước vào nhà. Có tiếng ông già từ buồng trong ới ra:

– A, anh Cả đã về đấy à !

– Ôi. Con chào ông bà. Thưa… Ông bà có được mạnh khỏe không ạ?

– Cảm ơn anh. Nhờ trời vẫn khỏe. – Vừa nói ông già vừa cười khà khà. Nghe có tiếng điếu cầy rít một hơi dài. – Anh vào nhà đi. – Ông già cất tiếng sau tiếng rít của điếu cầy.

Anh Cả bước vào nhà, tháo cái tay nải[1] mầu nâu khỏi vai, khẽ khàng đặt xuống giường. Lại nghe tiếng ông già

– Thau nước nóng ngoài giếng bà lão đã sắp sẵn rồi đấy. Anh rửa mặt rồi vào ăn cơm.

Anh Cả bước ra sân, đến ngồi bên giếng nước. Anh vộc hai bàn tay vào thau nước để sẵn, vớt chiếc khăn đã ngả màu xỉn từ chậu nước, chậm chạp vắt khô, như đang nghĩ điều gì, rồi lấy cả hai tay nâng chiếc khăn chà lên mặt.

Anh làm mọi động tác thận trọng, rón rén, như canh chừng điều gì.

Bà già lẳng lặng đến ngồi cạnh anh, ngắm anh thân thương như bà mẹ ngắm thằng con của chính mẹ đã trưởng thành vừa đi xa về, một tay nắm nhẹ vào khuỷu tay anh lắc lắc:

– Anh Cả rửa mặt xong rồi vào ăn cơm. Hôm nay có nắm cá vụn kho nhạt ngon lắm. Cá vụn cái Nguyệt nó mang đến lúc chiều. Nó bảo tối nay anh Cả về, cả anh Long nữa. U làm cơm cho hai anh ăn. U đã nói thầy lót ổ ấm dưới hầm để các anh ở lại[2], Tối mai anh Nhượng sẽ đến đón hai anh đi công tác sớm. Cái Nguyệt nó hẹn u rồi.

Anh Cả lấy khăn lau cùi tay, vắt khăn lên sợi dây thép quăn queo ngang thành giếng, rồi đỡ tay bà già đi vào nhà.

Bà già vừa bước dò dẫm, vừa lầm rầm kể chuyện, cách đây mấy tuần chú Nhượng đón chị Cả và thằng cháu về đây. Anh Cả đỡ lời:

– Khổ thế đấy bà ạ. – Anh vừa nói vừa dìu bà già qua rãnh nước

Đi vài bước, anh Cả lại thầm thì:

– Rõ khổ. Mẹ con cháu cũng không được yên. – Anh lại tiếp, không đợi trả lời – Con phải nhờ chú Nhượng vào thị xã đón cháu và nhà con ra ở với con, đề phòng quân Pháp bắt cháu làm con tin. Tội thằng bé, tí tuổi đầu phải lặn lội.

– Mấy ngày sau đó, chú Nhượng trở lại với u, kể chuyện đêm đó phải cõng thằng cháu băng qua một cánh đồng ngập nước. Thằng bé lội chừng hơn một tiếng đồng hồ thì xem ra khó nhọc, chú Nhượng phải cõng cháu đấy. Chú với mẹ con cháu bì bõm suốt đêm. May mà gần sáng cũng đến được một cái trại[3] giữa đồng không, ở đó có một gia đình cơ sở, hai mẹ con cùng chú Nhượng ở lại đến tối hôm sau mới được đi tiếp. Rõ khổ. Bao giờ mới đến đoạn kháng chiến thành công.

Bà già cứ lầm rầm những chuyện như thế. Anh Cả cũng đã nghe vợ kể lể hết mọi sự tình. Chú Nhượng băng qua đồng suốt hai đêm mới đưa được hai mẹ con cháu từ thị xã ra đến khu căn cứ của du kích kháng chiến, nơi văn phòng huyện ủy của anh đóng chốt.

Không ai biết lai lịch hai cụ thế nào. Cả làng gọi hai cụ là cụ Tuất ngụ cư. Hai cụ không có con cháu, cụ ông đã hơn sáu mươi, cụ bà có lẽ kém cụ ông vài tuổi. Không thấy hai cụ chênh lệch nhau nhiều lắm. Theo lệ làng, cụ ông sáu mươi đã được “ra lão” trình làng từ hồi tết năm trước. Từ đấy cụ được chính thức đứng vào hàng các lão làng.

Hai cụ từ đâu đến, mọi người không biết được tường tận. Cả làng này gọi cụ là “dân ngụ cư”. Khi nói “dân ngụ cư” luôn kèm theo một giọng điệu khinh miệt. Dân vô gia cư từ nơi khác về … “ngụ cư” ở làng này. “Dân ngụ cư” là hàm ý một loại người tha phương cầu thực, lang bạt từ những miền đâu đâu dạt đến, sống nhờ ở đợ dân làng ở đây. Dù sống ở đâu, dân ngụ cư cũng không có ai là người ruột thịt, không họ mạc, không xóm giềng, không người thân thích. Hai ông bà cụ Tuất cũng vậy. Các cụ thui thủi những chuỗi dài năm tháng thầm lặng. Từ ngày cách mạng, đất nước độc lập, dân trong làng hay dân ngụ cư đều được bình quyền, nhưng trong tâm tư tình cảm, người ta nhìn dân ngụ cư vẫn không thấy gắn bó như dân trong làng ngoài họ.

Từ hồi bị quân Pháp chiếm đóng, cả vùng này biết nhà cụ là một “Gia đình cơ sở”. Gia đình cơ sở là nơi qua lại của cán bộ cách mạng. Trong nhà các gia đình cơ sở đều có một căn hầm bí mật để che giấu cán bộ qua lại. Làng này là làng tề, tức là làng đã quy thuận quân Pháp và chính phủ quốc gia. Mỗi làng tề đều có ông trưởng thôn đại diện dân làng, qua lại đồn lính quốc gia để bàn soạn công việc trị an, và nhất là chống du kích và cán bộ Việt Minh đột nhập thôn xóm.

Nhưng ông trưởng thôn làm việc với lính quốc gia và lính Pháp chỉ vào ban ngày thôi, ban đêm ông trưởng thôn lại bàn soạn công việc với cán bộ và quân du kích Việt Minh. Cả làng đều biết, ông trưởng thôn cũng chính là bí thư chi bộ của xã. Ông bí thư lãnh đạo các phong trào của nhân dân phục vụ kháng chiến, cắt đặt mọi công việc nuôi nấng, chăm sóc, bảo vệ cán bộ Việt Minh qua lại đây suốt những năm dài chiến tranh.

Anh Cả là cách gọi tên kín đáo của anh bí thư huyện ủy. Cả huyện gọi anh là anh Cả. Tất cả cán bộ Việt Minh trong huyện đều gọi anh như thế. Dân theo cán bộ, cũng gọi anh là anh Cả. Anh là bí thư huyện ủy, lãnh đạo phong trào du kích ở huyện này. Huyện được tỉnh xếp hạng, là địa phương có phong trào du kích mạnh nhất tỉnh. Huyện nằm sát nách thị xã, nhưng có cả một khu căn cứ du kích, mà suốt bốn năm, từ ngày bắt đầu toàn quốc kháng chiến đến nay, tức là từ năm bốn mươi sáu[4], quân Pháp chỉ đến chiếm đóng được ba ngày, rồi họ bị du kích đánh bật khỏi mấy xã, phải rút về thị xã và cắm chốt ở mấy đồn bốt ven mấy con đường lớn.

Xã mà huyện ủy đồn trú là một dải đất kéo dài nằm giữa khúc cong của một con sông lớn. Từ thị xã về nơi đồn trú của huyện ủy phải đi ngang qua những đoạn đường quốc lộ và tỉnh lộ, dọc đường có nhiều đồn bốt người Pháp đóng quân, cho nên phải rất thận trọng, chỉ được đi vào lúc nhập nhoạng tối, ban ngày phải nằm dưới hầm trong các gia đình cơ sở. Bên kia khúc cong của con sông là tỉnh bạn, cũng là một tỉnh của vùng đồng bằng, san sát nhà thờ công giáo. Bên đấy là một tỉnh lớn, thủ phủ của tỉnh là một thành phố công nghiệp quan trọng, nên quân Pháp đã dốc toàn lực đánh chiếm. Toàn bộ các cơ quan của tỉnh bị “mất đất” phải dạt sang đồn trú ở xã này. Đêm đêm cán bộ tỉnh vượt sông về chỉ đạo phong trào du kích của tỉnh. Chật vật lắm. Thỉnh thoảng lại có người bị bắn chết khi vượt sông ban đêm. Đã có gần chục con người trung kiên như thế hy sinh trong suốt ba năm chính quyền kháng chiến của tỉnh này bị “mất đất” vào tay quân Pháp.

Mọi người đều biết anh Cả là ủy viên thường vụ tỉnh ủy. Anh được tỉnh ủy phân công đặc trách bí thư huyện này. Anh Cả có cánh tay phải là huyện đội trưởng Hải Long. Hải Long kém anh Cả vài tuổi, nhưng là bạn học ở trường thành chung Nam Định và cùng tham gia phong trào “Học sinh đoàn” từ hồi trước cách mạng. Hải Long là một chỉ huy quân sự tài giỏi và dũng cảm khét tiếng cả vùng. Hải Long đã tổ chức được một đại đội địa phương quân. Quân Pháp gọi là “Đại đội Hải Long”. Dân cũng gọi theo như thế. Đại đội Hải Long nức tiếng như một đơn vị quân đội chính quy. Tiếng tăm của đại đội nổi như cồn, vì Hải Long đã chỉ huy nhiều trận đánh đồn, cướp súng, đột kích cướp kho quân nhu của Pháp, trang bị cho cả đại đội toàn quần áo lính tây, lính của Hải Long khoác toàn một thứ tiểu liên thượng hạng, gọi là súng “xít-ten”[5]. Trong huyện, cả quân ta và quân Pháp đều tôn Hải Long làm tướng, một thứ tướng không có lễ phong và cũng chẳng thấy đeo lon[6] tướng tá. Nhưng cứ nghe nói đến Tướng Long là dân ta rạo rực tự hào, còn quân Pháp thì táng hồn khiếp vía. Dân trong huyện truyền nhau một giai thoại, là bộ đội Hải Long không bao giờ dùng chiến thuật đánh “độn thổ”[7] của du kích, mà đều dàn trận đánh đối mặt với đối phương như kiểu trận địa chiến, làm quân Pháp rất nể sợ.

Anh Cả vừa rửa mặt xong thì Tướng Long bước vào sân. Tướng Long hiện ra lù lù, lưng to như cái phản[8], mặc bộ quần áo đen của lính com-măng-đô[9], đứng lừng lững giữa sân. Lại nghe tiếng ông già:

– Bà sắp nước nóng rồi đấy. Bà lấy nước cho anh Hai rửa mặt đi, rồi mời hai anh vào ăn cơm cho ấm bụng. Rõ khổ! Đêm hôm lặn lội thế này. – Cả huyện kín đáo gọi Hải Long là anh Hai, giống như xưng hô với anh với anh Cả, nghĩa là đứng về vai vế, Hải Long được xem là nhân vật quan trọng thứ hai ở huyện này, chỉ sau anh Cả.

– Vâng, – Bà già vừa nói với ông già, vừa lật bật bê siêu nước từ trong bếp ra, – Này. Anh Hai rửa mặt đi, – Bà vừa nói vừa rót nước từ siêu ra chậu thau, – Hôm nay ăn cơm cá tép kho nhạt với khế, ngon lắm đấy. Cái Nguyệt nó nói tôi từ chiều, tối nay hai anh về qua.

*

Cơm nước xong, hai anh ngồi chuyện trò rì rầm với hai ông bà già, líu ríu thân tình như thể hai người con vừa đi xa về. Thấy đã khuya lắm, ông già bảo:

– Thôi, hai anh xuống hầm nghỉ, để rồi tối mai đi tiếp.

Ngừng một lát, sau khi rít một hơi, ngửa cổ trầm ngâm phả khói thuốc, vẫn cầm điếu cầy trong tay, ông già tiếp:

– Tôi thay ổ rơm mới rồi đấy. Trời hanh khô cong. Thơm tho. Ông bà lão sẽ canh chừng để hai anh ngủ. Cứ yên tâm mà ngủ lấy sức đêm mai đi tiếp.

Cuộc sống cứ lặng lẽ như dòng sông chảy triền miên theo năm tháng của cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhà các cụ Tuất là gia đình cơ sở, cưu mang cán bộ cách mạng, cũng như trăm ngàn gia đình cơ sở khác của huyện này, của tỉnh này, của cả nước ta, … là chỗ dựa của cuộc kháng chiến lâu dài với người Pháp chiếm đóng.

*

Thế rồi cuộc kháng chiến cũng đến ngày kết thúc. Những vết thương chiến tranh dần dần được hàn gắn. Những đường phố bị phá hủy được xây dựng lại. Những gia đình có công được xem xét khen tặng. Tùy theo mức độ và cách thức đóng góp của mỗi nhà, mỗi người, mà nhà nước phân chia các loại khen thưởng. Nào là “gia đình có công với cách mạng”, “gia đình vẻ vang”, gia đình “Bảng vàng danh dự”, rồi nữa là “Bà mẹ anh hùng”

Ở xã này, nhiều gia đình đủ tiêu chuẩn như nhà nước quy định, được xếp hạng để nhà nước khen tặng, cuối cùng còn lại gia đình Cụ Tuất. Cụ không có con cái đi bộ đội. Vậy không thể xếp cụ vào loại được khen tặng là “Gia đình vẻ vang” hoặc gia đình “Bảng vàng danh dự”. Cũng chẳng thể xếp cụ bà vào loại “Bà mẹ anh hùng” được, vì các cụ có người con anh hùng nào đâu mà làm “Bà mẹ” của những đứa con anh hùng! Mọi người chỉ biết, mọi cán bộ cách mạng được cất giấu ở đây đều gọi cụ là thầy u. Hai cụ nuôi nấng che giấu các cán bộ cách mạng qua đây như những người con ruột thịt của chính các cụ.

Vậy thì chỉ còn cách xếp cụ vào loại “Gia đình có công với cách mạng”. Vậy là người ta bảo cụ phải đi khắp nơi có cán bộ cách mạng đã từng ở nhà cụ để làm công việc gọi là xin giấy “Xác nhận công lao với cách mạng” của gia đình cụ. Cán bộ bảo, việc đó chắc đơn giản thôi.

Nhưng rồi cai cụ ngồi than thở: “Tuy đơn giản, nhưng rõ khổ, bây giờ kháng chiến thành công rồi, cán bộ đi tứ tung đâu đâu khắp mọi phương trời nhận công tác khác, thân già bảy mươi mấy tuổi rồi làm sao lọ mọ đi tìm được các anh. Cả hai ông bà đều cận kề miệng lỗ, con cháu không có để mà nhờ cậy, nhà không có cái xe đạp tàng tàng nào, mà có đi mượn ở đâu được cái xe thì cũng chẳng biết đường ngồi đạp. Các ông cán bộ bây giờ mất tăm mất tích… Trăm nỗi. Ai xác nhận cho các cụ đây?”

*

Các cụ đi tìm mấy đứa ở gần xã cụ. Cái Nguyệt, cái Liên, cái Hồi, cái Dậu, cái Hớn, … những đứa du kích, giao thông, liên lạc, … hay qua lại nhà cụ, thì thật buồn. Dứa thì chết, đưa thì bỏ kháng chiến đi lấy chồng, đứa thì chuyển công tác, ra mãi tận Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên. Hỏi đến chú Nhượng thì mới biết chú được điều động phục vụ chiến dịch Tây Bắc[10], bị hy sinh trước ngày kết thúc chiến dịch, nghe nói trong trận đánh ở đâu, … gần Nghĩa Lộ.

Cụ về xã tìm gặp ông bí thư, hồi đó đóng hai mang, vừa là bí thư xã, vừa là trưởng thôn làng tề. Nhưng thật buồn, ông bị liệt vào hạng tề ngụy hồi Chỉnh đốn tổ chức. Lấy giấy xác nhận của ông chẳng ai tin. Người ta xếp ông vào loại người được được địch cài vào hàng ngũ của ta để phá hoại.

Các cụ hỏi thăm mấy cô gọi là “giao thông, liên lạc” hồi kháng chiến để tìm gặp anh Cả, anh Hai. Hy vọng các anh ấy bây giờ là ông to, chắc nói thì mọi người phải tin.

Cụ ông lặn lội ra mãi đâu đâu, tận Hải Phòng, Móng Cái để tìm anh Cả. Khi tìm được đến cơ quan anh Cả, hỏi anh Cả, thì cụ lạnh người được biết anh bị nông dân nhiều địa phương trong huyện tố giác là Quốc Dân Đảng, bị bắt và mất tích hồi phát động phong trào gọi là “Chỉnh đốn tổ chức”. Ở trên cho ý kiến chỉ đạo theo kinh nghiệm của nước bạn bên Tầu, là trong đảng ta dứt khoát phải có năm phần trăm là đảng viên Quốc Dân Đảng. Nông dân hỏi làm cách nào để phát hiện tung tích của họ, thì các anh đội phổ biến cho nhân dân học tập kỹ càng, là bọn đảng viên Quốc Dân Đảng gian manh, thậm thụt tụ tập vào đêm hôm khuya khoắt, bọn chúng nó đi ngang về tắt bàn việc chống phá cách mạng. Thì ra chúng nó trà trộn với đảng viên ta, cũng thậm thụt đi đêm về khuya, đi ngang về tắt, chúng nó giả vờ làm bộ hoạt động giống như đảng viên bàn việc kháng chiến, nhưng chính là làm nội gián cho quân địch để phá hoại kháng chiến. Thế là anh Cả bị nông dân phát hiện. Nông dân chỉ đích danh, anh ta đi ngang về tắt, lặn lội đi sớm về khuya, ban ngày chui trong hầm sâu bí mật ở các gia đình cơ sở, ban đêm mới chui ra khỏi hầm để rồi hoạt động thậm thà thậm thụt, làm nội gián cho quân địch để chống phá cách mạng.

Thật oái oăm.

Thế là các cụ mất một chỗ dựa tin cậy nhất.

*

Các cụ hỏi đến anh Hai Hải Long, thì biết Hải Long sau được trên điều động vào bộ đội chủ lực, cả đơn vị chuyển quân vào miền Trung. Cụ vào đến nơi thì mới tá hỏa, được biết Hải Long có bố bị quy là địa chủ cường hào ác bá. Anh ta đã bị gọi về địa phương để đấu tố bố, để tố giác tội ác bóc lột dã man của tên địa chủ ác bá này. Hải Long là con bà vợ ba của địa chủ. Thời xưa, ở các nhà địa chủ, thì cái thân phận bà vợ ba thì chẳng ra vợ, cũng chẳng ra con hầu, bị bà cả hạch xách, hành hạ, chẳng khác gì thân phận con ăn người ở.

Theo giấy gọi của đội cải cách của địa phương, Hải Long phải về trình diện đội cải cách để nhận nhiệm vụ. Người tiếp anh không phải là đội trưởng, mà là một anh đội phụ trách thôn của anh. Trông điệu bộ và cách ăn mặc, anh đội này có dáng một anh phu bốc vác ở bến sông quê anh. Anh đội nói gì loanh quanh, lòng vòng lê thê, Hải Long căng hết tai mà nghe mà vẫn không hiểu. Mãi sau mới vỡ lẽ, như anh đội vung tay khoe, là làm cái việc mà cố vấn bên Tầu sang giảng, gọi là “đả thông tư tưởng” cho anh ta, nói anh ta phải có tinh thần giác ngộ cách mạng. Đội bảo anh, phải đoạn tuyệt với cái lý lịch bóc lột của gia đình. Phải đứng vào hàng ngũ giai cấp bần cố[11] để vạch trần tội ác của tên địa chủ cường hào ác bá. Thấy anh ta ngần ngừ, anh đội tiếp tục kiên trì giác ngộ anh ta thâu đêm, nói anh ta không tố giác tội ác của gia đình chính là đồng lõa với giai cấp bóc lột, rằng cách mạng không thể dung túng cho cán bộ của mình phản bội quyền lợi của giai cấp bần cố, rằng anh không có cách nào thoái thác được. Người chiến sỹ cách mạng chỉ quyết tiến, không lùi bước.

Anh đội còn giảng giải, đả thông thêm, là sau đợt được điều về tham gia cải cách ruộng đất ở địa phương, đội phải xác nhận tinh thần giác ngộ cách mạng của anh, hoặc là xác nhận anh là phần tử liên quan, tức là liên quan đến giai cấp bóc lột, rằng anh đã bị giai cấp bóc lột cảm hóa, làm cho suy thoái, dao động, lập trường quan điểm bấp bênh. Anh sẽ mất hết, tự anh giết chết sinh mạng chính trị của anh… Đơn vị không thể làm thế nào khác, là phải thanh lọc các phần tử kém giác ngộ ra khỏi đội ngũ, phải đuổi anh ta về địa phương… Phải đảm bảo đội ngũ cách mạng thật sự trong sạch. … Trời ơi! Thế là hết.

Hải Long xin phép anh đội chạy về nhà thăm bố mẹ, rồi ngủ ở nhà, nhưng anh đội không cho phép anh về nhà. Đội bảo, anh phải giữ phẩm chất của người quân nhân cách mạng. Anh về nhà sẽ bị lung lạc tinh thần, sẽ phản bội quyền lợi của giai cấp, vân vân và vân vân… Thế là, làm việc với mấy anh đội xong, anh thấy rã rời, đi lang thang, ngẩn ngơ suy tính mung lung. Về nhà thăm bố thăm mẹ? Không được! Thế là mất lập trường quan điểm. Đi ngủ nhờ nhà ai đêm nay? Chẳng ai chứa anh, vì là phần tử con cái gia đình địa chủ. Đến nhà mấy thằng bạn học ở làng bên? Đến làm sao được! Liên hệ với hoàn cảnh của họ hồi cùng học với nhau ở trường thành chung, anh đoán cũng phải có vài người thuộc gia đình địa chủ giống như anh. Một vài người khác là trung nông, là giai cấp bần cố… Vậy là ở nhà địa chủ là không xong, còn đến nhà bọn kia thì không đứa nào dám chứa. Chứa mày mà mang tội vào thân, là “phần tử liên quan” à! Thế là anh bơ vơ, đứng trơ trọi một mình trên con đường làng xào xạc tiếng gió trên các lùm tre lay động. Cuối cùng mệt quá, mắt díu lại, không cưỡng nổi, hai hàng mi cứ cụp xuống. Chợt nhớ đến mấy cái lều chợ nơi bìa làng, anh lủi thủi, cứ thất thểu với cái ba lô trên lưng đi về phía chợ, chui vào một túp lều, đeo nguyên ba lô ngồi phịch xuống nền đất, rồi ngủ quên lúc nào không biết.

Tiếng gà gáy rộn rã thôn xóm làm anh sực tỉnh.

Rồi anh nghĩ miên man đến giọng điệu bề trên răn dạy của anh đội cải cách. Hàm răng cáu xỉn, mắt lồi ra, nói ngọng líu ngọng lường… Mà họ là ai chứ? Là những bậc chỉ huy lão luyện cấp trên của anh? Là chính trị viên các đơn vị quân đội? Chẳng là ai hết. Nghe giọng điệu họ cũng biết được trình độ của họ chỉ ngang mấy anh kéo xe ba gác, nhưng được cái điểm lập trường giai cấp vững vàng. Họ là những ai mà được cách mạng giao cho nhiệm vụ trọng đại này? Đúng. Anh đã qua cuộc chỉnh huấn của đơn vị về cải cách ruộng đất. Đây là cuộc cách mạng long trời lở đất… cách mạng của dân cày nghèo. Trách nhiệm của người quân nhân cách mạng là phải kiên định lập trường công nông. Bộ đội sinh ra là để phục vụ giai cấp công nông… Vì bộ đội là con em của công nông, của nhân dân lao động. Nhân dân đây là giai cấp bần cố. Bộ đội phải dựa hẳn vào lập trường của giai cấp bần cố, phải giữ vững lập trường đánh đổ giai cấp địa chủ, mang lại ruộng đất cho dân cày nghèo.

Thế là anh không còn cách nào khác, là phải thể hiện tinh thần giác ngộ cách mạng. Phải giữ vững lập trường giai cấp bần cố. Và anh ta phải dứt khoát thái độ tư tưởng lập trường.

Hải Long nhớ lại như in những điều anh đội lặp đi lặp lại về nghĩa vụ của người quân nhân cách mạng. Có mấy vị chỉ huy ngang cấp anh ở các đơn vị mà anh biết, cũng bị gọi về như anh, chắc số phận cũng như anh vậy. Mấy ngày trước khi anh nhận được giấy gọi, anh được tin có vị chỉ huy một đơn vị đã bị bắt đưa đi mất tích, vì cưỡng lại lệnh của các anh đội. Vị chỉ huy này được đội cải cách giao nhiệm vụ đấu tố bố. Anh đội rất ngọt ngào ra điều thông cảm, … theo lễ giáo của chế độ phong kiến mà đấu bố là bất hiếu, nhưng người cách mạng phải làm vì đó là nhiệm vụ cách mạng. Người cách mạng phải chống lại lễ giáo phong kiến. Khi vị chỉ huy này nói thật lòng không dám đấu tố bố, thì anh đội vẫn nói ngọt ngào thông cảm, bảo nếu anh không làm được thì đội không ép, và đội sẽ cho anh về đơn vị. Nhưng không ngờ sau đó đơn vị nhận được công văn của đoàn ủy[12] cải cách thông báo về tư cách phẩm chất đạo đức cách mạng, về quan điểm lập trường của vị chỉ huy này. Hai ngày sau có người đến đơn vị bắt vị chỉ huy mang đi đâu không rõ, và về sau có tin là vị ấy đã bị xử lý luôn không chậm trễ, không để nêu gương xấu cho bọn con em địa chủ khác trong quân đội.

Thế là Hải Long phải chứng minh lòng trung thành với lập trường của giai cấp bần cố. Anh ta muốn chứng minh lòng trung thành với cách mạng, ra sức đấu tố bố theo chỉ đạo của đội cải cách. Càng tố anh ta càng say. Cứ như tảng đá tuột dốc. Anh ta đã tố bố đủ điều. Có những điều anh ta được nghe đội giác ngộ. Có những điều anh tự phóng ra nói đại trong lúc say máu.

Bà ba mẹ anh cũng được đội giác ngộ ra sức tố cái thằng gọi là chồng, nhưng là địa chủ cường hào gian ác. Đội xếp bố anh ta là địa chủ, nhưng bà ba mẹ anh được thành phần cố nông, là thành phần không có tấc đất cắm dùi, suốt đời cam phận tôi đòi cầy thuê cấy mướn.

Bà tố rằng, tên địa chủ đã hiếp bà, cưỡng bức bà, bắt bà về làm người hầu nhà nó. Vợ gì đâu. Cưới xin gì đâu. Mụ vợ cả gian ác, câu kết với tên địa chủ áp bức mẹ con anh ta, bắt bà ba mẹ anh lao động cật lực tối ngày, thân phận hèn mọn. Anh được sinh ra là kết quả một vụ hiếp dâm của tên dịa chủ với mẹ anh ở ngoài cánh đồng.

Cái hôm tên địa chủ bị mang ra tòa án nhân dân để đấu tố, anh ta nghe mẹ tố khổ rành rẽ: “Thằng địa chủ ác ôn kia. Mày có nghe bà nói không”. Anh ta lại nghe tên địa chủ nói lí nhí: “Dạ thưa… thưa… tôi…”. Thế là mẹ anh chặn lại “Sao lại ‘Tôi’ hả tên địa chủ cường hào gian ác kia!”… Dân làng lại sôi sục: “Đả đảo địa chủ cường hào gian ác”… “Đả đảo. Đả đảo. Đả đảo”.

Dứt tiếng hô, anh ta lại nghe mẹ tố tiếp: “Mày hiếp bà thế nào mày có nhớ không cái thằng địa chủ mặt thớt kia… Mày hiếp bà ngoài cánh đồng, làm bà có chửa ông Long…Mày nhớ chứ. Thằng ôn kia!”… Anh ta lại nghe tiếng tên địa chủ phân trần: “Bẩm bà, bà có chửa thằng Long hôm con hiếp bà trong bếp…Vợ con nó không cho con ngủ với bà ở nhà trên…”. Bà ba lại cướp lời: “Sao lại Thằng Long? Ông Long! Mày không được phép ăn nói hỗn xược trước mặt ông bà nông dân… Mày hãy khai báo cho ông bà nông dân… khai thành khẩn… lần ấy mày làm thế nào mà bà có chửa ông Long… Sao mày im hả thằng ôn vật kia…Há. Há”. Bà ba rít lên. Rít cao thêm khi nghe ầm vang tiếng hô “Đả đảo” của ông bà giai cấp nông dân bần cố… Mỗi lần mẹ anh ta dứt đoạn tố, lại thấy vang lên tiếng hô: “Đả đảo địa chủ cường hào gian ác”, “Đả đảo. Đả đảo. Đả đảo”. Dứt tràng tiếng hô, tên địa chủ lại lí nhí “Bẩm bà con không dám nói đâu a. Nói ngượng lắm ạ”… Tên địa chủ chưa dứt lời, thì ông chánh tòa, là anh đội, đập bàn thét lớn… “Mày phải khai báo tội trạng với ông bà nông dân thành khẩn”… Ngưng một lúc như để lấy hơi… “Mày không được ngoan cố”. Thế là rền vang tiếng hô “Đả đảo địa chủ ngoan cố”… “Đả đảo. Đả đảo. Đả đảo”… Tên địa chủ lại lí nhí “Dạ. Con xin khai báo thành khẩn. Không dám ngoan cố nữa ạ. Nhưng đầu óc con lú lẫn. Bà bắt con khai báo gì ạ”… Ông quan tòa lại đập bàn “Bà nông dân hỏi mày làm thế nào mà hiếp bà đến nỗi làm bà có chửa ông Long”… Tên địa chủ lẩm bẩm… “Dạ… Dạ… Con tụt quần con, rồi con tốc váy bà ạ…” Lại đập bàn “Rồi mày làm sao nữa hả tên địa chủ kia!”… “Dạ… Dạ… Con không dám khai nữa ạ…”. Ông chánh tòa đập bàn:

– Không dám… Không dám là thế nào. Mày dám làm thì phải dám chịu.

Lại rộn lên tiếng hô “Đả đảo địa chủ cường hào gian ác”, “Đả đảo. Đả đảo. Đả đảo”. Cuối cùng tên địa chủ ác bá bị kết án ngoan cố. Cùng với hồ sơ tội trạng, là những tố giác của ông bà nông dân về các thủ đoạn bóc lột, ức hiếp giai cấp bần cố, tên địa chủ bị kết án tử hình.

Hải Long được đội cắt đặt việc cầm súng, cùng với hai chiến sỹ dân quân trong xã, tự tay góp sức với mấy tay súng dân quân, bắn tên địa chủ. Anh ta đang chần chừ suy tính… Trời ơi. Tố tên địa chủ kia thì được, chứ bắn bố làm sao được… Đồ bất hiếu. Đồ bất nghĩa. Trời tru đất diệt mày. Không. Không. Không thể thế được. Anh đội sáng suốt đoán được ý nghĩ sâu kín của anh ta,.. lại thuyết giảng một đoạn dài về giác ngộ giai cấp. Tên địa chủ ấy là kẻ thù của giai cấp bần cố. Anh đã tự nguyện đứng theo lập trường giai cấp bần cố rồi mà. Anh đừng có dao động lập trường… Anh phải kiên định tư tưởng. Lòng trung thành với giai cấp là ở đây… Còn chần chừ gì nữa. Đúng. Anh là đứa con sinh ra sau một vụ cưỡng đoạt. Tình nghĩa gì đâu với đồ địa chủ. Ừ. Ừ… Thế mà sau khi mẹ đẻ anh ra rồi, tên địa chủ kia đã cõng anh trên lưng. Tên địa chủ đã lọ mọ đi bắt ve, bắt dế, đựng vào hộp diêm cho anh chơi… Rồi còn cưng nựng “con giai của bố”… Bây giờ giác ngộ anh thấy sao mà bộ mặt địa chủ giả dối đến thế là cùng… Thế là anh ta chấp nhận.

Khi hiệu lệnh bắn được phát ra, thì Hải Long nhanh nhẩu bóp cò trước. Nhanh nhẩu bóp cò để chứng tỏ trước đội về sự giác ngộ trung thành với giai cấp bần cố. Viên đạn trúng trán tên địa chủ. Óc phọt lên cùng với chùm tia máu phun ra. … Hận thù giai cấp được hóa giải. Chính anh, chứ không phải ai, đã trả mối thù ngàn đời của giai cấp. Hai chú dân quân run lên, lảo đảo, rồi buông súng. Làm sao họ đủ bản lĩnh cầm súng bắn như viên tướng chỉ huy suốt chín năm dầy dạn chiến trường. Thế là người bố của Hải Long đã bị bắn bởi chính tay súng của anh ta.

Sau khi bắn tên địa chủ cường hào ác bá, anh ta được trở lại đơn vị, mang theo giấy xác nhận của đội cải cách, rằng anh đã hoàn thành nhiệm vụ trọng đại, rằng anh đã chứng tỏ là một chiến sỹ kiên cường của cách mạng, rằng anh đã đích thân trừng trị tên địa chủ cường hào gian ác, góp phần đánh đổ giai cấp địa chủ, tước đoạt lại ruộng đất về tay nông dân, rằng anh và mẹ của anh được đội phân định thành phần cơ bản, vân vân và vân vân. Một bản nhận xét đỏ rực, thêm một trang đầy chiến công trong cuộc cách mạng dân cày. Không còn có thể có điều gì vẻ vang hơn thế.

Mấy tháng sau, anh ta đột nhiên bỏ đơn vị đi lang thang, rồi lần mò về làng, phát điên phát rồ. Suốt ngày ngẩn ngơ… Suốt ngày hết hò hát ầu ơ, lại tồng ngồng chạy quanh làng hô khẩu hiệu như hồi cải cách ruộng đất. Anh ta lĩnh xướng dõng dạc: “Đả đảo tên địa chủ Phán Quang cường hào gian ác”. Rồi lại vung nắm đấm cuộn chặt nổi gân tay hô theo dũng mãnh “Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!”. Phán Quang là tên gọi của bố anh ta. Anh ta nổi điên chừng đâu ba bốn tháng rồi bỗng nhiên thắt cổ tự vẫn ngay trong nhà, trước bàn thờ bố vẫn còn khói hương nghi ngút.

Thế là cụ Tuất mất hết chỗ xin giấy xác nhận.

*

Trong số những cán bộ Việt Minh hay qua lại nhà cụ hồi ấy, thì cụ cũng đã nhờ bọn cô Nguyệt, cô Hội, cô Dậu xác nhận. Nhưng các cô nói thì chẳng ai tin. Mọi người chặc lưỡi, bọn đàn bà biết gì mà viết giấy xác nhận.

May tìm được anh Ngợi lớn tuổi hơn, hai cụ nhờ anh xác minh, và xin được cấp bằng gia đình có công với cách mạng. Khi giấy xác nhận của anh gửi đến được nơi nó cần đến, thì người ta cử người đến địa phương gọi là thẩm định. Họ hỏi các đồng chí lãnh đạo ở xã, rồi hỏi những người trong làng, thì cả lãnh đạo và nhân dân đều nói, hai ông bà là dân ngụ cư, lai lịch không rõ ràng. Có người còn nghe lơ mơ, hình như các cụ có hai con đi lính cho Pháp. Trong một trận giao tranh nào đó, bọn chúng bị bộ đội Việt Minh bắn chết buông sông, hai cụ dạt về đây sống sống vật vờ cho qua ngày đoạn tháng. Cuối cùng họ cũng có sáng kiến đi tìm hỏi những cán bộ cách mạng đã qua lại nhà cụ. Họ tìm đến cơ quan của cái người mà dân làng ở đây gọi là “Anh Cả”, thì được biết anh ta đã bị tố là Quốc Dân Đảng, đã bị xử lý, không còn biết tăm tích ở đâu. Thế là câu chuyện càng phức tạp hơn… Rất có thể gia đình này không phải là gia đình cơ sở của cách mạng, mà là cơ sở của Quốc Dân Đảng. Rồi đến những người thân tín của cái “Anh Cả” hồi đấy, như Hải Long, chú Nhượng, và ngay cả anh Ngợi, biết đâu đều thuộc bè lũ Quốc Dân Đảng trong nhóm hội kín của cái người gọi là “Anh Cả” kia.

Trong số những kẻ thân tín với cái “Anh Cả” hồi ấy, còn một kẻ tên là Hải Long, cũng là một kẻ đáng nghi. Vì sao anh ta phải làm ra vẻ trung thành với cách mạng đến mức nỡ giương súng bắn bố? Một người chính trực không bao giờ làm cái việc thất đức ấy. Rõ ràng hắn này là có vấn đề với cách mạng. Như vậy, hắn kết bè đảng với bọn Quốc dân Đảng là đúng… Và cái nhà ông bà ngụ cư này rất có thể là một gia đình có vấn đề đáng nghi vấn, làm thế nào có thể xét là gia đình có công được…

Đến đây thì sự việc càng trở nên rối mù. Tốt nhất là khép lại. Vì không thể giũ rối thêm được nữa.

Thế là năm này tháng khác cứ lẳng lặng trôi xuôi, chẳng có cách nào xác minh cho cụ, là gia đình có công với cách mạng, hay gia đình vẻ vang, hay gia đình hạng bảng vàng danh dự, hay bà mẹ anh hùng, hay là… là gia đình chứa chấp hội kín của Quốc Dân Đảng.

*

Câu chuyện dần bị lãng quên âm thầm, thản nhiên như trăm ngàn việc khác. Cả hai cụ Tuất ngụ cư đều theo nhau về với tổ tiên. Cụ ông đi trước. Cụ bà đi sau đó vài năm.

*

Hàng chục năm bình thản trôi qua yên tĩnh. Người con của anh Cả hồi ấy đã đến tuổi trưởng thành. Anh về lại làng xưa thăm hai cụ Tuất, nơi mẹ con anh đã ngủ lại cái đêm nước ngập trắng đồng.

Anh đi quanh làng hỏi thăm. Làng bây giờ khác xưa nhiều lắm. Nhà xây san sát. Hỏi về các cụ, mọi người đều nói các cụ đã lặng lẽ yên nghỉ. Hỏi mộ các cụ ở đâu thì không ai hay biết.

Anh đứng lặng nhìn về phía đồng xa.

Triền miên trong những kỷ niệm xa xưa, nhập nhoạng không rõ nét.

*

Hai cụ không để lại bất cứ dấu tích gì. Không có người con nào thắp hương cho hai cụ. Nhưng anh vẫn mường tượng rất rõ, hai cụ là cha mẹ của tất cả các chiến sỹ cách mạng qua đây. Họ gọi các cụ là thầy, là u. Họ được các cụ nuôi nấng, che giấu mỗi khi ghé qua. Các cụ lo lắng chăm chút thuốc men, kiếm lá nấu nồi nước xông cho các anh, như lo cho đứa con đẻ của các cụ, mỗi khi các anh đau ốm…

Người con anh Cả suy nghĩ miên man. Đầu óc ngổn ngang trăm thứ. Tự nhiên anh thấy mắt mình nhòa dần, ướt đẫm.

Chợt bên kia đường, đối diện nơi anh đứng, tiếng máy xúc rồ lên. Anh sững người đẩy mắt qua phía ấy, bỗng dưng nhận ra, mảnh tường đất mộc và ngách hầm trong căn nhà xiêu vẹo của cụ Tuất, nơi từng che giấu những người con của cách mạng, được bật tung. Căn nhà phút chốc trở thành một đống đất lẫn rác lùm lùm. Mấy người quanh đấy gom rác từ căn nhà tồi tàn thành một đống, rồi châm lửa, mùi khói khen khét của rác ẩm bay mịt mù khắp làng.

Anh lẳng lặng dõi trông cho đến khi những cánh lửa cuối cùng lụi tàn trên đống tro còn chới với than hồng. Tim anh thắt lại. Thế là hết.

Anh nhắm nghiền mắt giây lát. Căn nhà tranh đơn sơ với những mảnh tường đất mộc. Căn hầm đào sâu giữa lòng đất sét màu vàng. Hình ảnh hai cụ già đêm đêm lọ mọ thoáng qua rất nhanh trước mắt anh. Cái đêm xa xưa ấy mẹ con anh ở với ông bà. Cái cậu bé, là anh, tò mò chui xuống hầm quan sát từng hốc đất. Nồi cơm gạo mới. Rau khoai lang luộc bốc khói ngùn ngụt từ cái bát chiết yêu nho nhỏ như anh vẫn nhìn thấy trên mẹt của các gánh hàng bún riêu ngoài chợ. Bát mắm cáy bằng gạch nung bốc mùi thơm lựng, gợi nhớ những bữa cơm ngoài đồng khi mùa gặt đến. Một đĩa tép rang. Ông bà già nhân hậu.

Chiếc máy xúc đã xóa xong những dấu tích cuối cùng.

Một công ty đến mua đất theo quyết định của chính quyền. Công ty đang san lấp mặt bằng, nghe nói để xây một sở giao dịch hoành tráng. Tiếng máy xúc át mọi thứ tiếng của đồng quê yên tĩnh. Chốc chốc lại rồ ga, nghe như để uy hiếp những kẻ chống đối. Chiếc cửa kính máy xúc chói lòa những tia nắng ban chiều, nhìn rõ từ nơi cách xa hàng cây số.

Đó là bước triển khai dự án xây dựng nông thôn mới theo một nghị quyết của tỉnh đảng bộ, mà căn nhà tiều tụy của cụ Tuất một lần nữa lại được các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương bán cho một công ty lớn của tỉnh, coi như sự cống hiến cuối cùng của hai cụ cho công cuộc phát triển kinh tế, cũng là một nhiệm vụ trọng đại về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của sự nghiệp cách mạng.

Anh đăm đắm dõi trông về phía căn nhà xưa thân thương, giờ đây là đống tro còn nóng đỏ, thầm khấn “Con cầu xin Trời Phật phù hộ để vong hồn các cụ siêu thoát. Những người con được các cụ cưu mang trong kháng chiến giờ này cũng đã cùng các cụ trở về cõi vĩnh hằng. Con thành kính ngưỡng vọng cõi vĩnh hằng thâm nghiêm ấy có Trời Phật chứng giám, các cụ sẽ được báo đáp những gì đã dâng hiến ở cõi nhân gian.”

Anh lặng lẽ rút khăn chậm chạp lau những giọt nước mắt lăn dài trên má không biết tự lúc nào.

Ngã tư An Tập, Mùa Đông 2015

[1] Túi đeo vai tự may bằng vải, thường là mầu nâu hoặc chàm, giống như túi đeo của các nhà sư hiện nay

[2] Thời xưa ở nông thôn miền Bắc người ta gọi bố mẹ là “thầy, u”

[3] Một xóm dân cư giữa đồng, có những lùm tre bao bọc

[4] Năm 1946

[5] Một loại súng tiểu liên của Anh, được chế tạo từ Thế Chiến II, tên tiếng Anh là “sten”

[6] Gốc từ tiếng Pháp “galon”, nghĩa là quân hàm

[7] “Độn thổ” là một cách đánh của du kích bằng cách đào hầm trên trận địa, lính du kích nằm mai phục dưới hầm, đợi quân địch đến thì đội nắp hầm lên, đánh bất ngờ quân địch.

[8] Phản là tấm gỗ được bào phẳng rất cẩn thận. Hai tấm phản được kê ghép vào nhau để làm giường nằm.

[9] Tên gọi lính biệt kích của Pháp

[10] Một chiến dịch lớn cuối năm 1952

[11] Cách nói tắt thời cải cách ruộng đất, có nghĩa bần nông và cố nông.

[12] “Đoàn ủy” là cấp trên của Đội trong cải cách ruộng đất

Switch mode views: