Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thư Gởi Mạ Năm Thứ Bốn Mươi


30thang4

Mạ ơi! 30 tháng Tư năm ni đánh dấu 40 năm tròn ngày đau buồn nhất của trang sử Việt Nam! Khắp nơi trên thế giới, nơi nào có bước chân người Việt đặt chân đến, đều có những chương trình tưởng niệm trang trọng. Thời gian quả thật như bóng câu qua cửa sổ! Mới đó mà đã 40 năm qua rồi! Từ đó đến nay nỗi đau mất quê hương vào tay giặc Cộng như một vết thương sâu, chỉ lành trên mặt, nhưng bên dưới vẫn âm ỉ mưng mủ,chỉ chờ có cơ hội là bật máu đớn đau như cũ!

Ngày con ra đi mạ chưa tới 70, vẫn còn mạnh khỏe bương chải nuôi dâu mới sanh xong lại vào Sài Gòn chờ con gái khai hoa, nở nhụy. Con biết tuy lòng mạ trong những ngày tháng Hai đó rất nôn nao vì đang nuôi con và cháu ngoại, nhưng cũng nhớ con trai và cháu nội quay quắt. Những ngày trong tháng Hai trời hơi se lạnh. Cháu Út sinh cùng một thời gian với con của một người bạn thân trong cư xá Điện ảnh, tên M. Tuy nhiên, còn non ngày, non tháng nên người nào ở nhà nấy. Bà M. cũng chờ cứng cáp là đi làm trở lại, nên cũng lo tịnh dưỡng kỹ càng. Mạ và mẹ bà M. cũng hay nói chuyện với nhau ở trước nhà, hay gởi nhau mua thức ăn từ chợ. Nuôi con được một tháng, mạ cúng đầy tháng cho cháu Út xong mới quay trở lại Tuy Hòa.

Mạ về nhưng không yên tâm, nên mạ dặn dò rất kỹ con bé C. ngươi làm những điều cần thiết cho người mới sanh, dù sanh con rạ, mạ bảo cũng phải kiêng cử vài tháng, như đi dứng phải nhẹ nhàng, không ăn những thứ quả chua, khòng ăn những thức ăn lạnh lẽo …và nhất là phải uống thuốc bổ máu huyết. Con nhớ ở khu chợ xóm Chiếu có ông y tá, nhưng ông tỏ ra thành thạo như bác sĩ, còn hơn bác sĩ nữa! Thân chủ của ông rất đông, người ta kháo nhau ông rất mát tay, nên văn phòng của ông lúc nào cũng tấp nập không đủ ghế ngồi chờ. Ai cũng bảo ông trị bệnh gì cũng khỏi. Con là một trong những thân chủ trung thành của ông. Để được có đầy đủ máu huyết cho sức khỏe, con đến đó rất thường xuyên để ông vô nước biển! Chả hiểu có phải vì nước biển được chuyền thường xuyên hay không mà nhiều người trầm trồ da dẻ con hồng hào và mập mâp hẳn ra. Chữ “mập” này mà ngày nay khi sống tại Mỹ, ai nghe cũng hoảng hồn, thế nhưng vào cái thời bấy giờ nghe ai khen mập thì người mình đều thích vì có nghĩa là được trẻ ra, hoặc được khen “phát tướng, phát tài”, còn nếu ai bảo “dạo này sao ốm quá!” thì phải hiểu ngầm bị chê là có vẻ già! Cả cư xá ai cũng ít nhất một lần gặp ông để chích thuốc ho, hay đau nhức, hoặc chích thuốc bổ, băng bó vệt cắt v…v..

Không biết con đi chuyền được bao nhiêu chai nước biển thì tới lúc biến loạn. Dạo này có lẽ vì thần kinh căng thẳng, con bị mất ngủ liên miên. Con định ra chợ Khánh Hội , nhờ ông y tá chuyền cho vài chai nước biển xem có khỏe hơn không, nhưng hình như ông đi đâu mất tiêu rồi. Bà M. nói bà cũng có tới văn phòng ông mấy lần, nhờ chích thuốc bổ, nhưng những người chung quanh nói ông không mở cửa cả tháng rồi. Trong cư xá vắng và im lặng hơn. Gia đình Trung Tá S. chỉ huy trưởng đã ra khỏi trung tâm cũng lâu rồi, do đó, căn nhà của tụi con được nới rộng hơn, sáng sủa hơn. Mạ nhớ không, lúc sinh đứa thứ ba, cháu Loan, nay đã được bốn tuổi, thì con ở căn của khu dối diện, chật chội hơn nhiều, mạ bảo nhà con đi mua một cái máy lạnh gắn ở cửa sổ cho mát.

Căn nhà đó, gần căn bà Th. bên tay phải, nhà ông bà đại úy Ch. bên tay trái. Tụi con vẫn chạy qua chạy lại nói chuyện với nhau thường xuyên. Sau lưng nhà là khu gia binh. Thường thương cũng khá ồn ào với tiếng khua nồi niêu soong chảo, hay tiếng ru con, tiếng la mắng con cái, hay tiếng con nít la hét cười đùa khi chúng tan học về. Có lần mới ru cháu mới thiu thỉu ngủ, thì những tiếng cười đùa làm con bé thức giấc, mạ bảo “răng mấy tụi nớ ồn rứa hè?!”. Thế nhưng bây giờ cũng rất vắng vẻ, hình như người ta đã đi ra ngoài hết rồi. Con nhớ lại hồi Tết Mậu Thân, con cũng ở trong cư xá sĩ quan Quân Đoàn, Pleiku, người ta đồn với nhau là những cô những bà vợ sĩ quan lính Cộng Hòa sơn móng tay đỏ, nếu bị Việt Cộng bắt được, chúng sẽ rút móng hết! Có lẽ cũng vì vậy, khi nghe tin Việt Cộng đã tiến vào vòng đai Sài Gòn trại gia binh sợ, di tản hết, trống ngoe!

Bây giờ gần cuối tháng Tư, mẹ con bà Ch. đã đi về nhà mẹ của bà ở gần Chợ Lớn. Bên kia trung tâm tạm trú Hải Quân cũng vắng vẻ hơn. Trước đây, lúc nào cũng tập nập người ra, người vào. Gia đình ông bà đại úy L. cũng có một vẻ gì khác lạ, mặc dầu bà L. vẫn đi ra, đi vô cư xá với chiếc áo cánh màu nâu có sọc nhỏ và nhiều miếng vá- mà bà có vẻ rất thích thú khi người ta phê bình. Chọc bà mãi cũng chán, chỉ còn bà vợ ông Trung Tá chỉ huy trưởng, mà ai cũng quen miệng gọi là “bà Trung Tá”. Bà Trung Tá S. này rất kẻ cả- xem tụi tôi, nhỏ tuổi hơn bà rất nhiều- như kẻ dưới quyền, hễ gặp bà L. bà lại hất mặt lên bảo: “Trởi ơi! Bớt tiền mua vàng để mua cái áo mới đi bà L. ơi! Tiền của để chi nhiều, chết có mang theo được đâu!?”. Bà L. cười, nụ cười thật xinh với hàm răng trắng đều như hạt bắp, trả lời “Tiền ở đâu mà nhiều bà trung tá!?” Và bà vẫn bận chiếc áo bất hủ này cho đến ngày lên Tàu, cũng không rời chiếc áo. Mẹ con bà L. được “bà trung tá” gắn tên cho hai đứa con gái bà L. là “Hím nhỏ, HÍm Lớn” mà sau này con mới hiểu là nghĩa gì. Bà L. cũng cười, chấp nhận tên của con bà như thế. Con nhớ một lần mạ nghe bà L. kêu “Hím nhỏ! Về ăn cơm!” Mạ hỏi “Tên chi lạ rứa con?”.

Những ngày cuối tháng Tư, con cũng bắt chước người ta đi đổi dollars. Những người đổi dollars chuẩn bị thoát ra nước ngoài. Con nhớ đã mang tiền Mỹ lại nhà anh T. Trung tá. Em của anh là anh Kh. bạn cùng khóa với nhà con. Con nhớ anh bảo tìm đường đi, không còn thuốc chữa đâu. Thế nhưng anh Kh. Lại không nghe lời ông anh, anh Kh. cười cười bảo tụi con là “chủ bại, có chi phải chạy! nghe nói trung lập mà”. Cũng vì không chịu tin là Việt Nam hết thuốc chữa, và mặc dù có anh em ruột thịt là những sẽ quan cao cấp cho biết trước thế mà cuối cùng anh Kh. Phải ở tù cả 15 năm. Có lẽ do số phận an bài.

Lúc này sau hai tháng, con đã cứng cáp tụi con và ông bà đại úy M. bàn nhau kế hoạch di tản qua Mỹ vì bà M. làm cho sở Mỹ trong phi trường Tân Sơn Nhất. Chuẩn bị xong con và các cháu cùng bà M. và 3 đứa con của bà được người đưa tới một căn nhà gần phi trường chờ- ông M. và nhà con- dự trù sẽ đến sau và sẽ được lên máy bay – cùng di tản một lượt. Thế nhưng số mạng có lẽ cũng đã đươc an bài, chuyến đi bị hoãn vì lý do nào đó không được biết rõ lắm, và có tin, nếu đi được, cũng chỉ cho đàn bà và con nít thôi, đàn ông họ bắt sẽ đi sau. Nghe tin phải đi một mình, khi có chuyến bay, con và bà M. quyết định rất nhanh “không đi nữa!”.

 

Trong khi tin tức dồn dập không khả quan chút nào như Việt Cộng đã chiếm lần lần các tỉnh miền trung, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang v..v… và đang tiến gần đến Thủ Đô.Con đã trải qua giây phút khủng hoảng Tết Mậu Thân tại Pleiku, và nay một lần nữa phải đối diện với điều tương tự, thật khủng khiếp. Thiên hạ rùng rùng bỏ chạy. Con lo sợ và hoang mang lắm. Chứng mất ngủ càng nặng hơn.
Khi chuyến đi với bà M. không thành, lúc ấy vào khoảng 20 tháng Tư , trở về lại, con cũng không biết mình phải làm gì. Mấy ông lính bị cấm trại một trăm phần trăm. Trong khu quân sự của trung tâm điện ảnh cũng vắng vẻ một cách kỳ dị. Đàn bà chỉ nghe lóm từ câu chuyện của mấy ông rồi bàn tán xì xào với nhau. Ngày 29 tháng 4, con nhớ như in, ông L. ông M. ông Th. và nhà con về nhà hầu như cùng một lúc. Nói là về nhà có vẻ xa nhưng thật ra từ cư xá, tới văn phòng làm việc của mấy ông cách không xa. Con và mấy bà vợ khác ít khi ra vào nơi đó trừ khi có việc gì cần kíp. Nét mặt của các ông có vẻ nghiêm trọng. Con và các bà còn lại trong cư xá được báo tin là chuẩn bị di tản. Con hỏi “đi đâu?” nhà con bảo “đi ra tàu, rồi tính”. Nói xong, nhà con quay lại văn phòng.

Con nhìn mông lung ra cửa sổ qua hướng trung tâm tạm trú hải quân, đối diện với cư xá. Khung cảnh im lìm, tịch mịch. Không có tấp nập như trước đây. Con lại nhìn chung quanh căn nhà, lòng bâng khuâng tự hỏi: đi đâu? Chừng nào về ?…” Và nhiều câu hỏi khác hiện ra trong đầu mà không biết ai có thể trả lời cho mình. Con nhớ mạ, nhớ nhà quay quắt và thèm một chỗ nằm yên ổn trong căn phòng mạ dành riêng cho con mỗi lần con về thăm và ở lại thật lâu. Con ước ao phải chi con đang ở mới mạ, giao phó tất cả vào tay mạ; rồi lại thầm mong những việc đang đảo lộn chung quanh chỉ là một giấc mơ dữ, khi thức giấc mọi chuyện trở lại bình thường.

Thế nhưng khi nhìn thấy cô em chồng, H.L mới từ Nha Trang vào đây học nghề tóc ở Khánh Hội, nghe lời anh dặn chuẩn bị, cô đang bỏ áo quần vào trong xách tay cho ba đứa cháu, con nhận thức ra rằng đây là cuộc đời thật, không phải ác mộng. Con bé người làm cũng đã xin về nhà ở miền trung, nó nói mẹ nó đau, không lâu sau khi mạ về. Mọi chuyện bây giờ con phải nhờ cô em chồng làm phụ. Con vội vã mở tủ, cẩn thận kéo một chiếc hộp giấy nhỏ, chiếc hộp này con cất dấu rất kỹ dưới những lớp quần áo len. Trước khi bỏ vào hộp, con lấy những mảnh vàng lá ra ngắm nghía. Con đếm lại cái gia tài mới vớt vát lại cách đây đôi tuần sau khi chỉ lấy đươc một số tiền nhỏ nhoi từ ngân hang. Con nhớ những giây phút ồn ào hỗn loạn khi người ta dành nhau rút tiền. Không một ai được rút toàn bộ số tiền trong chương mục của họ cả, có người phải trèo qua cửa sổ mới có thể vào bên trong nhà băng được. Với số tiền đó, con đã vội chạy đi mua vài lượng vàng làm của tùy thân. Con lấy cái thắt lưng kiểu ruột tượng, đã được may mấy ngày trước, con cẩn thận bỏ những thỏi vàng vào cùng với một số tiền mặt rồi thắt chặt vào bụng và cảm thấy đôi chút an tâm.

Việc tiếp theo là thúc giục mấy đứa con mang vào vai cái ba lô nhỏ đựng quần áo, dầy dép, đồng thời đứa nào cũng mang them một vài món cho thằng Út hiện bây giờ đã hai tháng rưỡi vì nó cần nhiều thứ lắm, nào là tã lót, khăn lông, sửa bột, bình chứa nước nóng để pha sửa, áo quần, vớ, mũ v…v…. Bé L., bốn tuổi xỏ chân vào đôi giày có chữ viết màu xanh đỏ “phải”, “trái” để con nít khỏi mang lộn chân. Hai đứa con trai lớn lẽ hiểu sự quan trọng của sự việc nên chỉ làm theo người lớn dặn chứ không thắc mắc gì cả.

Khi mọi chuyện xong xuôi, các ông trong dáng vẻ hấp tấp trở về hối vợ con. Gia đình người nào tự lo liệu. Cô em chồng bỗng dưng nói không muốn đi theo, muốn ở lại một mình tìm đường về lại Nha Trang. Nhà con cau mặt gắt “Nha Trang mất rồi, làm sao mà về. Đi bây giờ ngay rồi tính sau!“. Cô em sụt sịt khóc nhưng không dám cãi lại. Tụi con cả thảy là bảy người hối hả chất lên trên một chiếc xe Honda chạy cho kịp. Tới bây giờ suy nghĩ lại, con vẫn không hiểu sao, bảy người lại có thể ngồi trên một chiếc xe gắn máy nhỏ xíu như vậy được. Điều đó chứng tỏ rằng trước cơn nguy biến, bản năng sinh tồn làm cho người ta có them ý chí, sức mạnh làm những việc mà không thể nào làm được hay nghĩ ra trong hoàn cảnh bình thường.

Đi ngang Khánh Hội, thấy người ta nhốn nháo chạy lên chạy xuống, lách đầu này, lạng đầu kia, cuối cùng tụi con cũng vào được bên trong bến tàu. Người thật đông. Trên bãi cát, xe cộ bỏ bừa bãi, phần đông là xe gắn máy, xe hơi và cả xe đạp. Dưới sông có nhiều chiếc tàu lớn. Tụi con đươc bảo chạy về hướng con tàu mang tên Anh Tuấn. Không biết bằng cách nào, gia đình tụi con, gia đình ông bà L., gia đình ông bà T. đều lên được trên tàu đầy đủ.

 

Bảy ngày lênh đênh trên biển cả với những cơn mưa như trút nước, với bóng tối bao trùm dưới hầm tàu, với tiếng khóc không ra tiếng của cháu Út, với những bữa cơm đạm bạc tối đa của người chủ tàu tốt bụng và cuối cùng với sự tiếp tế của tàu Mỹ, mọi người bình an đến subic, Phi Luật Tân. Sau những thủ tục giấy tở, từ Subic đến đảo Gwam và từ Gwam đến định cư tại Hoa Kỳ.

Từ đó đến nay thấm thoát đa 40 năm. 40 năm con không có mạ một lần nào nữa! con tự làm những việc mà mạ đã làm cho con, nuôi con và có cháu nội ngoại để thương yêu! Những khi con cái làm con buồn lòng, con mới hiểu con đã làm biết bao nhiêu điều muộn phiền cho mạ. Con cũng nhận ra rằng “nước mắt chỉ chảy xuôi, không bao giờ chảy ngược!”. Con có nhớ mạ đến đau thắt ruột gan. Bây giờ có muốn đền bù công ơn sinh thành dưỡng dục đôi chút cũng không bao giờ còn cơ hội nữa! Làm sao quay ngược được kim đồng hồ. Những đứa con của con cũng có những sự phản kháng như con đã từng làm với mạ. Và con hiểu rồi chúng cũng sẽ nhận ra sự thương yêu của cha mẹ như thế nào khi con của chúng lớn lên, và sẽ thấm thía hiểu được lòng yêu thương vô bờ bến của hai bậc sinh thành. Con bây giờ đã vào lứa tuổi của mạ 40 năm về trước và đứa cháu Út mới hai ruổi rưỡi năm nào nay đã ở vào lứa tuổi trung niên!

Mạ ơi! 40 năm xa quê hương tổ quốc, có những đêm con nằm mơ thấy mạ. Thấy lại ngôi nhà thời thơ ấu. Con nghe được tiếng hàng xóm chuyện vãn lao xao của mỗi buổi sáng mai khi mặt trời vừa thức giấc. Con nghe được âm thanh của những chiếc gàu múc nước từ chiếc giếng nằm ở cuối xóm. Con nghe được tiếng chuông nhà thờ nằm gần khu xe lửa. Con thấy được ánh sang bập bùng của nồi bánh tét tối 30 Tết sau hè. Con nếm được vị ngọt ngào của chiếc bánh chưng nhỏ xíu mà anh N. dùng nếp vụn và nhưn còn lại đề gói riêng cho đứa em gái. Và thật sâu trong ký ức, con còn hình dung cả thời tiểu học ở trường Quân Dân Chính với tiếng trống vào lớp và tiếng trống tan trường dòn dã. Con thấy cả bóng cây bàng thật to ở cuối sân trường mà mỗi lần trời chạng vạng, con đi ngang đều cắm đầu chạy vì sợ ma.
Nhiều đêm con lại nghe được tiếng thông reo vi vu trên con đường dẫn đến trường Nguyễn Huệ cũ. Con cũng sống lại giây phút cả đám, trai có, gái có rủ nhau đạp xe đạp thi từ ngôi trường Nguyễn Huệ mới xuống bãi biển Tuy Hòa. Khi mặt trời đã lặn sau đỉnh núi, cả bọn lại lao nhao lên xe đạp về. Hình như có một ánh mắt nhìn theo sau lưng tà áo trắng. Ánh mắt dĩ vãng vẫn ám ảnh con không nguôi trong những cơn mộng mị. Sau cuộc đời không biết ánh mắt đó đã về đâu!?

Thỉnh thoảng, khi có thì giờ, con lật lại những cuốn album có những tấm hình trắng đen đã bạc màu, mà ba đã khổ công lục lọi lại trong nhà gởi cho con vài năm sau 1975. Tâm hồn lắng đọng với những kỷ niệm dấu yêu. Này là hình ảnh của một thời áo trắng, thời của những bước chân chim. Thời của những e thẹn, ngập ngừng, bối rối trong từng trang lưu bút. Thời của những đêm ngồi nắn nót chép lại những bài thơ tiền chiến mà thấy như bài thơ diễn tả tâm sự của mình… Rồi này là hình mạ, hình ba, hình anh. Những hình con theo chồng về nơi Pleiku đèo heo hút gió khi tuổi mới đôi mươi.

Hai năm sau Tết Mậu Thân, nhà con mới xin đổi vào Sài Gòn. Và với năm năm ở Sài Gòn đã ghi vào sổ tay đời con thật nhiều kỷ niệm. Từng góc phố, cột đèn, chợ hoa, thương xá. Những buổi ra phố chỉ để nhìn người dân Sài gòn lượn lên,lượn xuống khoe chiếc áo dài tha thướt hay những chiếc mini jupe để khoe cặp chân dài. Ăn quà vặt ở chợ Bến Thành, nhâm nhi phá lấu và uống nước mía trên vỉa phố. Nhớ làm sao những cơn mưa bất chợt rơi lộp độp trên mái tôn của ngôi chợ.

40 năm trôi qua, con chỉ về lại Việt Nam một lần khi anh N. qua đời, khoảng mười năm, sau khi con rời bỏ quê hương. Khi con về anh đã được chôn cất, con không được nhìn mặt thân yêu của anh lần cuối. Những ngày ngắn ngủi ở đây con chỉ toàn thấy những gương mặt xấu xí của bọn đã cướp miền nam. Những nơi chốn thân thương nhất trong lứa tuổi mộng mơ của con không còn lại dấu vết nào cả. Con như đi lạc vào một quốc gia không phải là của con những ngày xưa cũ. Tuy Hòa của con khi mới lớn oàn toàn thay đổi. Và Sài Gòn của thời trưởng thành cũng thay đổi một cách đáng sợ. Và khủng khiếp hơn hết là bây giờ người ta kêu tên Sài Gòn bằng tên của một xác chết, vẫn nằm tại Ba Đình.. Mạ ơi! Bọn họ trơ trẽn gọi ngày 30 tháng Tư là Ngày Giải phóng. Thật mỉa mai!, giải phóng gì mà lại khuân cả tài sản miền Nam trù phú ra xứ miền Băc nghèo đói? Giải phóng gì mà những tên cán ngố miền Bắc ngước mặt nhìn những biệt thự, cao ốc của miền nam mà tưởng như lạc vào thiên thai. Thế rồi chúng tha hồ vơ vét, lớn vét theo lớn, nhỏ vét theo nhỏ cho bỏ công mang dép râu vượt trường sơn, cho bỏ mấy chục năm trốn chui, trốn nhũi làm du kích đặc công giết hại dân lành. Chúng vừa vơ vét vừa trả thù người dân một cách công khai với nhà tù, lớn có, nhỏ có từ nam tới bắc. Chẳng biết với bản chất dối trá hay ngu dốt thật sự mà Cộng Sản không hề mở mắt để ý thức rằng người dân miền Nam nghe hai chữ giải phóng đã bỏ ruộng vườn của cải đất đai, mồ mả cha ông, liều chết trốn chạy ra nước ngoài?! Đó mãi mãi là ngày Quốc Hận của dân tộc Việt Nam!

 

Thế nhưng Người Việt của mình thông minh lắm, mạ. Chỉ trong vòng thời gian rất ngắn, nhiều người mới hôm nào chỉ còn tay trắng , nay đã trở thành những chủ nhân ông, trong đó có cháu ngoại của mạ, trở thành bác sĩ, khoa học gia, luật sư, chính trị gia, rất nhiều triệu phú…không thiếu một ngành chuyên môn nào cả.

Thế nhưng mạ ơi! Con của mạ, cũng như bao nhiêu người Việt lưu vong khác, tới cái tuổi này đáng lẽ chỉ còn biết hưởng thụ, con cái đã nên danh phận, thế nhưng hạnh phúc của mỗi nhà hình như không được trọn vẹn. Trong lòng mỗi người con xa xứ đều có một sự gì lấn cấn. Sự lấn cấn đó là giấc mơ chưa thành tựu, giấc mơ hồi hương.Giấc mơ chế độ Cộng Sản sụp đổ. Giấc mơ này kéo dài đã 40 năm vẫn chưa đạt được nhưng không tàn lụi với thời gian Cho nên mỗi lần tháng Tư về thì vết thương xa quê hương lại vỡ òa nhức nhối! Đã có nhiều người phải bỏ cuộc vì “chí thì mong tiến bước nhưng sức không kham nỗi đoạn đường” đành bỏ thây nơi xứ người mà hồn vẫn mơ về cố quốc. Nhiều khi tự ngắm nhìn trong gương cũng đã tự hỏi giấc mơ của mình bao giờ thành sự thật và mình còn có cơ hội đó chăng?!

Khi con nhìn con trong gương, con thấy lại hình bóng mạ. Mỗi lần gói thức ăn cho con cháu đem về, con nhớ những gói thức ăn mạ ký ca, ký cóp đi xe đò từ Tuy Hòa lên Pleiku thăm con và cháu ngoại. Một lần mạ tới thăm lại mang theo một con bé người làm để cho con bớt sợ khi nhà con bị cấm trại 100%. Nhưng con bé này nhát gan và sợ ma còn hơn con nữa. Con hay bế con đứng ở lan can cư xá nhìn theo những chiếc xe GMC chạy ngang qua trong cơn gió cao nguyên lạnh buốt, không biết những chiếc xe đó chạy đến chiến trường nào! Nhìn sang bên kia đường là sân vận động Hoa Lư. Nơi đó có một khu chợ nho nhỏ. Nếu không cần mua nhiều thứ, con đi chợ ở đó, thay vì phải đón xe lam đi chợ Pleiku. Những khi nhà con có thì giờ, chở con bằng xe Honda đi loanh quanh ở khu Diệp Kính, nơi mà một người nhạc sĩ đã viết “đi dăm phút đã về chốn cũ…” Tại khu Diệp Kính, bán đủ thứ, nhất là những đống quần áo viện trợ Mỹ. Người mua ướm thử những chiếc áo đầm rộng thùng hình hay chiếc quần jean cao bồi dài thậm thượt, hay ngần ngừ lựa chọn một chai dầu thơm, hộp phấn, thỏi son. Gió buổi chiều lành lạnh, sương cũng bắt đầu giăng trên hàng thông cao, trước cư xá. Con bé người làm đã theo đứng ở sau lưng tự lúc nào. Nó kéo kéo vạt áo con và nói giọng run run “Cô ơi vào nhà đi trời …tối rồi!”. Vào trong nhà, nó không rời con nửa bước. Sau căn cư xá là một bãi đất trống không có đèn đuốc. Xa xa nữa mới tới khu gia binh. Những bóng đèn điện yếu ớt hắt ra những vệt đèn vàng làm cho khung cảnh thêm lạnh lẽo. Buổi tối là con lo cửa đóng, then cài thật kỹ. Cửa chỉ mở ra khi trời thật sáng, hoặc khi nhà con kêu mở cửa, sau đêm cắm trại về nhà. Con bé sợ ma lắm, sau khi mặt trời tắt nó không bao giờ nó dám bước xuống nhà dưới một mình.

Khi con theo chồng về Sài Gòn, tuy là miền thủ đô thừa dư cả thức ăn lẫn áo quần mặc, nhưng mạ cũng vẫn tiếp tục thăm con với nhưng món ngon mà con thích. Nhiều đêm con nằm mơ thấy mạ. Thế nhưng hầu hết giấc mơ này chỉ xảy ra nửa vời, con chưa kịp làm một cử chỉ hay một lời nói yêu thương nào với mạ thì giấc mơ đã tan. Có lần con thấy rõ ràng mạ ngồi trên giường bên cạnh con, con chỉ cần đưa tay ra là chạm vào mạ. Con cũng hay có những giấc mơ rất kỳ lạ mà con nhớ đã xảy ra khi con còn nhỏ. Con vẫn hằng thắc mắc, nó thật sự xảy ra khi con còn bé hay chỉ là giấc mơ trong lứa tuổi thơ. Như hình ảnh con thấy rất rõ chiếc bụng của một chiếc máy bay thật to và bay thật thấp, thấp đến nỗi như nó có thể chạm vào thân cây ổi già trước sân. Con nhìn lên thấy người ngồi trên máy bay nhìn xuống. Hay là hình ảnh lửa cháy dữ dội ở phía bên kia núi Nhạn, mọi ngươi hốt hoảng chun vào hầm trú ẩn. Con lại thấy con được mạ bỏ vào một đầu thúng, đầu kia là gạo, nước, thức ăn trên bước đường chạy giặc! Phải chi mạ còn sống để con hỏi những chuyện đó có thật sự xảy ra hay chỉ là những cơn mộng mị?!

Những giấc mơ trong tuổi thơ vẫn bám chặt ký ức con không rời mặc dù đã 40 năm trôi qua. 40 năm đã biến những đứa cháu của mạ đã quá tuổi trưởng thành. 40 năm quả đã làm bể cả hóa nương dâu. Giờ đây đứa con gái nhỏ bé của mạ nay cũng đã qua rồi thời xuân sắc! Thời gian trôi quá nhanh. Con nhớ như in, khi con còn bé, con mơ ước được mau lớn để trở thành cô giáo như cô Thu Hồ, cô giáo lớp nhất mà con rất yêu quý. Cô đã thuê nhà của mình và ở chung với cô Ngọc Lan. Cô Thu Hồ có mái tóc cắt tém, kiểu demi garcon, còn cô Ngọc Lan thí có mái tóc dài dợn sóng. Nhiều lần con thấy mấy anh học sinh lớn, bạn anh N. nhìn cô Ngọc Lan một cách ngưỡng mộ. Con say mê nghe hai cô nói những gì đã đọc trong những cuốn Pairs Match nào tài tử Brigitte Bardot, Audrey Hepburn, Sophia Loren, Alain Delon… Con say mê nghe cô Ngọc Lan ca những bài ca tiếng Pháp mà cô Thu Hồ khen cô hát không thua gì Sylvie Vartan. Con thật sung sướng khi đi theo cô Thu Hồ thăm Quy Nhơn. Cô Thu Hồ một lần về quê Phan Thiết ăn Tết, khi quay lại, mang theo cho con hai bộ đồ thật đẹp có chiếc quần tây bó ống. Chiếc quần này được tụi trẻ nhỏ ở Gò Bồ,i Quy Nhơn trầm trồ, chỉ trỏ một cách thèm thuồng.

Con cũng nhớ, mong lớn cho nhanh để được mang chiếc nhẫn ngọc nạm vàng khua lắc cắc của “cô Bảy Ngọng”, hay được đeo đôi xuyến vàng chóe của “thím Chín Thịt Heo”! Khi được ba đem vào Nha Trang thăm bác Dự, con lại ao ước lớn mau mau để được bận những bộ quần áo lụa màu mỡ gà sang trọng, được vén mớ tóc uốn quăn lên cao, để khoe chiếc giây chuyền vàng có hột ngọc màu xanh thẫm.

Mạ ơi! Kể làm sao hết những kỷ niệm quý giá của thời thơ ấu có mạ, có ba, có anh bên cạnh. Người ta có khuynh hướng chỉ mơ về tương lai mà quên sống cho hiện tại, nên chi khi hiện tại trôi qua, trở thành quá khứ thì mới thấy tiếc nuối để phải thốt lên rằng “trời ơi! Sao ta không trân quý hơn những giây phút ấy” hay “sao ta không làm thế này, sao ta không làm thế khác cho người thân yêu của chúng ta hơn”?! Phải! Nếu con biết tận hưởng biết quý trọng những giây phút hạnh phúc bên mạ, biết hiếu thảo với mạ nhiều hơn thì giờ đây tâm hồn con có thể bớt ray rứt hơn chăng!?

Trong giây phút xúc động xao xuyến này, con nguyện với lòng là trân quý những hạnh phúc đang nắm giữ trong tầm tay, tận hưởng từng giây phút của đời sống hiện tại. Những kỷ niệm ngọc ngà của một thuở xa xưa vẫn ấp ủ thương yêu, giữ gìn như một bảo vật hành trang, nhưng không ân hận, không hối tiêc làm mất đi niềm vui hiện tại. Những con diều, những chiếc lồng đèn trung thu, những con chim sáo, những con dế mèn, những hòn bi đủ màu sắc… có thương tiếc cũng không thể nào tìm được, và chắc chắn các cháu của mạ không thể nào hình dung ra đươc những món đồ chơi của thời xa xưa đó. Chúng đã được thay bằng những trò chơi trên máy điện toán, những chiếc IPhone, IPad, những chiếc tàu bay, xe hơi chạy bằng remote control tối tân. Mạ ơi! Hiểu ra được điều ấy, con thấy long nhẹ nhàng hơn và chấp nhận hiện tại một cách thanh thản hơn hơn.

co-vang-dien-hanh

Con đã trải qua 40 lần tháng Tư Đen, cái tháng Tư oan nghiệt đã đem con ra biển xa mọi thứ quý giá nhất trên đời! Trong 40 lần tháng Tư đó, con cũng như bao nhiêu người Việt tị nạn Cộng Sản đã tận dụng tất cả mọi phương tiện mình có trong tay để bảo vệ thành trì chống cộng tại hải ngoại. Sức mạnh đoàn kết đã đem lại chiến thắng vẻ vang trong những trận biểu tình chộng phái đoàn Cộng Sản, bẻ gãy nghị quyết 36 của chúng trong âm mưu phá nát cộng đồng người Việt, và lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu đã được nhiều tiểu bang, thành phố Hoa Kỳ chấp nhận là lá cờ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản. Đồng thời mạnh mẽ yểm trợ cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước, mong có một ngày lật ngược cái gọi là “giải phóng miền nam” của Việt Cộng để đòi lại tên Sài Gòn thân thương.

Đã qua 40 lần tháng Tư, niềm tin vẫn còn đó, giấc mơ một ngày hồi hương vẫn còn còn đó, như những đợt sóng ngầm trong trái tim xa xứ. Lần 30 tháng Tư của 40 năm, con nhất định làm theo lời nguyên hứa là dùng quá khứ làm hành trang cho đời, tận dụng tất cả sức lực, phương tiện mình có trong hiện tại tại để tiếp tục tranh đấu cho tương lai đất nước Việt Nam. 30 tháng Tư lần thứ 40 này chưa đạt được, sẽ cố gắng hơn nữa để đạt được trong lần 30 tháng Tư kế tiếp. Con biết mạ sẽ phù hộ cho con có đủ nghị lực để chờ ngày vinh quang đó!

Switch mode views: