Món nợ không trả được
- Thứ Tư, 31 tháng Mười Hai năm 2014 20:00
- Tác Giả: Phan Xuân Sinh
Tôi có một người bạn tên Thanh, quê ở Đại Lộc Quảng Nam. Mỗi lần nó xuống Đà Nẵng chơi, nó thường dẫn tôi đi uống cà phê hay đi ăn. Học sinh nghèo ít có dịp đi nhà hàng, nên mỗi lần trên quê xuống chơi bao giờ nó cũng lận lưng một ít tiền để đi chơi với tôi. Một lần nó xuống với một thằng bạn cùng quê tên là Bảo, ăn ở nhà tôi hai ba ngày rồi về lại Đại Lộc. Thỉnh thoảng Bảo ghé nhà tôi chơi mặc dù không có Thanh. Tôi xem Bảo như một người bạn, có khi ngủ lại nhà tôi. Bảo tính tình cũng dễ thương, đời sống của nó không được thoải mái như Thanh nghĩa là ít khi nào có tiền trong túi. Tôi thường dẫn Bảo đi uống cà phê, dù sao tôi cũng chạy chọt được tiền để đãi bạn nghèo. Tôi xem Bảo như Thanh, một người bạn quý của tôi.
Một buổi chiều sau khi đi học về, tôi thấy thằng Bảo đứng ngoài ngõ chờ tôi. Bảo nói với tôi là tối nay nó đi ăn đám cưới ở nhà một người bà con, nhưng không có một bộ áo quần nên hình nên nó tới nhà mượn tôi một bộ đồ. Tôi không ngần ngại lấy cho nó mượn bộ quần áo mới may hôm Tết. Khi nó thay đồ xong đi ra, tôi nhìn thấy dưới chân nó mang đôi dép Nhật mòn lĩn, tôi cởi đôi giầy đang mang đưa cho nó luôn. Nó bảo ngày mai sẽ mang tới trả cho tôi để tôi đi học. Tôi cũng nói cho nó biết là tôi chỉ có hai bộ áo quần thay đổi và chỉ có một đôi giày nên cố gắng trả cho tôi sớm. Nó gật đầu rồi ra đi có vẻ thích thú với bộ đồ vừa vặn. Ngày mai chủ nhật ở nhà tôi chờ mãi vẫn không thấy thằng Bảo tới. Tôi đem bộ đồ của nó để lại ra xem, bộ đồ sờn rách, áo trắng đã ngả màu cháo lòng, dơ dáy hôi hám. Tôi đem đi giặt để khi nó trả đồ cho tôi, nó có một bộ đồ sạch sẽ. Tôi chờ mãi hết ngày nầy qua ngày khác vẫn không thấy nó đến trả đồ cho tôi. Tôi chỉ còn “nhứt y, nhứt quởn” nên phải chia lịch trình thứ hai, thứ ba mặc xong thứ tư giặt đồ. Thứ năm, thứ sáu mặc xong là thứ bảy giặt đồ. Khổ nhất là đôi giày tiền đâu để mua đôi giày mới? Lúc đó học sinh Trung học đệ nhị cấp phải mang giày chứ không được mang dép. Tôi đành phải cạy tủ của cậu tôi để mượn đôi giày. Chân của cậu tôi lớn nên khi tôi mang đôi giày rộng rinh, phải lấy giẻ rách độn phía trước mũi giày mới khỏi bị sút ra. Tuy thế vẫn thấy đôi giày quá khổ trông thật tức cười. Xin nói rõ cậu tôi đi lính đóng ở Quảng Ngãi thỉnh thoảng mới về phép. Mỗi lần mở tủ nhìn thấy bộ áo quần của thằng Bảo, tôi tức điên người, không ngờ mình có một thằng bạn đốn mạt như vậy. Một bộ áo quần với người khác có mất cũng không quan trọng, còn đối với tôi một thằng học trò nghèo, sắm được một bộ quần áo không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế nên tôi cứ ấm ức mãi chuyện nầy một thời gian dài. Sau nầy tôi cũng nguôi ngoai và nghĩ lại mất một bộ quần áo không đáng tiếc, mất đi một người bạn đáng tiếc hơn. Dù sao sau nầy Bảo không mặt mũi nào gặp lại tôi.
Thanh thỉnh thoảng ra thăm tôi, trong khi ngồi uống cà phê tôi có hỏi thăm về Bảo, Thanh cho biết Bảo đi Sài Gòn làm ăn để giúp mẹ vì gia đình nghèo. Nghe chuyện nầy thực tình tôi xúc động và cảm thấy thương nó. Cực chẳng đã nó mới làm một việc như vậy. Mấy lần thằng Thanh ra Đà Nẵng đi chơi với tôi, tôi không hề kể chuyện thằng Bảo mượn áo quần của tôi rồi đi luôn, nên Thanh hoàn toàn không biết chuyện nầy.
Chuyện của thằng Bảo xem như quên lãng, khuôn mặt của nó lâu quá tôi cũng không còn nhớ. Rồi cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. Tụi tôi lần lượt vào lính, mỗi thằng mỗi ngã ít có dịp gặp lại. Thanh ra trường về Tiểu khu Quảng Tín, tôi về Trung Đoàn 51 Biệt Lập đóng quân ở Cẩm Hà, Quảng Nam với chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Viễn thám. Một buổi trưa nọ không đi hành quân tôi thiu thiu ngủ thì người thư ký của dại đội đến phòng tôi gõ cửa và bảo với tôi rằng có ba người lính mới tăng cường bổ xung cho Trung đội của tôi. Tôi ra mở cửa bất thần tôi nhìn thấy Bảo, một trong ba nười lính mới. Bảo cũng kinh ngạc khi nhìn thấy tôi, tôi chắc trong lòng Bảo lo lắng, Bảo cúi mặt không dám nhìn thẳng vào tôi. Tôi mời tất cả vào phòng, tôi nói với Bảo là đi đâu mà bao nhiêu năm biệt tích không gặp lại bạn. Bảo cho biết sau bữa đám cưới người bà con là hắn đi Sài Gòn làm ăn được vài năm thì bị bắt lính. Nó ở nhiều đơn vị, đào ngũ nhiều lần, cuối cùng trốn về quê ở Đại Lộc làm ruộng bị nghĩa quân xã bắt vì tội đào ngũ, đưa làm lao công đào binh sau vài tháng được cho trở về đơn vị, Trung Đoàn 51 nhận. Tôi bảo nó thôi ở đây chứ đừng đi đâu nữa, nó hứa với tôi là nó không đào ngũ.
Chừng vài tháng sau nó nhận được thư nhà là mẹ nó đau nặng, nó nhờ tôi xin giùm cho nó về phép. Hình như những lao công đào binh khi trở lại lính chính quy, sau một năm mới được đi phép, tôi nhớ mang máng như vậy, nhưng tôi cũng xin cho nó với đại đội trưởng khi chúng tôi ngồi ăn cơm. Ông bảo với tôi trường hợp thằng Bảo khó cho nó đi vì nó đã năm lần bảy lược đào ngũ. Nói vậy, nhưng sáng hôm sau ông gọi nó lên trình diện rồi cho nó năm ngày phép. Hết năm ngày không thấy nó vào, hai mươi mốt ngày sau đơn vị báo cáo đào ngũ. Khi ngồi ăn cơm ông Đại Đội Trưởng nói với tôi: “Ông thấy không, mấy thằng lính nguyên là lao công đào binh không thể tin chúng nó được, hở ra là trốn ngay chứ đừng nói chi là đi phép. Mình giúp cho nó phương tiện đào ngũ dễ dàng. Từ nay đừng mắc phải sai lầm nầy”. Tôi nghe ông nói cảm thấy mình có lỗi quá, từ nay về sau không xin cho ai nữa. Ai muốn đi phép lên thẳng Đại Đội Trưởng mà xin. Ông không quở trách tôi một tiếng, không nói nặng nhẹ với tôi, nhưng tôi cảm thấy đau điếng. Như vậy thằng Bảo đã hai lần sai với tôi. Lần nầy tôi cũng đoán nhận ra được là Bảo đã gặp một điều gì bất trắc, không thể giải quyết được nên đành phải đào ngũ.
Ba tháng sau tôi nhận thư của nó gửi. Trong thư nó cho biết là nó xin lỗi vì thất hứa với tôi. Nhưng không ở lại đơn vị vì mỗi sáng trông thấy tôi, nó cảm thấy xấu hổ. Xấu hổ thứ nhất là mượn áo quần của tôi khi còn đi học mà không trả, thứ hai là người bạn thành người chỉ huy của mình. Một cuộc gặp gỡ oái oăm mà nó không bao giờ muốn, thế mà trời xuôi đất khiến lại gặp nhau chỗ nầy. Nó cảm thấy cay nghiệt và nhục nhã. Mấy tháng trong đơn vị nó lẩn tránh tôi, trường hợp bất khả kháng nó mới gặp. Nó phải làm cái gì đó để trả lại những món nợ cho tôi, những ưu ái mà tôi đã dành cho nó. Trong thư nó kể dài dòng về cuộc sống nghèo khổ của nó, người mẹ tảo tần không nuôi nổi con, cha đi tập kết bỏ hai mẹ con ở lại. Lời phân bua cho tôi biết hoàn cảnh của nó như vậy nên đưa đẩy nó làm càng. Chứ nó không phải là người đốn mạt như vậy. Nó xin tôi tha lỗi. Đọc thư nó tôi rất xúc động, nhưng mọi chuyện xem như đã an bài. Nó thề, có ngày sẽ gặp lại tôi trong một thế thượng phong chứ không như bây giờ, nói viết trong thư mà tôi có cảm tưởng như nó nhìn thẳng vào mặt tôi nhìn, chứ không như bây giờ phải cúi xuống và luôn luôn lẫn tránh. Tôi tự hỏi tại sao nó phải hành hạ nó như vậy? Trong lúc tôi hoàn toàn không ghi điều sai trái của nó trước đây trong lòng.
Có lần Thanh về phép gặp tôi ngoài phố, hai đứa đưa nhau vào cà phê. Tôi hỏi Thanh có gặp Bảo không? Thanh nói nhỏ với tôi là nó đi theo quân giải phóng rồi. Tôi có nói cho Thanh biết là Bảo trước đây ở đơn vị của tôi, ngoài ra tôi không nói gì cho Thanh biết về chuyện mà Bảo đã lấy của tôi một bộ áo quần khi còn đi học. Tất cả mọi chuyện trôi vào quên lãng. Nghe tin nó đi theo quân giải phóng, tôi giật mình, chỉ có con đường nầy mới giải quyết những rối rắm trong lòng nó. Tôi hoàn toàn không thể ngờ rằng sự toan tính của nó sau nầy lại ứng với điều nó mong mỏi. Chuyện của Bảo dần dần quên lãng. Hằng ngày tôi vẫn đi hành quân, vẫn sống thanh thản, mỗi lần đi hành quân trong vùng Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang tôi lại nghĩ tới Bảo. Biết đâu ở phe bên kia Bảo đã đụng độ với chúng tôi. Hoặc, mỗi khi có một chiến binh Việt Cộng nào chết, tôi cũng lật lên xem mặt, biết đâu người đó là Bảo. Cứ thế nó trở thành một thói quen với tôi. Cho đến ngày tôi bị thương, nỗi ám ảnh đó mới chấm dứt.
Tôi sinh sống tại Sài Gòn từ cuối năm 74, tôi có một hãng bột giặt tại đường Đinh Bộ Lĩnh, gần ngã ba Hàng Xanh, nơi nầy chỗ ở và cũng là nơi làm việc của chúng tôi, có chừng gần năm mươi công nhân làm việc tại đây. Buổi trưa tất cả thợ thầy đều nghỉ, thì thằng cháu vào phòng gọi tôi, có một người bộ đội muốn gặp tôi. Tôi chạy ra thì trông thấy Bảo. Tôi rất ngạc nhiên tự hỏi tại sao Bảo lại biết tôi ở đây? Tôi đưa tay ra bắt và mời Bảo vào văn phòng nơi chúng tôi tiếp khách. Bảo nhìn quanh rồi nói với tôi: “Giải phóng, những sĩ quan của chế độ Miền Nam ai cũng te tua sất bất, mà bạn, tôi thấy phây phây, sung túc, giỏi thật”. Tôi trả lời một cách thành thật: “Thì cái khó ló cái khôn. Người ta khỏe mạnh thì làm ruộng, đạp xích lô. Còn mình yếu đuối phải tìm cái gì đó nhẹ nhàng để làm, chứ không thì chết đói". ”Ủa, sao bạn không khỏe mạnh à?". Tôi cho Bảo biết là khi bạn rời khỏi đơn vị chừng vài tháng sau là tôi bị thương mất bàn chân phải tại Cẩm Hải trong mùa Hè khốc liệt 1972. Bảo nhìn tôi rớm nước mắt rồi nói lời xin lỗi vì không có ai cho Bảo biết điều nầy. Tôi lấy xe Honda chở Bảo tới một cái quán bia hơi gần chợ Bà Chiểu vừa uống vừa nói chuyện.
Bảo kể cho tôi nghe chuyện của Bảo. Bảo kể khi mượn bộ áo quần của tôi đi đám cưới, trong lòng nghĩ rằng ngày mai giặt giũ sạch sẽ mang trả lại cho bạn. Thế nhưng trong đám cưới gặp một người bà con ở Sài Gòn làm nghề dệt tại Ngã Tư Bảy Hiền. Họ nói với tôi đi với họ, họ cho tiền xe, vào tới Sài Gòn họ bao ăn ở. Đang khi nghèo, đói khát, nghe được tin nầy tôi đi ngay. Ngồi trên xe đò tôi nghĩ tới bạn, chắc giờ nầy bạn trông tôi tới nhà để trả lại bộ áo quần. Tôi biết bạn cũng nghèo, cũng khó khăn chứ có dư giả gì đâu.Thế nhưng dù sao bạn cũng còn một bộ áo quần lành lặn có thể cầm cự năm bảy tháng. Còn tôi bộ đồ đã sờn rách, không có khả năng may cái khác. Lại phải đi Sài Gòn cần một bộ đồ hơn. Vì vậy tôi quyết định lấy bộ đồ của bạn, chấp nhận những điều bạn nguyền rủa, khinh khi tôi.
Tôi hứa với lòng mình khi lãnh được tiền lương tôi sẽ ra tiệm may lại cho bạn hai bộ quần áo, hai đôi giày trả cho bạn, để bạn thay đổi khi đi học. Tôi đã thực hiện lời hứa nhưng không có ai quen về Đà Nẵng để tôi gửi cho bạn. Hai bộ quần áo tôi giữ năm nầy qua năm khác đến khi tôi bị bắt quân dịch. Bộ áo quần nầy đã dày vò tôi suốt năm nầy qua năm nọ, tôi khổ sở với nó. Thấy học sinh mặc đồng phục quần xanh, áo trắng là tôi nghĩ tới bạn, người đã giúp tôi có được áo quần tương đối sạch sẽ để dự đám cưới của đứa em. Trời đã phạt tôi để tôi gặp lại bạn trong hoàn cảnh nghiệt ngã, bạn là cấp chỉ huy của tôi. Bạn không hề nhắc lại bộ quần áo mà chỉ hỏi thăm sức khỏe trong lần gặp lại đầu tiên, làm cho tôi càng thêm thẹn với lòng. Cử chỉ bao dung của một con người ở thế thượng phong, đã làm cho tôi kính nễ nhân cách cao quý của bạn. Những ngày sống trong đơn vị, tôi biết bạn đã dành cho tôi những đặc ân khó quên, chính điều nầy tôi càng thấy mình hèn hạ đáng khinh. Tôi không thể mang tâm trạng nầy mãi được, nên tôi tìm cách phải rời xa đơn vị càng sớm càng tốt, để bạn khỏi vì tôi mà không công bằng với anh em dưới quyền của bạn.
Về đến nhà tôi thẫn thờ mãi không biết phải làm gì, phải theo con đường nào cho hợp lý. Theo quân giải phóng thì tôi không thích mặc dù cha tôi là người của phe bên nầy. Dù sao đi nữa tôi đã sống với chế độ Miền Nam từ nhỏ tới lớn, đã quen với lối sống tự do khó chấp nhận cuộc sống khắc khổ. Còn trở lại đơn vị thì gặp bạn, tôi cảm thấy đau khổ, lương tâm tôi dày vò mãi. Tôi và bạn ai cũng trốn chạy sự thật. Bạn không nhắc lại chuyện cũ vì sợ tôi xấu hổ. Còn tôi không dám nhắc lại vì không đủ can dảm. Chính vì vậy mà hai bên cảm thấy xa nhau. Cuối cùng tôi quyết định theo quân qiải phóng, con đường nầy đối đầu với bạn. Biết đâu một ngày nào đó phe bên tôi thắng trận, gặp lại bạn tôi không còn mặc cảm thua thiệt. Tôi có thể giúp bạn khi thấy bạn khó khăn, để trả lại món nợ cũ, một món nợ nhỏ nhoi mà trở thành vô giá với tôi. Trời không phụ lòng tôi, tôi là người vui sướng nhất khi quân giải phóng thắng trong cuộc chiến nầy. Tôi không còn phải cúi gầm mặt khi gặp lại bạn, tôi có thể dang tay ra giúp bạn, tôi có thể ngồi ngang hàng với bạn để nói chuyện. Khi biết sĩ quan quân đội miền Nam bị lùa vào trại cải tạo, nếu bạn còn sống chắc chắn bạn không tránh khỏi mẻ lưới rộng lớn mà cộng sản giăng ra quật ngã anh em.
Năm đầu, tôi phải chờ sự bố trí của thượng cấp, phải ổn định đời sống rồi tôi mới ra Đà Nẵng tìm nhà của bạn để hỏi thăm tin tức về bạn. Tôi gặp được ông già của bạn, tôi tự giới thiệu là bạn hồi nhỏ với bạn, nếu bạn đi học tập ở đâu tôi sẽ tới thăm. Bác cho tôi biết bạn đang sống ở Sài Gòn và cho tôi địa chỉ. Trên đường về Đại Lộc, tôi thắc mắc mà không dám hỏi Bác. Tại sao bạn là sĩ quan mà không đi học tập, bạn trốn học tập à? Vào đây rồi tôi mới hay là bạn bi thương, tôi thở phào nhẹ nhỏm. Nhìn cơ ngơi của bạn, nhìn cuộc sống thoải mái của bạn tôi cảm thấy mừng cho bạn. Nói cho cùng bạn xứng đáng hưởng những ân sủng của thượng đế dành cho. Thú thật, Tôi có mang vào một số tiền nho nhỏ để giúp bạn vì tôi biết các sĩ quan cũ ai cũng chật vật, cũng khó khăn, bạn cũng vậy thôi. Gặp lại bạn mới biết bạn thành công ngoài sức tưởng tượng của tôi. Thôi mừng cho bạn vậy. Món nợ của bạn tôi mang suốt cuộc đời nầy. Tôi sẽ kể lại cho con tôi biết bài học lớn trong đời tôi. Sống trong nghèo nàn, chấp nhận túng thiếu. Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được tấm lòng ngay thẳng, chớ lường gạt người khác. Đó là sự nhục nhã không bao giờ rữa sạch, lương tâm cắn rứt, người đời khinh bỉ.
Bạn cho tôi được trả tiền bữa rượu nầy, xem như tôi có được cơ hội để mời bạn chén rượu tạ lỗi. Lặn lội từ Đà Nẵng vào đây mong có dịp giúp bạn, thế mà vẫn không làm được. Mong bạn hiểu cho tấm lòng của tôi, dù tôi biết bạn xem chuyện nầy không có gì. Thế nhưng với tôi là một điều không thể tha thứ được.
Tôi im lặng nhìn và nghe Bảo nói. Nói ra được để nhẹ bớt những u uất trong lòng bao nhiêu năm nay. Tôi thấy tội nghiệp cho Bảo, nhầm lẫn một việc làm mà hối hận suốt cả cuộc đời. Ước gì lúc nầy tôi nghèo rớt mồng tơi để Bảo có dịp giúp tôi thì hay biết mấy, Bảo cảm thấy đã trả lại cho tôi một món nợ. Còn bây giờ Bảo vẫn còn mang tâm trạng một “món nợ không thể trả” dù biết mình có thừa khả năng làm chuyện nầy. Nhìn thấy Bảo trầm tư trước ly bia đầy mà không thể uống cạn, hình như có cái gì đã chặn ngang cổ họng. Để giải tỏa không khí nặng nề bao quanh bữa rượu. Tôi lên tiếng như một cách xoa dịu, một lời an ủi: “Bạn và tôi uống cạn ly bia nầy”. Chúng tôi ngửa cố uống hết. Đặt ly xuống bàn tôi nói với Bảo là mặc cảm của bạn quá lớn. Khi Thanh nói với tôi là bạn đi Sài Gòn tìm việc làm để giúp mẹ, tôi giật mình. Tôi hãnh diện được quen với một người con hiếu thảo như bạn. Nếu lúc đó biết chuyện nầy sớm thì dù bạn có mang tới trả lại bộ đồ cho tôi, tôi cũng không nhận để bạn có một bộ đồ lành lặn khi bước vào nơi làm việc đầu tiên. Bạn bè làm chung khỏi nhìn bạn với con mắt khinh khi, một thằng Quảng Nam vào ăn mặc rách rưới như một tên ăn mày. Dù sao bạn cho tôi góp một bàn tay với bạn. Nếu biết bạn đi xa như vậy thì một bộ áo quần có nghĩa chi để bạn phải bận tâm như vậy. Bạn biết không, khi bạn bước chân vào đơn vị gặp tôi, thật tình tôi vừa kinh ngạc, mà cũng vừa thương xót cho bạn. Sao lại có một cuộc gặp gỡ cay nhiệt như vậy ? Cuộc đời nầy sao tàn nhẫn quá phải không ? Vì vậy, sau buổi gặp lại, tôi suy nghĩ phải tìm cách giúp bạn. Với sĩ quan tép riu như tôi thì làm sao giúp được bạn. Tôi biết gia cảnh của bạn một mẹ một con thì thế nào bạn cũng được cứu xét ở một đơn vị không tác chiến. Nhưng trường hợp của bạn trước đây là quân nhân đào ngũ thì phải ráng ở đơn vị một thời gian, thế nào rồi bạn cũng trở về gần với gia đình. Thế rồi bạn đào ngũ và gia nhập hàng ngũ quân giải phóng, nghĩ lại lá thư bạn gửi cho tôi, không biết điềm lành hay điềm dữ. Rồi kết cuộc quân Bắc Việt thắng trận, tôi thấy ý định của bạn trở thành sự thật, thâm tâm tôi mừng cho bạn. Ngày hôm nay bạn bè ngồi lại với nhau uống ly rượu mừng là gặp lại nhau sau một cuộc chiến tương tàn, kẻ thắng người thua thân tàn ma dại. Còn lại nhau chút tình, đừng xem nhau như kẻ thù. Bạn biết đó, chúng ta chỉ là những con cờ, hãnh diện làm chi với cái thắng thua.
===================
Related news items:
Tin mới
- Bơ Vơ Phận Già - 11/01/2015 05:20
- Con Quỉ Cái - 11/01/2015 05:13
- Bùa Mê - 11/01/2015 05:04
- Babysitter - 05/01/2015 03:30
- Lên núi tìm chồng - 05/01/2015 03:23
- Giọt Máu Rơi Của Người Lính Chết Trẻ - 05/01/2015 03:15
- Tình Nghĩa, Nghĩa Tình - 05/01/2015 03:07
- Hoa vải - 05/01/2015 03:00
- Bà Nội...Tướng Của Tôi - 03/01/2015 04:36
- Con người có số - 31/12/2014 05:31
Các tin khác
- Sợi Dây Chuyền Kim Cương - 29/12/2014 04:40
- Nàng dâu Nam kỳ - 29/12/2014 04:35
- Nhớ Giáng Sinh xưa - 26/12/2014 15:47
- Những Giáng Sinh trong trại tù Cộng sản - 18/12/2014 05:55
- Tà Áo Noél - 18/12/2014 05:48
- Hoài niệm mùa Giáng Sinh xưa - 18/12/2014 05:39
- Giữa mùa Giáng Sinh - 18/12/2014 05:34
- Lão Martin (Le Père Martin) - 18/12/2014 05:24
- Giáng sinh đặc biệt của Lão Panov - 18/12/2014 05:20
- Có phải là chút duyên… - 18/12/2014 04:56