Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giàn đậu tía

gian-dau-tia

Đã bao chiều nhìn mặt trời chìm dần sau rặng núi dài trôi trên mặt nước mênh mông, đã bao chiều nhìn mây bềnh bồng trôi trên vòm trời rộng, những đám mây dịu dàng đang đổi màu. Cho dến khi núi chỉ còn là những đường cong cao thấp, cho đến khi Mars, Venus lấp lánh trên vòm trời đêm, và biển về đêm chỉ còn dạt dào tiếng sóng. Đỗ Quyên vẫn ngồi trên chiếc cầu thang cũ, bậc thang cuối cùng gần mặt nước. Với nàng, đằng sau rặng núi kia, nơi chuỗi màu êm ái biến mất, một thế giới lạ... Chỉ cách một bờ nước, chỉ cần một chuyến phà và chỉ cần chút nghị lực, nhưng sao Đỗ Quyên vẫn ngồi đây các buổi chiều để kỷ niệm tuổi thơ đong đầy buồng tim nhỏ, có An và anh Khai, ba me và chị Bích…chợ Dàu và Hà Nam. Bạn với các cây cọ mềm hơn tóc, các tập giấy, các cây bút, mực chảy nhanh hơn dòng tư tưởng và một căn nhà khiêm nhường, khoảng vườn nhỏ e ấp bên bờ nước, thế giới nhu mì của Đỗ Quyên.


***

.. .Trời chiều đẹp quá.

Yên lặng...

Ngày mai anh đi.

Yên lặng…

An, Khai, Bích và Đỗ Quyên đang đứng yên lặng trên con đê nổi và mặt trời đỏ chói đang từ từ lặn đằng sau rặng núi cao.

Đỗ Quyên biết sáng mai khi mình thức giấc, An và Khai đã cùng bước trên con đường mòn đi vào rừng mơ, chân ngọn núi màu lam nhạt. Bé nắm tay chị Bích thật chặt như sợ ngày mai Bích cũng theo các anh đi xa. Bích mười ba tuổi tóc còn thắt bím, mắt chớp chớp như dấu niềm cảm xúc, An và Khai (anh của Đỗ Quyên) không ai nói với ai, mắt nhìn hoàng hôn. Những giây phút cuối cùng bé và chị Bích được nghe tiếng anh, được đứng gần anh, được thở cùng không khí với hai anh, được ngắm ráng chiều với anh và cùng trong tĩnh lặng với anh. An là bạn Khai từ Hà nội về nghỉ hè và ở nhà với ba me tại chợ Dàu Hà Nam. Anh đang học trường thuốc năm thứ nhất.

An thương bé như anh Khai, bé theo các anh thả diều, tắm hồ, thăm rừng mơ và nghe anh kể chuyện phiếm. Me hay trêu An về tội con trai mà có lông nheo cong, mắt đen tuyễn, nụ cười tươi chỉ làm khổ con gái. Me thường nói với ba, An theo ngành thuốc nhưng tâm hồn rất nghệ sĩ, đâu như các cụ nói nghệ sĩ chỉ mơ mộng vẩn vơ.

Trong khi nghỉ hè ở nhà ba me, mỗi lần An sáng tác một bản nhạc mới, anh mang đàn ngồi ngoài bờ ao hát ca một mình, đôi khi An cũng rủ Khai và Bích hát chung. Trước mắt con bé mười tuổi, An là thần tượng. Anh An đến đời bé như một cơn bão nhỏ, bé không còn nhõng nhẽo bên me, không đọc truyện cổ tích cùng con bạn nhỏ hàng xóm trên cành sung la đà mặt ao sau nhà. Bé không thích mặc quần cộc, áo may ô, ngủ trên tấm ván buộc bằng các nắm rễ si thướt tha chạm mặt ao, nơi bé và chị Bích tránh cái oi ả của mùa hè trong bóng mát giữa các cây si cổ thụ bên bờ ao. Từ ngày An có mặt trong nhà, bé đòi mẹ mặc quần dài chứ không thích mặc quần cộc nữa.

Bé biết chị Bích đẹp giống me, mắt chị to đen với hàng lông nheo cong, hàng lông mày gọn sắc như vầng trăng non, da mặt chị mỏng mịn như cánh hoa bách hợp. Chị Bích hay cười, mắt nhắm tít, mũi nhăn nhăn như mũi con mèo đen của bé mỗi khi chị đùa nghịch với bạn bè. Chị Bích thích soi gương, vuốt tóc trong phòng mẹ, chị bắt chước hai anh huýt sáo rồi cười to một mình. Mỗi lần chị ngồi ôm mẹ thì thầm bé biết chị sẽ có không áo lụa mới thì cũng đôi hoa tai bằng bạc với các hạt sa phai trắng tòong teng thấp thoáng trong mớ tóc mềm chảy dài. Càng ngày chị càng điệu nhất là trước mặt hai anh.

Anh An cao hơn năm ngoái, có vẻ người lớn hơn năm ngoái, nghiêm nghị hơn và hay suy tư hơn năm ngoái. Nhiều lúc anh hay ngồi một mình ôm đàn mắt thả vào xa xăm. Những lúc thấy anh như thế, chị Bích và Đỗ Quyên không dám khuấy động giây phút trầm mặc đó. Bích đôi khi hỏi mẹ những câu hỏi làm me buồn như sao mùa hè này. An chỉ thăm nhà một tháng rồi đi. Me lắc đầu không trả lời. Trong tim con bé mười tuổi An là một thế giới khó hiểu, đôi mắt đen láy như hồ nước mênh mông sâu thẳm những lúc anh suy tư. Có những lúc anh như nắng ấm mặt trời trên rừng mơ hoa nở trắng. Khi anh hát, giọng anh êm đềm thần thánh, tiếng đàn anh vang động trong không. Anh về không gian bừng sức sống từ ba me cho tới u già, chị Bích và bé. Bé ước gì bé xinh xắn duyên dáng và biết làm điệu như bạn chị Bích, bé sẽ đòi anh ngồi cạnh bé, đòi anh hát cho riêng bé.

Có những đêm mùa hạ, trăng tròn và trong, ba mời bạn uống trà mạn sen, thưởng thức chè lam Phủ Quảng, ngắm Quỳnh nở và hỏi An về thời cuộc. An nói đến các cường quốc Anh Mỹ trong cuộc cờ thế giới. Ba và mọi người say mê nghe. Anh không còn là An, người có giọng hát trầm ấm, anh không còn là An người hay pha trò. Khi anh nói gương mặt anh trang nghiêm, cương nghị. Bé và chị Bích ngồi bên mẹ để mẹ sai vặt, giúp mẹ pha trà mang bánh ngọt tiếp khách. Bé không thích nghe chuyện người lớn, bé thấy mình nhỏ bé, như hạt bụi bay trong không gian. An thật xa lạ với bé, bé tựa người vào chị Bích ngủ quên lúc nào không hay.

Nhiều lần bé theo chị Bích và anh An thả thuyền lênh đênh giữa các bông sen mãn khai hay hàm tiếu, giữa các tầu lá xanh long lanh nước, hay các tầu lá sen vươn cao trong đầm, hương sen ngào ngạt toả lan trong không gian. Chị Bích nói bé chưa biết bơi nên không cho đi theo, nhưng bé khóc dai và to quá, An xin mẹ cho bé đi theo. Chị Bích nhìn bé môi cong đanh đá rồi hứ một cái không nhìn bé từ lúc bé ngồi trong thuyền. Từ hôm đó, bộ ba An, Bích, bé và con thuyền nhỏ chòng chành chị Bích thả hai ba sợi bấc đèn ngắn, vào các đoá sen đang nở. Sáng sau khi mặt trời bắt đầu thả hơi ấm xuống đầm sen, bộ ba lại lênh đênh giữa các lá sen xanh, hoa sen đang nở, gắp các bấc đèn đặt vào trong chiếc giỏ đan bằng tre xinh xinh. Khi vào đến bếp, than trong lò đã đỏ hồng, chảo gang trên lò đủ nóng, bé đưa giỏ bấc đèn cho me. Me giải một lớp giấy bản vào chảo, vài phút sau me thả các bấc đèn thơm nồng hương sen đẫm ướt vào chảo, me đảo các bấc đèn cho đều, hương sen bốc hơi thơm nồng nhà bếp. Khi các bấc đèn vừa đủ khô, me bỏ vào các chai thủy tinh nhỏ rồi đậy nắp cho chặt để giữ mùi thơm. Khách quí đến nhà, me pha trà tàu loại ngon, bỏ vào ấm mấy sợi bấc đèn. Ai được uống trà của me rồi cũng khen me ướp trà khéo. Me bảo chỉ có người làng này mới có lối ướp trà lạ này. An và Khai thích vào bếp truyện trò cùng me những buổi cơm chiều. Chị Bích và bé bên anh như hai con chim nhỏ, những chiều những sáng vô tư hồn nhiên.

Còn vài ngày nữa An sẽ rời thế giới nhỏ êm đềm của gia đình Đỗ Quyên. Mấy hôm nay, anh hay thì thầm với anh Khai một điều gì bí mật, mỗi khi thấy bé lại gần, lại chuyển sang truyện khác. Còn chị Bích buồn ra mặt, mắt đỏ hoe, không khí tẻ lạnh thế nào. Những ngày vui qua mau An và Khai thích ngồi trên cành si cao trò truyện. Biết ý hai anh, me sai bé và chị Bích giúp me các việc lặt vặt trong nhà bếp. Đôi khi U già gọi Đỗ Quyên lại gần chải tóc rồi kể chuyện cổ tích cho bé nghe. Bé cảm thấy một điều gì bất ổn giữa các người thân, bé không dám hỏi, chỉ cảm thấy mong manh một điều gì quan trọng sẽ xảy ra rất gần. Me hay khóc thầm, ba hay ngồi trầm ngâm bên phòng đọc sách, đôi khi bé nghe tiếng thở dài nhẹ của ba.

Biết An cưng chiều, bé nhõng nhẽo hỏi anh, tại sao mọi người hình như có điều gì dấu bé. An bế bé lên cao, hôn vào hai má, nhìn bé thật lâu, khẽ nói: ‘Anh và Khai sẽ đi rất xa, không biết bao giờ hai anh về thăm ba me được. Khi nào em khôn lớn, em sẽ hiểu.’

Đỗ Quyên oà khóc, An ôm bé vào lòng và hát nho nhỏ. ‘Tội nghiệp em và Bích quá. Không có hai anh ở bên che chở những lúc các em cần,’ An thở dài, thò tay túi quần cho Đỗ Quyên hai viên kẹo anh dỗ: ‘ngoan đi em, em khóc, Bích khóc, me khóc làm sao các anh yên lòng.’

-Em không hiểu.

-Khi em khôn lớn em sẽ hiểu.

-Ba nói chiến tranh rất gần, không cho các anh về Hà Nội nữa.

-Hai anh nghe lời ba, không về Hà Nội, hai anh về Thanh. Em biết bà nội và các chú đang ở Thanh. Anh em mình có khi gặp nhau ở Thanh, anh vuốt tóc Đỗ Quyên, giọng anh trầm trầm: ‘Em còn bé, làm sao hiểu được.’

Bé ôm chặt anh, và nói: ‘lúc nào em cũng nhớ anh và anh Khai. Sau này khôn lớn, em và chị Bích sẽ đi tìm hai anh, cho dù một năm, cho dù mười năm, hay cả một trăm năm.’

Anh cười to nghe bé nói, anh ôm bé vào lòng: ‘Bé không tìm anh, anh cũng tìm bé. Cái trán bướng bỉnh này, hai con mắt hay cười hay hỏi này, và cái tật thích làm người lớn này. Bé nhớ lo cho chị Bích thay hai anh nhé.’ Bé có linh cảm anh thích chị Bích hơn bé, vì anh hay nhìn chị khi anh hát. ‘Anh thương chị Bích nhiều hơn em,’ bé phụng phịu khóc. Anh không trả lời, bẹo má bé cười cười.

Đầm sen đã tàn để lại các hương sen màu nâu nhạt trơ trọi vươn cao trên mặt nước, lá sen cuối mùa héo úa, không còn cái quyến rũ của các chiều, các sáng, các đoá sen hồng hồng e ấp bên các tàu lá sen xanh long lanh các giọt sương đêm thoang thoảng mùi thơm.

‘Sang năm cũng vào mùa hè anh và Khai về thăm gia đình. Anh sẽ chèo thuyền cho Bích và em lấy hương thơm cho mẹ ướp trà sen nhé.’

Bé không trả lời, nghe tiếng Khai gọi đã đến giờ ăn tối, anh dắt
tay bé đi vào nhà.

‘Đỗ Quyên ơi, mẹ gọi em đấy. Mẹ đang ở nhà trước,’ Khai nói to.

Đỗ Quyên giật tay ra khỏi tay An, chạy như bay vào gặp me, me đang ngồi trong nhà bếp khóc, U già cũng khóc, chị Bích cũng khóc, không hiểu gì Đỗ Quyên oà lên khóc. Đỗ Quyên nhào vào lòng mẹ, úp mặt mình vào ngực me. Trong giây phút đó Đỗ Quyên biết tại sao mẹ khóc. Mẹ vuốt tóc bé, ôm bé vào lòng.

-Mẹ ơi, chiến tranh là gì hả mẹ?

Mẹ không trả lời, chỉ vuốt tóc bé rồi yên lặng.

Buổi chiều cuối cùng sau khi từ giã ba me, An dắt tay Đỗ Quyên, đứng trên con đê nổi nhìn ráng chiều, anh Khai và chị Bích đi chầm chậm thì thầm điều gì đó có ý không cho bé nghe. Tối đó cả nhà đi ngủ muộn, bé không chịu vào giường, bé sợ nhắm mắt rồi, An và Khai sẽ đi mà không chia tay cùng bé. Bé ngủ quên trong lòng me lúc nào không biết, sáng sau bé tỉnh giấc và bé khóc, khóc thật to.

Sau ngày An đi rồi, con phố nhỏ không còn êm đềm nữa, bé và chị Bích trốn máy bay ngoài đồng ruộng khô cằn. Một ngày chiến tranh đến thôn nhỏ, bé và gia đình chạy giặc giữa đám đông, trên con đường đất cao, hai bên là cánh đồng trơ gốc rạ, giữa tiếng trẻ em khóc, tiếng người gọi nhau, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch, gương mặt mọi người hốt hoảng lo âu.

Bão tố lan tràn khắp nơi và những ngày lo sợ, ngủ trên núi Họng voi, những ngày ngủ trên sàn nhà lạ, những ngày đói. Tuổi thơ và Đỗ Quyên quay cuồng trong giông bão thời gian. An không có chỗ đứng trong tâm hồn con bé Đỗ Quyên nữa, thay vào đó là các cuộc hành trình bất định. Từ Hà Nam vào Thanh Hoa sống trong đói nghèo và lo sợ, từ Thanh Hóa ra Nam Định, lần đầu Đỗ Quyên biết thế nào là tự do, tự do ngủ, tự do ăn, tự do dùng màu sắc, và từ Hà Nội, xuống Hải Phòng, chưa đầy năm vào Nam. Những năm, những tháng lao đao đó, chỉ có bé, chị Bích và ba me. Bé quên rồi những ngày đầu tiên cũ và chẳng bao giờ nhắc đến tên An hay Khai.


***

Đỗ Quyên êm đềm khôn lớn theo nắng sớm mưa chiều của đất lành miền nam, đọc thơ Bàng Bá Lân nàng yêu miền nam hơn, nghe câu ầu ơ của chị ba hàng xóm, nhìn sông nước mênh mông, nàng sống trong mơ mộng trong thiên đàng của cô học trò nhỏ, Đỗ Quyên quên hết tuổi thơ khốn khổ năm xưa. Xong trung hoc, tốt nghiệp đại học và làm cô giáo, đời Đỗ Quyên như giòng sông phẳng lặng. Từ lúc nào Đỗ Quyên không nhớ, cô hay soi gương làm điệu, cô hay mỉm cười một mình, và hay vuốt dòng tóc mềm mại của mình. Đôi khi Đỗ Quyên tự hỏi không biết An và Khai còn nhớ Đỗ Quyên, Bích và ba me. Không biết các anh còn sống trong những ngày quê hương chiến tranh. Không biết An còn là An của Đỗ Quyên năm nàng còn bé hay An đã trở thành một người nào đó, một công cụ, một con chốt trong cái guồng máy vô sản. Con người nếu biết suy tư sẽ chẳng bao giờ thành con người vô thần. Đỗ

Quyên không dám nghĩ, chỉ thấy nàng mất mát hai người thân, rất thân trong tuổi thơ. Nàng không bao giờ tin hay chấp nhận An và Khai là người cộng sản, những người làm băng hoại quê hương, băng hoại văn hoá của tổ tiên.

Chị Bích lập gia đình với người chị yêu, có ba con và rất hạnh phúc. Chị an phận trong đời sống, lo cho con cho chồng như mẹ lo cho ba và các con. Chị vẫn còn hay cười nhưng chị không còn soi gương vuốt tóc như ngày xưa nữa. Riêng Đỗ Quyên còn mơ những khung trời lạ, nàng không hiểu ngay cả chính nàng muốn gì. Đỗ Quyên thấy như nàng thiếu thiếu một cái gì không định nghĩa được. Nàng nghĩ mình không khó tính, nhưng sao các người đến với nàng hình như còn thiếu một chút gì đó, hoặc ánh mắt tư lự hoặc giọng ca im ấm, hoặc nụ cười buồn của các anh ngày nàng đứng trên bờ đê.

Như bao cô gái đang tuổi vào đời, mơ mộng, nàng thích được yêu, thích được chiều chuộng và thích đời tự do, cho nên tình đến rồi tình bay đi, buồn vài tháng khóc vài ngày, cô giáo nhỏ còn các em học trò xinh xinh, cô chưa có nhu cầu muốn chia sẻ cuộc đời mình với người khác. Trong sâu thẳm của tâm thức, nàng sợ cái bất trắc của chiến tranh, sợ cảnh goá bụa, sợ con không có cha, và sợ cái nghiệt ngã của định mệnh những người yêu lính. Yêu lính đồng nghĩa với hy sinh, yêu lính đồng nghĩa với yêu quê hương, yêu lính là niềm tự hào của nàng và các bạn. Không ít nhiều nàng nhìn cái thực im của chiến tranh, thấy mơ mộng bị hủy hoại, thấy đau khổ đến bất chừng. Có thật con người có định mệnh và nàng không muốn bị rơi vào định mệnh chung của những người có người yêu, có chồng đang hy sinh ngoài mặt trận. Nhiều lần nhìn các bạn hạnh phúc với gia đình con cái, Đỗ Quyên nhủ thầm sang năm sẽ lập gia đình, sang năm và cứ sang năm hoài cho đến ngày Đỗ Quyên định cư tại Seattle, nàng vẫn còn nhủ lòng... sang năm…

Nghe tiếng chim hót, Đỗ Quyên nhoài mình lại gần cửa sổ, giơ tay vén chiếc màn cửa, nghe tiếng động mấy cô chim đang đậu trên giỏ hoa treo toòng teng trước cửa sổ bay vụt lên cao, nắng đang lên trên triền đồi sau nhà.

Nàng tung chiếc chăn mỏng, chạy vào phòng tắm mở nước nóng. Sấy tóc cho khô, thoa chút kem chống nắng, phấn hồng thoa nhẹ lên má, son màu đất, xoay bên này, nghiêng người bên kia, hài lòng với chính mình trong chiếc váy mỏng màu tím đậm chấm gót, áo cổ tròn ngắn tay màu tím nhạt. Với tay kéo khăn voan mỏng màu tím quàng quanh cổ, đeo đôi hoa tai tròn bằng bạc rất nhẹ. Ngắm gương vài giây nữa, xoay một vòng tròn, nàng mỉm cười hài lòng. Chạy vào phòng xỏ chân vào đôi săng đan nàng thích nhất, đội cái mũ cỏ rộng vành che nắng, đeo đôi kính mát thật đậm. Bộ cánh nàng cảm thấy thoải mái như những lần đi lang thang mùa hạ. Cái túi vải nàng đeo trên vai luôn luôn có vài cây bút mực bút chì, cái máy ảnh nhỏ, và một quyển giấy màu ghi chép vội vàng những gì nàng thích. Nàng không quên đem theo ít tiền và bằng lái xe. Đi một vòng quanh nhà, mở cửa sổ phòng khách cho gió lùa vào phòng, kéo màn cửa lưng chừng cho phong lan không bị cháy vì nắng, tắt đèn nhà tắm, tắt bình cà phê. Nàng mở cửa, nắng oà vào phòng, các hạt bụi bay tung tăng trong nắng.

Khoá cửa cẩn thận, nàng ra sau vườn mở vòi nước tưới các bụi hồng, ra sân trước tưới các giỏ hoa. 9:30 nàng lái xe ra bến phà đi Winslow. Cách một bờ vịnh là Winslow với rừng xanh cao, với các con đường thơ mộng và với các căn nhà ẩn kín đằng sau các hàng cây, như các tổ chim ẩn kín trong các buị rậm, thế giới của những người thích nếp sống riêng tư. Nhìn đồng hồ đeo tay, 15 phút nữa phà cập bến, Đỗ Quyên lên lầu vào quán cà phê Starbucks gọi ly cà phê sữa hạnh nhân rồi trở về xe chờ phà.

Lên phà, nàng chọn một chỗ cạnh cửa sổ để được gần nắng ấm và nhìn các cánh buồm xa xa. Nàng vừa thưởng thức hương vị cà phê vừa nghĩ, sẽ vào quán cà phê nào đó dùng điểm tâm đợi nắng thật ấm rồi lang thang thăm các gian hàng nho nhỏ, hiệu sách hay các phòng triển lãm tranh ảnh. Chẳng bao lâu phà cập bến, nàng tìm chỗ đậu xe rồi tản bộ dọc theo con phố nhỏ. Các gian hàng đã đông người, người ra vào tấp nập. Nghe tiếng nói cười ròn rã của các cô gái xinh xinh đang đùa rỡn trước cửa một quán cà phê Đỗ Quyên như vui lây niềm vui tuổi trẻ.

Thời gian trôi nhanh, thăm gian hàng này, ngắm món kia chẳng bao lâu đã ba giờ chiều nắng gay gắt khó chịu, nàng phân vân nửa muốn về nhà, nửa muốn vào phòng triển lãm tranh bên kia đường. Nếu không được nhìn các bức hoạ màu nước Đỗ Quyên cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó trong cuộc viếng thăm Winslow. Nàng hối hả băng ngang đường như sợ mình sẽ đổi ý, đổi ý cũng là một bệnh của Đỗ Quyên.

Bước chân vào phòng triển lãm, nàng có một cảm giác là lạ không giải thích được. Nàng cứ ngẩn người ngắm các bức tranh: nào bức tranh vẽ các hoa lai lắc bốn cánh nhỏ màu tím đang e lệ trong nắng sớm, vạt nắng chiếu xiên xiên qua tấm màn cửa mỏng với các hạt bụi đang tung tăng nhảy múa, nào bức tranh hoa táo sống động màu hồng nhạt mãn khai hay hàm tiếu, Đỗ Quyên có cảm tưởng nàng biến mình trong cái thế giới yên ắng của các vườn táo nằm trên triền đồi Columbia. Đỗ Quyên thích nhất bức tranh vẽ một cô bé gái thả diều ngoài đồng cỏ dưới vòm trời trong xanh. Con diều no gió lờ lững trên cao, cô bé ngước mắt nhìn. Cô bé đang cười có vẻ thích thú với con diều xinh xinh. Tim Đỗ Quyên hồi hộp, mắt nhìn sững vào bức tranh vẽ …trúc cao gầy, giàn hoa đậu tía và chiếc cổng tre cho Đỗ Quyên một cảm giác thân quen.

Linda cô bán tranh thấy nàng thờ thẫn trước bức tranh, nhìn nàng cười tươi và nói hoạ sĩ là người ở Winslow, cô đưa cho Đỗ Quyên tấm thiệp địa chỉ hoạ sĩ và nói: ‘ Họa sĩ còn nhiều bức tranh rất nghệ thuật và họa sĩ làm việc tại nhà.’

Đỗ Quyên nói với Linda là nàng thích hai bức tranh Ngõ Trúc và bức tranh Cô bé thả diều, chúng gợi cho nàng nhiều kỷ niệm tuổi nhỏ. Linda cho biết anh chàng họa sĩ có một khu vườn rất đẹp và rất thơ. Nghe tới vườn hoa, Đỗ Quyên tò mò muốn đi thăm khu vườn. Linda cho biết họa sĩ đi du lịch chưa về, nhưng người làm vườn lúc nào cũng có mặt. Đỗ Quyên nhìn đồng hồ, gần bốn giờ chiều, còn sớm, nàng theo bản đồ đi thăm khu vườn có cái cổng trúc.

Theo bản đồ Đỗ Quyên lái xe theo các con đường thẳng tắp, khoảng nửa tiếng tìm nhà, kià là cái cổng hoa đậu tiá và các khóm trúc cao. Cổng tre làm tăng thêm vẻ đẹp của vườn, đường vào vườn tráng nhựa chạy vòng vèo giữa các cội đào um tùm lá màu đỏ rượu vang, các cội mộc lan lá to xanh bóng, đây đó còn sót lại vài bông hoa nở muộn màu tím hồng như hoa sen, các cội phong Nhật lá mỏng manh, được cắt tỉa gọn im, và các bụi đỗ quyên. Đậu xe, Đỗ Quyên nhìn quanh tìm người làm vườn nhưng không thấy ai, nàng cất giọng:

-Có ai trong vườn không? Nàng cao giọng hỏi hai ba lần vẫn không ai trả lời.

Vườn vẫn im lìm, nghe tiếng nàng vài con chim bay vội lên cao hay lẻn vào các bụi hoa. Đỗ Quyên lạc vào một thế giới màu xanh, êm đềm, các giọt nắng ấm xuyên qua lá, rơi trên thảm cỏ xanh, lá xanh, nắng lung linh trên cành cao, và bầu trời trong. Chỉ có tiếng chim ríu rít trên cành, chỉ có tiếng gió rì rào, chỉ có mùi hương thoang thoảng trong không gian, và cái tĩnh lặng của khu vườn. Đỗ Quyên quên người làm vườn, quên anh chàng hoạ sĩ chủ nhân khu vườn, nàng lướt nhẹ trên cỏ xanh, con đường tráng nhựa đứt ở đoạn nào nàng cũng không nhớ. Càng vào sâu trong vườn, cây càng cao và um tùm, ngửi được mùi rong biển nàng đoán vườn gần bờ nước. Một chiếc cầu nhỏ trôi giữa các mảng lá lấp lánh nước, các bông hoa trắng trôi đó đây. Xa xa là mặt nước mênh mông, và rặng núi Olympic với các mảng tuyết trắng.

Đỗ Quyên quên thời gian, nhìn đồng hồ gần 5:30 giờ chiều, nàng vội trở lại chỗ đậu xe, đang đi nàng khựng lại vì đằng sau cội đỗ quyên, một anh chàng cao cao, cặp mắt to đang nhìn nàng mỉm cười, nửa như vui mừng nửa như tò mò hỏi cô là ai, dám vào vườn tôi không xin phép. Nàng nhìn anh chàng sững sờ như ngừng thở, chân nàng như bị nhựa dính lại không cho bước, anh chàng vẫn mở to mắt nhìn nàng gật đầu chào, không hẹn cả hai cùng bước về hướng của nhau.

Tránh những giây phút ngại ngùng, nàng cười tươi, tay cầm tấm thiệp Linda cho, cất cao giọng: ‘Xin lỗi, phải ông là hoạ sĩ Andrew Le. Vườn đẹp quá, tôi tìm người làm vườn nhưng không thấy, thành thử... thành thử...

Andrew hiểu ý, nói: ‘ Ông ta đi dự đám cưới con một người bạn ở Seattle hôm nay.’ Đỗ Quyên thở phào nhẹ nhõm Anh chàng hoạ sĩ nhìn nàng hỏi: ‘Cô thấy vườn thế nào?’ Anh chàng hoạ sĩ tiếp tục: ‘Vườn này của một người mê làm vườn và hiểu biết nhiều về cây cảnh, bà dành rất nhiều thời giờ săn sóc vườn. Bà lớn tuổi nên không kham nổi cái vườn quá lớn, và tôi là người may mắn mua được vườn của bà.’ Andrew nói tiếp: ‘ Ít khi có một cô Á châu đến thăm vườn. Cô là người đầu tiên vào vườn này đây. Cô ghé kiosh ngoài phố?’, Andrew nhìn nàng ngập ngừng hỏi ‘cô muốn xem tranh?’

Đỗ Quyên nhìn đồng hồ gần 6:00 giờ chiều, rồi nhìn Andrew phân vân, nàng muốn trở lại một ngày khác xem tranh và thăm vườn.

-Cô có vẻ vội.

-Tôi sợ trễ chuyến phà bẩy giờ chiều.

-Cô cần về gấp? Nếu không cô có thể đi chuyến phà 8:30 chiều, mùa hạ cho nên cô không lo tối. Nếu cô đổi ý, nhà tôi đằng kia, rồi Andrew chỉ tay về hướng các cây đỗ quyên, nóc ngói đỏ nhô cao. Tôi thèm một ly trà sen nóng.

Andrew quay mình đi về nhà, Đỗ Quyên theo sau không biết nói thế nào, nàng có cảm tưởng mình nhỏ bé. Anh chàng hoạ sĩ này nàng chưa gặp lần nào, sao nghe giọng nói, dáng đi như là một người nào đó trong tiềm thức nàng không nhớ được. Nàng đang moi óc xem anh chàng họa sĩ này nàng gặp ở đâu mà không nghĩ ra, nàng thở dài nhè nhẹ như bất lực trước một mãnh lực vô hình nào đó đang đẩy nàng theo người lạ.

-Cô thích trà.

-Không. Tôi thích Starbucks.

Tiếng cười nhẹ, như đồng ý.

-Phần lớn người ta thích Starbucks, tôi lại thích trà. Không gì thú vị bằng thưởng thức trà trong sự tĩnh lặng của khu vườn. Cô cứ tự nhiên xem tranh, để tôi đi pha trà rồi sẽ tiếp chuyện với cô. Phòng tranh bên trái, mời cô.

Nói rồi Andrew biến mất vào nhà. Đỗ Quyên bỡ ngỡ, nửa muốn cáo từ, nửa như bị giọng nói im ấm, đôi mắt to, và nụ cười có duyên của Andrew níu cô ở lại. Đỗ Quyên ấp úng không biết nói thế nào, nàng nghĩ thật là khổ, bị bắt quả tang, nửa muốn chạy ra khỏi vườn, nửa muốn xem tranh. Vô tình nàng đi vòng vòng các bụi đỗ quyên, nàng phân vân thẫn thờ, bất ngờ nghe tiếng.

-Thưa cô! Mời cô dùng trà.

Nhìn tấm thiệp còn trong tay Đỗ Quyên, anh chàng cười tinh quái hỏi nàng: ‘Cô biết tên tôi…’ Đỗ Quyên biết là anh chàng muốn hỏi tên nàng, Đỗ Quyên giận nàng thiếu lịch sự, mọi ngày nàng rất tự tin, đối đáp nhanh nhẹn, không hiểu anh chàng hoạ sĩ này là ai làm cho nàng luống cuống, ngơ ngẩn như ngày còn bé, mặt nóng bừng.

Nàng thở mạnh như lấy can đảm, ngắt lời anh chàng hoạ sĩ, Đỗ Quyên nhoẻn miệng cười thật tươi, mắt chớp chớp làm duyên, nụ cười mỗi khi nàng muốn cua một anh chàng nào đó, nàng giơ tay nói: ‘Quyên! Tên tôi là Đỗ Quyên’

Anh chàng họa sĩ nói:‘Đỗ Quyên. Tên một loài chim hay tên hoa. Cô thích hoa đỗ quyên chứ? Tôi họ Lê và là người Việt. Cô đến đây năm nào?’

-1975. Chạy trốn Công Sản. Nhiều khi những bất hạnh xẩy cho con người lại có các điều may đi theo. Nếu không vì họ, tôi đâu có dịp thăm vườn hoa và ngắm tranh của hoạ sĩ. Thật là lạ, như một định mệnh chúng ta là ai, tại sao không gặp nhau ở Saigon, hay Đà Lạt mà lại gặp nhau ở Winslơw xa lạ.

Nàng hỏi: ‘Còn ông, cũng 1975?’

Anh chàng cười nhẹ rồi lảng sang truyện khác.

-Tôi vừa đi Taiwan. Cô thử món chè lam này xem có ngon không. Không biết cô còn nhớ, có lẽ cô qua đây chắc còn nhỏ, không có mấy kỷ niệm về quê nhà. Trà mạn sen nóng phải đi đôi với chè lam. Tôi thích uống trà mạn sen với chè lam là thế. Thú pha trà và thưởng thức trà rất Việt Nam những ngày tôi còn trẻ.

Đỗ Quyên lòng như trong mơ, tim nàng như ngừng đập, chân nàng đứng không vững, khu vườn quay tròn, nàng phải dựa vào cây cột… nơi hai người đang nói chuyện.

Andrew nhìn gương mặt tái xanh, hơi thở dồn dập, anh dìu Đỗ Quyên ngồi xuống ghế rồi lấy cho nàng ly nước lạnh.

-Cô làm sao thế, cô chắc bị cảm nắng.

Đỗ Quyên nhắm mắt, uống ừng ực ly nước lạnh cho tỉnh. Thò tay vào túi lấy miếng chocolate nàng nói: ‘Tôi có cái bệnh đói là mặt mày xanh lè.’

Đỗ Quyên thầm nghĩ ...không chè lam nào ngon bằng chè lam Phủ Quảng, và trà sẽ không ngon nếu trăng không tròn và quỳnh không nở. Nàng ước anh chàng hoạ sĩ nói về thú thưởng thức trà nhiều hơn, xem anh có phải là An những ngày nàng còn bé.

Andrew có vẻ lo âu nói: ‘Cô nên nghỉ mệt một lúc coi thế nào.’

-Cám ơn hoạ sĩ. Tôi có sao đâu. Tôi khoẻ rồi, chỉ cần một chuyến phà, 10 phút sau là tôi tới nhà.

Đỗ Quyên nhìn mắt người hoạ sĩ, nhìn miệng cười, nàng nghĩ không lẽ là người năm xưa, người cùng nàng đứng trên con đê nổi nhìn chiều rơi. Người anh tuổi dại nàng đã hứa đi tìm, một năm, 10 năm, một trăm năm nàng cũng đi tìm. Nàng quên anh từ lâu, từ ngày vào Nam, hơn 20 năm trời xa cách. Đỗ Quyên nhoài người muốn cầm tay anh chàng hoạ sĩ và hỏi anh còn nhớ em không, con bé hay khóc hay nhè. Đỗ Quyên nghĩ thầm mình điên mất rồi và không muốn bị cho là ngu xuẩn nàng quyết định rời xa người này ngay. Nàng nghĩ người… giống người là thường, bắc kỳ… thích trà sen, hoa quỳnh nở và nói chuyện phiếm các đêm trăng. Nàng nhủ thầm, cô ơi về đi, đừng tưởng tượng nữa, cũng vẫn cái bệnh mơ mộng viển vông. Đỗ Quyên nghĩ, ngày mai nàng sẽ đi phố, mua cho mình một quần Jean, đôi giầy leo núi, cắt tóc kiểu mới cho hợp thời trang và nằm dài nghe nhạc, thả hồn lang thang. Đỗ Quyên muốn cắt đứt cái quá khứ nhiêu khê của mình. Nàng nghĩ cứ leo núi như các con bạn Mỹ, mệt lả người là hết suy nghĩ mơ mộng. Nàng quyết định đổi cái định mệnh của nàng.

-Làm phiền hoạ sĩ quá, hy vọng được xem tranh của hoạ sĩ một ngày khác (nhưng cái đầu Đỗ Quyên hình như đang thì thầm cùng nàng An bằng xương bằng thịt đang đứng cạnh nàng, đang nói chuyện với nàng, và cả hai đang thở chung mùi hương đỗ quyên nở muộn, mùi thơm rất nhẹ.)

-Để tôi theo xe cô ra bến phà, cô không phiền chứ?

Đến bến phà, nàng cám ơn anh chàng họa sĩ, và cho anh số phôn nhà nàng và hứa sẽ gọi khi đến nhà khi nàng từ giã Andrew.


***

Sáng sớm một ngày chúa nhật năm sau, nghe tiếng chuông reo, Đỗ Quyên mỉm cười, biết ngay là của ai nhưng không trả lời. Nàng nằm cuộn tròn trong nệm ấm, nghe nhạc, thả hồn lang thang.

Đỗ Quyên... Đỗ Quyên... Đỗ Quyên. Cô cho tôi ngắm ráng chiều hôm nay được không. Tiếng cười nhẹ trong máy thu băng lời người nhắn.

Switch mode views: