Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thương người độ lượng

chim-bo-cau(Viết tặng các phụ nữ sống trong thử thách và nghịch cảnh)

Khi gia đình chúng tôi dời chuyển đến xóm, Anh đang học Đệ Ngũ cùng một lứa với người anh thứ hai của tôi. Sau hiệp Định Genève, di cư từ Thanh Hóa vào, chỉ có cha và Anh, gia đình rất đơn chiếc.

Cùng với các đứa trẻ trong xóm, chúng tôi hay chạy theo chơi với Anh, để được nghe Anh kể chuyện ngoài nớ. Anh cũng thường đến nhà tôi chơi với anh trai và 2 chị của tôi. Anh là một người rất dễ mến, hiền hòa và đơn sơ. Lúc cha Anh tục huyền và có một bé gái, Anh tình nguyện vào Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt sau khi đậu Tú Tài. Vài năm sau cha Anh dọn nhà khỏi xóm.

Bẵng đi gần cả mươi năm, bất ngờ tôi gặp lại Anh trong bộ áo quần màu Olive Bộ Binh với cấp bực Đại úy khi Anh về dự đám tang của cha mình năm 1972. Vẫn một vẻ trầm lặng, dáng người cao ốm. Vẫn một cách ăn nói từ tốn nhỏ nhẹ nhưng thân tình. Anh hiện đang phục vụ cho một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân và vừa lấy vợ vài tháng trước. Đám cưới rất đơn giản vì cha Anh già yếu không tham dự, nên Quân Đội đại diện nhà trai đi cưới vợ cho Anh. Bố vợ của Anh là một Thượng Sĩ già của Tiểu Đoàn, người thân thuộc với Anh từ bao năm qua. Tôi mừng Anh, khi Anh rút ví cho xem tấm hình người vợ xinh đẹp, một nữ sinh Trung Học.

20 năm sau, tình cờ gặp lại Anh tại California ở nhà một người bạn hàng xóm chung với nhau trước đây, chúng tôi mừng rỡ chào hỏi nhau trên đất Mỹ. Anh đã thay đổi nhiều và đi một mình, khó nhận biết được nếu không được giới thiệu trước. Hình ảnh hiên ngang và oai vệ của một chiến sĩ năm nào tôi hằng ngưỡng mộ không còn nữa. Anh già hẳn đi, nét mặt cằn cỗi, chín mùi với khổ đau, ánh mắt mệt nhọc. Lưng hơi còng và đôi vai co rút. Bước đi với những bước chân như ngần ngừ khập khễnh. Anh và gia đình, 1 vợ 4 con được qua Mỹ theo diện HO trên một năm nay. Tôi mừng Anh đến bến bờ tự do. Sau đó Anh kéo tôi ra sân, trầm ngâm tâm sự.

Binh nghiệp Anh thăng tiến theo thời gian. Từ Trưởng Ban 3 Tiểu đoàn Địa Phương Quân, anh lên làm Tiểu Đoàn Phó, rồi Tiểu Đoàn Trưởng với cấp bậc Thiếu Tá giữa năm 1974. Theo con sóng di tản của Miền Trung vào cuối tháng 3, 1975, gia đình Anh đến Sài Gòn cùng một nhóm Sĩ quan và Binh sĩ thuộc quyền. Lúc ấy Anh có 2 con gái, đứa lớn 3 tuổi và đứa nhỏ gần 1 tuổi. Khi Anh vừa kịp tìm ra một nơi cho gia đình Anh cùng gia đình bên vợ tạm trú ở khu Bàn Cờ, là lúc Miền Nam Việt Nam đang trên đà tan rã. Rồi tập trung cải tạo sau vụ cưỡng chiếm Miền Nam. Trời đất đen tối. Người người thống khổ dưới chế độ mới, sát máu, bạo tàn.

Trong suốt 10 năm tù cải tạo, qua bao nhiêu lần chuyển trại, từ Nam đến Bắc rồi Bắc trở lại Miền Nam, Anh chỉ được gia đình liên lạc 1 lần trước khi bị đưa ra Bắc và sau đó là biệt tăm. Anh không muốn nhắc nhiều đến những năm tháng sống trong các trại tập trung ở những núi rừng xa xôi lạnh lẽo, cơ cực đói khát. “Bên ngoài thì bị chúng chửi rủa mạc sát, hành hạ thể xác. Bên trong ê chề với đau đớn tuyệt vọng, niềm tin yêu cuối cùng cũng rạn nứt với cảm giác bị bỏ rơi, không một tin tức của vợ con.” Nhiều lần Anh nghĩ đến cái chết, nhưng vì bao ray rức dằn vặt, bao câu hỏi chưa có câu trả lời, rồi lòng thù hận và tự trách từ từ biến Anh thành câm lặng và chai đá.

Ngày được cho về tại địa chỉ cũ “Bàn Cờ” trên tờ giấy thả tù, lòng Anh xôn xao, nhưng căng thẳng chờ đợi một bất hạnh. Anh e dè, ngỡ ngàng bước vào nhà lúc xế trưa. Hai con gái Anh, nay 13 và 11 tuổi nhìn Anh xa lạ, hoàn toàn không biết Anh là cha ngay cả khi Anh nói rõ tên họ và kêu tên chúng. Còn nàng ở đâu? Mẹ vợ cho biết nàng mang 2 đứa con nhỏ sau này về chơi bên gia đình chồng mới, sau khi nhận giấy báo Anh sẽ được thả về trong mấy ngày gần đây. Anh chết đứng như trời trồng giữa căn nhà, tê tái bên cạnh chiếc bị cũ chứa vài bộ quần áo rách do anh em bạn tù cho, lặng người nhìn 2 con gái của mình, trong khi nghe những lời phân bua của mẹ nàng.

Em nó và cả nhà đều nghĩ Anh đã chết trong tù. Hoặc giả, nếu còn sống, cũng chẳng biết khi nào được cho về. Nhà ta càng lúc càng túng thiếu, tình trạng rất bi đát, chạy đâu cho ra tiền. Ông già chẳng làm được gì nên thân ngoài chuyện nghiện ngập suốt ngày. Anh đi tù có để lại tiền bạc gì đâu ! Vợ con Anh cần tiền để sống, đó là chưa kể chuyện bị thôi thúc đi kinh tế mới. Cuối cùng em nó phải nghĩ đến chuyện sống còn và nuôi con. Nó mới đành phải lấy cái thằng yêu nó lúc 2 đứa cùng chung trường trung học với nhau. Anh cứ tạm ở đây đi. Nhưng xin Anh xử đẹp và hiểu là chúng đã có 2 con với nhau và nuôi luôn cả 2 con của Anh nữa…

Sét đánh ngang tai. Đất trời sụp đổ. Điều lo âu sợ hãi nhất của người cải tạo trong những ngày tháng tù đày vô vọng đã phơi bày. Nỗi tủi nhục bị phản bội ê chề. Không một đắn đo và trong một thôi thúc nghịch lý, Anh quyết định rời nhà dù chưa biết mình sẽ đi đâu. Một quyết định nhanh chóng và sắc bén, như Anh đã từng làm nhiều lần trong lâm nguy khi Anh còn chỉ huy cả trăm quân trong trận mạc. Anh ngập ngừng đến bàn vuốt đầu 2 con rồi lặng lẽ bước ra. Thêm một lần nữa Anh là người thua cuộc, trắng tay. Anh là kẻ bại trận, Anh đã thua trong cuộc chiến lẫn trong cuộc tình. Bên ngoài, trời nắng chang chang, nhưng Anh bỗng nổi cơn lạnh run tới tận xương tủy và xâm xoàng. Như một con thú bị trúng thương, Anh lảo đảo vừa đi vừa hấp tấp chạy xa căn nhà cũ trong nhạt nhòa uất ức của mồ hôi lẫn nước mắt, khiến Anh vấp té vào một xe 2 bánh và gãy cổ chân phải.

Trôi theo dòng đời của một con người không còn gì đế mất thêm, Anh làm tất cả công việc lớn nhỏ, nặng nhẹ, để sống còn. Từ làm thuê ở chợ, khuân vác ở cảng, đạp xe xích lô, xe ba bánh chở hàng chở than... Rồi cũng như bao chiến hữu xưa cũ, bao bạn tù, Anh gia nhập dần vào cuộc sống bên lề xã hội, luôn mang nặng ưu tư của một thân phận thua thiệt với vết thương lòng sâu kín. Vài năm sau, Anh lấy vợ, là em gái của một bạn cùng khóa VBQG với Anh, có chồng thiếu úy bị chết ở vùng Cao Nguyên trong những tháng trước khi mất nước nay đang sống với 2 đứa con trai gần bằng tuổi con Anh. Người vợ thứ hai của Anh có một cửa hàng nhỏ nên tài chánh trong gia đình không mấy chật vật. Mỗi tháng, đôi ba lần, Anh không quên ghé thăm 2 đứa con gái, đem theo chút quà cho chúng và tiếp tục làm thân. Có lúc không tránh được, Anh phải chạm mặt người vợ trước cùng người chồng trẻ hiện tại và 2 đứa con chung còn nhỏ, một trai một gái. Trong những lần đối diện hiếm hoi ấy, sự thù hận, đau đớn và chua chát làm người Anh cứng lại và giọng nói hằn học, cộc lốc.

Rồi chương trình HO xuất hiện. Lúc đầu chẳng mấy ai tin, nhưng rồi phường khóm tiếp tục gởi giấy thông báo, thúc giục. Sau đợt đầu tiên chính thức ra đi năm 1990, những tù cải tạo còn lại trong nước, xa gần thành phố hay bên trong các trại tù, nhìn thấy chính phủ Hoa Kỳ đang thi hành một chính sách nhân đạo để giúp đỡ những tù nhân chiến tranh bị giam cầm trên 3 năm. Anh bàn tính với vợ mới, rồi với vợ cũ. Hai con gái của Anh ráp vào hồ sơ đi chung với gia đình vợ mới của Anh. Hai con gái của Anh kêu Anh là Bố. Hai con trai của vợ sau kêu Anh bằng Tía. Tháng 4 năm 1991, Anh cùng vợ thứ hai và 4 con đến TB Wisconsin, định cư tại đó cho đến bây giờ.

Tôi ngỡ ngàng, xót xa giữ im lặng, ngồi nghe anh tâm sự. Tặng chút tiền làm quà cho các cháu, tôi cầu mong Anh được sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Đời sống sớm ổn định, các cháu ngoan và học hành giỏi, chóng thích hợp với xã hội mới.

Tháng 10 năm 1999, Anh điện thoại hẹn dẫn Chị đến thăm chúng tôi tại nhà. Khác hẳn với 7 năm trước, Anh trông phương phi với nét mặt hồng hào, ánh mắt tinh anh trở lại. Anh thật sự nhìn trẻ hơn trước, với cách ăn nói và dáng điệu của một con người có tự tin, đầy sức sống. Như muốn tôi vừa là nhân chứng vừa là thân quen để Anh chia xẻ tâm tình, Anh đi ngay vào câu chuyện.

Đến Hoa Kỳ khi gần 50 tuổi, Anh bắt đầu cuộc sống mới bằng cách đi học lại trong 2 năm, và nay Anh là nhân viên Sở công chánh nơi thành phố Anh ở. Chị làm tá viên điều dưỡng cho một Viện dưỡng lão gần nhà. Cô con gái đầu thành công trong nghề nail, vừa sang lại một tiệm riêng, có chồng và một đứa con trai. Cô con gái út đang còn học năm cuối chương trình Nursing. Con trai đầu của vợ sau là một kỹ sư Điện, còn độc thân. Con trai thứ hai hiện học ngành Physical Therapy. Anh chị mua được cái nhà, ở chung với cô con gái út và 2 cậu con trai.

Tôi lên tiếng chung vui, hãnh diện với Anh về những gặt hái tốt đẹp của gia đình Anh trong thời gian ngắn chỉ 7 năm trên quê hương thứ hai này. Tôi nói ra sự nhận xét của mình khi nhìn thấy Anh mặt mày rạng rỡ và hạnh phúc, miệng cười tươi tắn, thật khác hẳn khi gặp Anh lần đầu tại đất Mỹ. Hẳn phải có một điều gì huyền diệu đã xẩy ra !

Một buổi chiều cách đây vài năm, theo một người bạn đến nhà thờ Tin Lành, Anh nghe vị Mục Sư rao giảng đề tài “Tha Thứ và Độ Lượng.” Tha thứ người để người tha thứ ta ! Độ lượng với người cũng như độ lượng với chính mình trong mưu tìm hạnh phúc ! Bài giảng như ánh sáng nhiệm mầu chiếu thẳng vào tâm hồn, vựt Anh dậy và Anh bỗng nhìn ra chân lý. Sự cảm thông sẽ dễ dàng dẫn đưa đến lòng tha thứ. Thời gian giúp xoa dịu và chữa lành bao vết thương lòng. Những lời giáo huấn đưa Anh ra khỏi hận thù uất ức. Nâng tâm hồn Anh lên khỏi sự khinh ghét, dẫn đến tình thương độ lượng. Anh may mắn tìm được niềm tin mới và sự bình an trong tâm hồn.

Qua bao nhiêu năm, Anh cũng đã từng ân hận, dằn vặt về những lỗi lầm trong đời binh nghiệp của mình. Càng nhớ đến những chiến trận, Anh càng thấy được những sai trái lớn nhỏ trong chỉ huy, những thiếu sót tham mưu, những hy sinh đáng tiếc hoặc không cần thiết của Binh sĩ thuộc quyền. Có hay không Anh thực sự một vị Chỉ huy giỏi, kinh nghiệm và trách nhiệm như Anh vẫn thường nghĩ ?! Có hay không Anh thực sự được thương mến, kính nể mà không phải vì chức vụ thượng cấp của Anh ?! Và có hay không Anh đối xử công bình, có trên có dưới, thương yêu đùm bọc thuộc cấp của mình ?!

Anh chẳng thể quên tiếng khóc của cha mẹ những binh sĩ tử trận, những ai oán của cô nhi quả phụ. Như trường hợp thằng đệ tử thân tín từng theo Anh bao nhiêu năm, lo cho Anh từng bữa ăn, pha cho Anh từng ly cà phê, đào hầm ngồi canh cho Anh trong đêm, mang áo quần treo mùng cho Anh…Thế mà vì nó trình diện đơn vị trễ 15 ngày sau khi đã được nghỉ phép 1 tuần về thăm nhà, Anh nổi giận, đưa nó ra bên ngoài với trung đội tác chiến, để chưa đến 5 ngày sau thì nó bị chết vì đạp mìn.

Câu chuyện về cái chết của thằng đệ tử luôn ám ảnh và dày vò lương tâm Anh. Rồi bao nhiêu thương binh, bao nhiêu tử thương khác, mà Anh vẫn mãi nhớ mặt nhớ tên, nhớ luôn cả từng địa điểm đụng nặng hay đụng nhẹ, trong làng mạc, trên cánh đồng lúa, trên con đường ruộng hay cạnh bìa rừng... Chính những vui buồn đời Quân ngũ đó, những hình ảnh chiến đấu đó đã đóng khung trong đầu Anh và vẫn tồn tại trong tim óc Anh qua bao năm trong tù, nhiều và nhiều gấp bội so với những kỷ niệm Anh có với vợ con.

Rồi đến chuyện Anh lấy vợ. “Ông Thầy” lấy con gái “đệ tử”, đâu giống mấy chuyện bình thường.

Từ thủa mới về đơn vị, vì Anh độc thân và không có gia đình tại chỗ nên một người Trung Sĩ thường xuyên mời “Ông Thầy” về nhà chơi. Ròng rã mấy năm, mối quan hệ Thầy Trò càng khắng khít, nhất là khi Anh thăng cấp dần và người Trung Sĩ được gắn lon Thượng Sĩ. Chuyện lấy con gái cưng của vợ chồng ông Thượng Sĩ thuộc cấp này tự nhiên đến mà ngay chính Anh cũng ngạc nhiên khi nhận lời.

Không hẳn như tiền định, nhưng như một sắp đặt khó từ chối khi cha nàng ướm lời trong một bữa tiệc của đơn vị. Bấy giờ nàng chỉ là một cô bé 18 tuổi đang học lớp 12. Đối với Anh, lấy vợ trong lứa tuổi cần lấy vợ, vào giai đoạn mà đàn ông, nhất là trong giới võ biền, thường nghĩ đến sau khi đã có một chút danh phận. Anh biết đây không phải là một mối tình say đắm vì Anh không còn ở lứa tuổi bồng bột đam mê. Chính vì vậy Anh không có những rung động thật sự bên nàng, chưa có những câu nói tình tứ với nàng. Không phải chầu chực săn đón nàng. Không có những kỷ niệm hữu tình, những khung cảnh lãng mạn bên nhau. Không luôn những phút lưu luyến, những cử chỉ gắn bó. Có một cái gì đó khiến cuộc sống vợ chồng có phần lỗi nhịp. Anh thường tự hỏi có thể số tuổi 12 năm cách nhau giữa vợ chồng khiến Anh thầm xem nàng như một người vợ bé bỏng cần nơi nương tựa vững vàng, và Anh một ông chồng quyền uy, vì nếu cần liên lạc với nàng, đôi khi anh chỉ nhắn qua cha nàng, thế là xong.

Còn về phía nàng ?!

Nàng lớn lên trong một gia đình có khuôn khổ nề nếp Quân đội, với người cha cứng rắn trong phong cách. Khi cha mẹ nàng quyết định nàng nên lấy Anh, vừa là một ông Đại Úy vừa là một Ông Thầy, ông xếp của cha, nàng không có lý do từ chối và cãi lời cha mẹ. Có thể nàng cũng bị choáng ngợp vì Anh là thượng cấp của chính cha mình, vì Anh được cả trăm binh sĩ chào kính, vì Anh có chức vị đem đến sự ổn định cho cuộc sống tương lai... Yêu chồng hẳn là chưa yêu nhưng kính phục và thỏa mãn hãnh diện với chúng bạn là điều đương nhiên. Một vài người bạn cùng trường cũng có người yêu là lính, nhưng cùng lắm chỉ là Chuẩn úy hay Thiếu úy gì đó chứ làm gì tới chức Đại úy như Anh. Nhìn Anh trong Quân phục nàng thấy Anh hiên ngang và oai dũng, giống như cha mình vậy. Có được tấm chồng như Anh cũng được rồi, kén chọn chi nữa ! Mẹ nàng đã chẳng từng nói như vậy, thêm rằng cha nàng nay là Thượng Sĩ và sẽ mãi mãi là Thượng Sĩ. Nhưng chồng tương lai của nàng nay là Đại úy, mai đây lên lon, sẽ là Thiếu Tá, Đại Tá hoặc ngay cả Tướng cũng không chừng ! Cả nhà ta sẽ thơm lây…

Khi vận nước thay đổi, chồng ở tù cải tạo, số tiền nhỏ nhoi dành dụm từ lương hàng tháng của chồng cạn mau. Gia đình nàng sa sút theo thời gian, bán dần đồ đạc của cải trong nhà cũng chẳng thể cứu vãn. 22 tuổi với 2 đứa con dại trong tay, chưa một lần đụng chạm với đời ngoài bổn phận làm vợ, làm mẹ, nay nàng đành bung ra thế giới bên ngoài tìm cách mua bán làm ăn, bôn ba hùn hạp với các bạn hàng khác và đơn độc chống trả nhiều cạm bẫy. Quá mệt mỏi và tinh thần căng thẳng, nàng chẳng có mấy thì giờ nghĩ đến chồng. Nhưng ông trời không có mắt, mớ vốn liếng ít ỏi cũng mất sạch. Cha nàng, người từng dạy khôn nàng phải lấy ông Thầy Đại úy của mình, nay lãi nhãi muốn nàng bỏ chồng - vì trước sau gì nó cũng không có ngày về và sẽ chết trong tù - để lấy người bạn học trước đây với nàng. Người đó chạy mối bán thuốc Tây và hàng ngoại rất khấm khá và tháo vát. Đến đường cùng và để tránh bị đuổi đi kinh tế mới, nàng đành buông theo số phận, yên lặng bỏ người chồng trước. Biết làm như vậy là có lỗi nặng với chồng trước, nhưng thà nàng về làm vợ với một người đứng đắn, từng quen biết và thầm kín yêu nàng qua bao nhiêu năm còn hơn là phải nhắm mắt chung chạ với cả trăm người để mưu sinh. Có trời mới hiểu được cái khổ của nàng trong quyết định mà bên nào cũng chỉ là phần thua thiệt.

Từ khi định cư, qua thời gian sống chung với các con, nghe các con gái kể chuyện về Mẹ, nhắc Mẹ từng yêu thương chăm sóc cho chúng, bảo vệ chúng khi bị bạn hàng xóm ăn hiếp, và Ba Dượng cưu mang đùm bọc cả gia đình, yêu thương chúng như con ruột của mình, y như 2 đứa nhỏ sau này. Chúng ghi nhận từ ngày có Ba Dượng, cuộc sống gia đình có phần ổn định hơn. Các con Anh chẳng được biết nhiều về Bố của mình cho đến ngày Anh xuất hiện. Bà Ngoại có giải thích đôi chút, nhưng Mẹ vẫn giữ im lặng. Chúng luôn bênh vực Mẹ và bày tỏ uớc mong Bố thấu hiểu cảnh khổ của Mẹ và gia đình nhất là trong những năm đầu sau khi Bố đi tù. Tâm sự của các con và lời rao giảng của vị Mục Sư giúp lòng Anh nhẹ hẳn từ đó. Không còn thắc mắc về những bất hạnh xẩy ra cho đời mình trước đây, Anh dần dần thấy cuộc đời trong sáng hơn và có lại niềm tin vui.

Các con Anh đã làm giấy tờ bảo lãnh Mẹ, Ba Dượng và 2 em qua Mỹ. Chính Anh là người thúc đẩy làm giấy tờ, và theo dõi tình trạng cứu xét đơn. Anh thường nhắc nhở 2 con gái dành dụm tiền gởi về cho Mẹ và Ba Dượng. Chính Anh cũng thường xuyên đóng góp phần mình. Thỉnh thoảnh Anh có nhận một vài lời gởi thăm của nàng qua thư con gái. Trong một thư gần đây nhất, nàng viết “Xin hãy tha thứ cho em và tha thứ cho nhau.” Như một trả lời cho lá thư dài Anh gởi nàng kèm theo trong cùng lá thư của con mà trong đó Anh đã viết, lần đầu tiên, lời cám ơn nàng đã thay Anh nuôi 2 con gái từ nhỏ cho đến khôn lớn, trong suốt thời gian Anh không có mặt và cả 7-8 năm sau khi Anh ở tù về. Nay đến phiên Anh sẽ tiếp tục chăm sóc các con cho nên người tốt. Anh không quên nhấn mạnh lòng biết ơn của mình đối với nước Mỹ đầy tình người. Nhờ đó Anh mới giác ngộ và tìm thấy mùa xuân đang từ từ nở muộn trong tuổi già.

Hè 2009, chúng tôi lại gặp nhau, lần này được giới thiệu với một cặp vợ chồng trẻ tuổi hơn. Họ là Mẹ và Ba Dượng của 2 con gái, vừa được bảo lãnh qua Mỹ khoảng 6 tháng. Xum họp nào cũng vang dậy những tiếng cười, tiếng vỗ tay, tiếng cụng ly và những lời chúc tụng. Đó là âm thanh của vui mừng hội ngộ, của hạnh phúc, của tình thân lẫn trong giọng nói của Anh, sảng khoái và nồng ấm.

Mẹ và Ba Dượng cùng một con trai và một con gái tạm thời ở chung với gia đình con gái đầu của Anh. Con gái đầu nay làm chủ 2 tiệm nail và có 3 con. Chồng người Việt và làm về bảo hiểm. Con gái thứ hai của Anh là một Registered Nurse từ nhiều năm qua, hiện làm cho một bệnh viện trong thành phố, lập gia đình với chồng người Mỹ chuyên viên về Siêu Âm và có 2 con. Con trai lớn kêu Anh bằng Tía, một kỹ sư điện, có vợ người Mỹ gốc Mễ và 2 con. Con trai thứ hai cũng kêu Anh bằng Tía, hành nghề Physical Therapist, lấy vợ Mỹ gốc Trung Hoa, cùng nghề với chồng và cũng có 2 con. Mẹ đang theo học nghề nail với con gái lớn. Ba Dượng đang lấy lớp học Anh Văn ở Đại Học Cộng Đồng. Con trai đầu của Mẹ và Ba Dượng có ý muốn theo học nghành cơ khí sửa xe hơi, và con gái út dự định học Medical Assistant.

Đại gia đình họ ở trong cùng một thành phố với nhau, nhà này cách nhà kia không quá 15 phút lái xe. Tôi chọc Anh mỗi khi họp mặt gia đình kiểu Hiệp Chủng Quốc này, làm sao biết tên để gọi nhau cho đúng mà không sợ lộn xộn. Anh nhanh chóng trả lời dễ ẹt. Nếu kêu Bố hay Tía thì đó là Anh, kêu Má tức là vợ sau của Anh, kêu Mẹ tức là vợ của Dượng đồng thời mẹ của 2 con gái Anh và của 2 đứa con trai và con gái sau này. Nếu nghe gọi Ba hay Ba Dượng thì đó là Dượng sau của mấy đứa con gái Anh. Còn 9 đứa cháu, chỉ cần kêu Grand Pa và Grand Ma là đủ. Và chúng có đầy đủ 2 sets Grand Pa và Grand Ma.

Chuyến đi chơi liên tiểu bang đầu tiên của đại gia đình Anh, với tất cả con trai gái, dâu rể và cháu nội ngoại, lớn nhỏ tất cả gồm 23 người, trong một đoàn convoi nhiều xe do Anh lên chương trình kế hoạch, chỉ huy và dẫn đầu. Cuộc đi chơi này là một món quà đón mừng Mẹ và Ba Dượng được đoàn tụ. Chốc nữa, Anh sẽ lái xuống San Diego đến chỗ hẹn với các xe kia. Mọi người cười lớn khi nghe tôi nói Anh bây giờ xệ hơn trước nhiều vì bị giáng cấp, từ một Tiểu Đoàn Trưởng nay chỉ là một Trung Đội Trưởng, lúc xưa hét ra lửa và oai biết bao nhiêu, bây giờ con cháu sai đâu chạy đó. Anh thành thật trả lời Anh may mắn nhiều và rất hạnh phúc mới còn có Trung đội để chăm lo.

Phải chăng sự cởi mở về tư tưởng, sự bao dung và quảng đại của xã hội Mỹ đã khiến con người dễ hướng thiện và vị tha. Rõ ràng nhất, nước Mỹ luôn mở rộng tấm lòng đón nhận các nạn nhân chiến tranh, tạo cho họ mọi cơ hội để vươn lên, làm lại cuộc đời. Ở đâu trên thế giới có thiên tai là ở đó có sự hiện diện và giúp đỡ của nước Mỹ. Ngoài đường phố, trong hội quán, đâu đâu cũng nghe những chào hỏi thân mật và tiếng cám ơn. Từ trường học cho đến cơ sở công tư, nhà thờ, đâu đâu cũng kêu gọi làm việc thiện nguyện, thăm viếng người già cô đơn, giúp đỡ kẻ bất hạnh, nghèo khó, tàn tật. Đâu đâu cũng đóng góp cho quỹ cứu trợ, cứu đói, cứu giúp người vô gia cư... Và đâu đâu cũng có những câu chuyện, dĩ nhiên, tương tự như câu chuyện của Anh. Những câu chuyện muôn thủa của tình thương và tha thứ, của khoan hồng độ lượng.

Tin giờ chót, vợ chồng người Thượng Sĩ già cũng vừa xum họp với đại gia đình, qua sự bảo trợ của chính con gái mình. Chúng tôi hẹn sẽ đến thăm Anh vào dịp lễ Thanksgiving năm nay. Trước là để chung vui, kế để xem thử ai là người Trung đội trưởng của clan. Vẫn là Anh hay Anh đã truyền chức lại cho người thuộc hạ thân tình ngày xưa.

Switch mode views: